Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 3 Phục Sinh Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 ( Cv2, 14.22-33)

 

Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

14 Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: "Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây

22 "Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.

23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi.

24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.

25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng.

26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng.

27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.

28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.


29 "Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay.

30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người,

31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát.

32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.

33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe

Cũng một Thánh Phê-rô đã hoảng sợ trong phiên tòa xử Chúa Giê-su, đến nổi công khai chối Chúa, cũng một người ấy, sau khi Chúa Ki-tô chết, khoá chốt đóng kín cửa trong phòng cùng với những môn đệ khác…vâng, cũng chính người ấy chúng ta gặp hôm nay hơn một tháng ( chính xác là 50 ngày sau ) và, lần này ngài chuẩn bị một bài giảng hùng hồn trước hàng ngàn người! Thánh nhân « đứng », sở dĩ Thánh Lu-ca ghi chú tư thế Thánh Phê-rô lúc ấy vì đó là tượng trưng : một cách nào đó, Thánh Phê-rô đang thức dậy, sống lại và đứng lên…

Xin có một  nhận xét đầu tiên trước khi tiếp tục xa hơn. Từ trước đến giờ, Thánh Phê-rô không phải là mẫu người mạnh dạn, nhưng  chính Chúa Giê-su từ nay trao cho ngài sứ vụ táo bạo nhất : tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng, một sứ vụ đã phải trả bằng sự sống, chính Con của Thiên Chúa ! Nơi đây chúng ta có một biểu hiện câu Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Cô-rin-tô : « những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh» (1Cr1, 27). Người đã chối Thầy mình, nhưng rồi đây sẽ hân hoan được bách hại vì nói nhiều. Đây hẳn là một trong phép lạ lớn nhất trong Công Vụ Tông Đồ ! Sở dĩ tôi nói « phép lạ » là tôi muốn nói mãnh lực mới ấy, sự bạo dạn mới ấy, Thánh Phê-rô không múc lấy từ bản thân mình, đó là ân huệ nhưng không từ Thiên Chúa. Hơn nữa nếu tôi đọc tiếp câu Thánh Phao-lô, ngài nói rõ : « những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh…hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.»  (1Cr1, 29)

Tôi xin trở lại buổi sáng lễ Ngũ Tuần,  năm Chúa Giê-su vừa chết. Thành Giê-ru-sa-lem đặt nghẹt cả người. Như hằng năm người hành hương từ tứ phương đến tham dự lễ Ngũ Tuần. Đó là những người Do Thái đến Giê-ru-sa-lem hành hương, cũng như Thánh Phê-rô  và những Tông đồ khác, họ chia sẻ niềm cậy trông Ít-ra-en. Suốt dọc đường  -  có khi họ đến từ xa - họ hát những bài thánh vịnh xin Thiên Chúa sớm gửi đến Đấng Mê-si-a của họ. Chính vì thế, Thánh Phê-rô dựa trên lòng cậy trông ấy để loan báo : Đấng Mê-si-a anh em hằng mong chờ ấy đã đến, chúng tôi có vinh hạnh được biết Ngài, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa, một thế giới mới đã khởi đầu.

Xét qua, cử toạ của Thánh Phê-rô là những người trong nhóm người « được chuẩn bị tốt nhất » để nghe sứ điệp ấy. Tất cả đời sống cầu nguyện của họ, và rộng hơn cả đời sống thường nhật của họ, phải chăng đã chìm đắm trong ký ức những công trình của Thiên Chúa dành cho dân tộc họ, trong khi chờ đợi Đấng Mê-si-a đến cứu độ vĩnh viễn Ít-ra-en và cả nhân loại ?

