Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM A - 19/01/2020

BÀI ĐỌC 2 (1Cr 1, 1-3)

 

"Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta."

 

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

 

1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi,

2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta.

3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

 

Cô-rin-tô là một đô thị trù phú gồm các hạng người và nghèo nàn cũng đủ loại: là một con đường qua lại bắt buộc giữa hai hải cảng, một bên là biển Adriatic, một bên là biển Ê-gê. Con kênh Cô-rin-tô mà ngày nay chúng ta biết, lúc ấy chưa được đào, là con đường lát đá nối liền hai hải cảng, chuyển hàng từ các tàu thuỷ,  bên này sang bên kia bằng sức người và những xe đẩy. Lối đi này rất được thông dụng, để khỏi phải đánh một vòng lớn bằng đường thủy.

Điều kiện ưu đãi này, biến Cô-rin-tô thành một thành phố qua lại thường xuyên; từ đó, là nơi giao lưu nhiều thứ - nhiều chủng tộc, nhiều nguồn tư tưởng, nhiều tôn giáo - tại nơi đó, Trung Đông và Tây Phương gặp gỡ nhau. Ở đấy có mọi thứ, muốn tìm kiếm gì trong mọi lãnh vực đều có. Ngạn ngữ: «sống như người Cô-rin-tô» rất thông dụng, nhưng không phải là một lời khen đâu: có nghĩa là số xa hoa và trụy lạc. Thành phố này cũng có đặc điểm tương phản về xã hội: trong lúc những nhà tài phiệt, thương gia, bận rộn thương thuyết hợp đồng với nhau, thì những công nhân bến cảng và người nô lệ vất vả, lam lũ làm việc. Của cải giàu có phơi bày trước sự khốn cùng của kẻ khác; bài dụ ngôn người giàu có và ông La-da-rô nghèo là một bối cảnh rất thích hợp nơi đây.  

Thánh Phao-lô biết rõ thành này vì đã ở đó 18 tháng, từ cuối năm 50 đến năm 52. Nhờ ngài rao giảng, dần dần một cộng đồng Ki-tô được tập hợp, tạo nên một tương phản với dân thành Cô-rin-tô. Dần dần, qua các bài đọc ngày Chúa nhật, chúng ta sẽ khám phá nhiều hơn.

Không phải lần đầu, Thánh Phao-lô viết cho dân thành Cô-rin-tô: hình như chúng ta biết, có một dạo, ngài cũng cầm bút khi ngài biết được những nỗi khó khăn của cộng đồng Cô-rin-tô. Kỳ này, ngài viết để trả lời những câu hỏi rõ ràng, đặt ra cho ngài; chúng ta đang ở vào năm 55 hay 56. Dù sao đi nữa, đây là lá thư «thứ nhất» của Thánh Phao-lô đối với chúng ta được giữ lại.

Những hàng chữ đầu này,  đưa ngay chúng ta vào bối cảnh toàn thư của ngài cho cộng đồng Ki-tô; Ngài là người được Chúa kêu gọi, nói cho những người được gọi: «1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ …2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su». Thánh Phao-lô là Tông đồ Chúa Giê-su Ki-tô, không vì tự ý, mà rõ ràng do Chúa gọi ngài vào sứ vụ này. Uy quyền ngài có là từ đó; và ngài nói cho Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô. Riêng chữ Hội Thánh cũng nói lên đặc tính ơn gọi từ Thiên Chúa: theo tiếng Hy-lạp chữ «Ecclesia» (Hội thánh) cùng gốc với động từ «kêu gọi» (Kalein). Vì thấy chữ Ecclesia hình như không đủ rõ, Thánh Phao-lô nói chính xác hơn: «Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh». Thành ngữ «Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô.» (như ở Giê-ru-sa-lem hay Paris) trở nên thông dụng. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng được gọi là những người «được Thiên Chúa gọi».

Đồng thời, Thánh Phao-lô nhắc nhở cộng đồng Cô-rin-tô liên kết với những cộng đồng Ki-tô khác: «2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh …, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta». Có điều thú vị, Thánh Phao-lô dùng chữ Hội Thánh, để chỉ cộng đồng địa phương cùng với toàn thể Giáo Hội. Mỗi cộng đồng riêng biệt, vì được Thiên Chúa gọi; là trọn vẹn chứng nhân cho tình yêu hoàn vũ của Chúa Cha: một giáo hội địa phương không chỉ vỏn vẹn thu nhỏ về địa lý hay xã hội, mà luôn có sứ vụ hoàn vũ; đây là cách để chúng ta nhớ khi đọc «lời nguyện giáo dân».

