Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật 4 Phục Sinh Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Cv 2, 14a. 36-41 )

 

 "Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Đấng Ki-tô".

Trích sách Tông đổ Công vụ.

 

14 Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng:

36 Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô."

37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? "

38 Ông Phê-rô đáp: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần.

39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi."

40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ."

41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

 

Chúng ta tiếp tục đọc bài giảng Thánh Phê-rô tại Giê-ru-sa-lem, buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần. Vì từ nay ngài được đầy Chúa Thánh Thần, Thánh Phê-rô đọc được chương trình của Thiên Chúa, có thể nói như có sách mở trước mắt: đối với ngài tất cả đều sáng sủa rõ ràng. Ngài nhớ lại lời tiên tri Giô-en khi xưa loan báo: « Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » (Ge 2, 28), và đối với thánh nhân đó là điều hiển nhiên: chúng ta đang ở trong buổi sáng của ngày lời hứa ấy được chu toàn. Chúa Thánh Thần đổ Thần Khí trên hết thảy người phàm chính bởi qua Chúa Giê-su, người bị loại, bỏ đi, bị con người trừ khử, nhưng được phục sinh, được Thiên Chúa nâng lên.

« Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô » (c36). Đối với người Do Thái, các danh hiệu Chúa và Đấng Ki-tô dành cho Chúa Giê-su thật là táo bạo. Ki-tô đồng nghĩa với Đấng Mê-si-a, tức là đặt trên Đức Giê-su mọi ước mong của dân tộc Ít-ra-en. Thế nhưng, sở dĩ vì lòng ngay, rất nhiều người đương thời với Chúa Giê-su đã muốn cái chết của Ngài, chính vì tính cách Mê-si-a không rõ ràng hiển nhiên chút nào. Chúng ta cũng đã thấy chính cái chết của Ngài cũng không có vẻ là bằng chứng Ngài là Đấng Mê-si-a. Thánh vịnh 91 chính xác nói rằng Thiên Chúa bảo vệ Đấng Mê-si-a của Ngài (Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Tv 91, 4)

Danh hiệu thứ hai: Đấng Giê-su là Chúa. Từ ngữ Chúa có lúc để nói đến Thiên Chúa, có lúc lại nói về Đấng Mê-si-a. Ví dụ như trong thánh vịnh 109 (110) câu (c1) được hát: « ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi » có nghĩa là Đức Chúa ngỏ cùng vua tôi, Đấng Mê-si-a của tôi. Thánh Phê-rô lặp lại bài thánh vịnh trong nghĩa ấy. Nhưng sau này khi đọc lại, bài thánh vịnh vượt qua một giai đoạn khác và loan báo mầu nhiệm Đấng Giê-su: một dân làng Na-da-rét là Đấng Mê-si-a, là Thiên Chúa.

Từ đấy, câu nói rằng: « Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô » (36) có lẽ nên hiểu như nghĩa « mặc khải », « thể hiện ». Một khi Đấng Ki-tô là Thiên Chúa, Ngài sẽ là thế đời đời, không thay đổi. Nhưng nhân tính của Ngài, nhân tính ấy thay đổi, biến hình bởi hành động phục sinh; và từ nay thiên tính của Ngài, trước kia bị che đi trước mắt con người, nay thể hiện, được cho nhìn thấy cho những ai chấp nhận rước lấy Chúa Thánh Thần.

Các thính giả của Thánh Phê-rô: « Nghe thế, họ đau đớn trong lòng » (c37), Thánh Lu-ca nói cho chúng ta như thế. Ở đây chúng ta chạm đến mầu nhiệm hoán cải: họ đến Giê-ru-sa-lem để hành hương, chắc chắn với tấm lòng cởi mở và Thánh Phê-rô chạm vào thâm sâu trong lòng họ. Họ đặt một câu hỏi rất đơn sơ như lúc hỏi ông Gio-an Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan: « Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? » (c37) và câu trả lời cũng đơn sơ, giống y như thế: « Anh em hãy sám hối » (c38).

