Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XIII Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (2V 4, 8-11.14-16)

 

"Người đến trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa"

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

 

8 Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa.

9 Bà ấy nói với chồng: "Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa.

10 Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó."

11 Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó

14 Ông Ê-li-sa nói với tiểu đồng: "Nên làm gì cho bà ấy? " Giê-kha-di đáp: "Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già."

15 Ông Ê-li-sa bảo: "Đi gọi bà ấy." Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa.

16 Ông Ê-li-sa nói: "Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai." Bà mới nói: "Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!

 

Người ta thường nói không ai là ngôn sứ nơi quê hương mình… thế nhưng có khi cũng có thể xảy ra! Bởi vì tại Su-nêm, một gia đình giàu có quyết định tiếp đón ông Ê-li-sa, chỉ vì họ nhận ra nơi ông một « thánh nhân của Thiên Chúa ». Bà chủ nhà bắt đầu mời ông dùng cơm trưa, sau đó bà xây cho ông một cái phòng trên sân thượng.

Su-nêm là một làng nhỏ ở vương quốc Miền Bắc. Lúc ấy là những năm đầu trong nghiệp ngôn sứ của Ê-li-sa, vào năm 850 trước CN, và đây là giai đoạn đầu được kết mối quan hệ tượng trưng cho Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, dân tộc Ít-ra-en. Bài hôm nay đánh dấu màn đầu của của một tình bạn lâu dài ấy. Nếu bạn hiếu kỳ đọc quyển thứ hai sách Các Vua (sách dễ đọc và rất thú vị), các bạn sẽ thấy câu chuyện xảy ra làm bốn màn.

Màn thứ nhất là lời hứa một đứa con cho một phụ nữ vô sinh. Với nhãn quan trần thế, chắc chắn không thể nào hy vọng có thai, vì thế bà không cho lời hứa đó là nghiêm chỉnh; có vẻ bà còn trách vị ngôn sứ ngoáy dao vào vết thương cũ, ru ngủ bà bằng những ảo vọng. Chúng ta vừa đọc lời hứa của ông Ê-li-sa: « Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai » (c16) … nhưng đây là câu trả lời của bà người Su-nêm « Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài! » (2V 4, 16b)

Cách trả lời của bà tất nhiên làm cho chúng ta nghĩ đến Xa-ra vợ ông Áp-ra-ham, dưới gốc cây sồi Mam-rê. Bà Xa-ra cũng bị vô sinh, nghe lời hứa sanh con, bà thấy lời quả quyết như thế quá phi lý ở tuổi bà, nên phát cười ra tiếng… Và con trai bà là I-sa-ắc, sau này mang tên có nghĩa là « đứa con của tiếng cười ». Người phụ nữ thành Su-nêm của chúng ta không cười nhưng cũng không cho lời hứa của Ê-li-sa nghiêm túc, và bà tế nhị nhắc lại cho người của Chúa không có quyền nói dối… Nhưng năm sau đứa con ấy ra đời.

Màn thứ hai, vài năm trải qua, đứa con lớn lên. Thế rồi một ngày cậu theo cha ra ngoài đồng để gặt, bị một cơn đau đầu dữ tợn, có lẽ bị trúng nắng, và vài ngày giờ sau quay ra chết trên gối của mẹ… Bà không bối rối, đặt con trên giường ngôn sứ và chạy tìm ngài. Bà cũng không thấy cần báo cho chồng: không làm cho ông hoảng sợ vô ích, vì dù sao chốc nữa đứa trẻ sẽ sống lại! Ta muốn thốt ra « Thật, có đức tin đẹp thật…. » Thế rồi bà đi gấp đến nhà ông Ê-li-sa, và điều đầu tiên bà nói với ông là: khi ngài hứa với tôi đứa con này, tôi đâu có xin ngài, ngài nhớ không, lúc ấy tôi còn không tin; và tôi đã nói: « Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài! » (2V4, 16b). Bà ấy ngụ ý nói, đâu phải ông cho tôi đứa con tôi không hề xin, mà ngày nay ông đòi nó lại!... Và hẳn các bạn đoán chuyện gì xảy ra. Thật vậy, Ê-li-sa làm cho đứa trẻ sống lại (2V 4, 18-37)