Và như thế, Thánh Phê-rô nhấn mạnh trong bài giảng của ngài đến phương diện liên tục của công trình Thiên Chúa, đối với ngài là điều hiển nhiên. Và tôi tin rằng cũng rất quan trọng, chúng ta tìm lại ý nghĩa về sự liên tục của công trình Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn tiếp cận Thánh Kinh. Đối với chúng ta, thật là một điều kỳ lạ, đó là một điều khó chấp nhận. Sau hai ngàn năm chia cách người Do Thái và Ki-tô hữu, hai ngàn năm bất đồng ý kiến và có khi là lý do cho những bách hại ghê gớm, chúng ta tin vào một sự sai lầm mà chúng ta cho là hiển nhiên : đức tin Do Thái và đức tin Ki-tô là hai tôn giáo khác nhau. Thường khi, Ki-tô hữu chúng ta nói như sứ điệp Chúa Ki-tô khác hẳn với sứ điệp của Cựu Ước, ví dụ như đức tin của Mô-sê.  Đối với các Tông Đồ tiên khởi, trái lại, không có sự khác biệt nào giữa đức tin Do Thái và Ki-tô hữu ! Một khi nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a họ không có cảm tưởng thay đổi tôn giáo, trái lại : họ cảm nhận một niềm vui vô bờ được thấy niềm tin trong sáng nhất của tôn giáo từ thuở thơ ấu được thể hiện. Trong cái lô-gíc ấy, tất cả những người Do Thái, không sớm thì muộn cũng nhận ra Đấng Mê-si-a.

Để làm nổi bật lên tính liên tục ấy, Thánh Phê-rô dùng đến lời chứng của bài thánh vịnh 16. Nhưng tôi không nói ở đây chính vì phụng vụ đề nghị chúng ta cho ngày chúa nhật thứ III Phục Sinh, chúng ta có dịp triển khai sau.

Đồng thời các người đến với Thánh Phê-rô là những người ít được chuẩn bị nhất để nghe lời giảng Thánh Phê-rô : chính bởi vì họ chờ mong Đấng Mê-si-a đã từ lâu, họ có thời gian suy nghĩ về Ngài, nhưng là những suy nghĩ của con người…Ngài, Đấng Siêu Việt, tư tưởng Ngài cao vời hơn mọi tư tưởng của chúng ta, như trời với đất như tiên tri I-sa-i-a nói ( Is55).

Một trong phương diện khó chấp nhận nhất của mầu nhiệm Chúa Giê-su, cho những người đương thời, đó là thiên tính của Ngài. Kinh Tin Kính Ít-ra-en mà họ đọc hằng ngày ( Sê-ma Ít-ra-en) cũng chính xác nói lên như sau : « Hỡi Ít-ra-en, Chúa, Thiên Chúa của ngươi là Chúa Duy Nhất ». Chính vì thế một ai tự xưng mình là Chúa là một kẻ bịp bợm, kẻ ấy phạm thượng, nói những điều nguy hiểm cho đức tin người khác : phải loại trừ hắn. Tất cả các tiên tri đều tranh đấu chống hình thức thờ lạy bụt thần ấy, các ngài tranh đấu cho sự tinh tuyền lòng tin vào Thiên Chúa duy nhất. Và các giáo quyền đã quyết định xử tử Chúa Giê-su, một phần hẳn cũng vì lý do bảo vệ sự tinh tuyền cho đức tin Do Thái. Thánh Phê-rô biết tất cả những điều ấy, nên ngài nhấn mạnh đến nhân tính Đức Giê-su : « Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em…Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước » (c22,23)

Song song Thánh Phê-rô nhấn mạnh đến kỳ công của Thiên Chúa qua Con Người Giê-su này : « Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó… Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại…Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa» (c23,24 32,33). Sau cùng Thánh Phê-rô kết luận bằng cách gợi lên trải nghiệm của cử toạ đến nghe ngài giảng. Thánh nhân nói với họ : « đó là điều anh em đang thấy đang nghe» (c33) khi nói đến cảnh tượng các Tông đồ kể từ nay. Ngài biết rằng chỉ có thể đến lượt có thể làm chứng nhân khi nào chính mình trải nghiệm công trình của Chúa. Đối với những người đến nghe Thánh Phê-rô - họ không trực tiếp là chứng nhận sự phục sinh - trải nghiệm duy nhất có thể đối với họ là thấy và nghe mười hai Tông Đồ được Chúa Thánh Linh biến đổi. Đối với anh em đương thời của chúng ta cũng như thế : điều này có nghĩa là cấp bách các cộng đoàn Ki-tô chúng ta phải để cho Chúa Thánh Linh biến đổi.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv15, 1-2. 5. 7-11)

 

Đáp : Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh.