Tôi xin trở lại câu: «những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta». Kêu cầu danh Chúađây là điểm chung của mọi Ki-tô hữu khắp thế giới và qua toàn lịch sử. Kêu cầu danh Chúa, tức là nhìn nhận Thiên Chúa. hơn nữa, khi Thánh Phao-lô gọi Chúa Giê-su là Chúa, thì điều này cũng như thế; vì thời ấy, danh nghĩa Chúa chỉ dành cho Thiên Chúa. Nhân dịp này, tôi tự nhủ, phải chi lời chú này có thể làm phần mở đầu .

Tuần lễ cầu nguyện sự hiệp nhất cho tất cả các Ki-tô hữu; những người trên khắp địa cầu qua những khác biệt ý kiến với nhau, nhưng vẫn tiếp tục «kêu cầu danh Chúa …, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta.»

Trọng điểm chung của mọi Ki-tô hữu là Chúa Giê-su Ki-tô, thật sự trung tâm của thế giới và lịch sử. Ngược lại, thiết tưởng, nếu Chúa Giê-su Ki-tô không phải là trung tâm của thế giới và lịch sử, thì phải hỏi lại về nội dung đức tin của chúng ta. Hẳn các bạn cũng chú ý, chỉ trong vài hàng, Thánh Phao-lô nhắc đến nhiều lần tên Đức Ki-tô: «1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, 2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta». Nếu biết rằng, trong cộng đồng này có nhiều cuộc tranh cãi liên miên, việc Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến chức danh cao trọng của những Ki-tô hữu mới này (Thánh nhân không phải không biết những khuyết điểm của họ), là điều ngài cố ý: dường như nhắc lại phẩm cách Ki-tô hữu, tránh cho họ rơi vào những thái độ bất xứng với bí tích rửa tội. Thánh Phao-lô đón chào họ với hết lòng cung kính, nhìn nơi họ là dân thánh.

Vì lẽ, dân tộc Ki-tô được kêu gọi là mầm non của nhân loại mới, ngày sau này sẽ tập hợp nhau lại, trong ân sủng và bình an chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô: ngày sau cùng, toàn thể nhân loại phục sinh, đứng lên «mọi người như một người», như thường nói, và người ấy có tên là «Giê-su Ki-tô».

Phần thêm

Chúng ta hiểu vì sao  các cử toạ trong ngày Chúa nhật, phụng vụ đề nghị thật nhiều lời nói, cử chỉ rất quan tâm và kính trọng đối với dân Chúa…

Các lời chúc và mời gọi: «Chúa ở cùng anh chị em! Trong tình yêu Chúa Ki-tô, anh chị em hãy chúc bình an cho nhau… ». Các cử chỉ tiếp đón cộng đoàn ở cửa nhà thờ, xông hương cộng đoàn khi dâng Lễ, cử chỉ chúc bình an. Tất cả những lời nói, cử chỉ ấy nói lên tính cao cả là chi thể của Thân Thể Chúa Ki-tô.

Các lời trong phụng vụ rất hài hoà với nhau: «Ân sủng và bình an», đó là sứ vụ người Tôi Trung mang đến tận cùng trái đất (I-sa-i-a).

Sứ vụ ấy được chu toàn rất giản dị chỉ cần sẵn sàng đặt dưới ý Cha: «con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.» (Tv 40, 9)

Thánh Phao-lô được gọi cùng một sứ vụ ấy: «Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an».

***

 

PHÚC ÂM (Ga1, 29-34)

 

"Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

 

29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.

30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước."

32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.

33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."

34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."

 

Câu truyện này xảy ra, sau khi Chúa Giê-su nhận phép rửa từ ông Gio-an Tẩy giả trên sông Gio-đan: chính lúc ấy ông Gio-an Tẩy Giả mới nhận ra người em họ mình thật là Đấng Mê-si-a. Bộ mặt của thế giới từ nay thay đổi, nhân loại bước sang thời kỳ thứ hai của lịch sử: trước kia là giai đoạn trước Đấng Mê-si-a (thời gian mong chờ) và bây giờ Đấng Mê-si-a ở đây, đứng trước mặt ông, Ngài đến như lời các tiên tri loan báo.