Màn thứ ba, vài năm nữa trôi qua, và trung thành vớt tình bạn cùng gia đình người phụ nữ Su-nêm ông lại cứu họ một lần nữa. Ông báo trước cho họ một trận đói sắp hoành hành: « Ông Ê-li-sa nói với người phụ nữ có đứa con trai ông đã làm cho sống lại: "Bà hãy trỗi dậy, lên đường, đem theo gia đình của bà. Hãy ra nước ngoài, ở tạm nơi nào ở được, vì ĐỨC CHÚA đã khiến nạn đói xảy ra, hơn nữa nạn đói còn xảy ra trong xứ suốt bảy năm. » (2V 8, 1). Bà nghe lời khuyên và ra nước ngoài sống bảy năm trong xứ người Phi-li-tinh. Thế nhưng, thì đây « ai đi săn thì mất chỗ » (LND : ngạn ngữ Pháp). Khi gia đình trở về, tất cả của cải- không phải là ít vì người ta nói bà rất giàu – nhà bà và ruộng đất của bà bị các sĩ quan của vua tịch thu (đó là thông lệ thời ấy). Một lần nữa ông Ê-li-sa can thiệp để bà lấy lại đất đai. Đó là màn thứ tư (2V8)

Sở dĩ Thánh Kinh kể dông dài chuyện một gia đình Su-nêm, không phải chỉ vì giai thoại. Không có một sách Thánh Kinh nào viết ra để cho chúng ta hiểu biết về lịch sử! Tất cả các tác giả đều có mục đích thần học: cho chúng ta biết và sống đề nghị Giao Ước với Thiên Chúa. Và ở đây, cuộc giao ước lâu dài giữa ngôn sứ Ê-li-sa và gia đình Su-nêm là hình ảnh Giao Ước với Thiên Chúa. Vị ngôn sứ là hình ảnh của Thiên Chúa, còn chúng ta, chúng ta được mời gọi chọn lấy thái độ người phụ nữ Su-nêm.

Vị ngôn sứ là hình ảnh Thiên Chúa. Có thể ghi nhận ít nữa năm điểm. Trước hết, thời gian dài lâu của cốt truyện nói lên sự trung tín của Thiên Chúa, sự hoài nghi không làm Ngài sờn chí. Kế đến sự ân cần chăm sóc không ngừng của « người của Thiên Chúa »  đối với bà chủ nhà đón tiếp ông nói lên sự chăm sóc ân cần không ngơi của Thiên Chúa cho dân Ngài. Sự chăm sóc ấy chu đáo đến nỗi làm cho Ngài muốn ở giữa dân Ngài, như Ê-li-sa chấp nhận ở trên sân thượng (các bạn hãy nhớ câu chuyện xây cất Đền Thờ của vua Sa-lô-mon). Về sau Ê-li-sa lo cho việc trả lại của cải cho người phụ nữ, gợi lên lời hứa của Chúa ban lại cho Ít-ra-en miền đất của họ; thế nhưng các bạn hẳn biết rằng sách các Vua được viết trong thời gian lưu đày Ba-by-lon, thời điểm bi đát, lúc ấy là lúc chủ yếu để dân nhớ lại lịch sử và nương tựa vào lời hứa của Thiên Chúa. Sau cùng lời hứa sinh con và làm cho đứa trẻ sống lại là dấu chỉ Thiên Chúa là Chúa sự sống.

Còn người phụ nữ, thái độ của bà được đề nghị làm mẫu gương cho chúng ta. Một mẫu gương thật ra cũng dễ theo. « đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ » (Mt 10, 41) - như Chúa Giê-su nói sau này - và tin tưởng hoàn toàn đến nỗi dám nói những gì tận đáy lòng, ngay cả những đòi hỏi và cả những phản kháng của mình. Phúc thay người phụ nữ Su-nêm đã gặp Ê-li-sa một « thánh nhân của Thiên Chúa »; nhưng, bằng cách này, chúng ta biết rằng Chúa ngự trong lòng mọi người. Phần chúng ta phải biết nhận ra và đón tiếp, đúng như thế.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv88, 2-3.16-19 )

 

"Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương Chúa tới muôn đời".