Hoặc  đọc : Alleluia !

 

1 Se sẽ. Của vua Đa-vít
Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

2 Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? "

5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

7 Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.

8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

9 Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.

10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

11 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

 « Lạy Chúa, Chúa là số phận của lòng con, Ngài là gia nghiệp của con. Nơi Ngài, lạy Chúa con đặt tất cả hạnh phúc của con, Chúa ơi, phần con chỉ có Ngài » hẳn các bạn nhận ra phỏng dịch lời một bài hát bất hủ Negro spirituel …đó là bài thánh vịnh 15. Qua những câu chúng ta được đọc trong Thánh Lễ hôm nay, tất cả có vẻ đơn giản ! «Con thưa cùng CHÚA: "Ngài là Chúa con thờ!... bên Ngài, con đang ẩn náu…trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! » Chúng ta có cảm tưởng như một cuộc hôn nhân hoàn hảo ( tôi mạn phép nói như thế ). Nhưng thật ra bài này phải được hiểu với nhiều trình độ.

Trình độ thứ nhất : Ở đây dân Ít-ra-en được ví như một người Lê-vi, một tư tế « cư ngụ » túc trực trong đền của Chúa, được sống gần gũi với Ngài. Đời sống các tư tế, tận hiến cho Chúa, là hình ảnh sống động cuộc sống của toàn dân. Cũng đừng quên trong các thánh vịnh - ngay cả khi lời một bài xuất phát từ một cá nhân và trong bối cảnh câu truyện có vẻ của một nhân vật -  rốt cuộc đó luôn luôn cũng là tiếng nói của toàn dân Ít-ra-en.

Cách phát biểu : «Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ » (c5) là ngụ ý nói về quy chế đặc biệt những người Lê-vi. Lúc chia phần các chi tộc ở Pa-lét-tin giữa các con cháu ông Gia-cóp – chia theo lối bắt thăm – các thành viên chi tộc Lê-vi không có phần. Phần của họ là Nhà của Chúa, việc phục vụ Chúa. Trọn đời họ cống hiến cho phụng tự. Họ không có phần đất, sống nhờ lộc bổng ( có thể nói như nhờ công quỹ của Giáo Hội ngày nay của chúng ta) và một phần hoa màu và thịt cúng ở đền thờ. Có một câu khác trong bài thánh vịnh ( chúng ta không được nghe trong Thánh Lễ) ngụ ý rõ ràng về nội quy các người Lê-vi : « Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.
»  (c6). Họ giữ Đền ngày đêm, đó là ý nghĩa câu 7 : « ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.»

Qua đây chúng ta nhận ra, quy chế rất đặc biệt, có nhiều đặc quyền của người Lê-vi được hiểu như hình ảnh đặc quyền của dân Chúa chọn, Ngài chọn để phục vụ Ngài giữa muôn dân. 

Cách hiểu theo cấp bậc cao hơn. Trong thực tế mọi việc không tốt đẹp như mới nhìn thoáng qua. Không ai biết rõ bài thánh vịnh này được viết vào năm nào. Những tình huống hiểu qua các điều ngụ ý thích hợp với nhiều thời đại. Nhưng dù sao, câu gọi cầu cứu đầu bài : « Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.» cùng với những lời khẳng định lập lại lòng cậy trông, cho chúng ta giả thiết chính thời đại đang diễn ra rất cần đến lòng cậy trông. Lời kêu cầu cứu ấy cũng là một cách tuyên xưng đức tin : nó nói lên một cuộc chiến khủng khiếp, cuộc chiến của lòng tin đích thực, đó là cuộc chiến chống thờ phượng bụt thần, cuộc chiến trung thành với Chúa duy nhất.

