Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM A - 23/08/2020

BÀI ĐỌC 1 (Is 22, 19-23)

 

"Ta sẽ để chìa khóa nhà Đa-vít trên vai nó."

 

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a.

 

19 Đức Chúa phán: "Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ,
Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.

20 Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta
là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu.

21 Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó,
cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó,
quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó,
nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa.

22 Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được,
nó đóng lại thì không ai mở được.

23 Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột,
nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó."

 

Chúng ta biết khá rõ mối bất hòa giữa tiên tri I-sa-i-a và vua A-khát, với những sấm ngôn bất hủ tiên báo một vị vua nhỏ sắp ra đời và cầm quyền, bất ngờ đem lại mọi ước vọng. Thì đây vị vua ấy đã được sinh ra, ngài tên Khít-ki-gia, nhưng không vì thế mà ngôn sứ I-sa-i-a có thể nghỉ ngơi.

Khít-ki-gia trị vì từ năm 716 (vua cha băng hà) đến năm 687 trước CN. Đây là một vị vua tốt, dưới mắt các tác giả Thánh Kinh. Sách thứ hai Các Vua trao tặng ngài một lời khen tốt nhất có thể: «Vua đã làm điều ngay chính trước mắt ĐỨC CHÚA, đúng như vua Đa-vít, tổ phụ vua đã làm. Chính vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các cột thờ và đập tan con rắn đồng ông Mô-sê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Ít-ra-en vẫn đốt hương kính nó» (2V18, 3-4). Nên hiểu, ông nhất quyết tranh đấu chống mọi hình thức, phong tục ma tà và thờ lạy bụt thần; điều này đáng được khen ngợi. Hơn nữa: «Vua đã đặt niềm tin tưởng vào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en. Sau vua, chẳng có vua Giu-đa nào được như thế, cũng như trước vua chẳng có ai được như vậy. Vua gắn bó với ĐỨC CHÚA, không bỏ Người; vua tuân giữ các mệnh lệnh ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê.7 Vì thế, ĐỨC CHÚA đã ở với vua; vua tra tay làm việc gì thì cũng thành công » (2V18, 5-7)  

Lúc ban đầu tốt đẹp! Thế rồi mọi chuyện trở nên tồi tệ: Nhưng cũng phải nói lịch sử thời ấy thường bị xáo trộn. Cha ngài, vua A-khát đã chấp nhận sự bảo trợ của quân At-sua, và suốt triều đại của mình, vua Khít-ki-gia mơ một ngày sẽ tìm lại tự do, có lúc nổi lên chống lại quân At-sua (điều này rất nguy hiểm vì sức mạnh hai bên không cân đối), hoặc nhờ vào thế của Ai-cập, giải pháp này cũng không hơn gì. Thế nhưng, mọi giao ước giữa con người thế nào rồi cũng phải trả giá, vì thế vị ngôn sứ không đồng ý nữa. Ví dụ một ngày nọ, để nộp một số tiền triều cống khổng lồ cho vua At-sua, vua Khít-ki-gia bắt buộc phải nôp: «tất cả số bạc có trong Nhà ĐỨC CHÚA và trong kho đền vua. Chính vào thời đó, vua Khít-ki-gia đập gẫy các cánh cửa của đền thờ ĐỨC CHÚA, cũng như các khung cửa mà. .., vua Giu-đa, đã bọc bằng kim khí, lấy nộp cho vua Át-sua.» (2V18, 15-16). Câu truyện ông En-gia-kim và Sép-na nằm trong bối cảnh ấy: Hình như trong lúc vua bàn cãi những vấn đề chính trị tiên quyết cho sự tự do tín ngưỡng Ít-ra-en (dưới mắt vị ngôn sứ là điều chính yếu), thì Sép-na chỉ quan tâm đến tư lợi, «nhét đầy túi» như ngày nay người ta nói.

