Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ LÁ MC Năm A (Mt 26, 14-27, 66) 09/04/2017

Câu xướng trước Phúc Âm: Chúa Ki-tô vì chúng ta, đã vâng lời đến chết, và chết trên thập giá.
Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh người, và ban cho Người một danh hiệu vươt trên mọi danh hiệu.
( Pl2, 8-9)

------------------

C. Bài thương khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Matthêu.

 

C. Khi ấy, Chúa Giêsu đứng trước quan tổng trấn và quan hỏi Người rằng:

S. “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?”

C. Chúa Giêsu đáp :

 “Ông nói đúng”.

C. Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Phi-la-tô bảo Người :

S. “Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao ?”

C. Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tùy ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Ba-ra-ba. Vậy Phi-la-tô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng :

S. “Các người muốn ta phóng thích ai, Ba-ra-ba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô ?”

C. Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng :

S. “Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”.

C. Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Ba-ra-ba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ :

S. “Trong hai người đó, các ngươi muốn ta phóng thích ai?”

C. Họ thưa :

S. “Ba-ra-ba !”

C. Phi-la-tô hỏi :

S. “Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô ta phải làm gì ?”

C. Họ đồng thanh đáp :

S. “Đóng đinh nó đi !”

C. Bấy giờ Phi-la-tô thấy mất công lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói:

S. “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi”.

C. Toàn dân đáp:

S. “Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi”.

C. Bấy giờ quan phóng thích Ba-ra-ba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá. Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng:

S. “Tâu vua dân Do Thái !”

C. Đoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Sy-rê-nê tên là Si-mon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người. Họ đi đến một nơi gọi là Gol-gotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng : “Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm”. Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau : “Người này là Giêsu, vua dân Do Thái”. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả. Những người đi ngang qua, lắc đầu chế giễu Người và nói :

S. “Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi !”

C. Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng :

S. “Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua Do Thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!”.

C. Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng :

 “Ê-li, Ê-li, La-ma sa-bac-tha-ni !”

C. Nghĩa là :

 “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi ! Sao Chúa bỏ tôi !”

C. Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng :

S. “Nó gọi tiên tri Ê-li-a”.

C. Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy giấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo :

S. “Hãy chờ xem Ê-li-a có đến cứu nó không?”.

C. Đoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng trong giây lát)

C. Bỗng nhiên màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, sợ hãi và nói :

S. “Đúng người này là Con Thiên Chúa”.

 

Một trong các đặc điểm của bài này là sự phong phú các danh hiệu dành cho Chúa Giê-su, trong chỉ mấy hàng nói lên những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của Ngài. Một người hoàn toàn bị phá huỷ, bị tổn thương từ thân xác đến phẩm giá, bị phỉ nhổ, bị kết án là phạm thượng - một tội nặng nhất dưới mắt đồng bào Người - nhưng đồng thời vô tình được những người nước ngoài tôn vinh và ban cho Ngài những danh chức cao trọng nhất của Do Thái giáo. Chúng ta hãy nhìn lại toàn bộ những gì chúng ta vừa nghe: « vua dân Do-thái, Đấng Mê-si-a, Đấng công chính, và sau cùng là Con Thiên Chúa ».

Vua dân Do-thái. Tổng trấn Phi-la-tô hỏi Chúa: « Ông có phải là Vua dân Do-thái không? » Bằng câu trả lời « Ông nói đúng! » Chúa có vẻ chấp nhận. Trong Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mác-thêu, đó là gần như những lời cuối cùng của Chúa trước khi chết: trong giai đoạn cuối của phiên xử Ngài, đến lúc hành quyết, Chúa không nói gì khác, ngoại trừ một lời cầu nguyện của dân tộc Ngài, bài thánh vịnh 21: «Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? », lời cảm tạ dân It-ra-en nhìn nhận Thiên Chúa luôn luôn cứu độ, ngay trong những lúc nguy khốn nhất.

Danh hiệu vua dân Do Thái được nêu lên ba lần nhưng lúc nào cũng mỉa mai để nguyền rủa Ngài, để nhạo báng tham vọng lố lăng của Ngài. Trước tiên là các binh lính La mã thích thú đùa cợt: họ ngụy trang Chúa thành vua. Vừa đánh đòn Ngài xong, chúng khoác một áo choàng màu đỏ, ứng biến một cái mão gai, một cây gậy làm vương trượng, họ quỳ trước mặt Ngài, tỏ vẻ sùng kính trước đấng bề trên… Chúng ta dễ tưởng tượng não trạng sau Phục sinh của những Ki-tô hữu khi nhớ lại cái vở bi kịch độc ác này: vở kịch dựng lên để hạ nhục Chúa, nhưng nó không thể nào xoá đi sự rực rỡ tính vương giả thật sự của Ngài. Cũng chính thánh sử Mát-thêu này viết: « quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.» (Mt 16, 18)