Có vài câu – không được nghe trong Thánh Lễ hôm nay – nói rõ Ít-Ra-en đã thỉnh thoảng sa ngã theo bụt thần nhưng quyết tâm không còn sa ngã nữa : xác quyết rằng : « Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.» (c1) câu này thể hiện quyết định ấy. Tôi không thêm chi nhiều về các câu ấy vì không có trong phụng vụ hôm nay. Chỉ nhận xét rằng nhờ những câu ấy chúng ta hiểu thêm hình ảnh người Lê-vi linh động như thế nào. Đó là cách nói : một khi chọn trung tín với Chúa thật, Ít-ra-en đã có một chọn lựa thật sự, nhờ dó đem họ vào vòng thân mật với Thiên Chúa.

Lòng cậy trông của người Lê-vi, lòng cậy trông của Ít-ra-en gợi cảm hứng cho những câu tuyệt vời. Đến nổi làm cho chúng ta tự hỏi : lúc bài thánh vịnh này được sáng tác, phải chăng đã có những lóe sáng mập mờ đầu tiên của lòng tin vào sự Phục Sinh ? Ví dụ như cách phát biểu như thế này : « Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. » (c10) Nhưng đấy là nói về dân tộc Ít-ra-en ; giống như khi chúng ta đọc  về thị kiến những bộ xương khô của tiên tri Ê-dê-ki-en, ngài loan báo sự sống lại của dân chúng chứ chưa phải sự phục sinh cá nhân.

Về sau, khoảng hai thế kỷ trước Chúa Giê-su Ki-tô – khi bắt đầu tin có sự phục sinh cá nhân – câu : « Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ» được đọc và hiểu trong hướng ấy. Có lẽ lời nguyện của bài thánh vịnh 15(16) đã góp phần dần dần nảy sinh nơi Ít-ra-en lòng tin vào sự Phục Sinh ?

Còn bậc thứ ba hiểu bài này. Sáng ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Thánh Phê-rô đọc bài thánh vịnh này cho các người hành hương Do Thái, đến đông đảo từ Giê-ru-sa-lem để tham dự ngày lễ. Để chứng tỏ rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a, Ngài hoàn tất dự án của Thiên Chúa, thánh nhân nói : khi vua Đa-vít viết bài thánh vịnh này, ngài loan báo sự Phục Sinh của Đấng Mê-si-a, thế nhưng Chúa Giê-su đã phục sinh thì đúng là vua Đa-vít đã nói về Ngài, nhưng dĩ nhiên không nêu tên ra.

Thời Chúa Giê-su các thánh vịnh được cho là từ vua Đa-vít sáng tác, vì thế Thánh Phê-rô nói : «Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người ( Chúa Giê-su)  » ( Cv 2, 25). Trên thực tế bây giờ chúng ta biết nhiều bài thánh vịnh không được viết từ tay vua Đa-vít. Nhưng đó không phải là vấn đề. Ở đây điều chúng ta quan tâm là Thánh Phê-rô muốn mọi người hiểu như thế nào. Chúng ta nhận ra trong bài này cách đầu tiên rao giảng cho người Do Thái: có nghĩa là các Thánh Tông đồ hiểu như thế nào qua truyền thống Do Thái giáo, khám phá ra một chiều kích mới, loan báo Chúa Giê-su Ki-tô. Thế rồi dần dần qua nhiều thế kỷ, bài thánh vịnh này dâng lên lời nguyện Ít-ra-en trong khi chờ đợi Đấng Mê-si-a và từ từ nhiều ý tưởng mới làm phong phú hơn …Đó là vai trò những cộng đồng Ki-tô tiên khởi, là mặc khải và loan báo, nhận ra Lời Chúa, nơi Chúa Giê-su Ki-tô, ý nghĩa trọn vẹn nhất.