Thật lạ lùng, trong Thánh Kinh thường tìm cốt yếu là lời lẽ thần học, một mặc khải Thiên Chúa - đàng này chúng ta thấy biết bao nhiêu tường thuật lịch sử, hơn nữa đoạn lịch sử nhiều chằng chịt, và những thủ đoạn triều đình, ví dụ trong đó có truyện hai ông Sép-na và En-gia-kim. Bài học đầu tiên rút ra, không tìm Chúa nơi đâu khác hơn là những lúc tối tăm nhất trong đời chúng ta; Ngài sẽ mặc khải, ngày qua ngày trong lịch sử. Chính nơi đây, chúng ta nên học cách nhận ra sự hiện diện của Chúa, tác động của Ngài. Ví dụ trong bài này, Chúa không để vua của Ngài lâu không có người cộng tác tối cần. Ngôn sứ phơi bày những lý do thầm kín của Sép-na và loan báo sự cách chức Sép-na: «Người hùng ơi, này đây ĐỨC CHÚA sắp thẳng tay quăng ông đi, sắp túm chặt lấy ông, sắp cuốn, sắp cuộn tròn ông lại, như một quả bóng lăn vào vùng đất mênh mông. Ông sẽ chết tại đó, và chiến xa từng làm cho ông vẻ vang rạng rỡ cũng sẽ nằm tại đó. Ông ơi, ông là mối nhục cho nhà của chủ ông.» (Is22, 17-18) (những chiến xa, những điều làm mất danh dự vua Khít-ki-gia, có lẽ là ám chỉ đến giải pháp chính trị thiên Ai-cập do Sép-na đề nghị, điều gây thịnh nộ nơi ngôn sứ I-sa-i-a). Nhân đây, ta thấy lời nói nồng nhiệt của ngôn sứ thật đáng khen ngợi, ngài chỉ quan tâm đến những quyền lợi thật sự của dân Chúa chọn. Chúng ta cũng đoán ra vua tuân theo những lời khuyên của vị ngôn sứ và để cho I-sa-i-a có thể can thiệp vào việc triều đình.

Trái với vẻ bề ngoài, và đây chúng ta chứng kiến một lời an ủi: vị ngôn sứ loan báo Thiên Chúa sẽ can thiệp cho dân của Ngài. Việc này sẽ qua sự truất quyền quan tể tướng xấu của triều đình (Sép-na) và thay thế bằng một vị phục vụ thật sự dân chúng (En-gia-kim). Hết rồi những lo âu, tình trạng bấp bênh, và bất ổn: Từ nay sẽ «vững chắc như đinh đóng cột» (c23)

Không lạ gì, bài này được chọn như một tiếng vang cho bài Phúc Âm, Thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin tại Xê-da-rê (Mt16): Chúng ta đọc trong bài này sự vững chắc Chúa Giê-su hứa cho Giáo Hội Ngài, và hơn nữa, biểu tượng của «quyền lực của chìa khóa» ngay từ Cựu Ước: «Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được.» (c22).

***

 

 

THÁNH VỊNH (Tv137, 1-3.6.8)

 

Đáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa.

 

1 Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,

2 hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.
Xin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.

3 Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.

6 CHÚA tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn;
đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết.

8 Việc CHÚA làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất;
lạy CHÚA, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.

 

Bài Thánh vịnh này rất ngắn, phụng vụ hôm nay cho chúng ta nghe gần toàn bài, nhưng mỗi câu mỗi chữ chứa cả một lịch sử. Lịch sử này, dĩ nhiên, lúc nào cũng như thế. Chúng ta nhận ra trong mọi Thánh vịnh, đó là Giao Ước giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en. Ít-ra-en được Chúa chọn để Ngài gửi tâm tình, và làm ngôn sứ cho Ngài: Gửi tâm tình bởi nơi họ, Chúa mặc khải Chúa là Tình yêu; ngôn sứ được Chúa giao sứ mạng loan báo cho toàn thế giới. Tôi nghĩ, đó là ý nghĩa chính xác của bài Thánh vịnh 137. Một lần nữa, đây là lời của toàn dân Ít-ra-en nói: Chữ «con» ở đây là nhân vật tập thể, cũng như trong mọi Thánh vịnh. Tôi xin chỉ xem xét theo thứ tự từng câu. Các bạn sẽ thấy bài này không trong sáng như mới nghe, nhất là cách chuyển ngữ không làm đơn giản hơn. 