Lúc bấy giờ ông Gio-an Tẩy giả được mở mắt. Tất cả đoạn này miêu tả ông chiêm ngắm, hay có thể nói ông đang sống một thị kiến; và ông được mặc khải mầu nhiệm đấng Ki-tô. Tôi xin lập lại lần lược các từ ngữ thể hiện điều này: «Chiên Thiên Chúa, Thần Khí xuống và ngự trên, Con Thiên Chúa», chính Ngài là «Đấng xoá bỏ tội trần gian».

*Con chiên, điều này nhắc đến con chiên lễ vượt qua. Nghi Lễ Vượt qua hằng năm nhắc lại cho dân chúng, Chúa đã giải thóat họ. Đêm được ra khỏi Ai-cập, ông Mô-sê thực hiện nghi lễ truyền thống, nhưng ông cũng nhấn mạnh: «Từ nay nghi thức này nhắc nhở anh em rằng Thiên Chúa ngự xuống trong chúng ta để giải thoát chúng ta, máu con chiên là dấu ấn cuộc giải thoát của chúng ta». Ông Gio-an Tẩy Giả áp dụng danh hiệu ấy cho Đức Giê-su, Ngài là Con Chiên Lễ Vượt Qua, Ngài là sự hiện diện của Thiên Chúa, Lễ Vượt qua của Chúa giải thoát dân Ngài. Chính Ngài, Đấng Ki-tô giải thoát khỏi ách nô lệ tồi tệ nhất, đó là tội lỗi. Ngài cất đi tội lỗi của trần gian, Ngài hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Ngài chính là Đấng Mê-si-a mọi người trông đợi.  

*Con chiên, điều này làm cho chúng ta nghĩ đến Người Tôi Trung Thiên Chúa trong Sách thứ Hai I-sa-i-a (53): Ngài được ví như con chiên vô tội gánh tội cho muôn dân.

*Sau cùng, Chiên Thiên Chúa có nghĩa là Chiên Thiên Chúa ban cho . Ở đây, tôi nghĩ đến lễ vật của Áp-ra-ham. Khi I-sa-ắc hỏi: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ” (St 22, 7-8). Ông Gio-an Tẩy Giả giới thiệu, ở đây con chiên thật sự do Thiên Chúa chuẩn bị. Những tế vật toàn thiêu đã được bãi bỏ như được nghe trong thánh vịnh 39: «7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, 8 con liền thưa: “Này con xin đến!” (Tv 39 (40), 7-8). Chính sự sẵn sàng, lòng tin tưởng của Người Con (điều sau này, Thánh Phao-lô gọi là sự vâng lời) mới xóa tội trần gian: sự sẵn sàng chứ không phải lễ toàn thiêu.

Điều xác quyết thứ hai của ông Gio-an Tẩy Giả về Chúa Giê-su, và cũng là một lời minh chứng: «Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người». Chúa Giê-su chính là Đấng được «Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự». Đây cũng là một danh hiệu tiêu biểu cho Đấng Mê-si-a, nhận được Thần Khí Thiên Chúa để chu toàn sứ mạng.

Mê-si-a, theo tiếng Do-thái có nghĩa là được xức dầu, như vị vua ngày lễ phong vương được xức dầu, dấu hiệu Thần Khí đồng hành trong suốt sứ mạng của tân vương. Thời vua Đa-vít người ta nói rằng, Thần Khí đổ tràn lên ông lúc ấy; thế nhưng, hết vua này đến vua khác, các vua Ít-ra-en đã minh chứng rằng, họ rất có thể không theo linh ứng của Thần Khí. Chúa Giê-su, trái lại, ông Gio-an Tẩy Giả nói với chúng ta rằng Thần Khí ngự trên Ngài, đó là cách nói tất cả những gì Ngài hành động là chính Thần Khí hành động.