***

 

BÀI ĐỌC 2 ( 1Pr1, 17-21)

 

Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Đức Ki-tô, Con Chiên tinh tuyền.

Trích thư thứ nhất Thánh Phê-rô Tông đồ.

 

17 Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này.

18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại.

19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô.

20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này.

21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.

 

Bài đọc 1 ( Sách Công vụ Tông đồ) đã cho chúng ta bài giảng của Thánh Phê-rô sáng ngày lễ Ngũ Tuần, một thể văn mẫu của các cộng đoàn Ki-tô tiên khởi rao giảng như thế nào cho những người Do Thái. Và đây là thư Thánh Phê-rô, một bài giảng cho dân ngoại, những người không phải dân Do Thái, nay là Ki-tô hữu. Dĩ nhiên bài giảng không hoàn toàn giống nhau. Đây là điều B.A= Ba (LND: điều nền tảng, đơn giảng nhất ) của cách truyền thông điều chỉnh cách nói cho thích hợp với cử toạ !

Tôi vừa nói bài này cho những người không phải người Do Thái. Nhưng thật sự không biết bài thánh thư này được viết chính xác hướng cho hạng người nào. Trong những hàng đầu Thánh Phê-rô chỉ nói ngài viết cho:  « những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ » (1Pr1, 1) trong năm tỉnh ( trong xứ Thổ-nhị kỳ hiện nay của chúng ta) Pon-tô, Ga-lát, Cáp-pa-đô-ki-a, A-xi-a và Bi-thy-ni-a. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng họ không phải người Do Thái, chính câu: « lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại »(c18) : thật vậy, Thánh Phê-rô, chính ngài cũng là người Do Thái, không đời nào ngài nói câu ấy với người Do Thái…Ngài quá rõ lòng cậy trông của họ qua Lời Chúa và suốt đời, dân tộc ngài hướng về Thiên Chúa. Không thể nào nói với họ « khách lữ hành đang sống tản mác » không định hướng !  

Nhưng nếu đối tượng không phải là người Do Thái, thì điều làm ta ngạc nhiên ngay trong đoạn này là con số ấn tượng những ngụ ý từ Thánh Kinh. Ví dụ như các câu : « bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích»  (c19) ; « Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, » ; «đem lòng kính sợ mà sống »(c17)  . Sở dĩ Thánh Phê-rô dùng những từ ngữ ấy không giải thích vì cử toạ đã biết trước. Từ đó tôi suy ra các Ki-tô hữu tiên khởi, đến từ những lương dân đã lãnh nhận các khóa giáo lý về Thánh Kinh rất nghiêm túc ! Có lẽ chúng ta cũng lấy đó làm gương và giúp tạo điều kiện có những nơi, và những cơ hội để khám phá chiều sâu của Thánh Kinh cho mọi Ki-tô hữu.

Ngoài ra tôi cũng rút ra hệ luận rằng, ta không thể nào hiểu Tân Ước nếu ta cắt lìa với Cựu Ước. Một ví du cụ thể : khi đọc lại toàn bài thư Thánh Phê-rô, tôi chú ý ghi nhận các từ ngữ, những câu rút từ Cựu Ước, không kể những từ ngữ riêng rẻ …Thật là ấn tượng ! Và chúng ta cũng có thể nói như thế trong toàn Tân Ước.

Còn một điều khác cũng gây ấn tượng mạnh, trong bài thánh thư chúa nhật hôm nay, đó là sự tương đồng với các thư Thánh Phao-lô. Bởi vì không ai biết rõ các thư Thánh Phao-lô được viết vào thời nào – các thư Thánh Phê-rô cũng thế - vì vậy tôi không dám mạo muội nói bài nào là tiếng vang cho bài kia, nhưng có vài điều tương đồng rất ấn tượng. Thánh Phê-rô nói :  « anh em gọi Người là Cha, » trong lúc Thánh Phao-lô viết cho tín hữu thành Ga-la-ta : « Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! »( Gl4, 6)