 

2 Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.

3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."

16 Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô;
nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy CHÚA.

17 Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở;
bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang.

18 Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài,
hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con.

19 Đấng bảo vệ chúng con là người của ĐỨC CHÚA,
vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en.

 

Trên đây chỉ có vài câu của bài thánh vịnh 88 (bài này trên thực tế gồm 53 câu) và tất cả có vẻ thật giản dị! Nhìn qua bề ngoài là bầu khí sảng khoái; nhưng chính tính cách đơn giản đó làm chúng ta ngờ có việc gì khác. Khi các ngôn sứ dạy chúng ta đoạn nào nói nhiều về ánh sáng, về vinh thắng… thì rất có thể bài ấy được viết trong một đoạn đời tối tăm hay bại trận. Trong bài này, những chữ đầu nói về tình yêu và lòng tín trung đối với Thiên Chúa: có lẽ nên nói thẳng ra, nên tin như thế nếu không muốn rơi vào thất vọng, nản chí. Nhưng nếu bạn không tin, hãy xem trong Thánh Kinh câu 50: « Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành? » Điều gì được mạnh dạn quả quyết, thì thật ra đó là điều ta e đã đánh mất…

Điểm nhận xét sơ bộ thứ hai. Trong Thánh Kinh trọn bộ Thánh vịnh gồm tất cả năm quyển, mỗi quyển được kết bằng một công thức ban phúc lành. Bài thánh vịnh 88 này là bài cuối của quyển thứ ba và câu chót của bài là: « Chúc tụng CHÚA đến muôn đời. A-men. A-men.» (c53). Nhưng toàn bài thánh vịnh có tính cách kết cuộc, hay đúng hơn tính tổng hợp. Rất có thể bài này được viết trong thời lưu đày Ba-by-lon, bài vẽ một bích họa lịch sử Ít-ra-en: thời ban đầu Giao Ước, những lời hứa cho vua Đa-vít, sự trông chờ Đấng Mê-si-a và bây giờ là kiếp bị đày, có nghĩa là mọi sự đều sập đổ (không còn vua ở Giê-ru-sa-lem, không ai nối nghiệp ngai vua, tức là không có Mê-si-a). Thiên Chúa quên chăng lời hứa của Ngài ? « Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành?» (c53).

Hai nhận xét ấy nói cho chúng ta biết ngay một khi chỉ hát vài câu của bài thánh vịnh, đừng quên những câu kia của bài, nếu không thì bài thánh vịnh được hiểu sai lệch. Nhưng bây giờ chúng ta hãy trở về các câu trong phụng vụ Thánh Lễ Chúa nhật thứ XIII hôm nay. Vì lẽ bài ngắn, chúng ta nhân dịp xét kỹ các câu ấy. Thường khi, trong các tuần lễ gần đây, chúng ta kinh ngạc thán phục vì sự phong phú nội dung các thánh vịnh và chúng ta không có thời gian để dừng lại ở hình thức; để thay đổi, hôm nay chúng ta bắt đầu bằng việc ấy.

Cấu trúc của đọan thơ đầu thật tuyệt vời :

2 Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.

3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."

Hẳn các bạn chú ý có sự đối chiếu song song của các câu, có nghĩa là phần thứ hai đi với câu thứ nhất « Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng; lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời ». Tình thương của Chúa/lòng thành tín của Chúa… Con ca tụng/con rao giảng … muôn ngàn thế hệ/ Thiên thu.

Bây giờ chúng ta xem xét câu thứ hai: « Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài ». Chúng ta lại nhận ra sự đối chiếu song song ấy: Tình thương/ lòng thành tín… đời đời/ muôn ngàn thế hệ. Có hai cụm chữ Thiên thu/ lên trời, có thể làm các bạn ngạc nhiên, nhưng đây cũng là đối chiếu, nhưng lần này là giữa không gian và thời gian. Chúng ta đang đứng trước một cấu trúc rất thông thái, điều này khuyến khích chúng ta chăm sóc lúc ca các bài thánh vịnh.

