Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC I CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – NĂM C (1Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23) 24/02/2019

Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay

 

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

 

6Vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp

7 Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh

8 Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít: "Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai."

9 Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai: "Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?"

12 Ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì ĐỨC CHÚA đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ.

13 Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ

22 Ông Đa-vít trả lời: "Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy.

23 Xin ĐỨC CHÚA thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay ĐỨC CHÚA đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong.

 

Trước hết cũng nên nhớ lại bối cảnh. Sa-un là vị vua đầu tiên của Ít-ra-en, khoảng năm 1040 trước CN. Thời dân chúng đi vào Đất hứa với Giô-su-ê, sau đó tiến về vùng Ca-na-an với các Thủ lãnh, các chi tộc Ít-ra-en chưa có vua. Họ sống tự lập; mỗi chi tộc chiếm dần dần vùng đất của họ. Thời lịch sử ấy – trong vòng 150 năm - được gọi là thời các Thủ lãnh; điều duy nhất liên hệ giữa họ là Luật Mô-sê và Giao Ước được giao kết trong sa mạc Si-nai. Nhưng từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, họ thấy cần có một chính quyền chung, bảo đảm một quốc gia duy nhất: xét cho cùng, họ nghĩ tại sao chúng ta không có một vị vua như các quốc gia khác? Ngôn sứ Sa-mu-en, người từng ý thức được cạm bẫy của quyền lực nhân loại; cố hết sức để lùi bước, nhưng sau cùng, cũng đành phải chấp nhận và thừa nhận một vị vua.

Đó là vua Sa-un, một nhân vật của chi tộc Ben-gia-min. Sa-un là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, đang tuổi thanh xuân. Các tài liệu nói rằng «trong số con cái Ít-ra-en, không có người nào đẹp trai hơn ông. Ông cao hơn toàn dân từ vai trở lên» (1Sm 9, 2). Ông là một nông dân, xuất phát từ một gia đình khiêm tốn, trong chi tộc Ben-gia-min. Theo lệnh của Chúa, ngôn sứ Sa-mu-en xức dầu tấn phong ông làm vua Ít-ra-en. Rốt cục, dân chúng cũng có một vị vua như mọi dân tộc khác.

Nhưng, sau một thời gian đầu tốt lành, không may vua Sa-un thể hiện những điều Tiên tri Sa-mu-en e ngại lúc trước: ông thích vui thú và ham quyền lực, sau cùng chiến tranh lấn lên sự trung thành với Giao ước. Tình trạng trầm trọng đến nỗi, chưa chấm dứt triều đại, Tiên tri Sa-mu-en, được lệnh của Thiên Chúa nghĩ  đến người thừa kế ông; ông chọn vua tương lai: đó là Đa-vít, người chăn chiên bé nhỏ thành Bê-lem, người con thứ tám của Gie-sê.

Vốn là quan giám mã của vua Sa-un, Đa-vít được huấn luyện trong cung; dần dần, ông trở nên một chiến binh điêu luyện, các chiến thắng của ông được rao truyền khắp nơi. Một ngày kia, không may vua Sa-un nghe được một bài hát được hát khắp mọi nhà: «Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn» (1Sm 18, 7) (tức là ngàn lần hơn). Và điều gì phải đến đã đến: ban đầu Sa-un thấy phấn khởi - ông còn xem Đavít như con rể - nhưng về sau, ông nuôi trong lòng nhiều nghi ngờ táo bạo và đâm lòng ghen tức tột cùng đối với một bề tôi nhỏ bé mà tự phụ này, chắc chắn lúc nào nó cũng mong tước ngai vàng của mình. Nỗi ghen tức làm ông điên tiết lên.

Nhiều lần Đa-vít phải lánh đi để khỏi bị lụy về tay Sa-un, nhưng trái với những điều bị  nghi oan của Sa-un, các bài tường thuật không ngớt ghi lại, không lúc nào Đa-vít lỗi phạm tín trung đối với vua của mình: theo ông, người được Chúa chọn  làm vua là đấng quá quý trọng.  

