Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XII Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Gr 20, 10-13)

 

"Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ"

Trích sách Tiên tri Giê-rê-mi-a

 

10 Con nghe biết bao người vu cáo:
"Kìa, lão "Tứ phía kinh hoàng! , hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! "
Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
Họ nói: "Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó! "

11 Nhưng ĐỨC CHÚA hằng ở bên con
như một trang chiến sĩ oai hùng.
Vì thế những kẻ từng hại con
sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.
Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề:
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.

12 Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh,
Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can,
con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.

13 Hãy ca tụng ĐỨC CHÚA, hãy ngợi khen ĐỨC CHÚA,
vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

 

Đoạn này thuộc về lời « phân minh » của tiên tri Giê-rê-mi-a (có thể gọi là lời « tâm sự »). Ngài bày tỏ tâm tình sâu kín của ngài và những hàng chúng ta vừa đọc nói lên những tình cảm của ngài. Suốt đời ngài chỉ gặp những điều nghịch lý: niềm vui thâm sâu của ngài, lẽ sống của ngài, lòng tin của ngài… tất cả cũng là nguồn gốc mọi đau khổ. Đó là Lời Chúa. Điều này không được nêu lên rõ ràng nhưng chỉ có những ngụ ý. Chính vì ngài tuyên xưng Lời của Chúa « lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện » (2Tm 4, 2) như Thánh Phao-lô nói, vì lẽ ấy ngài bị bách hại, nhưng cũng chính những lời này mang lại cho ngài mãnh lực để tiếp tục.

« Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, » (Mc 6, 4) – Giê-rê-mi-a hiểu điều này hơn ai hết! Giê-rê-mi-a là một tiên tri vĩ đại, nhưng chỉ sau khi chết người ta mới nhận ra. Lúc ngài còn sống, lời ngài làm quá xáo trộn. Chính Giê-rê-mi-a nói rõ thời điểm ông rao giảng: « Kể từ năm thứ mười ba triều Giô-si-gia-hu, con vua A-môn » cho đến khi bị đày khỏi Giê-ru-sa-lem (Gr 25, 3), có nghĩa là từ 627 đến 587 trước CN. Trong vòng bốn mươi năm ông chứng kiến ba triều đại vua Giê-ru-sa-lem: Giô-si-gia-hu cho đến năm 609, sau đó là hai người con, Giô-gia-ríp và Xít-ki-gia, không kể đến hai vua khác chỉ trị vì trong vài tháng. Sứ vụ của ông là nói lên cho các lãnh tụ chính trị và tôn giáo « rõ ràng, không che dấu các chân lý » những chân lý không mấy dễ nghe. Có thể tóm gọn trong một từ: « bất trung », một sự bất trung giống như một sự ngoại tình. Dân Chúa chọn đã quên Chúa của mình. Và bởi vì dân quên Chúa mình nên có nguy cơ chịu nhiều tai họa.

Sách Giê-rê-mi-a gần như là nội dung - hay đúng hơn là sự thi hành sách Đệ Nhị Luật -. Sách này nói: «đừng quên ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ » (Đnl 6, 12) « Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ » (Đnl 30, 15). Giê-rê-mi-a có thể trắc nghiệm một cách cụ thể lời khuyến cáo ấy: dân chúng đã quên Thiên Chúa của họ, từ chối đức tin của mình, đặt lòng tin vào bất cứ những gì… điều tai hại nhất đang xảy đến.

Lúc bấy giờ người ngôn sứ thỉnh thoảng dùng lời cứng rắn, thỉnh thoảng dùng lời êm dịu. Những lời cứng rắn còn được gọi là « sấm ngôn bất hạnh ». Như người lái xe vô ý không thấy vực sâu, phải bấm kèn có to mấy cũng không sao để cho anh ta chú ý, hay múa tay múa chân hoặc chớp đèn chiếu xa cho anh ta thấy; mọi phương tiện có thể đều tốt… Cũng như thế, tiên tri Giê-rê-mi-a la hét, khiêu khích, nguyền rủa; có khi ngài dùng những điều lạ thường để cảnh báo vua, triều đình, các tư tế, tất cả những người trách nhiệm đưa dân chúng đến chỗ diệt vong. Ví dụ như, ông đập vỡ tan trước công chúng một cái bình sành mới tinh vừa được sáng tác từ tay một nhà làm gốm, để loan báo số phận tương tự cho Giê-ru-sa-lem: vỡ tan từng mảnh vụn. (Jr 19. 1-11)

