Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN III PHỤC SINH Năm A (Cv 2, 14, 22-28) 30/04/2017

"Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết."

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

14 Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: "Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây

22 "Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.

23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi.

24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.

25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng.

26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng.

27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.

28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

 

Cũng một Thánh Phê-rô đã hoảng sợ trong phiên toà xử Chúa Giê-su, đến nỗi công khai chối Chúa, cũng một người ấy, sau khi Chúa Ki-tô chết, khoá chốt đóng kín cửa trong phòng cùng với những môn đệ khác… vâng, cũng chính người ấy chúng ta gặp hôm nay sau hơn một tháng (chính xác là 50 ngày sau) và, lần này ngài chuẩn bị một bài giảng hùng hồn truớc hằng ngàn người! Thánh nhân « đứng », sở dĩ Thánh Lu-ca ghi chú tư thế Thánh Phê-rô lúc ấy vì đó là tượng trưng: một cách nào đó, Thánh Phê-rô đang thức dậy, sống lại và đứng lên…

Xin có một nhận xét đầu tiên trước khi tiếp tục xa hơn. Từ trước đến giờ, Thánh Phê-rô không phải là mẫu người mạnh dạn, nhưng chính Chúa Giê-su từ nay trao cho ngài sứ vụ táo bạo nhất: tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng, một sứ vụ đã phải trả bằng sự sống, chính Con của Thiên Chúa! Nơi đây chúng ta có một biểu hiện câu Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Cô-rin-tô: « những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh » (1Cr 1, 27). Nguời đã chối Thầy mình, nhưng rồi đây sẽ hân hoan được bách hại vì nói nhiều. Đây hẳn là một trong phép lạ lớn nhất trong Công Vụ Tông Đồ! Sở dĩ tôi nói « phép lạ » là tôi muốn nói mãnh lực mới ấy, sự bạo dạn mới ấy, Thánh Phê-rô không múc lấy từ bản thân mình, đó là ân huệ nhưng không từ Thiên Chúa. Hơn nữa nếu tôi đọc tiếp câu Thánh Phao-lô, ngài nói rõ: « những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh… hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. » (1Cr 1, 29)

Tôi xin trở lại buổi sáng lễ Ngũ Tuần năm Chúa Giê-su vừa chết. Thành Giê-ru-sa-lem đông nghẹt người. Như hằng năm người hành hương từ tứ phương đến tham dự lễ Ngũ Tuần. Đó là những người Do Thái đến Giê-ru-sa-lem hành hương, cũng như Thánh Phê-rô và những Tông đồ khác, họ chia sẻ niềm cậy trông Ít-ra-en. Suốt dọc đường - có khi họ đến từ xa - họ hát những bài thánh vịnh xin Thiên Chúa sớm gửi đến Đấng Mê-si-a của họ. Chính vì thế, Thánh Phê-rô dựa trên lòng cậy trông ấy để loan báo: Đấng Mê-si-a anh em hằng mong chờ ấy đã đến, chúng tôi có vinh hạnh được biết Ngài; Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa: một thế giới mới đã khởi đầu.

Xét qua, cử tọa của Thánh Phê-rô là những người trong nhóm người « được chuẩn bị tốt nhất » để nghe sứ điệp ấy. Tất cả đời sống cầu nguyện của họ, và rộng hơn cả đời sống thường nhật của họ, phải chăng đã chìm đắm trong ký ức những công trình của Thiên Chúa dành cho dân tộc họ, trong khi chờ đợi Đấng Mê-si-a đến cứu độ vĩnh viễn Ít-ra-en và cả nhân loại ?

