Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C (1Cr 15, 12.16-20) 17/02/2019

« Nếu Đức Ki-tô không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền »

 

Trích thư thứ nhất Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 

12 Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?

16 Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy.

17 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.

18 Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong.

19 Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.

20 Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu

 

Thật lạ lùng, bài đọc hôm nay rất còn tính cách thời sự. Hình như những dân chúng thành Cô-rin-tô thời ấy cũng chia sẻ những khó khăn, những trăn trở như chúng ta. Một số người trong họ quả quyết là Đức Ki-tô đã phục sinh, nhưng vẫn ngờ vực con người cũng sẽ được phục sinh. Chúng ta rất giống những người ấy. Mặc dầu chúng ta quả quyết có dễ dàng mấy đi nữa  Chúa Ki-tô đã sống lại( như chúng ta thường đọc trong Kinh Tin kính) chúng ta vẫn khó tin chúng ta sẽ phục sinh và tất cả những người thân của chúng ta sẽ được sống lại. Thế nhưng chúng ta vẫn xác nhận trong Kinh Tin Kính :  «  Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. ».

Đối với Chúa Ki-tô, dĩ nhiên, một phần chúng ta chìm đắm trong mầu nhiệm ấy mỗi lần lễ Phục sinh về, khi chúng ta đọc những tường thuật trong Phúc Âm, hay chúng ta tham dự phụng vụ mùa Phục Sinh. Phần khác có nhiều nhân chứng đã thấy, nhận ra Chúa và đã liều tánh mạng đẻ làm chứng điều ấy. Ngược lại chúng ta không thấy có người nào khác sống lại từ cõi chết. Còn những tường thuật các phép lạ Chúa Giê-su thực hiện, chúng ta gọi là sống lại, đó chỉ là kéo dài thêm đời sống thế gian mà thôi. Chúng ta chưa hề có bằng chứng gì về phục sinh cả thế gian, và chúng ta khó hình dung điều ấy sẽ xảy ra như thế nào. Điều chắc chắn là đời sống vĩnh cửu không phải đời sống thế gian kéo dài. Chúng ta đang trong phương diện của Chúa, tức là Đấng Khác Biệt và Thật Khác Biêt.

Khó là ở chỗ chúng ta không thể tin vào điều gì chúng ta không  có thể mường tượng được. Khi một người chết đi, điều thực tế trước mắt chúng ta chính là thân xác ấy thật sự chết. Làm sao có thể tin Thiên Chúa sẽ, lại một lần nữa  thổi sinh khí vào người ấy như trong sách Sáng Thế ? Có thể chúng ta có thể cố gắng chấp nhận một vài sự thật, mặc dù chúng ta không thể miêu tả hay tưởng tượng. Nhưng những gì trong lĩnh vực mầu nhiệm Thiên Chúa, phải nhìn nhận rằng chúng ta không bao giờ khẳng định rằng chúng ta có thể hiểu và càng khó hơn giải thích các Mầu nhiệm.

Dù sao đối với Thánh Phao-lô tin vào sự Phục sinh của Chúa Ki-tô và từ chối tin vào sự Phục sinh của chúng ta là hai điều mâu thuẩn nhau, vì đối với thánh nhân sự Phục sinh của Chúa Ki-tô và con người sẽ từ cỏi chết sống lại là một, cùng một thực tế. Tại sao thế ?  Bởi vì định mệnh của chúng ta hoàn toàn gắn liền với định mệnh Chúa Ki-tô.

Từ nhiều tuần nay, phụng vụ các ngày chúa nhật đề nghị cho chúng ta gần như liên tục thư Thánh Phao-lô Tông đổ gửi dân chúng thành Cô-rin-tô. Thánh Phao-lô triển khai đề tài mầu nhiệm chúng ta hoàn toàn kết hợp với Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài là Đầu chúng ta là thân thể. Hôm nay ngài đề cập đến mầu nhiệm sự chết và Phục sinh, và ngài soi sáng bằng quan niệm hiệp nhất giữa thân thể và đầu : Chúa Ki-tô đi trước, tức là chúng ta theo sau. Khi đứa trẻ sinh ra, thông thường cái đầu ra trước toàn thân ra sau ; Thánh Phao-lô áp dụng mầu nhiệm người mẹ  sinh ra một cuộc đời mới : « Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.» ( Rm8, 22)

Câu then chốt của ý tưởng Thánh Phao-lô nằm trong câu sau đây : « Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu»(c20). Đây là bản dịch từ tiếng Pháp, nhưng trong bản tiếng Hy-lạp, Thánh Phao-lô dùng chữ có nghĩa là « bước khởi đầu», với nghĩa đây là sự khởi đầu của một chuỗi dài. Trong Cựu Ước người ta dùng chữ này cho những cây trái hay ngũ cốc đầu mùa đánh dấu mùa gặt hái, thu họach bắt đầu. Nói rằng Chúa Giê-su Phục sinh như  «  mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu », tức là Ngài là người Anh Cả của vô số con người về sau. Trong một tài liệu khác Thánh nhân nói : « Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.» (Cl1, 18)   

Lúc nào cũng thế, chúng ta nên trở về với kế hoạch yêu thương của Chúa, là hiệp nhất toàn nhân loại vào Chúa Giê-su : « Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô,» (Ep1, 9-10). Dĩ nhiên Chúa không muốn hiệp nhất những kẻ chết mà những kẻ sống. Chúa nói rõ lập trường của mình với những người Sa-đốc : « Còn về vấn đề kẻ chết sống lại, thì các ông không đọc lời Thiên Chúa đã phán cùng các ông sao?32 Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống» ( Mt22, 31-32)

Chúng ta có thể suy ra hai điều. Thứ nhất thân xác chúng ta có phẩm cách được gọi sẽ phục sinh. Thứ gì đã được truyền sự sống bởi hơi thở của Thiên Chúa không thể nào chết đời đời. : đó là lý do thân xác sau khi chết được đặc biệt tôn trọng ; người ta xông hương như xông hương Thiên Chúa và những người đại biểu Thiên Chúa. Điều thứ hai chúng ta khám phá nơi đây mầu nhiệm Nhập Thể, mà ít khi chúng ta nghĩ đến. : Chúa rất coi trọng nhân loại, thân xác con người. Ngôi Lời đã làm người ; Ngài giống con người mọi bề, giống đến nỗi số mệnh của Ngài giống số mệnh loài người : nếu Ngài Phục sinh thì chúng ta cũng được phục sinh.

Sự Phục sinh của Chúa Ki-tô không phải sự kết cuộc tốt đẹp của lịch sử của Ngài : đó là buổi bình minh của ngày đầu tiên con người vinh thắng sự chết ; người con đầu lòng đi vào cuộc sống vô tận. Sự chết không còn như một bức tường, nhưng là cái cổng…chúng ta chui vào đó sau Ngài.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com