Thánh Phê-rô nói : «Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử »(c17) Thánh Phao-lô thì phát biểu như sau : « vì Thiên Chúa không thiên vị ai» (Rm2,11)  hay ngài nói một cách khác, chúng ta quen thuộc : « Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô» (Gl3, 28). Ở đây chúng ta nghe như một tiếng vang trong sách Huấn ca : « Sẽ đến lúc Người trả cho ai nấy theo việc họ làm,  và xét xử hành động của người ta theo ý hướng của họ.» (Hc35, 22)  

« Anh em …đã được cứu thoát … nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. », Thánh Phê-rô nói. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô Thánh Phao-lô viết : « Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.» (Ep1, 7)

« Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này» (c20) đấy là lời Thánh Phê-rô, nhưng chúng ta có cảm tưởng như Thánh Phao-lô nói : « Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.»  (Ep1, 9) …và tôi thiết tưởng chúng ta có thể tiếp tục so sánh như thế giữa các thư Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô.

Để kết thúc, tôi xin trở lại hai cách trình bày của Thánh Phê-rô có thể va chạm chúng ta, nếu chúng ta không đặt vào ngữ cảnh Thánh Kinh.

Trước hết, cụm chữ « kính sợ Thiên Chúa ». Điều này có một ý nghĩa rất đặc biệt trong Thánh Kinh, chính bởi vì Chúa mặc khải cho dân Ngài như một người cha. Hãy nhớ đến câu sau đây trong ( Tv 103,13) : « Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn » Kính sợ Thiên Chúa không phải sợ hãi, nhưng là một thái độ cha với con bằng tình thương, kính trọng, tôn sùng, và một lòng cậy trông hoàn toàn. Thánh Phê-rô nói rõ : « nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này »(c17). Thật là lô-gíc : anh em gọi Ngài là Cha, vậy thì hãy sống như người con. Bây giờ chúng ta hãy đọc trọn câu ấy : « anh em gọi Người là Cha…Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử…thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này ». Theo chứng cứ câu được Thánh Phê-rô nhấn mạnh : « Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử »  chúng ta có thể đoán rằng, trong vài Ki-tô hữu mới này, đến từ dân ngoại, có người mặc cảm đối với những Ki-tô hữu gốc Do Thái. Thánh Phê-rô muốn làm cho họ an tâm : ngài nói một cách thực tế rằng : anh em là con như những anh em khác, hãy cư xử như những người con, giản dị thôi.

Cụm chữ thứ hai có thể chạm đến chúng ta : « anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô »(c19). Tôi cố tình trích ngắn gọn câu ấy có thể làm quý bạn khó chịu. Chúng ta bị cám dỗ nhìn vào đấy như một cuộc mặc cả ghê tởm, không rõ giữa ai với ai. Nhưng nếu tôi đọc cả đoạn văn Thánh Phê-rô, tôi khám phá ra hai điều. Thứ nhất không có sự mặc cả, sự cứu độ là « nhưng không », là một « ân huệ », tức là một món quà. Thánh Phê-rô cố gắng nói rõ : « không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc » ( c18), đó là một cách nói « nhưng không ». Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê nói : « Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người » (Cl1,19).

