Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C (Tv 99, 2.3.5) 12/05/2019

"Ta là dân tộc, là đàn chiên Chúa chăn nuôi"

Hoặc Alleluia!

 

2 ( Hãy) phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ,
vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.

3 Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế,
chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

4 Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,
tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,
tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.

5 Bởi vì CHÚA nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.

 

Đây là một sự kiện hiếm hoi trong Thánh Kinh, đó là bài thánh vịnh 99 (100) được xử dụng trong phụng vụ: bài này được sáng tác đặc biệt dành riêng cho hy lễ cảm tạ. Bài có tên «Thánh Vịnh Tô-đa», tiếng Do Thái có nghĩa là «Thánh vịnh Cám ơn».

Ngay các câu đầu, chúng ta cũng có thể đoán biết bài này được đọc cho các nghi lễ trong Đền! «Hãy phụng thờ… Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, …3 Hãy nhìn nhận CHÚA». Dĩ nhiên, điều này chứng minh chúng ta đang trong phần phụng vụ. Bài viết bằng tiếng Do Thái còn rõ ràng hơn nữa; đây là một bằng chứng sách Thánh Vịnh là sách thánh ca của Đền Giê-ru-sa-lem, sau cuộc lưu đày Ba-by-lon, cũng giống như chúng ta tìm thấy sách thánh ca lúc bước vào nhà thờ chúng ta ngày nay.

Bài thánh vịnh hôm nay dành cho ngày lễ tạ ơn; và ở Do Thái, mỗi lần tạ ơn luôn luôn vì được kết Giao Ước với Thiên Chúa. Điều này cũng rất rõ ràng; tuy ngắn, nhưng mỗi câu đều gợi lên cả lịch sử dân tộc, niềm tin dân It-ra-en! Gần như mỗi chữ đều nhắc đến Giao-ước. Xin đừng quên trung tâm của truyền thống It-ra-en, ký ức dân tộc truyền lại đời này sang đời kia; là Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta và kết Giao ước với chúng ta. Đấy là tâm điểm của niềm tin và là lời nguyện thâm sâu của dân tộc này. (Hay nói đúng hơn những yếu tố lập nên It-ra-en thành một dân tộc, đó là niềm tin chung). Một dân tộc được Chúa chọn (Còn được gọi là dân tộc được bầu cử) giải phóng họ khỏi ách nô lệ, củng cố họ, và kết Giao Ước với họ. Giao Ước thật sự là trung tâm của Thánh Kinh. Để xác tín, chỉ cần đọc lại từng câu, từng chữ bài Thánh Vịnh.

«Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu» (c1), đó là phụng vụ đã chuyển ngữ ra cho bài ca, chứ thật ra trong Thánh Kinh là bốn chữ YHWH, mà chúng ta đã đọc trại ra là Ya-vê vì không thể nào đọc được. Ông Mô-sê đã được Chúa mặc khải trong đoạn bụi gai cháy bừng trong sách Xuất Hành (Ch3). Trong dịp này, ông khám phá ra Thiên Chúa là Đấng Thật Khác Biệt và cùng lúc sự thân mật của là của Đấng Thật Gần Gũi. Tên Chúa mặc khải cho Mô-sê nói lên tất cả những điều này: bốn chữ đặc biệt YHWH (chúng ta không thể đọc mà cũng không thể nào chuyển ngữ được), cho thấy Ngài không trong tầm tay chúng ta! Đồng thời Mô-sê được mặc khải, Ngài hoàn toàn gần gũi chúng ta: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng» (Xh 3, 7)