Và như thế, Thánh Phê-rô nhấn mạnh trong bài giảng của ngài đến phương diện liên tục của công trình Thiên Chúa, đối với ngài là điều hiển nhiên. Và tôi tin rằng cũng rất quan trọng, chúng ta tìm lại ý nghĩa về sự liên tục của công trình Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn tiếp cận Thánh Kinh. Đối với chúng ta, thật là một điều kỳ lạ, đó là một điều khó chấp nhận. Sau hai ngàn năm chia cách người Do Thái và Ki-tô hữu, hai ngàn năm bất đồng ý kiến và có khi có những bách hại ghê gớm, chúng ta tin vào một sự sai lầm mà chúng ta cho là hiển nhiên: đức tin Do Thái và đức tin Ki-tô là hai tôn giáo khác nhau. Thường khi, Ki-tô hữu chúng ta nói như sứ điệp Chúa Ki-tô khác hẳn với sứ điệp của Cựu Ước, ví dụ như đức tin của Mô-sê. Đối với các Tông Đồ tiên khởi, trái lại, không có sự khác biệt nào giữa đức tin Do Thái và Ki-tô hữu! Một khi nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a họ không có cảm tưởng thay đổi tôn giáo, trái lại: họ cảm nhận một niềm vui vô bờ được thấy niềm tin trong sáng nhất của tôn giáo từ thuở thơ ấu được thể hiện. Trong cái lô-gíc ấy, tất cả những người Do Thái, không sớm thì muộn cũng nhận ra Đấng Mê-si-a.

Để làm nổi bật lên tính liên tục ấy, Thánh Phê-rô dùng đến lời chứng của bài thánh vịnh 16. Nhưng tôi không nói ở đây chính vì phụng vụ đề nghị chúng ta cho ngày Chúa nhật thứ III Phục Sinh, chúng ta có dịp triển khai sau đây.

Đồng thời các người đến với Thánh Phê-rô là những người ít được chuẩn bị nhất để nghe lời giảng Thánh Phê-rô: chính bởi vì họ chờ mong Đấng Mê-si-a đã từ lâu, họ có thời gian suy nghĩ về Ngài, nhưng là những suy nghĩ của con người… Ngài, Đấng Siêu Việt, tư tưởng Ngài cao vời hơn mọi tư tưởng của chúng ta, như trời với đất như tiên tri I-sa-i-a nói (Is55).

Một trong phương diện khó chấp nhận nhất của mầu nhiệm Chúa Giê-su, cho những người đương thời, đó là thiên tính của Ngài. Kinh Tin Kính Ít-ra-en mà họ đọc hằng ngày (Sê-ma Ít-ra-en) cũng chính xác nói lên như sau: « Hỡi Ít-ra-en, Chúa , Thiên Chúa của ngươi là Chúa Duy Nhất ». Chính vì thế một ai tự xưng mình là Chúa là một kẻ bịp bợm, kẻ ấy phạm thượng, nói những điều nguy hiểm cho đức tin người khác: phải loại trừ hắn. Tất cả các tiên tri đều tranh đấu chống hình thức thờ lạy bụt thần ấy, các ngài tranh đấu cho sự tinh tuyền lòng tin vào Thiên Chúa duy nhất. Và các giáo quyền đã quyết định xử tử Chúa Giê-su, một phần hẳn cũng vì lý do bảo vệ sự tinh tuyền cho đức tin Do Thái. Thánh Phê-rô biết tất cả những điều ấy, nên ngài nhấn mạnh đến nhân tính Đức Giê-su: « Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em… Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước » (c22,23)

Song song Thánh Phê-rô nhấn mạnh đến kỳ công của Thiên Chúa qua Con Người Giê-su này: « Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó… Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại… Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa » (c23, 24, 32, 33). Sau cùng Thánh Phê-rô kết luận bằng cách gợi lên trải nghiệm của cử tọa đến nghe ngài giảng. Thánh nhân nói với họ: « đó là điều anh em đang thấy đang nghe » (c33) khi nói đến cảnh tượng các Tông đồ kể từ nay. Ngài biết rằng chỉ có thể đến lượt làm chứng nhân khi nào chính mình trải nghiệm công trình của Chúa. Đối với những người đến nghe Thánh Phê-rô - họ không trực tiếp là chứng nhận sự phục sinh - trải nghiệm duy nhất có thể đối với họ là thấy và nghe mười hai Tông Đồ được Chúa Thánh Linh biến đổi. Đối với anh em đương thời của chúng ta cũng như thế: điều này có nghĩa là cấp bách các cộng đoàn Ki-tô chúng ta phải để cho Chúa Thánh Linh biến đổi.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com