Những lời êm dịu là những lời nhắc đến quá khứ. Ví dụ như: « ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng. » (Gr 2, 2). Cũng có những lời hứa tha thứ, cũng là cách khuyến khích hoán cải. Đó là những « sấm ngôn cứu độ ». Cũng có những cử chỉ thực tế nói lên tin tưởng vào lòng cậy trông. Ví dụ như vào lúc thành bị quân của Na-bu-cô-đô-nô-so, vua Ba-by-lon vây hãm (thế quân hai bên bất tương xứng, biết trước là họ sẽ thắng trận), Giê-rê-mi-a lấy quyết định mua một thửa rộng để nói lên mọi sự không mất tất cả, sẽ có một ngày hòa bình trở lại.

Những lời có lúc hung bạo hầu đe dọa, có lúc êm dịu, đó là điểm chung nơi các ngôn sứ. Tất cả đều nhắm vào một mục đích, sự cứu độ cho dân chúng: các lời đe dọa nhắm cho hoán cải, các lời cổ vũ để đồng hành với hoán cải, một khi dân chúng quyết định thay đổi cuộc sống. Luôn luôn là đề tài « hai con đường » chúng ta thường gặp: khi dân chúng xuống dốc, như ta thường nói, người ngôn sứ loan báo những tai họa không thể nào tránh, chính với hi vọng họ tránh đi, như Chúa nói cho Giê-rê-mi-a: « May ra chúng sẽ nghe và mỗi người sẽ bỏ con đường xấu xa của mình mà trở lại» (Gr 26, 3). Nhưng khi vừa thấy có dấu hiệu thiện chí, người ngôn sứ lặp lại lời ngọt dịu của Chúa và lời hứa tha thứ.

Như chờ đợi, các lời ấy đây đó cũng có người chấp nhận! Những lời, có khi rất cứng rắn, mọi người không thích. Ví dụ như khi ngài nói: « Chẳng lẽ người Cút lại đổi được màu da, và con báo lại đổi được những đốm đen trên mình? Các ngươi là những kẻ quen làm điều ác lại có thể làm điều thiện được sao? » (Gr 13, 23), thật tình, không thể nào làm vui lòng được. Hay khi ngài nguyền rủa công khai: « tất cả họ là quân ngoại tình, một lũ người phản bội. » (9, 1)…  « người lớn cũng như kẻ nhỏ, tất cả đều gian tham bớt xén. Ngôn sứ cũng như tư tế, tất cả là một lũ gian phi. » (8, 10). Và khi ngài loan bào thành phố họ đang hãnh diện sẽ bị tàn phá, không lạ gì ngài bị bách hại: ông sớm trở nên người gây rối, bị lập mưu tống khứ đi. Các chữ đầu tiên của bài hôm nay thể hiện chính xác tình trạng ấy. « Con nghe biết bao người vu cáo: "Kìa, lão "Tứ phía kinh hoàng! hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! " Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: "Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó! »( c10)

Khi đọc lại sách Giê-rê-mi-a, ta không khỏi nghĩ đến câu: « Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. » trích từ (Tv68,10) và sau này Thánh Gio-an cũng nhắc lại khi nói về Chúa Giê-su. Câu này tóm đầy đủ cuộc đời tiên tri Giê-rê-mi-a. Không có gì ngăn cản ông được; ngài có những lúc thối chí, như tất cả các ngôn sứ, nhưng, như ngài nói, Chúa ở cùng ngài như một chiến sĩ đáng sợ. Ngài biết tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt hơn tất cả. Điều ngài gọi là Chúa « trả thù » (c10)  

***

 

THÁNH VỊNH (Tv68, 8-10.14 và 17. 33-35)

 

"Lạy Chúa xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi."

 

8 Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.

9 Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.

10 Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.

14 Lạy CHÚA, phần con xin dâng Ngài lời nguyện,
lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân.
Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày,
vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.

17 Lạy CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con;
xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.

33 Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.

34 Vì CHÚA nhận lời kẻ nghèo khó,
chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.

35 Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp,
hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!