«Hãy tung hô», cụm chữ này dùng để tung hô một cách đặc biệt, dành cho các vua lúc nghi lễ phong vương, có thể dịch là «vạn tuế» trong ngôn ngữ chúng ta… Đó cũng là cách nói, vua thật chính là Thiên Chúa «…toàn thể địa cầu», đó là cách nói trước, It-ra-en đã thấy trước tất cả loài người sẽ đến bái lạy Thiên Chúa! Chúa cũng nóng lòng muốn thấy ngày ơn Cứu Độ được loan báo cho toàn thể địa cầu… Thế nhưng, chúng ta có nóng lòng như Ngài chăng?  Dù sao dân tộc It-ra-en không bao giờ quên, họ được tuyển chọn để phục vụ mọi dân tộc. Trong các thánh vịnh chúng ta đều nhận ra hai đề tài gắn bó với nhau, đó là It-ra-en được chọn và sứ vụ cứu độ hoàn vũ do Thiên Chúa đề nghị (Chúng ta nhận ra nội dung như tiếng vang của Bài Đọc 1 trích Sách Xuất Hành)  

«Hãy  phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ». Trong ký ức dân It-ra-en, chữ «phụng thờ» nhắc lại thời nô lệ bên Ai Cập, xứ này còn được gọi là «nhà phụng thờ», ngày nay dân tộc Do Thái tập dần «phụng thờ», ở đây là sự chọn lựa của con người tự do. Có một quyển sách rất nổi tiếng suy niệm về sách Xuất Hành có đề tựa «Từ nô lệ đến phục vụ».

«3 Hãy nhìn nhận YHWH là Thượng Đế», ở đây chúng ta có cảm tưởng như nghe bài Kinh Tin Kính It-ra-en… Đoạn nhắc lại cuộc giải phóng khỏi Ai-cập, và như thế, câu này cũng nói lên Giao Ước. Dân chúng không quên, họ từng bị nô lệ bên Ai-cập; chính Chúa đã biến họ từ nô lệ ra người tự do, từ những người chạy trốn tán loạn thành một dân tộc. Suốt cuộc lữ hành xuyên qua sa mạc Si-nai; dưới sự chỉ đạo của Mô-sê, dân tộc này học cách sống trong Giao-Ước do Thiên Chúa đề nghị. Khi họ hát: «chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người», không nên hiểu Chúa đã tạo dựng ra họ, Chúa đã làm họ trở nên một dân tộc.

Vì lẽ, câu đầu của kinh «Tin Kính» It-ra-en, không phải là «Tôi tin kính Thiên Chúa là đấng tạo dựng…» mà «Tôi đi vào Giao Ước với Thiên Chúa». Chính vì chúng ta chỉ khám phá ra Thiên Chúa là đấng tạo dựng sau này mà thôi. Từ đấy, chúng ta có thể hiểu công trình giải thoát chúng ta không chỉ từ ngày nay mà đã bắt đầu từ khi tạo dựng trời đất. Trong Thánh Kinh, những suy luận về Tạo Dựng được linh ứng từ một Thiên Chúa giải thoát. Điều này cho biết Thánh Kinh không được viết theo thứ tự chúng ta thường đọc. Không bắt đầu bằng Tạo Dựng, rồi sau đó tuần tự những biến cố trong đời sống của dân Chúa chọn, như một bài phóng sự. Các suy tư về Tạo Dựng chỉ đến về sau trong phần thứ hai.

«Dân của Ngài» chúng ta cũng nên tập quen dần với cụm chữ này, đặc thù nói về đức tin Do Thái, chỉ cụm chữ này thôi cũng đủ để nhắc lại Giao-ước (Khi sách chép « Chúa của chúng ta » cũng có ý nghĩa như thế) vì lời hứa Giao Ước được phát biểu như sau: «7 Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa » (Xh 6, 7)

«… muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương», câu này cũng là điệp khúc của Giao Ước. Chúng ta còn nhớ vì là điệp khúc của Tv 135 (136), một bài thánh vịnh miêu tả lại cảnh giải thoát khỏi Ai-cập, câu sau cùng là «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương».

«…qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín»: câu này cùng nghĩa với muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, nhưng hai câu cho chúng ta nghe cặp từ ngữ đi đôi với nhau, rất thường nghe trong Thánh Kinh là «tình thương - niềm thành tín». Đó là cách duy nhất miêu tả Thiên Chúa không sai nghĩa.

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com