Thánh Phê-rô không nhấn mạnh vào điểm, nơi chúng ta thường làm. Máu của con chiên tinh tuyền vô tì tích, là máu đổ ra trong lễ Vượt Qua, có nghĩa là sự giải thoát Ít-ra-en ra khỏi mọi hình thức nô-lệ. Máu ấy loan báo công trình thường trực Thiên Chúa cứu độ dân Ngài. Vì thế, đối với một đọc giả quen với Cựu Ước, đây là cách nhắc lại ngày lễ, một cách nào đó, nhắc đến ngày lễ được tự do, đối với chúng ta không hẳn là thế. Thế nhưng sự cứu độ vĩnh viễn được hoàn tất nơi Chúa Giê-su Ki-tô, kể từ nay anh em bước vào một cuộc sống mới ( khi xưa vùng đất hứa đã loan báo). Sự cứu độ ấy chính là điều anh em cầu khấn Chúa là Cha. Lúc bấy giờ chúng ta hiểu rõ hơn câu sau đây : anh em được giải thoát khỏi phải sống như « những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ» (1Pr1) . Sống như những khách lữ hành, có nghĩa là sống không định hướng, không đi tới đâu, đối lại với đời sống vĩnh cửu. Kể từ nay vì Người Con đã sống làm Người với lòng cậy trông đến cùng, thì tất cả nhân loại cũng đã tìm được con đường của thái độ người con đối với cha, tìm lại con đường của cây cho sự sống, hình ảnh của Vườn Địa Đàng. Thánh Phao-lô có thể nói : từ thái độ sợ hãi, ngờ vực của người nô lệ, anh em bước sang thái độ kính sợ của người con, đó là thái độ của những người con đối với Cha.

***

 

PHÚC ÂM (Lc 24, 13-35)

 

Alleluia, alleluia !

– Lạy Chúa Giê-su, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho linh hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. – Alleluia.

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

 

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.

14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.

15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.

16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.

17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay."

19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.

20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.

21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.

22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,

23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.

24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!

26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?

27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.

29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.

31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.

32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.

34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các bạn hẳn đã chú ý có sự đối chiếu giữa hai câu ( thể văn đóng khung) « mắt họ còn bị ngăn cản»(c16) và câu 31 : « Mắt họ liền mở ra » Điều này có nghĩa là hai môn đệ chuyển qua từ tâm trạng hoàn toàn thất vọng sang phấn chấn chỉ vì mắt họ mở ra.

Và tại sao mắt họ mở ra ? Bởi vì Chúa Giê-su giải thích họ Sách Thánh: « Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.» (c27). Từ đó tôi suy ra Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm Thánh Kinh, hiểu Thánh Kinh phải hiểu tùy thuộc vào Ngài. Thánh Phao-lô còn nói về điều này xa hơn thế nữa trong thư thứ hai gửi tín hữu thành Cô-rin-tô : « Nhưng trí họ đã ra mê muội. Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Ki-tô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ.15 Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Mô-sê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ.16 Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi.17 Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do» (2Cr3, 14-17) Thánh Phao-lô muốn nói ở đây, một khi tin vào Đức Giê-su Ki-tô thì Cựu Ước trở nên sáng sủa.

Cũng không nên biến Cựu Ước chỉ còn là một thứ làm cho tân Ước có giá trị. Đọc các tiên tri như các ngài loan báo sự hiện diện lịch sử của Chúa Giê-su Ki-tô, như thế chúng ta bội phản Cựu Ước và đánh mất đi chiều sâu giá trị lịch sử của Cựu Ước. Cựu Ước là một chứng tá cho lòng kiên nhẫn bền lâu của Thiên Chúa để mặc khải cho dân Ngài và cho họ sống trong Giao Ước. Các lời tiên tri trước tiên là có giá trị cho thời các vị đang loan báo. Ví dụ như khi tiên tri I-sa-i-a loan báo Đấng Ê-ma-nu-en sắp đến cho vua A-khát, là ngài báo thật sự có một đứa trẻ được sinh ra và lên nối ngôi vua. Về sau, người ta đọc lại lời tiên ti I-sa-i-a và hiểu với cấp bậc thứ hai, tôi có thể nói cao hơn, rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng thể hiện toàn vẹn lời hứa.