 

Hay, thật là hay, tác giả bài thánh vịnh tin chắc vào câu cuối (« Vì CHÚA nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm » c34) nghĩ như thế mới có thể sáng tác mấy câu trước đó. Lý do là bài thánh vịnh này chính là tiếng kêu cầu khẩn của một kẻ khốn cùng, một người bị xúc phạm, có thể đang bị cầm tù. Có vẻ như một tín hữu bị bách hại vì lòng tin của mình, bởi có câu: « Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu » (c8,10)

Bách hại, than ôi bách hại là một tình trạng thông thường ở Ít-ra-en. Một đàng thì các ngôn sứ đều bị bách hại giữa lòng dân tộc của họ: đó là trường hợp của Giê-rê-mi-a (x Bài đọc 1) và các ngôn sứ khác cũng như thế. Đàng khác, và chủ yếu là dân chúng bị bách hại bởi những dân tộc khác. Nghĩ cho cùng, không lạ gì dân được Chúa chọn làm ngôn sứ cho Ngài, phải lãnh số phận như các ngôn sứ cá thể.

Thế nhưng tại sao một ngôn sứ ít khi nào chết trên giường bệnh ? Tại sao phải chịu hổ thẹn, chịu những lời thoá mạ ? Cũng như sau này Chúa Giê-su nói: « Con Người phải chịu đau khổ nhiều » (Lc 9, 22). Tại sao không thể tránh được ? Có thể nói một ngôn sứ là người thông dịch của Chúa, ngôn sứ là môi miệng của Chúa, vì các ngài tuyên xưng Lời của Chúa. Thế nhưng ta biết rằng: « Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta » và luôn luôn có một khoảng cách giữa tư tưởng của chúng ta và tư tưởng của Thiên Chúa như khoảng cách giữa trời và đất, như sách I-sa-i-a nói (Is 55, 8,9). Nếu người ngôn sứ nói lên tiếng vang trung thành của tư tưởng Thiên Chúa, thì lúc nào cũng mâu thuẫn với gần như mọi người; lúc nào các ngôn sứ cũng bị lên án là đi ngược dòng với đời. Lời của các ngài, có khi sự hiện diện của ngài chỉ là một lời gọi công lý, lời gọi thánh thiện (theo nghĩa thương yêu anh em mình), lời gọi sống quảng đại, chia sẻ ... những điều chúng ta không muốn nói tới. Nói những lời hay ý đẹp, rất dễ, nhưng các ngôn sứ ít khi nói lời lẽ êm tai, các ngài kêu gọi tu chỉnh cuộc sống, đó mới là điều gây phật ý. Lời rao giảng của các ngôn sứ thật sự giống như những đèn rọi, soi thẳng vào những góc kẽ đời chúng ta và đặc biệt thái độ chúng ta đối với tha nhân. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta chọn tắt đi ánh sáng chiếu soi ấy.

Có những lúc, sự đối kháng tràn ngập người ngôn sứ. Ông Mô-sê có những lúc thối chí; Ê-li-a van xin được chết; Giê-rê-mi-a tiếc được sinh ra. Đây là vài hàng soi sáng Bài đọc Một của Chúa nhật này:

«14 Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành. 15 Thật đáng nguyền rủa kẻ làm cho cha tôi hớn hở mừng vui khi báo tin cho người: "Một người con, một bé trai đã được sinh ra cho ông." 16 Chớ gì kẻ đó giống như các thành bị ĐỨC CHÚA phá đổ, không chút xót thương. Chớ gì sáng sớm nó nghe tiếng kêu cứu, và giữa trưa nghe tiếng hò xung trận. 17 Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi? 18 Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi? Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ, buồn sầu, và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ?» (Gr20, 14-18)

(Nhân dịp này xin lưu ý đoạn thánh vịnh hôm nay rất giống sách Gióp). Người hát thánh vịnh (trong những câu không có trong phụng vụ chúa nhật hôm nay) tự sánh mình như một người sắp chết đuối, hụt chân và không còn sức để trèo lên: « Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững, thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn trôi đi. » (c3) (Nghe câu này chúng ta có cảm tưởng như nghe tiên tri Giô-na)

Nhưng dù dưới đáy sâu của vực thẳm, một ngôn sứ thật không mất lòng cậy trông: những Lời đã gây bao gian truân nay lại là Lời nâng đỡ cho chính mình. Bài thánh vịnh chúng ta vừa đọc, sau một loạt than vãn, trở thành một lời nguyện để sau cùng kết thúc bằng lời tạ ơn, vì ngôn sứ quả quyết, dù gì đi nữa ngài sẽ được nhậm lời.