Sau đó Thánh Phê-rô phát biểu tương tự như thế: « Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này » (c40). Hoán cải, theo cách nói của Thánh Kinh chính xác là quay trở lại, quay đầu ra sau lưng. Hình ảnh ẩn sau cách phát biểu ấy là hai con đường (hai hướng đi): có thể đi sai đường: « thế hệ gian tà », đi lầm đường. Trong cách nói như thế ấy, chắc chắn không nên hiểu với ý khinh miệt: Thánh Phê-rô chỉ nhận xét. Thế hệ đương thời của Chúa Ki-tô và các Tông đồ phải đối đầu với một thách đố thật sự: nhận ra Đức Giê-su, Đấng mọi người chờ mong, mặc cho bề ngoài trái hẳn lại, lỗi phạm từ một sự sai lầm phán đoán, lầm đường. Nhận xét ấy của Thánh Phê-rô là lời kêu gọi những người đến nghe, một lời kêu gọi hoán cải, quay đầu đi ngược lại.

Một cách cụ thể là xin lãnh nhận phép rửa tội: «… chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô » (c38) và nơi đây chúng ta có một bài giáo lý tân tòng nho nhỏ của Giáo Hội sơ khai: « Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần » (c38).

Lúc bấy giờ Thánh Phê-rô nhắc lại lần nữa lời loan báo của tiên tri Giô-en: « Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » (Ge 2, 28), và ngài triển khai những từ sau cùng. « người phàm » có nghĩa là Thiên Chúa đã dành những lời hứa ấy cho anh em: « đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa » (c39). Thánh Phê-rô ngụ ý nói đến một câu bất hủ của tiên tri I-sa-i-a: « Ta sẽ làm cho môi miệng chúng hoan ca: "Bình an! Bình an cho khắp xa gần (dân ngoại và dân Chúa chọn)! ĐỨC CHÚA phán: Ta sẽ chữa lành cho nó."» (Is 57, 19). Dân Ít-ra-en cảm thấy gần gũi Thiên Chúa, nhờ đời sống trong Giao Ước: họ là dân Chúa chọn, là đứa con, như tiên tri Hô-sê nói. Các dân tộc khác có vẻ ngoài Thiên Chúa, xa lạ với Thiên Chúa.

Hôm ấy có ba ngàn người được nhận phép rửa, ba ngàn người Do Thái trở nên Ki-tô hữu. Họ thuộc về từ nay Thánh Phê-rô gọi là những người « thân cận ». Nhưng dần dần, suốt sách Công vụ Tông đồ, sau đó trong lịch sử Giáo Hội, những người xa cách gia nhập những kẻ được Chúa gọi. Hướng đến những người ấy, Thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: « Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét » (Ep 2, 13-14)  

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 22, 1-6)

 

"Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi".

 

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

3 và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.

4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.

6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.

 

Chúng ta đã gặp bài thánh vịnh này rồi trong chúa nhật thứ tư Mùa Chay, và tôi đã nhấn mạnh ở ba điểm.

Điểm thứ nhất: trong tất cả các thánh vịnh, vấn đề liên hệ đến toàn dân Ít-ra-en, dù nhân vật trong bài nói « tôi ». Điểm thứ hai: để nói lên trải nghiệm đức tin của mình, Ít-ra-en dùng đến hai cách so sánh, thứ nhất như người Lê-vi tìm hạnh phúc được cư ngụ trong nhà Chúa và người hành hương được tham dự vào bàn tiệc thánh sau nghi thức hiến tế tạ ơn. Nhưng phải hiểu ngụ ý của cách phát biểu như thế: qua hai so sánh ấy, phải hiểu trải nghiệm của dân được Chúa chọn, hoan hỉ và biết ơn sự chọn lựa của Thiên Chúa. Sau cùng điểm thứ ba: những Ki-tô hữu tiên khởi nhận ra trong bài thánh vịnh này cách thể hiện ưu tiên cho trải nghiệm người được rửa tội, và bài thánh vịnh 22 trở nên một bài hát chính thức cho các nghi thức rửa tội trong Giáo Hội sơ khai. Tới đây, tôi đề nghị chúng ta đơn giản dừng lại câu đầu: « CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. » Cũng trong tâm tình ấy, tiên tri Mi-kha nói lên lời nguyện ấy như sau: « (Lạy Đức Chúa,) xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài » (Mk7, 14). Nhân đây tôi xin lưu ý cả dân tộc là gia nghiệp của Thiên Chúa, ở nơi khác chúng ta lại gặp cách phát biểu ngược lại (ví dụ như trong thánh vịnh 15 (16): «Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng » (c5). Ở đây được nói lên chính tính tương hỗ của Giao Ước.

