Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN III PHỤC SINH Năm A (Lc 24, 13-35) 30/04/2017

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Giê-su, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh;
xin làm cho linh hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. – Alleluia.

-----------------

"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh."

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

 

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.

14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.

15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.

16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.

17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay."

19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.

20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.

21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.

22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,

23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.

24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!

26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?

27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.

29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.

31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.

32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.

34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

 

Các bạn hẳn đã chú ý có sự đối chiếu giữa hai câu (thể văn đóng khung) « mắt họ còn bị ngăn cản » (c16) và câu 31: « Mắt họ liền mở ra ». Điều này có nghĩa là hai môn đệ chuyển qua từ tâm trạng hoàn toàn thất vọng sang phấn chấn chỉ vì mắt họ mở ra.

Và tại sao mắt họ mở ra ? Bởi vì Chúa Giê-su giải thích họ Sách Thánh: « Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. » (c27). Từ đó tôi suy ra Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm Thánh Kinh, hiểu Thánh Kinh phải hiểu tùy thuộc vào Ngài. Thánh Phao-lô còn nói về điều này xa hơn thế nữa trong thư thứ hai gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: « Nhưng trí họ đã ra mê muội. Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Ki-tô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ. 15 Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Mô-sê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ. 16 Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi. 17 Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do » (2Cr 3, 14-17). Thánh Phao-lô muốn nói ở đây, một khi tin vào Đức Giê-su Ki-tô thì Cựu Ước trở nên sáng sủa.

Cũng không nên biến Cựu Ước chỉ còn là một thứ làm cho Tân Ước có giá trị. Đọc các tiên tri như các ngài loan báo sự hiện diện lịch sử của Chúa Giê-su Ki-tô, như thế chúng ta bội phản Cựu Ước và đánh mất đi chiều sâu giá trị lịch sử của Cựu Ước. Cựu Ước là một chứng tá cho lòng kiên nhẫn bền lâu của Thiên Chúa để mặc khải cho dân Ngài và cho họ sống trong Giao Ước. Các lời tiên tri trước tiên là có giá trị cho thời các vị đang loan báo. Ví dụ như khi tiên tri I-sa-i-a loan báo Đấng Em-ma-nu-en sắp đến cho vua A-khát, là ngài báo thật sự có một đứa trẻ được sinh ra và lên nối ngôi vua. Về sau, người ta đọc lại lời tiên ti I-sa-i-a và hiểu với cấp bậc thứ hai, tôi có thể nói cao hơn, rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng thể hiện toàn vẹn lời hứa.

Cũng đừng quên, cách đọc cho rằng Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm lịch sử nhân loại và cũng là trung tâm của Thánh Kinh là cách hiểu theo người Ki-tô. Người Do Thái có cách hiểu khác… Chúng ta đồng ý, giữa Do Thái và Ki-tô hữu đọc Kinh Thánh là để cầu khẩn lên Chúa Cha là Chúa của mọi người và đọc trong Cựu Ước sự chờ đợi ngóng mong lâu dài Đấng Mê-si-a, nhưng chúng ta không quên rằng nhận ra nơi Chúa Ki-tô là Đấng Mê-si-a không phải là dễ! Chỉ được như thế cho những ai một cách nào đó đã «  mở mắt » ra. Khi ấy lòng họ sẽ « bừng cháy » (c32) như hai môn đệ trên đường Em-mau.           

Sau khi giải thích Thánh Kinh cho hai người môn đệ Chúa Giê-su kết luận: « Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? » (c26). Câu này có thể hiểu với hai ý nghĩa.

Cách hiểu đầu tiên chúng ta thường vấp phải: « Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế » mới xứng đáng « vào trong vinh quang của Người ». Chúng ta tưởng tượng một chương trình mọi sự kiện hoàn toàn được sắp xếp trước, chỉ cần thực hiện chương trình ấy. Trong mô hình ấy, Giu-đa chỉ là một nhân vật thực hiện vở kịch đã được viết trước ấy. Thế nhưng hiểu như thế là một « cám dỗ » bội phản Lời Chúa; mô hình ấy trình bày quan hệ Chúa Giê-su với Cha Ngài với mối quan hệ « xứng đáng hay không xứng đáng », đó là lối suy nghĩ không thích hợp chút nào với các mặc khải của Cựu Ước và sau đó đến phiên được Chúa Giê-su triển khai: Chúa chỉ là tình yêu, ân sủng và tha thứ; đối với Ngài không có vấn đề cán cân, xứng đáng, dựa vào các con số, tính toán. (Thật vậy Tân Ước thường nói hoàn tất Lời Chúa, nhưng không phải trong ý ấy).

Lúc bấy giờ có một cách thứ hai để hiểu câu: « Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người ». Vinh quang của Chúa lả cả giá trị của sự hiện diện của Ngài thể hiện nơi chúng ta; thế nhưng Chúa là tình yêu. Như thế chúng ta có thể biến đổi câu ấy như sau: Chúa Ki-tô phải chịu khổ hình như thế để tình yêu Thiên Chúa thể hiện, mặc khải cho chúng ta. Vì thế, tôi tưởng Chúa Giê-su, chính Ngài cũng đã giải thích trước về cái chết của Ngài cho các môn đệ: « Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. » (Ga 15, 13). Có nghĩa là tình yêu phải đến đó - phải đối mặt với hận thù, bỏ rơi, chết chóc - để anh em được mặc khải tình thương Thiên Chúa là tình thương cao cả hơn hết.

Để chúng ta khám phá ra tình thương Thiên Chúa đi đến đâu, trên hết mọi tình thương nhân loại – không thể nào tưởng tượng có thể hiểu ngay được - phải được Ngài mặc khải cho chúng ta, Ngài phải đi đến cùng như thế.

Tôi xin trở lại đề tài, thường ặp trong Tân Ước, về việc hoàn tất Lời Chúa: điều này thể hiện một sự hiển nhiên tính cách liên tục của công trình Thiên Chúa trước mắt thế hệ Ki-tô hữu tiên khởi. Khi các thánh sử viết: « Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán » (Mt 1, 22), các ngài không tưởng tượng ra một chương trình được tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết. Thánh Kinh chỉ nói một điều duy nhất: Chúa là tình yêu, Ngài muốn nhân loại cuối cùng hiệp nhất với nhau, được cứu độ, hạnh phúc đi vào vòng thân mật với Chúa. Nói rằng các sự kiện đời sống Chúa Giê-su Ki-tô « hoàn tất Lời Chúa », tức là suốt đời sống của Ngài là cả một sự mặc khải bằng hành động tình yêu của Chúa Cha, bất cứ trong tình huống nào, ngay cả sự bách hại, hận thù, kết án, sự chết. Sự Phục sinh của Chúa đến để chứng thực tình yêu còn mãnh liệt hơn sự chết.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com