Trong đoạn được kể lại hôm nay, chính Sa-un đứng ra chủ động: ba ngàn quân được quy tụ, nêu lên trong bài chỉ có mục đích là thoả mãn lòng hận thù đối với Đa-vít. «Vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp» (c6)

Ý định của Sa-un rất rõ ràng: chính tay mình dẫn đoàn quân càng quét, thủ tiêu Đa-vít lúc nào có thể… Nhưng tình thế bất ngờ quay hẳn lợi thế về Đa-vít: trong đêm ông len lỏi vào lều vua Sa-un, mọi người đều ngủ say. Phải công nhận là thời cơ này rất thuận lợi, chắc chắn Chúa đứng về phe ông và A-vi-sai, người cận vệ của Đa-vít càng hăng say nhiệt tình: hắn sẵn sàng kết liễu đời vua Sa-un. Mọi người tưởng rằng Đa-vít thả mình theo tiếng gọi báo thù, nay tình cờ có cơ hội quá dễ dàng. Dù thế nào đi nữa, thời ấy chém giết nhau là chuyện thường.

Bởi vì tin rằng chính Chúa cho cơ hội tuyệt vời để báo thù, người cận vệ của Đa-vít hoàn toàn thành thật khi nói rằng: «Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai» (c8). Đối với A-vi-sai, rõ ràng đây không phải là điều ngẫu nhiên mang lại tình thế như thế này, mà là sự Quan phòng của Thiên Chúa! Chính trong trường hợp Đa-vít mới làm mọi người ngạc nhiên, ngay cả Sa-un cũng không tin, hết sức ngạc nhiên khi thấy mọi điều chứng tỏ Đa-vít tha mạng cho ông.

Có hai điều ta tự hỏi. Điều thứ nhất tại sao Đa-vít lại tha cho vua Sa-un, kẻ muốn làm hại mình? Điều thứ hai tại sao Thánh Kinh tường thuật giai đoạn này?     

Điều thứ nhất tại sao Đa-vít lại tha cho vua Sa-un? Lý do duy nhất Đa-vít đưa ra, không phải vì chúng ta là anh em với nhau, hay phải yêu thương kẻ thù như Chúa Giê-su dạy sau này, hay là báo thù là không tốt. Lý do của Đa-vít là vì ông kính trọng sự chọn lựa của Thiên Chúa cho Sa-un lên làm vua: «con đã không muốn tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong»  (c23). Điều thứ hai tại sao Thánh kinh tường thuật giai đoạn này? Có nhiều sứ điệp trong bài hôm nay.

Trước hết, rõ ràng tác giả muốn miêu tả một góc diện mạo nào đó của Đa-vít: tôn trọng sự chọn lựa của Thiên Chúa, có tâm hồn cao thượng, từ chối báo thù và ông đã hiểu không khi nào Thiên Chúa Quan phòng giao kẻ thù vào tay chúng ta. Sau nữa, cũng  nói lên một vị vua đương nhiệm là một kẻ bất khả xâm phạm! Cũng nên nhớ rằng bài này được viết dưới thời vua Sa-lô-mon, để cho người đời xem đó là một bài học! Sau cùng, bài này phản ảnh một giai đoạn trong lịch sử Thánh kinh, một cột mốc trong sư  phạm của Chúa: trước khi học yêu thương mọi người, phải có lý do gì đó để bắt đầu yêu thương một vài người! Đa-vít tha mạng cho một kẻ thù lẽ ra rất nguy hiểm cho mình, vì thời ấy người này ai cũng biết là được Chúa chọn; giai đoạn sư phạm cuối cùng cho chúng ta, ngày nào đó sẽ hiểu mỗi người trên toàn cõi đất, là người được Thiên Chúa tấn phong xức dầu.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com