« Lạy CHÚA, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân….2 Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ. Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững, thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn trôi đi. Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô; đôi mắt đã mỏi mòn bởi trông chờ Thiên Chúa..»(c14, 3-4)

Ở đây dường như chúng ta đang nghe chính ngôn sứ Giê-rê-mi-a, một ngày nọ bị vứt xuống đáy giếng vì đã có những lời về Đền Thánh không làm vừa ý mọi người: « Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? » (Gr 7, 11). Đến phiên Chúa Giê-su cũng nói lên những lời tương tự lúc đuổi những người buôn bán trong Đền và Thánh Gio-an đã trích lời sau đây nhân dịp ấy: « Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân » (Ga 2, 17), đó là câu Thánh Gio-an trích từ thánh vịnh của chúng ta hôm nay.

Sau cùng, bài thánh vịnh kết thúc bằng lời nguyện tạ ơn: đây là một đặc thù của lời nguyện Do Thái, lời thỉnh cầu và tạ ơn luôn luôn hoà lẫn chặt chẽ với nhau . Ở đây người đọc thánh vịnh đã hát lên lời vinh thắng: chẳng những mình được cứu độ, mà toàn dân cuối cùng sẽ được nghe tiếng Thiên Chúa nói và hạnh phúc cho mọi người sẽ tràn ngập khắp nơi: « Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người. Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. » (c31-33)

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 5, 12-15)

 

"Không phải tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu"

Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma.

 

12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.

13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.

14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người

 

Chúng ta đang đứng trước một bài khó nhất Thánh Kinh! Sau đây là vài hướng tìm hiểu để đọc tài liệu này. Trước hết, có lẽ chìa khóa giúp mở ra nằm trong câu cuối, nói về ân sủng: « ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô » (c15). Trước đó, cũng trong thư gửi dân thành Rô-ma thánh nhân cũng đã nói: « Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta » (Rm 5, 5). Thế nhưng ân sủng không phải là một vật gì để trao cho nhau mà là một quan hệ: đó là quan hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và nhân loại. Lúc nào cũng khó để không nói ân sủng như một đồ vật chúng ta có và cũng không nên để cụm chữ « ân huệ được trao ban » khiến cho chúng ta nghĩ ân huệ như một đồ vật được trao nhau. Chắc chắn đó không phải là tư tưởng Thánh Phao-lô: ân sủng đồng nghĩa với tình yêu Thiên Chúa và chúng ta biết rằng tình yêu không phải là một vật thể, đó là mối quan hệ của hai con người thương yêu nhau.

Vì thế khi Thánh Phao-lô nói: « ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô » (c15) ngài muốn nói rằng Chúa Giê-su Ki-tô đã thiết lập một mối quan hệ yêu thương, đó là điều cốt tử đối với chúng ta và làm cho chúng ta thoả lòng vì chúng ta được tạo nên cho mối tương quan ấy. Như Thánh Au-gút-ni-nô nói: « Lạy Chúa, Chúa tạo chúng con cho Ngài, và bao giờ không có Chúa ngự trong chúng con, lòng chúng con không được ngơi nghỉ ». Thánh Phao-lô cũng nói như thế, nhưng cách khác: « sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. » (Ga 17, 3). Thế nhưng trong Thánh Kinh, biết và yêu là giống nhau. Đời sống vĩnh cửu, đời sống ấy bắt đầu từ lúc rửa tội, đó là sống trong tình yêu Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế nói lên điều ấy bằng một hình ảnh: « ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. » (St 2, 7). Cách nói con người chỉ là một sinh vật, khi nào còn tùy thuộc vào hơi thở của Thiên Chúa. Đó cũng là cách nói mối quan hệ ấy là điều sống còn của chúng ta.

Trong vườn Sáng Thế, A-đam và người đàn bà không đón nhận mối quan hệ yêu thương ấy như món quà, nhưng như một trái để hái lấy, để chiếm đoạt, bị con rắn gạt làm cho giống Chúa, họ tưởng vậy. Mong ước trở nên « như những vị thần » (St 3,5) nghĩ như thế cũng khá đấy: ao ước điều vô tận trong lòng người là điều lành mạnh; cũng trong sách Sáng Thế Thiên Chúa đã truyền cho con người: « Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất » (St 1, 28). Nhân loại có những ước mơ điên rồ về quyền lực, về hạnh phúc, khắc phục vũ trụ và như thế chỉ đáp ứng ơn gọi của mình mà thôi. Đó không phải là tội lỗi của con người. Sở dĩ Thiên Chúa đã mớm những khát vọng ấy nơi chúng ta, vì đó là điều phải thỏa mãn; thế nhưng: chỉ có Ngài mới có thể làm