Trong một xứ sống về nghề chăn nuôi, bầy gia súc là của cải một gia đình và sách châm ngôn đưa ra những lời khuyên để gìn giữ gia nghiệp ấy: « Hãy biết rõ tình trạng bầy gia súc và lưu tâm đến đàn vật của con » (Cn 27, 23). Điều này muốn nói rằng khi so sánh Chúa như một mục tử - và Ít-ra-en là đoàn gia súc của Ngài - chúng ta cả dám nghĩ rằng dân Chúa chọn là một kho báu đối với Chúa. Thật phải có sự mặc khải này của Thánh Kinh để chúng ta mới có những tư tưởng như thế! Từ đó, tôi không ngạc nhiên nữa khi tìm thấy những lời trích trong Thánh Kinh về đề tài Thiên Chúa - người Mục Tử - trong các Sách Thánh sau này. Trong những lúc đầu của cuộc phiêu lưu Thánh Kinh, không ai có ý tưởng nói về Chúa với những từ ngữ ân cần thân thiện như thế!

Ai cũng biết chiên cần gì, và một khi so sánh Thiên Chúa như một mục tử, người ta giới thiệu Ngài theo lý tưởng của mình: một mục tử tốt lành là người có thể quy tụ, dẫn dắt, nuôi dưỡng, chăm sóc, che chở, bảo vệ … tóm lại là người quan tâm đến mọi nhu cầu của đàn chiên của mình. Người ta nói về Chúa với mọi thứ ấy: tôi xin kể vài ví dụ:

Người mục tử quy tụ được thấy nơi tiên tri Mi-kha: « Ta sẽ quy tụ cả nhà Gia-cóp, sẽ tập hợp số còn sót của nhà Ít-ra-en, sẽ gom chúng lại như đàn chiên trong chuồng, như đàn vật giữa đồng cỏ, khiến chúng không còn sợ ai nữa. » (Mk 2, 12), và cũng như thế: « Ngày ấy - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - chiên nào què, Ta sẽ quy tụ lại, chiên nào đi lạc xa hay bị Ta giáng hoạ, Ta sẽ tập hợp về. » (Mk 4, 6). Tiên tri Sô-phô ni-a cũng thế: « Ta sẽ cứu thoát chiên bị què, sẽ tập hợp chiên đi lạc. Ta sẽ cho chúng được danh tiếng và ngợi khen tại khắp nơi chúng đã nếm mùi ô nhục. » (Xp 3,19).

Người mục tử dẫn dắt và bảo vệ đàn chiên, chúng ta thường tìm thấy đề tài này trong các thánh vịnh. Đặc biệt trong thánh vịnh 95 (94), đó cũng là lời nguyện buổi sáng trong Giờ Kinh Phụng Vụ: « Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. » (Tv 95, 7). Trong thánh vịnh 78 cũng thế: « Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên, » (Tv 78, 52); và thánh vịnh 80 bắt đầu bằng lời kêu gọi sau đây: « Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, » (Tv 80, 2) 

Không lạ chi chúng ta cũng tìm thấy đề tài này trong sách I-sa-i-a II, sách An Ủi Dân Ít-ra-en « Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt » (Is 40, 11). « Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang. 10 Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào. » (Is 49, 9-10)  

Tôi dành cho phần cuối bài bất hủ, tuyệt vời này của tiên tri Ê-dê-ki-en: « Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ … Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng » (Ek 34, 11…16)   

Bài thánh vịnh 22 chúng ta vừa hát cho ngày chúa nhật thứ IV Phục Sinh, mời gọi chúng ta đặt lòng cậy trông của chúng ta vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa-Mục tử, Ngài hoàn toàn ở trong tình cảnh của những ai hiện giờ đang trải qua những ngày đầy sương mù và tối tăm.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Pr 2, 20b-25)

 

"Anh em đã trở về cùng Đấng canh giữ linh hồn anh em".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ .

 

20 Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban.

21 Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.

22 Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.

23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.

24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.

25 Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.

 

Mấy hàng này thật quá xúc tích! Nơi đây có đầy đủ đời sống và đức tin người Ki-tô. Hướng tới những người nô lệ chịu mọi cực hình chỉ làm thú tiêu khiển của những người chủ của họ, thánh Phê-rô nói cho họ một cách thực tế: Chúa Ki-tô là người tôi trung trong Cựu Ước, Ngài cũng chịu đau khổ của những sự bách hại vô cớ, hãy bắt chước sự hiền hậu và nhẫn nại của Ngài: « Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người » (c20. 21)

Điều đáng chú ý ở đây là những lời khuyên về luân lý ở đời, dựa trên chứng tá của Chúa Ki-tô. Có lẽ đây cũng là một lời mời gọi chúng ta có những tư tưởng luân lý ở đời chỉ đơn giản theo gương Đức Ki-tô.

« anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban… Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế »: Ở đây Thánh Phê-rô kêu gọi chúng ta kiên tâm chịu đựng chứ không phải kêu gọi  phải khổ. Không thể nào nói cho đủ rằng Ki-tô hữu chúng ta không có ơn gọi để đau khổ, nhưng trong đau khổ được kêu gọi theo gương sáng Đức Ki-tô. Theo dấu Đức Ki-tô, theo gương của Ngài, không phải đau khổ để đau khổ, nhưng kiên tâm chịu đựng như Ngài. Một cách cụ thể, gương của Ngài là: « Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình » (c23) 

Nghe như đâu đây tiếng vọng của bài ca thứ ba của Người Tôi Trung trong sách I-sa-i-a: « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. 8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! » (Is 50, 5-8). Sở dĩ chúng ta kiên tâm chịu đựng được trong đau khổ chỉ nhờ một điều duy nhất là chúng ta biết Ngài gần gũi chúng ta « Đấng xét xử công bình » (c23)  

Phần sau của bài được linh ứng từ bài ca thứ tư Người Tôi Trung. Trong bài này là « Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. » (c22). Còn tiên tri I-sa-i-a nói: « Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. » (Is 53, 9). Cũng tiên tri I-sa-i-a đã tạo cảm hứng cho Thánh Phê-rô suy gẫm về mầu nhiệm thập giá Đức Ki-tô. Thánh Phê-rô nói: « Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em » (c24-25). Tiên tri I-sa-i-a nói: « Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. » (Is 53, 4). Rõ ràng những Ki-tô hữu tiên khởi tìm thấy nơi những bài ca Người Tôi Trung chìa khoá để mở ra hầu hiểu khổ nạn thập giá. Vì đầu tiên thập gíá là một cớ làm vấp ngã, theo nghĩa chính xác của nó (theo tiếng Hy-lạp scandalon là hòn đá trên đường làm vấp ngã)

Điều làm hoang mang - và cũng là một trong những nghịch lý của đức tin chúng ta - chúng ta chạm vào đây là cốt lõi của mầu nhiệm Ki-tô và đồng thời là nội dung, chúng ta rất nghèo nàn về ngôn ngữ làm cho thoát ý! Chúng ta quả quyết « Chúa cứu độ chúng ta … Chúa Ki-tô chết vì tội lỗi chúng ta, » thế rồi làm sao nói tiếp, xa hơn. Làm sao giải thích ? Ngài cứu chúng ta khỏi điều gì ? Như thế nào ?