Trong hai câu đầu chúng ta đã gặp hai lần đôi chữ tình thương /lòng thành tín (nếu bạn hiếu kỳ đọc trọn bài thánh vịnh 88, bạn sẽ nhận ra 7 lần như thế, và con số 7 không phải kết quả của sự ngẫu nhiên… ). Trong công thức tình thương /lòng thành tín, chúng ta nhận ra cách diễn đạt từ lâu Mặc khải ông Mô-sê nhận từ Thiên Chúa trong sa mạc Sinai: « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6 ). Và khi câu đầu bài hôm nay cho chúng ta nói lên: « Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ », chữ tình thương (trong bản tiếng Do Thái) có nghĩa là « những cử chỉ tình thương của Chúa », Thiên Chúa không thích chỉ nói, nhưng bằng hành động và sự thật, như về sau này Thánh Gio-an nói. « chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm ». (1Ga 3, 18)

Chính trong thời gian bị lưu đày dân Ít-ra-en mới nhớ lại hơn bao giờ hết những « cử chỉ yêu thương của Chúa » đối với họ, vì lúc ấy có cơn cám dỗ thật lớn khiến họ nghĩ rằng Thiên Chúa có thể quên dân Ngài. Và có một nhóm người cốt lõi nhắc lại cho cả toàn dân không bao giờ Chúa hết là vua Ít-ra-en. Đó là ý nghĩa của câu cuối rất lạ: « Đấng bảo vệ chúng con là người của ĐỨC CHÚA, vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en. » (c19). Rất khó dịch ra, và được đọc lúc không còn vua ở Ít-ra-en, thật ra câu này có ý nói « vua chúng ta là Thiên Chúa, Đấng bảo vệ chúng ta là Đức Thánh của Ít-ra-en ». Và để nói lên hùng hồn hơn nữa, ở đây có những chữ dành cho vua chúa: « tung hô …quyền…hiên ngang » đặc biệt chữ tung hô để nói đến chữ « terouah »,.. có nghĩa là lời tung hô vị vua ngày được xưng vương; đó là những lời hô các chiến sĩ, đặc thù của quân đội bởi vì, thời ấy vua trước hết là người cầm đầu quân đội.

« Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy CHÚA.  Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở; bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang.  Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài, hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con. 19 Đấng bảo vệ chúng con là người của ĐỨC CHÚA, vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en.» 

Nhưng biết rằng, sau những nét vinh thắng của bài thánh vịnh này, chuyện gì xảy ra. Những câu cuối bài cho chúng ta cái nhìn đại cương: « Lạy Chúa, xin nhớ rằng: các tôi tớ Ngài bị thoá mạ, những lời phỉ báng của chư dân, con đây vẫn chất chứa trong lòng. Vâng, lạy CHÚA, kẻ thù Ngài thoá mạ, theo sát gót mà buông lời thoá mạ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong. » (c51-52). Thêm lý do để lặp lại lời hứa của Chúa.

Bài thánh vịnh này cho chúng ta một bài học, Trong đêm tối mới tin vào ánh sáng. Thánh Phao-lô diễn đạt bài học này trong thư thứ hai gửi Ti-mô-thê: « Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. » (2Tm 2, 13)  

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 6, 3-4. 8-11)

 

"Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới."

Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma

 

3 Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?

4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.

8 Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.

9 Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.

10 Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.

11 Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.