Con người, tự sức mình, không thể tự tạo cho mình mối quan hệ cốt tử ấy: vì lẽ đó có thể nói, nhân loại cần được cứu độ. Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, chỉ có Ngài mới có thể lấp đầy hố sâu giữa chúng ta và Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có Ngài mới có thể thiết lập mối quan hệ tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhưng con người được tự do đón nhận hay không đón nhận tình yêu Thiên Chúa đề nghị. Nếu chấp nhận, thiên Chúa sẽ thỏa mãn tràn đầy. Thế nhưng con người cứ tự tìm cách cứu mình, tự mình, không chờ đến Thiên Chúa, nên bị bỏ rơi, và từ đó là sự chết thiêng liêng. A-đam, là nhân loại đi tìm sự sống ngoài Thiên Chúa, dĩ nhiên là lầm đường! Cũng ở đây, sách Sáng Thế đề nghị chúng ta một hình ảnh khác: thay vì tín thác vào Thiên Chúa, con người xử sự như một tên trộm, tóm lấy như bắt được con mồi những ân huệ của Chúa, nhưng làm như thế là cắt đứt mối quan hệ sống còn nối liền với Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa điều chúng ta gọi là « tội trọng » hay là tội tổ tông đem lại sự chết.

Thánh Phao-lô không đọc bài tường thuật sách Sáng Thế như đọc lịch sử trong quá khứ, nhưng như là một suy niệm về tình trạng nhân loại muôn thuở. Hoặc chúng ta chấp nhận sống tùy thuộc vào hơi thở của Chúa, lúc ấy chúng ta nhận nơi Ngài mối quan hệ làm cho chúng ta sống; hoặc chúng ta tìm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa và chúng ta sẽ chuốc lấy sự chết, bởi vì sự sống không trong trong khả năng chúng ta. Tìm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa là một cạm bẫy, một sự điên rồ.

Để đối lại thái độ điên rồ ấy, Thánh Phao-lô đưa ra thái độ Chúa Ki-tô trong thư gửi tín hữu thành Phi-líp-phê: « Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa » (Pl 2, 5). Tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giê-su lãnh nhận, hay để nói khác hơn, Ngài chỉ là sự lãnh nhận tình yêu Chúa Cha, có thể nói Ngài được chìm đắm trong ấy, vì thế Ngài không có tội. Như Thánh Gio-an nói: « Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. » (Ga 1, 14), và nhờ Ngài, những A-đam như tất cả chúng ta, chúng ta được phục hồi trong tình yêu Chúa Cha. Một lần nữa chúng ta nhận ra nơi đây mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, vừa là Chúa và vừa là Người, Người trọn vẹn là người, Thiên Chúa trọn vẹn là Thiên Chúa. Trong Ngài, quan hệ tình yêu được tạo nên giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ngài vừa là Thiên Chúa thu hút nhân loại về Mình « Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi » (Ga 12, 32) và, đồng thời Ngài là Người (có nghĩa là nhân loại), được tràn ân sủng bởi Thiên Chúa. Như bài thánh vịnh hát lên hôm nay: « Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. » (Tv68, 33)

***

 

PHÚC ÂM (Mt 10, 26-33)

 

Alleluia, alleluia

Chúa phán: "Lời Chúa là chân lý ; xin hãy thánh hóa chúng trong sự thật" - Alleluia

-----------------

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác"

Trích Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

26 "Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.

27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28 "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.

29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.

30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.

31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

 

Chỉ cần nghe Chúa Giê-su nhấn mạnh và nói: « Đừng sợ » cũng đủ hiểu rằng các môn đệ có nhiều lý do để lo sợ! Thật vậy, sau khi loan báo Ngài gởi họ ra đi thực hiện sứ vụ (Trong Phúc Âm chúa nhật vừa qua). Chúa không giấu sứ vụ này nguy hiểm. Đây là câu Thánh Mát-thêu nói trước bài Phúc Âm ngày hôm nay: « Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết… Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét »(Mt 10, 16-18. 22). Và sau đó Chúa mới nói những Lời chúng ta đọc hôm nay: « Vậy anh em đừng sợ »

Các Thánh Tông đồ được cảnh báo, thế nhưng Chúa Giê-su cũng mời gọi họ hãy có can đảm làm chứng tá. Luận chứng Ngài dùng để khích lệ họ là Sự Thật không thể nào cưỡng lại được. Không có gì có thể ngăn cản Mặc Khải: «… không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, (vì thế đừng ngần ngại) không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. » (c 26,27).