Trước tiên phải nhất quyết tự kiềm chế có những giải thích, tạo ra một Thiên Chúa giống hình ảnh chúng ta, một Thiên Chúa cần phải báo oán trong máu của Con Mình, cho tất cả tội lỗi loài người. Thánh Phê-rô nói: « Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. » (c24), ngụ ý nói chữa lành các vết thương chúng ta. Những vết thương của chúng ta, dĩ nhiên là những đau khổ, cái chết của con người, thêm nữa - và có lẽ là điều ác độc hơn - chính là tình trạng không có khả năng yêu thương và cho đi, tha thứ, thiếu tự chủ trên nhiều yếu tố, trên nhiều sự kiện, giới hạn những đam mê của chúng ta. Đó là một nhân loại mất định hướng: thay vì quy hướng vào tâm điểm là Thiên Chúa, nhân loại đánh mất địa bàn, lạc hướng, Thánh Phê-rô nói: «… trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc » (c25).

Theo Thánh nhân cũng như tiên tri I-sa-i-a, chính những vết thương của Chúa Ki-tô đã chữa lành các vết thương của chúng ta. Thế nhưng cũng đừng quên những vết thương của Chúa Ki-tô, chính từ con người gây ra. Hãy nhớ lại bài giảng Thánh Phê-rô buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần: « Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô » (Cv 2, 36). Chúa Ki-tô chết vì tội lỗi loài người, phép lạ của tình yêu Thiên Chúa: nhờ Đức Ki-tô, từ nơi khủng khiếp tuyệt đối, hận thù tuyệt đối trở nên nơi của tình yêu tuyệt đối, trong sự tha thứ của Chúa Ki-tô cho những đao phủ của Ngài. Kể từ nay, chỉ cần tin vào tình yêu của Chúa cho loài người, được mặc khải qua thánh giá Chúa Ki-tô để được biến đổi, hoán cải, định đúng hướng đi. Như lời tiên tri Da-ca-ri-a nói: « Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một… Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế » (Dcr 12, 10…13, 1)  

***

 

PHÚC ÂM (Ga 10, 1-10)

 

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: « Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta,
và các chiên Ta biết Ta » - Alleluia.

-----------------

"Ta là cửa chuồng chiên".

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

 

1 "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.

2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.

3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.

4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.

5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."

6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.

8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.

9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.

10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Hẳn là Chúa Giê-su đề nghị cho chúng ta đại loại như một bài Hoà tấu đồng nội (LND: đề tựa một tiểu thuyết của André Gide 1919, hay bài hoà tấu của Beethoven). Phải tưởng tượng phong cảnh bên Trung Đông, đàn súc vật ban đêm được quy tụ trong chuồng có người canh gác kỹ. Buổi sáng người chủ chăn đến thả chúng ra và đưa ra đồng cỏ. Thế nhưng công thức được lặp đi lặp lại: « Amen, amen » hay là « thật, Ta bảo thật » đem lại cho đoạn này một giọng nói có tính cách rất quan trọng. Chúng ta được loan báo, vài lời này sẽ chạm đến sự gì đó rất hệ trọng. Chính là mầu nhiệm ngôi vị Chúa Ki-tô được ẩn sau những hình ảnh này.

Đoạn văn chúng ta đang đọc thật ra, lần lượt gồm hai dụ ngôn nhỏ: dụ ngôn người chăn chiên và dụ ngôn cái cổng. Thánh Gio-an nói rõ hai dụ ngôn này nhắm đến các người Pha-ri-sêu: Chúa Giê-su kể cho họ đầu tiên « Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ » (c6). Thế rồi Ngài tiếp theo bằng một bài thứ hai, đại khái như đặt lại vấn đề thái độ của những người Pha-ri-sêu, thuộc giáo quyền thời ấy. Ngay trước đó Thánh Sử Gio-an vừa kể việc chữa lành người mù bẩm sinh. Hẳn các bạn còn nhớ thái độ tương phản giữa Chúa Giê-su đối với người này, với thái độ các người Pha-ri-sêu. Họ xua đuổi người ấy đi, Chúa Giê-su thì trái lại, cho người đến, chữa lành và làm cho người ấy hoán cải (Ga 9, 40). Trong dịp này Chúa Giê-su chê trách chính sự mù loà của họ: « Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn! » (Ga 9, 41)

