Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM C (2Cr 5, 17-21 ) 31/03/2019

Thiên Chúa đã nhờ Đức Ki-tô giao hòa chúng ta với mình

 

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

 

17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.

18 Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải.

19 Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.

20 Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.

21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

 

Thảm kịch của bài này là làm cho người đọc hiểu hai cách. Tất cả nằm trong câu trung tâm: «Người không còn chấp tội nhân loại nữa».

Câu này có thể được hiểu hai cách. Giả thuyết đầu tiên là, từ khi có thế gian, Chúa đã chấp tội con người, nhưng vì lòng từ bi, Ngài cũng chấp nhận xóa tội vì công nghiệp hy sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Có thể nói là một sự «chịu thay». Chúa Giê-su mang giúp chúng ta gánh quá nặng này. Hay là, giả thuyết thứ hai, Thiên Chúa không bao giờ chấp tội loài người và Đấng Ki-tô đến thế gian để làm chứng cho điều ấy. Chứng tỏ cho chúng ta, muôn thuở Chúa là Tình Yêu và Tha Thứ. Như thánh vịnh 102 (103) đã nói lên, từ lâu trước khi Chúa Ki-tô đến thế gian. «10 Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm» (Tv 102,10)

Chính mục đích của Thánh Kinh là nhằm mặc khải cho chúng ta, đưa chúng ta từ giả thuyết thứ nhất đến giả thuyết thứ hai. Bây giờ chúng ta thử đặt ba câu hỏi: Thứ nhất, Chúa có chấp tội chúng ta không? Thứ hai, có thể nói cái chết của Chúa Giê-su là «chịu thế» ta không? Thứ ba, nên hiểu như thế nào bài này của thánh Phao-lô?

Trước hết, Chúa có chấp tội chúng ta không? Một Thiên Chúa kế toán, đó là ý tưởng thường tự nhiên đến với chúng ta; có lẽ, vì chúng ta ít nhiều cũng là kế toán đối với kẻ khác? Dân Chúa hẳn cũng có ý ấy lúc ban đầu trong lịch sử Giao Ước. Không có gì đáng ngạc nhiên, Chúa bắt buộc phải mặc khải cho con người khám phá ra Chúa thật sự như thế nào. Chúng ta thấy dần dần, từ Chúa nhật này sang Chúa nhật khác, khám phá ra Chúa qua các bài Tin Mừng.

Bắt đầu bằng ông Áp-ra-ham, Chúa đâu có bao giờ nói tới tội lỗi với ông. Chúa chỉ nói Giao Ước, Lời Hứa, phúc lành và con cháu kế vì ông. Cũng không thấy chỗ nào có chữ «xứng đáng». Thánh Kinh ghi rằng: «6 Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính» (St 15, 6). Đức tin, đức cậy là tất cả những gì đáng kể, và cách hành xử chúng ta chiếu theo những điều ấy trong cuộc sống. Chúa không chấp tội, không phải vì thế mà chúng ta có thể làm bất cứ điều gì. Thật vậy, chúng ta hoàn toàn trách nhiệm để xây dựng nước Trời. Vả lại, chúng ta còn nhớ những mặc khải của Chúa cho Mô-sê, đặc biệt là: «8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương» (Tv 103, 8); và vua Đa-vít khám phá ra (nhân dịp phạm tội) sự tha thứ Thiên Chúa trước khi ông hoán cải; hay hơn nữa, câu I-sa-i-a nói với chúng ta. Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên vì tư tưởng của Ngài không phải tư tưởng của chúng ta, chính vì Ngài là tha thứ, đối với kẻ tội lỗi (Is 55, 6-8).

Không thể nào kể ra hết được, nhưng tất cả Cựu Ước đã biết rằng Chúa là tình yêu và tha thứ, và cũng đừng quên dân It-ra-en đã gọi Thiên Chúa là «Cha» trước chúng ta từ lâu. Ví dụ bài dụ ngôn Giô-na được viết ra, chính là để con người đừng quên Chúa quan tâm đến thân phận kẻ ngoại đạo thành Ni-ni-vê, vốn là kẻ thù của dân Ngài.

Còn nói về sự «chịu thế», nếu Chúa không chấp tội, thì chúng ta cũng chẳng phải trả; như thế, chúng ta cũng không cần Chúa Giê-su thay chúng ta để trả. Hơn nữa, các tài liệu Tân Ước khi nói về Chúa Giê-su chỉ nói đến «kết hiệp» chứ không bao giờ «thay thế». Hơn nữa, nếu ai đó, có thể thay chúng ta thì còn đâu là tự do? Chúa Giê-su không hành động thay chỗ của chúng ta, Ngài không thay thế cho chúng ta, Ngài cũng không phải Người đại diện cho chúng ta. Chúa là Người Anh Cả của chúng ta; thánh Phao-lô cũng nói thế, Ngài là Người khai lối cho chúng ta, Ngài đi trước dẫn đầu. Ngài trà trộn trong đám người tội lỗi xin Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho Ngài. Trên thập giá Ngài chấp nhận chịu chết vì tội lỗi con người, Ngài bước gần lại chúng ta để chúng ta được gần Ngài.

Thế thì phải hiểu như thế nào bài của thánh Phao-lô hôm nay? Chúa không bao giờ chấp tội con người, và đấng Ki-tô đến thế gian để làm chứng cho điều ấy. Tất cả để cho chúng ta thấy từ muôn thuở Ngài là Tình Yêu và Tha Thứ. Khi thánh Phao-lô nói «19 Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người», chính là để xóa đi những tư tưởng sai lầm trong tâm trí chúng ta, Chúa kế toán. Chúa Ki-tô đến thế gian để làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu với những người đương thời. Ngài đã phải gánh chịu vì họ chối từ sự mặc khải ấy, và chấp nhận chết vì sự mặc khải quá táo bạo; làm cho chính quyền tôn giáo đương thời bối rối, và cho rằng họ biết Thiên Chúa hơn Ngài, trong lúc chính Ngài là Thiên Chúa. Chúa chết vì sự kiêu ngạo con người, đã biến dạng thành lòng hận thù tột bậc. Giữa những kích động của lòng kiêu ngạo, Ngài bị sỉ nhục. Giữa lòng hận thù Ngài chỉ có tha thứ. Đấy là dung nhan thật của Chúa được biểu hiện cho con người.

Bấy giờ chúng ta hiểu rõ hơn câu «21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người» Trên Gương mặt Chúa Giê-su trên thập giá, chúng ta nhìn ra tội lỗi con người ghê tởm chừng nào, nhưng chúng ta cũng nhận ra thế nào, sự nhân từ và hay tha thứ của Chúa. Từ sự chiêm ngắm ấy, sẽ nảy ra ơn trở lại của chúng ta: «Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu» (Dcr 12, 10) Sau này, thánh Gio-an cũng lặp lại điều ấy (Ga 19, 37).

Bây giờ, nhờ Phục Sinh, Chúa vượt qua giới hạn không gian và thời gian, Thiên Chúa có thể thực hiện cho tất cả chúng ta, hơn là chỉ cho một số người giới hạn như trong lúc Ngài ở thế gian. Chúng ta hãy đón nhận Ngài làm chứng cho Đức Chúa Cha, và đến phiên chúng ta cũng phải trở nên sứ giả cho sứ điệp của Ngài, sứ điệp hoà giải con người với Thiên Chúa, và nhận ra nơi Ngài, Đấng từ bi nhân hậu giàu lòng tha thứ.

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com