Cũng đừng quên, cách đọc cho rằng Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm lịch sử nhân loại và cũng là trung tâm của Thánh Kinh - là cách hiểu theo người Ki-tô. Người do Thái có cách hiểu khác…Chúng ta đồng ý, giữa Do Thái và Ki-tô hữu để cầu khẩn lên Chúa Cha là Chúa của mọi người và đọc trong Cựu Ước sự chờ đợi ngóng mong lâu dài Đấng Mê-si-a, nhưng chúng ta không quên rằng nhận ra nơi Chúa Ki-tô là Đấng Mê-si-a không phải là dễ ! Chỉ được như thế cho những ai một cách nào đó đã  «  mở mắt » ra. Khi ấy lòng họ sẽ « bừng cháy » (c32) như hai môn đệ trên đường Em-mau.           

Sau khi giải thích Thánh Kinh cho hai người môn đệ Chúa Giê-su kết luận : « Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người  sao ? »  . (c26) Câu này có thể hiểu với hai ý nghĩa.

Cách hiểu đầu tiên chúng ta thường vấp phải : « Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế » mới xứng đáng  «  vào trong vinh quang của Người ». Chúng ta tưởng tượng một chương trình mọi sự kiện hoàn toàn được sắp xếp trước, chỉ cần thực hiện chương trình ấy. Trong mô hình ấy, Giu-đa chỉ là một nhân vật thực hiện vở kịch đã được viết trước ấy. Thế nhưng hiểu như thế là một « cám dỗ » bội phản Lời Chúa, mô hình ấy trình bày quan hệ Chúa Giê-su với Cha Ngài với mối quan hệ «  xứng đáng hay không xứng đáng », đó là lối suy nghĩ không thích hợp chút nào với các mặc khải của Cựu Ước và sau đó đến phiên được Chúa Giê-su triển khai : Chúa chỉ là tình yêu, ân sủng và tha thứ, đối với Ngài không có vấn đề cán cân, xứng đáng, dựa vào các con số, tính toán. ( Thật vậy Tân Ước thường nói hoàn tất Lời Chúa, nhưng không phải trong ý ấy) . 

Lúc bấy giờ có một cách thứ hai để hiểu câu : « Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người » Vinh quang của Chúa lả cả giá trị của sự hiện diện của Ngài thể hiện nơi chúng ta, thế nhưng Chúa là tình yêu. Như thế chúng ta có thể biến đổi câu ấy như sau : Chúa Ki-tô phải chịu khổ hình như thế để tình yêu Thiên Chúa thể hiện, mặc khải cho chúng ta.Vì thế, tôi tưởng Chúa Giê-su, chính Ngài  cũng đã giải thích trước về cái chết của Ngài cho các môn đệ : « Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.»  (Ga15, 13) Có nghĩa là tình yêu phải đến đó - phải đối mặt với hận thù, bỏ rơi, chết chóc, - để anh em được mặc khải tình thương Thiên Chúa là tình thương cao cả hơn hết.

Để chúng ta khám phá ra tình thương Thiên Chúa đi đến đâu, trên hết mọi tình thương nhân loại – không thể nào tưởng tượng có thể hiểu ngay được – phải được Ngài mặc khải cho chúng ta, Ngài phải đi đến cùng như thế.

Tôi xin trở lại đề tài, thường gặp trong Tân Ước, về việc hoàn tất Lời Chúa : điều này thể hiện một sự hiển nhiên tính cách liên tục của công trình Thiên Chúa trước mắt thế hệ Ki-tô hữu tiên khởi. Khi các thánh sử viết : « Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán » ( Mt1, 22), các ngài không tưởng tượng ra một chương trình được tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết.Thánh Kinh chỉ nói một điều duy nhất:  Chúa là tình yêu, Ngài muốn nhân loại cuối cùng hiệp nhất với nhau, được cứu độ, hạnh phúc đi vào vòng thân mật với Chúa. Nói rằng các sự kiện đời sống Chúa Giê-su Ki-tô « hoàn Tất Lời Chúa », tức là suốt đời sống của Ngài là cả một sự mặc khải bằng hành động tình yêu của Chúa Cha, bất cứ trong tình huống nào, ngay cả sự bách hại, hận thù, kết án, sự chết. Sự Phục sinh của Chúa đến để chứng thực tình yêu còn mãnh liệt hơn sự chết.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com