Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXIV THƯỜNG NIÊN Năm A (Rm 14, 7-9) 17/09/2017

"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu thành Rô-ma.

 

7 Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình.

8 Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa;

9 vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.

 

 

Câu trung tâm là: « Chúng ta có sống là sống cho Chúa, thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. » Nói cách khác chúng ta không phải là những cá nhân riêng lẻ, đại loại như những điện tử tự do được tung vào hành tinh đất cho vài năm, với những đường bay độc lập!  Niềm xác tín của Thánh Phao-lô - vả lại ngài không tự tạo ra - được nhận thấy xuyên suốt Thánh Kinh: đó là sự đoàn kết chặt chẻ nối kết người này với kẻ khác, trong mọi nơi mọi lúc. Thánh nhân gọi là: « kế hoạch yêu thương của Chúa ». Dự án ấy là một nhân loại hiệp nhất gắn bó với nhau đến nổi có thể nói, một ngày kia « mọi người như một người », người ấy chúng ta biết danh tánh Ngài, tên Ngài là Giê-su Ki-tô.

Giai đoạn đầu của dự án đã được hoàn tất trong sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô. Đó là ý nghĩa của câu: « Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.»(c9). Nhưng dự án được tiếp tục hay không tuỳ thuộc nơi chúng ta: sự liên đới ấy không chấp nhận chia rẻ, cấu xé nhau. Thế nhưng, lúc nào cũng từ những người thân nhau mới có nguy cơ bất hòa và lý do từ những đề tài mọi người quan tâm nhất, dĩ nhiên!

Cũng phải tin rằng nguy cơ ấy không chỉ trên lý thuyết bởi vì Thánh Phao-lô dùng cả chương thứ 14 để đề cập đến đề tài này. Nội dung chính của ngài là « anh em có thể cải nhau vì những điều thứ yếu, cách sống đạo khác nhau…nhưng thật ra mỗi người cho mình làm đúng và như thế là đủ » . Thánh Phao-lô dùng một câu gây ấn tượng mạnh : « Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?»(Rm14, 4). Qua đó ngài muốn nói : bởi phép Rửa tội, dù bạn là ai, từ gốc gác nào – Do Thái Gíao cũ, hay người lương - giữ đạo theo cách nào đi nữa, từ anh em được kết hiệp trong Chúa Ki-tô…tất cả còn lại là thứ yếu ; tất cả, anh em thuộc về Đức Ki-tô, anh em là người nhà Đức Ki-tô. Vì thế hãy đừng kiểm soát lẫn nhau : chỉ người chủ mới có quyền kiểm soát người nhà của mình : « « Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?» 

Trong thời Thánh Phao-lô, những lý do chia rẻ thường xuất hiện chung quanh cách  ăn uống. Những Ki-tô hữu gốc Do Thái quen tỉ mỉ tuân theo phương diện thực phẩm, không hiểu các –Ki-tô hữu trước kia là lương dân nay vẫn rất tự do về ăn uống, họ cho những người này là giữ đạo lỏng lẻo. Ngược lại những người quen có những thói quen mềm dẻo, có khuynh hướng chế diễu những người khác, cho rằng đó là cách giữ kẻ của những người yếu đuối. Thánh Phao-lô nói với họ rằng : «  Anh em hãy đón nhận người yếu đức tin và đừng tranh luận với họ. Có người tin mình ăn được mọi thứ, có người vì yếu chỉ ăn rau. Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy.»(Rm14, 1-3)  

Ngày nay những lý do chia rẻ đã thay đổi bản chất, nhưng không phải là hiếm ! Dù lý do là dâng Thánh Lễ bằng tiếng La-tinh, các kinh tiền tụng trong Thánh Lễ, Thánh Lễ chiều thứ bảy với phụng vụ ngày chúa nhật…có ca đoàn, có đàn đại phong cầm…hay đàn ghi-ta hay không…chính lý do thực hành đức tin chúng ta mới có nguy cơ làm cho chúng ta hung dữ với nhau, mặc cho một thực tế đáng kể, đó là chúng ta có cùng chung một bí tích Rửa Tội !  Nhưng không chỉ trong lĩnh vực phụng vụ : những cách dấn thân của chúng ta có thể hoàn toàn đối ngược nhau, nhân danh cùng một đức tin ! Giáo dục trường công hay trường tư, tham dự vào đảng này hay đảng khác, công đoàn này hay công đoàn khác…rất nhiều lựa chọn của chúng ta phát xuất từ lòng ao ước sống phù hợp với đức tin Ki-tô. Thế nhưng trong một gia đình, một giáo xứ, trong một công ty hay khu phố, nhân danh phép Rửa tội lấy một quyết định hoàn toàn đối nghịch nhau. Theo Thánh Phao-lô quy tắc vàng là : « Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?»(Rm14, 4).

Chúng ta thường nói với nhau điều quan trọng là có ý định tốt nhưng lạ lùng thay, chính trong lãnh vực tôn giáo chúng ta lại rất khó chấp nhận ! Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta nâng cao lên cuộc thảo luận : « Người ăn, thì vì Chúa mà ăn, bởi lẽ họ tạ ơn Thiên Chúa. Còn người không ăn, thì không ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Thiên Chúa.»(c6).Không chỉ có cách duy nhất để cảm tạ Chúa.

Rốt cuộc chúng ta nhận ra nơi đây một minh họa tuyệt vời điều ngài gọi là « của lễ hiến dâng thiêng liêng ». Trước đó trong thư ngài nói : « Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa» (Rm12, 1). Thế nhưng trong mỗi chúng ta, mỗi lần muốn hết lòng hiến dâng lên Chúa những gì chúng ta có, việc gì chúng ta tin là phải làm ; điều này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau, còn có thể trái ngược với nhau, nhưng chính lòng thành muốn phục vụ Chúa làm nên chất lượng của lễ hiến dâng thiêng liêng Chúa chờ đợi nơi mỗi chúng ta.  

Thánh Phao-lô nói tiếp : « Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần…Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau »(Rm14, 17…19). Thánh nhân rất thích chữ « xây dựng » có nghĩa là đắp xây.  Mục tiêu là xây đắp một cộng đoàn, và loại xi măng tốt nhất cho một cộng đoàn, dù cộng đoàn nào đi nữa, đó là sự tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận lẫn nhau…Thánh Phao-lô còn nói : « Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật »( Rm13, 8)  và nữa : «thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; »(Rm12, 10) . Dường như 20 thế kỷ sau, lời khuyên của Thánh Phao-lô vẫn còn tính cách thời sự.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com