Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ (Is 49, 1-6) 24/06/2018

"Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc."

 

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a

 

1 Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.

2 Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.

3 Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang."

4 Phần tôi, tôi đã nói: "Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì."
Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

5 Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

6 Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất." 

 

Ngày Lễ Chúa Ki-tô chịu phép rửa, chúng ta đã đọc Bài Ca Người Tôi Trung thứ nhất trong bốn bài (Is 42). Đây là một nhóm bốn bài, hình như được thành lập một nhóm đặc biệt trong sách thứ hai Tiên tri I-sa-i-a. Các bài được mang tên «Bài Ca Người Tôi Trung» vì những bài này, mỗi bài miêu tả một khía cạnh khác nhau của chân dung «Người Tôi Trung của Thiên Chúa».

Trong bài ca thư nhất, chúng ta đã nhận xét ba điểm quan trọng: Người Tôi Trung được Thiên Chúa chọn để thực hiện một sứ vụ đặc biệt. Sứ vụ ấy là một sự phán xét, hiểu theo nghĩa cứu độ, nâng lên những đau khổ về mọi mặt. Sau cùng, sứ vụ ấy gồm cả nhân loại, tượng trưng qua từ ngữ tuyệt vời «Hải đảo xa xôi». Tôi gọi đó là tính hoàn vũ của kế hoạch Thiên Chúa.

Trong Bài Ca Người Tôi Trung thứ nhất không nói rõ ai là người tôi trung; phải chăng bài miêu tả một nhân vật có thật hay là chân dung lý tưởng của người tôi trung Thiên Chúa? Bài ca thứ hai hôm nay, chương 49 sách I-sa-i-a cho chúng ta hiểu xa hơn.

Nhưng trước khi trả lời câu hỏi ấy, xin đừng quên mọi sách thánh đều mặc khải hoặc về Thiên Chúa hoặc kế hoạch của Ngài; và đây thật rõ ràng: những chữ sau cùng của bài chúng ta nghe hôm nay: «đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất». Một lần nữa, Thánh Kinh cho chúng ta biết kế hoạch của Thiên Chúa là kế hoạch cứu độ, đem lại hạnh phúc và bao gồm cả loài người: «Ta đến tận cùng cõi đất».

Ở đây, sứ vụ Người Tôi Trung được miêu tả một cách đáng ngạc nhiên: «Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.» Có nghĩa là: «Nơi con, người tôi trung của Ta, Ta được biểu hiện, được nhìn nhận và mặc khải». Thánh Kinh do nhóm Liên Tôn chuyển ngữ chép rằng: «Nơi con biểu lộ vinh quang của Ta». Câu đơn sơ này nói lên một điều tuyệt vời. Vinh Quang Thiên Chúa, tức là ánh sáng chiếu từ sự hiện diện của Ngài: «Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang», có nghĩa là một người hay một dân tộc có thể mang lấy vinh quang Thiên Chúa và chiếu rọi ánh sáng Thiên Chúa. Đây cũng là một khám phá lớn lao của dân tộc Ít-ra-en: có lẽ chúng ta không lường được những lời lẽ này táo bạo như thế nào! Một Thiên Chúa toàn năng, một Thiên Chúa Vua các vua, một Thiên Chúa «chí thánh» như lời ngôn sứ I-sa-i-a, lại là một Thiên Chúa thật gần gũi; chúng ta có dịp khám phá hai phương diện của đức tin dân tộc Ít-ra-en: một vực sâu vô tận chia cách Thiên Chúa và sự nhỏ bé của chúng ta, Thiên Chúa là Đấng Khác Biệt từ muôn thuở. Thế nhưng, vực sâu không ai có thể vượt qua ấy bằng nỗ lực cá nhân mình, nhưng Ngài lại băng qua được, đến gần chúng ta, gần đến nỗi «nghe» được tiếng kêu than thống khổ của dân Ngài, và Ngài can thiệp để giải thoát họ. Nhưng trong câu: «Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang», còn có hàm ý khác: Chúa gần gũi đến nỗi chúng ta mang lấy vinh quang của Ngài, để rồi đến phiên chúng ta mang lấy ánh sáng của Ngài.

Câu sau cùng của đoạn này nói lên điều ấy: «Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất». Hẳn các bạn còn nhớ sách I-sa-i-a (chương 60) chúng ta đã đọc trong dịp lễ Hiển Linh. Ngài dùng chính đề tài này: Giê-ru-sa-lem mang lấy ánh sáng Thiên Chúa để dẫn dắt muôn dân; và chúng ta nhận xét, đây cũng là ánh sáng Thiên Chúa. Ở đây, ngôn sứ I-sa-i-a dùng một biểu ngữ tượng tự: «Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi». Tất cả sức mạnh, tất cả ánh sáng, không đến từ chúng ta mà từ Thiên Chúa, Ngài ngự trong chúng ta.

Còn một điều đáng ngạc nhiên nữa trong bài này hôm nay, và chúng ta cũng nhận ra trong Bài Ca Thứ Nhất Người Tôi Trung, Chúa nhật vừa qua: là ánh sáng của Chúa cho muôn dân, là khí cụ của Thiên Chúa: «để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất», đó chính xác là ơn gọi của Đấng Mê-si-a, từ muôn thuở. Thế nhưng, ở đây không phải Đấng Mê-si-a-Vua mà Mê-si-a Tôi Trung, hai điều không có gì giống nhau. Với bốn Bài Ca Người Tôi Trung của sách I-sa-i-a việc chờ đợi Đấng Thiên Sai có một bộ mặt khác.

Còn một vấn đề khó: người tôi trung bí mật này là một nhân vật cá thể hay tập thể? Ngay từ câu đầu nhân vật ấy là Ít-ra-en: «Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.» Chúng ta hẳn còn nhớ Ít-ra-en là tên lóng của Gia-cóp, con của I-sa-ắc và Rê-béc-ca, em sinh đôi với Ê-xau, tổ tiên của dân cùng tên; nhất là đây cũng là tên của dân Chúa chọn. Người Tôi Trung là một nhân vật tập thể; đây là dân Ít-ra-en được trao phó sứ mạng phục vụ thế giới. Kế hoạch Thiên Chúa là một kế hoạch hoàn vũ, nhưng để chu toàn kế hoạch ấy Thiên Chúa chọn một dân tộc đặc biệt, đó là Ít-ra-en. «Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang»

Điều khó hiểu là đâu? Từ vài hàng dưới đoạn chúng ta đọc: «Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người» (Is 49, 5). Nếu Người Tôi Trung là Ít-ra-en làm sao có thể qui tụ Ít-ra-en? Nhiều người nghĩ rằng đây là nhóm nhỏ còn lại những người đức tin không bị chao đảo, mặc dù sau nhiều năm lưu đày và đi tù. Chúa giao sứ vụ cho những người ấy để nâng đỡ tinh thần anh em, để qui tụ họ lại đưa về xứ hay nói như I-sa-i-a: «trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người»… Nhưng sự Phục hưng dân tộc này nằm trong dự án Thiên Chúa như màn đầu của sự cứu độ nhân loại. Chính công trình vô vọng nâng đỡ cả dân tộc do một nhóm người, sau này sẽ là kẻ minh chứng cho Chúa Ít-ra-en: «Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất»

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com