Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 22, 1-14) 15/10/2017

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.

-------------------

"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào tiệc cưới"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng:

2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.

3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.

4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! "

5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn,

6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.

7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.

8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.

9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."

10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới,

12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? " Người ấy câm miệng không nói được gì.

13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!

14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

 

Đây là hai bài dụ ngôn nối tiếp nhau, nhưng không giống nhau chút nào! Một bài mời gọi đến ăn tiệc cưới, một bài đuổi người đến vì không mặc lễ phục ngày cưới. Từ nguyên thủy, mọi người đều nghĩ hai bài này không dính liền nhau. Thật là mâu thuẫn! Buộc một người được «tập hợp từ khắp nẻo đường» vào ăn tiệc cưới phải mặc y phục lễ cưới. Nhưng sở dĩ Thánh Mát-thêu kết hợp hai bài lại với nhau như thế hẳn ngài có lý do sư phạm chi đó. Chúng ta cùng suy nghĩ từng bài một.

«Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình» …và đây, không phải bất cứ vua nào, vì ngay từ đầu chúng ta được thông báo: Đây là Nước Trời, riêng hai chữ này cũng gợi ý không có gì khác hơn được là Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, giao ước hoàn tất nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Trong các Tin Mừng, Ngài chính là chàng rể. Hơn nữa chữ «lễ cưới» được lặp lại bảy lần trong bài dụ ngôn.

Chúng ta không quen thuộc với biểu tượng những lễ cưới trong ngôn ngữ Ki-tô ngày nay. Thế nhưng, tất cả Thánh Kinh đều dùng từ ngữ ấy để nói lên dự án Thiên Chúa dành cho nhân loại. Từ sách Tiên tri I-sa-i-a đến sách Khải Huyền, qua sách Diễm ca và các sách Khôn ngoan. Nếu chỉ ngừng dẫn chứng ở vài sách ấy thôi, Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại được miêu tả với ngôn ngữ của tình yêu vợ chồng. Và cũng vì thế, Thánh Phao-lô khi nói về hôn phối, ngài nói: «vì đó là hình ảnh tốt đẹp nhất của quan hệ Thiên Chúa đối với nhân loại». Toàn thể nhân loại ở đây muốn nói lên: Tính hoàn vũ của ơn cứu độ là một đề tài rất quan trọng trong Cựu Ước. Bài dụ ngôn nói lên điều ấy một cách đặc biệt, vì rốt cục vô số người được vào…không phân biệt người tốt kẻ xấu: «Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.» (c10)

Nhưng trong suốt Cựu Ước, lời mời gọi và sự hoàn tất ơn cứu độ hoàn vũ ấy phải qua dân tộc Ít-ra-en. Dân được Chúa chọn, có sứ vụ cho toàn nhân loại. Cũng trong nghĩa ấy, chúng ta hiểu câu sau đây Chúa nói với ông Áp-ra-ham: «Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.» (St 22, 18). Nhưng chúng ta biết chuyện gì xảy ra sau đó, và dân tộc Ít-ra-en khó chấp nhận Đấng Mê-si-a sau bao lâu chờ đợi lại là Đức Giê-su thành Na-da-rét. Bài dụ ngôn miêu tả hình ảnh những khách được mời từ chối tham dự lễ cưới mà còn hành hạ những người giúp việc đến mời. Họ là những người đầu tiên được mời dự tiệc cưới. Thánh Phao-lô nói rõ lúc cuối đời, lẽ ra đức tin Do Thái phải dẫn đến thẳng Đấng Mê-si-a…và từ họ, Tin Mừng Chúa Ki-tô đến cả mặt đất. Nhưng lòng từ bi nhân hậu của Chúa vĩ đại đến nỗi, như Thánh Phao-lô nói cho giáo đoàn Rô-ma, chẳng những không cản trở tiệc cưới mà còn giúp cho tất cả các dân tộc được vào phòng tiệc cưới.

Lịch sử chứng minh đó là điều đã xảy ra: Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy lặp lại nhiều lần kịch bản ấy. Mỗi lần đến một thành phố nào, thánh Phao-lô bắt đầu vào các giáo đường rao giảng cho người Do Thái, Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a mọi người trông đợi. Một số người tin và trở nên Ki-tô hữu, nhưng khi sự thành công của Thánh Phao-lô vượt ra khỏi giảng đường và những người ngoại bây giờ trở nên Ki-tô hữu. Đến lượt những người Do Thái đã nghe mà không tin trong giảng đường, bắt đầu hoảng sợ và đuổi Thánh Phao-lô. Đó là những gì đã xảy ra chính xác tại An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê: «Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.» (Cv13, 46) 

Tại I-cô-ni-ô, xứ Tê-xa-lô-ni-ca cũng đã xảy ra như thế, và bởi vì các Tông đồ bị đuổi ra khỏi từ thành phố này sang thành phố khác, vì thế Tin Mừng cũng được rao giảng từ thành phố này sang thành phố khác. Bài học đầu tiên của bài dụ ngôn là sự việc dân tộc Ít-ra-en từ chối không làm cản trở dự án Thiên Chúa. Cũng tương tự như thế, những người thu thuế và gái điếm lấy chỗ của giáo quyền thời Chúa Giê-su, và cũng như thế vài năm sau, vào thời điểm Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng, những người ngoại ồ ạt gia nhập Hội Thánh nhờ dân Do Thái từ chối. Từ sự dữ Chúa làm ra sự lành.

Chúng ta bước qua bài dụ ngôn thứ hai. Một người giờ chót vào tiệc cưới không mặc y phục lễ cưới không thể trả lời câu: «Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?» (c12). Vì thế anh ta bị đuổi ra. Điều này chắc hẳn không phải vì anh ta không đáp lại một đòi hỏi cách cư xử nào, và y phục lễ cưới tượng trưng cho sự đòi hỏi nào đó ấy… Mỗi lần chúng ta nói phải xứng đáng là chúng ta bóp méo ân huệ của Chúa, vì ân huệ, bởi định nghĩa là để ban cho nhưng không! Đối với Thiên Chúa không có điều kiện nào phải thỏa mãn.

 Để cố gắng tìm hiểu câu truyện cũng khá lạ lùng này, thay vì tập trung chú ý vào người duy nhất bị từ chối, chúng ta hãy nhìn vô số người vào dự tiệc. Mọi người đều mặc y phục lễ cưới: Trong từ ngữ Tân Ước, y phục lễ cưới là y phục người nhận phép Rửa tội. Ngày nay chúng ta biết rằng y phục Rửa tội là y phục lễ cưới! Muốn hiểu biểu trưng ấy, chúng ta hãy nghe Thánh Phao-lô: «mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô» (Rm13, 14)… và câu quen biết: «Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.» (Gl3, 27)…hay là trong (Êp, 25-26): «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,» Ở đây phải tưởng tượng cô dâu đang trang điểm bước vào lễ cưới.

Y phục lễ cưới ở đây không phải những gì ta cho là công trạng, nhưng chính là Chúa Ki-tô, mặc lấy Ngài như Thánh Phao-lô nói, ghép vào Ngài, làm nên một với Ngài. Còn người kia không mặc y phục lễ cưới, sự im lặng của hắn được hiểu như sự từ chối cuộc đối thoại; trước âu hỏi:  «Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?» (c12) chỉ cần trả lời: «Thưa Ngài, con chỉ mong nơi Ngài, để mặc cho con».

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com