Xin đừng quên, phụng vụ hôm nay chọn bài dịch từ tiếng Hy-lạp, trong lúc bài gốc bằng tiếng Do Thái. Thế nhưng, bài được chuyển ngữ đôi lúc có khác bản gốc Do Thái. Cũng như một vài Thánh vịnh bắt đầu bằng câuCủa vua Đa-vít, cụm từ  này không được lặp lại, lý do là, chính xác không ai hiểu có nghĩa gì. Rất ít cơ may bài này do Vua Đa-vít sáng tác, mặc dù ngài đầy lòng biết ơn Thiên Chúa. Chắc như thế rồi. «Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,» (c1): Câu này khiến chúng ta nghe như tiếng vang câu bất hủ trong sách Đệ Nhị Luật: «Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).» (Đnl, 5). Và tại sao phải tạ ơn? Vì «Ngài đã nghe lời miệng con xin» (c1). Chúng ta hiểu ngay: Vì Ngài nhậm lời con, nhưng nên tìm hiểu sâu xa hơn. Đây là bản dịch Hy-lạp, bản này có lý khi nhấn mạnh rằng Ít-ra-en có trải nghiệm thường được Chúa nhậm lời. Nhưng trong bản Do Thái, có lẽ câu ấy được hiểu ngược lại: Đó là: «con nghe những lời từ miệng Ngài» có nghĩa là, con được Chúa chia sẻ tâm sự. Đó là mặt thứ nhất của Giao Ước tôi nói khi nãy.

«Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa» (c1): Ở đây cũng khó hiểu, hay ít nữa là có một sự khác biệt giũa hai bản Do Thái và Hy-lạp. Chữ được dịch là thiên thần trong bản Do Thái là «Elohim» có nghĩa các vị thần; trong trường hợp này không nên xem hai bản dịch đối kháng nhau: Cả hai đều được thần khởi, cả hai cũng nên linh ứng cho chúng ta: «Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa» (c1), đây là câu tín hữu trong phụng vụ trên trời, các tôi tớ Thiên Chúa hát không ngừng «Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Chúa cả trời đất», «Con xin ca ngợi Chúa trước các Elohim», đó là kinh Tin Kính Ít-ra-en: Chỉ có Chúa là Thiên Chúa, trong lúc các Elohim (chỉ là các bụt thần của dân ngoại) không là gì cả. Nếu các bạn hiếu kỳ muốn tiếp tục nghiên cứu, tiếng Si-ri-ắc dịch là các vua, điều này lại có nghĩa khác: «Giữa các vua xin đàn ca kính Chúa», hiểu như thế, nói lên lời cam kết truyền giáo: Ít-ra-en không quên sứ mạng chứng tá trước muôn dân. Tất cả những ý tưởng ấy bổ sung cho nhau, vì Lời Chúa hằng sống trong lòng những kẻ lắng nghe từ thế hệ này sang thế hệ khác.

«Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương» (c2) Cụm chữ thành tín yêu thương là một công thức được yêu chuộng để nhắc lại Giao Ước Thiên Chúa và công trình của Ngài làm cho dân Ngài chọn. Đó là định nghĩa, Chúa đã mặc khải về chính Ngài cho ông Mô-sê: Ta là «Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín» (Xh34, 6). Cuối bài Thánh vịnh chúng ta lại thấy đề tài tình yêu Thiên Chúa: «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.» (c8), chúng ta nhận ra nơi đây điệp khúc bài Thánh vịnh 136 (135), bài này cũng nhắc lại cuộc giải phóng trong sách Xuất Hành.

 Chữ «tay Ngài» (c8) lại là một ngụ ý khác: Chúa đã giải thoát, « đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như ĐỨC CHÚA» (Đnl4, 34). Mọi câu đều nói lên sự ngạc nhiên, thán phục của dân Ít-ra-en trước những kỳ công Thiên Chúa làm cho họ: «Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?...Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán;…Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl 4, 32…35)    

Bài thánh vịnh kết thúc bằng một lời nguyện: «xin đừng bỏ dở dang.» (c8), có nghĩa là xin Ngài tiếp tục, mặc cho những bất trung không ngừng của chúng con (phải đọc hai câu liền nhau:  «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.» (c8), có nghĩa là Chúa vẫn trọn tình thương, chúng con biết thế vì Ngài không bỏ dở dang.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com