Thần Khí, là Thần Khí tình yêu. Nơi Chúa Giê-su nhân loại được giải thoát khỏi ngờ vực và hận thù: Chúa Giê-su khởi sự nhân loại mới. Từ Địa Đàng, Thiên Chúa mời gọi con người đi vào một cuộc đối thoại tình yêu: ông A-đam từ chối, nghi ngờ và phản đối; Chúa Giê-su, trái lại, hướng về Chúa Cha trong một thái độ đối thoại hoàn hảo, không tì bóng. Như Thánh Phao-lô nói trong Phần Mở Đầu, Chúa Giê-su hướng về Thiên Chúa (tiếng Hy-lạp là pros ton thon), Ngài là tiếng XIN VÂNG của loài người hướng về Thiên Chúa. Đức Giê-su, chính xác là Đấng chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa: nơi Ngài là Người, toàn nhân loại kết hợp cùng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Điều thứ ba, ông Gio-an Tẩy giả xác quyết về Đức Giê-su: Ngài là Con Thiên Chúa. Thời ấy, nói như thế, có nghĩa là Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, nhưng chưa phải lời xác định thần học, theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay, Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, hay theo nghĩa Thánh Gio-an viết trong Phần Mở Đầu, khi ngài nói: «Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga 1, 14). Đối với Gio-an Tẩy giả, đó là cách nói Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, đó cũng là một điều rất đáng kể rồi! Và ngài nói với tất cả sự trịnh trọng: «34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực».

Sau cùng, ông Gio-an Tẩy Giả khẳng định rằng, Chúa Giê-su gánh tội trần gian. Một khi tội trần gian được xóa bỏ, đó là lúc ta tiến vào thời giải phóng của Đấng Thiên Sai. Thời Gio-an Tẩy giả, người ta tin rằng Đấng Mê-si-a thanh tẩy tội toàn dân; như tiên tri I-sa-i-a nói: «9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển». (Is 11, 9). Và ông Gio-an Tẩy Giả ý thức, mình là đấng tiền hô (đoạn sau bài này minh chứng điều ấy), nên chính xác ông giảng về sự hoán cải, để dọn những tâm hồn trong thời đại mới này. Chính ông phát biểu: «31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người (có nghĩa là Chiên Thiên Chúa) được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước»

Ông Gio-an Tẩy Giả muốn khép mình như ông Si-mê-ông, lúc Chúa Giê-su được dâng trong Đền thánh: «29 Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân» (Lc 2, 29-31); ông Gio-an Tẩy Giả nói lời tương tự: «Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.» Gio-an Tẩy-giả đến để dọn đường cho Đấng Mê-si-a, bây giờ ông nhường chỗ cho Ngài.

Thế nhưng, chúng ta có thể đặt câu hỏi: ông Gio-an Tẩy Giả thấy Chúa Giê-su đến, chỉ định ngay Ngài là «Đấng gánh tội trần gian». Tuy nhiên, từ khi lời ấy được tuyên bố, bề ngoài không thấy chi thay đổi trên trần gian; tội lỗi đủ thứ vẫn lan tràn, quang cảnh của thời đại chúng ta, không làm cho chúng ta nghĩ có thể nào thay đổi! Nhưng không thể ngờ vực lời của Gio-an Tẩy giả được. Như thế có nghĩa gì? Chắc chắn, không phải tội lỗi mọi thứ biến mất đi, như sau tác động của chiếc đũa thần; nếu như thế còn đâu sự tự do của chúng ta?

Ông Gio-an loan báo một sự thật căn bản của Mặc Khải: Chúa Ki-tô ban cho loài người khả năng thoát khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi. Nguồn gốc của tội lỗi nằm trong tận đáy lòng người, đã không mấy tin vào tình yêu Thiên Chúa, ngờ vực Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, có nhiều đoạn minh họa sự ngờ vực căn bản ấy: (trong vườn Địa Đàng, trong sa mạc thời Xuất Hành) «Chúa bênh đỡ chúng ta hay chống lại chúng ta?». Tội ấy gọi là tội tổ tông, vì là nền tảng của mọi tội lỗi, Chúa Giê-su «gánh tội» bằng sự toàn hảo của lòng tín thác và tình yêu của Ngài. Sự tự do của chúng ta được ghép toàn vẹn hay không vào thân cây mới này, với nhựa cây là Thần Khí.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                            
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân                 
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                    


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com