Cái tội Chúa chê trách những người Pha-ri-sêu là họ quá tự tin, làm cho họ hóa ra mù loà: họ là những người Do Thái rất sốt sắng, có một quan điểm đặc biệt mãnh liệt về tầm quan trọng vĩ đại của Thiên Chúa, có lẽ họ quên rằng Chúa đồng thời là Đấng Siêu Việt, Ngài cũng là Đấng Hết Sức Gần Gũi. Chúng ta thường được mặc khải trong Cựu Ước. Hình như họ có khuynh hướng « quá thần thiêng », như người ta thường nói, làm cho họ không thể rao giảng về sự gần gũi của Chúa.

Vì thế bài dụ ngôn đầu làm họ lạc hướng. Bài nói lên mối quan hệ tin tưởng nhau giữa chủ chăn và đàn chiên: « chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh ». Các người Pha-ri-sêu rất hiểu cách nói như thế, họ rất hiểu người chăn chiên là Thiên Chúa, và đây là mối quan hệ với Chúa. Nhưng chính quan hệ gần gũi như thế đối với họ không thể chấp nhận: có vẻ như từ chối điều gọi là tính cực thánh của Thiên Chúa, hố sâu chia cách Thiên Chúa với chúng ta. Vì lẽ ấy, Thánh Gio-an nói cho chúng ta: « Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. » (c6) (Có nơi được dịch « Họ không hiểu tầm quan trọng những gì Ngài nói cho họ »)

Thánh Gio-an tiếp: « Vậy, Đức Giê-su lại nói: » (c7). Ngài nói với họ đại để như sau: các ông có lý khi nói Thiên Chúa là Thánh, Đấng không thể với tới được, và con người tự sức mình không thể tiếp cận Ngài được, nhưng chính Thiên Chúa mở cổng cho các ông để gặp Ngài, cổng ấy là Tôi đây: « Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu » (c7)  

Hẳn đây là đề tài được Thánh Gio-an rất yêu chuộng. Thiết nghĩ việc so sánh với cái cổng nói lên hai điều: Chúa Giê-su là cổng ấy, cổng đưa vào Chúa Cha: « Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống » (Ga 14, 6), ngoài ra chỉ có Ngài là cổng dẫn đến Chúa Cha: « Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy » (Ga 14, 6b). Ai khác hơn Ngài tự cho mình là đường đưa đến Thiên Chúa, họ chính là kẻ trộm cướp… Chúa Giê-su là Đấng và là Đấng duy nhất làm cho Đấng Siêu Việt trở Thành Đấng Thật Gần Gũi: nơi Ngài chúng ta có thể chiêm ngắm Đấng chúng ta không thể nhìn mà không chết, Đấng Vô Hình, Đấng Không Thể Tiếp Cận: « Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy » (Ga 14, 7).

Cho chúng ta, tôi sẵn lòng rút lấy hai bài học. Trước hết, tuỳ chúng ta quan tâm  nhiều điểm này hay điểm nọ, chúng ta có khuynh hướng thổi phồng lên một khía cạnh nào đó của Mầu nhiệm Thiên Chúa - đối với kẻ này là tính thánh thiện của Chúa, có nguy cơ quên đi tính gần gũi của Ngài, đối với người khác nặng về sự dịu dàng trìu mến của Chúa lại có nguy cơ quên đi Ngài là Đấng Siêu Việt, và tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của chúng ta. Thánh Gio-an mời gọi chúng ta giữ cùng chung hai phương diện của Mặc khải.

Bài học thứ hai là sau đây. Chiên theo chủ chiên vì biết tiếng của Người: đàng sau hình ảnh đồng áng ấy chúng ta có thể đọc lấy một thực tế của đời sống đức tin. Những người cùng thời chúng ta không theo Chúa Ki-tô, sẽ không trở nên môn đệ của Ngài, nếu chúng ta không cho họ nghe Lời của Chúa. Tôi muốn nói nhân dịp này một lần nữa, lời mời gọi bằng mọi cách cho mọi người nghe thấy « tiếng của Ngài ».

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com