Sau đó tấm biển treo trên thập giá quả quyét « Đây là Giê-su, vua Do Thái », Thánh Mát-thêu đã có dịp nói cho các đọc giả, ý nghĩa tên Giê-su; khi báo tin cho Thánh Cả Giu-se thiên thần nói: « Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. » (Mt 1, 21). Chúng ta có ở đây trên tấm biển đơn sơ này tất cả mầu nhiệm Chúa Giê-su: vua và đấng cứu độ dân Ngài; đó là Đấng Mê-si-a mọi người hằng momg đợi. Cuối cùng giáo quyền, các trưởng tế, các kinh sư và bô lão cũng quả quyết: « Ông là vua dân Do-thái »  (Mt 27, 11) , trong bài này, mặc dù để chế nhạo Chúa, nhưng Thánh Mát-thêu cũng nhấn mạnh để cho chúng ta hiểu rằng « chúng không biết những đìều chúng nói ».

Danh hiệu « Mê-si-a » được Phi-la-tô nêu lên hai lần trong dịp quả quyết danh tánh Chúa Giê-su, điều này được thốt lên từ miệng vợ của Phi-la-tô, tức là một người ngoại. Bà nhận được một mặc khải, bà nói thấy trong mộng (mọi người biết tầm quan trọng các giấc mộng theo Thánh Mát-thêu). Thì đây chính bà trao tặng cho Chúa Giê-su một danh hiệu cao trọng nhất trong Cựu Ước, đó là một người công chính. Chính bà cũng không ý thức tầm quan trọng các lời bà nói ra, nhưng các Ki-tô hữu, vài năm sau và ngay cả bây giờ, mỗi khi tưởng niệm sự kiện cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, đều phải công nhận rằng các người ngọai đạo, xuất thân từ quân chiếm đóng là những người đầu tiên nói sự thật về Chúa Giê-su, trong lúc vẻ bên ngoài đấng Giê-su dường như bị xoá bỏ khỏi lịch sử nhân loại.

Sau rốt, danh hiệu « Con Thiên Chúa » cũng được gán cho Ngài cũng để nhạo báng. Một đàng là trước mắt người qua lại nhận xét một cách nhẫn tâm sự tương phản giữa cái danh chức to lớn treo trên thập gía và sự bất lực vĩnh viễn của Ngài. Sau đó lại đến phiên các thượng tế, kinh sư và các bô lão thách đố Chúa:  nếu người thật là Con Thiên Chúa thì đâu phải nên nỗi này. Và thật vậy, trong vài trang sách Cựu Ước cũng được viết trong ý nghĩa ấy. Nhưng danh hiệu ấy rốt cuộc sẽ được người sĩ quan La- mã nêu lên và khi ấy nó vang lên như một lời tuyên xưng đức tin « Đúng người này là Con Thiên Chúa ».

Đến đây tôi có cảm tưởng danh hiệu dâng cho Chúa Giê-su như kết thúc bài tường thuật. Câu này tiên báo sự hoán cải các người ngoại và chúng ta hiểu sứ điệp Thánh Mát-thêu: đối với Ngài, cái chết Chúa Ki-tô không phải một thất bại mà là một sự vinh thắng.

Sở dĩ Thánh Mát-thêu làm rõ nét sự tương phản giữa sự yếu đuối của người tử tù và sự vĩ đại của một vài người ngoại, mặc cho vẻ bên ngoài đã nhận ra Chúa, là để cho chúng ta hiểu một điều, nếu nhìn thoáng qua không thể tưởng tượng được: chính trong sự yếu đuối Chúa Giê-su biểu dương uy thế thật sự của Ngài, uy thế của Thiên Chúa, đó là tình yêu vô tận. Không phải vinh quang mặc dù có thánh giá hay vinh quang nhờ thánh giá như thể để bù trừ lại; nhưng vinh quang trong thánh giá và bởi thánh giá; vì đây là một mặc khải tình yêu tột đỉnh, nghĩa là mặc khải Thiên Chúa tình yêu.

Chúa Giê-su đã cho ý nghĩa của cái chết của Ngài: « Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. » (Ga 15, 13). Nếu câu ấy đúng như vậy, Ngài nên chết đi! Và chúng ta hiểu rõ hơn câu sau đây được nói lên ba ngày sau cho mấy môn đệ trên đường Em-mau « Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? » (Lc 24, 26)

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com