Suốt chiều dài của Cựu Ước, « Thiên Chúa ẩn mình » như tiên tri I-sa-i-a nói « Lạy Thiên Chúa của Ít-ra-en, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình » (Is 45, 15; Tv78, 2), Ngài mặc khải cho loài người những bí mật về Ngài, qua lời các ngôn sứ và những tư tưởng các hiền triết. Nhưng tất cả: « những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa » (Mt 13, 35) trở thành sáng ngời trong Chúa Ki-tô. Như Thánh Phao-lô nói cho tín hữu thành Cô-rin-tô: « Nhưng trí họ đã ra mê muội. Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Ki-tô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ»(2Cr 3, 14). Trong Chúa Ki-tô kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa rõ như ánh sáng: « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho » (Mt 11, 27).

Các môn đệ, nay chứng kiến tấm màn được vén lên chỉ có thể biết reo lên những điều họ thấy, họ nghe và chạm vào: « Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa… và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. » (1Ga 1, 1…3…4). Thánh Gio-an nói lên nơi đây niềm vui phấn chấn người Tông Đồ được mặc khải.

Nhưng, như Chúa Giê-su loan báo, phải vượt qua và chịu đựng bách hại, khởi đầu từ những anh em của họ gốc Do Thái. Lúc Thánh Mát-thêu viết Phúc Âm này, việc bách hại các Ki-tô hữu là một thực trạng và Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo ngài hẳn có mục tiêu củng cố quyết tâm của họ. Và sở dĩ đến phiên chúng ta, chúng ta là tín hữu ngày hôm nay, cũng nhờ họ đã chịu đựng và vượt qua những sợ hãi lúc ban đầu. Chúa Giê-su nói với họ: « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục » (c28). Khi Chúa nói « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác » Chúa thật sự muốn nói đến nguy cơ tính mạng của các môn đệ. Thật vậy họ có thể bị giết: « Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết »(Mt 10, 21). « anh em đừng sợ », có lẽ Chúa muốn nói, đừng sợ sự tín trung có thể dẫn đến phải giáp mặt với sự chết, đây là sự chết thể lý.

« … anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục » (c28), có nghĩa là thần dữ xúi anh em bỏ xuôi. Ở đây chữ tiêu diệt nhắm đến một nguy cơ khác, hệ trọng hơn nhiều, đó là sự chết thiêng liêng, cắt đứt với đấng là chủ của định mệnh chúng ta. Rõ ràng Chúa muốn chúng ta được gìn giữ khỏi nguy cơ ấy, chỉ cần nghe tiên tri Ê-dê-ki-en: « Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao? » (Êd 18, 23) 

Chúa Giê-su nói cho những môn đệ Chúa gởi đi, rằng họ ở trong tay Thiên Chúa: « Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi » (c29-30). Hãy chỉ sợ những kẻ đổi hướng sứ vụ của anh em, và tín thác vào Thiên Chúa, hãy ở lại trong tay Ngài: « Hãy xem chim trời…Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng… Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin» (Mt 6, 26…30)

Và Ngài tiếp: « Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời » (c32). Đây là tuyên bố công khai, và cả bằng hành động, liên đới với Đấng Ki-tô, chỉ là một với Ngài. Không phải một sự tính toán, mà là mối quan hệ yêu thương: qua bí tích Rửa tội, chúng ta được ghép vào với Chúa Giê-su Ki-tô, không thể tách lìa ra khỏi Ngài, và với Ngài, chúng ta ở lại trong vòng mật thiết với Chúa Ba Ngôi. Như Thánh Phao-lô nói: « không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta » (Rm 8, 39). Câu thứ hai: « Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. » (c33) chỉ để nói lên rằng chúng ta tự do tránh xa ra và nói: « Tôi không biết người ấy » (Mt 26, 72). Nhưng chúng ta cũng biết, ngay cả đối với kẻ xa Đấng Ki-tô, Ngài cũng đuổi theo và gạn hỏi: « … anh có mến Thầy không? » (Ga 21, 15)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com