 

Đề tài chủ yếu của thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma có thể tóm lược nhu sau: Thiên Chúa cứu độ chúng ta chỉ là thuần tuý hồng ân nhưng không Ngài ban cho chúng ta, dù ta là ai; chỉ cần chúng ta lãnh nhận trong đức tin. Thánh Phao-lô nhấn mạnh vào tính cách nhưng không của ân sủng, đây đó ngày hôm nay, điều này gây nên những tư tưởng đối kháng: ngài nhấn mạnh nhiều đến tính nhưng không của ơn cứu độ là khuyến khích phạm tội (ngụ ý nói, có thể làm bất cứ việc gì, vì anh rao giảng sự khoan dung thái quá). Thánh Phao-lô phản biện như sau: đừng nói tôi phạm tội không hệ trọng gì với lý do là có ơn cứu độ vì kể từ nay tội lỗi không quan hệ gì với chúng ta nữa; từ ngày chúng ta được phép Rửa, chúng ta là những tạo vật mới, tội lỗi không còn chiếm hữu chúng ta nữa: « Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. » (2Cr 5, 17) 

Cách trả lời những kẻ gièm pha ngài không dựa vào những nguyên tắc luân lý nhưng vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Phải nói rằng Thánh Phao-lô sống bí tích thanh tẩy của ngài với một chiều kích tâm linh thâm sâu làm cho chúng ta khó theo ngài! Khi Thánh Phao-lô nói về thọ tạo mới là ngài nói về chính trải nghiệm của mình: trên đường Đa-mát, khi ngài trỗi dậy, thánh nhân là một người mới. Ngài đã chết đi với những gì ngài sống trước đó, nhất là cách nhìn, cách hành động và lòng tin. Chính chữ « chết » là một trong những điều khó hiểu trong bài này, và được lập lại gần như trong mỗi câu, khó cho chúng ta hiểu nó theo một nghĩa nào khác hơn nghĩa thông thường chúng ta hiểu. Sự chết thể lý chờ đợi mọi người và làm cho chúng ta rất sợ. Thế nhưng Thánh Phao-lô trong bài này, cho nó một ý nghĩa chỉ có tầm vóc thần học: « khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người …chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô… Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ… Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi» (c3.8.10.11)

Đây là phép Rửa, một bước trải qua; một sự chết đối với tội lỗi. Có một tài liệu trong đó Thánh Phao-lô cho chúng ta chìa khóa mở ra để hiểu những chữ ấy. Ngài viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: « Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê » (1Cr 10, 1-2). Đây là những yếu tố xây dựng dân tộc It-ra-en: Chúa giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày và cho sinh ra một đời sống mới khi vượt qua cột nước biển đỏ. Đó là điều Thánh Phao-lô gọi là phép rửa của It-ra-en. Nơi đây ông Mô-sê chấm dứt mối bòng bong cuộc đời bị giam cầm càng ngày càng khốc liệt: khổ sai, tàn sát trẻ con, manh tâm của vua Pha-ra-ong. Sự kiện vượt qua biển đỏ thừa nhận cho sự tuyệt giao ấy, của cái chết trong kiếp lưu đày. Thánh Phao-lô nói cho chúng ta, Chúa Giê-su cũng thế, Ngài thực hiện một tuyệt giao dứt khoát: Con người, trong sự nổi dậy chống lại Thiên Chúa, bị giam hãm trong ngờ vực, nghi kỵ, từ chối yêu thương, tóm lại bị giam hãm trong tội lỗi. Nỗi bòng bong của hận thù và bạo lực tàn nhẫn.

Chúa Giê-su thì: « Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. » (Pl 2, 8); lòng tin tưởng vào Thiên Chúa (đó là ý nghĩa của « vâng lời » nơi Thánh Phao-lô), sự hài hoà với ý nguyện của Cha Ngài cắt đứt cái vòng lẩn quẩn khủng khiếp của tội lỗi nơi con người. Vì thế cái chết của Ngài là một sự vinh thắng, hành động quang vinh của một người đầu tiên thật sự tự do: « Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. » (c10). Lúc bấy giờ Thánh Phao-lô có thể nói với những ai sống kết nối với Chúa Ki-tô: « Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su. » (c11). Trong bài khác ngài nói về một người được nhận phép rửa: « Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. » (2Cr 5, 17-18). Sự thay đổi ấy tuy là việc đã qua rồi nhưng đồng thời còn là việc phải làm: đời sống mới chúng ta đã bắt đầu bằng phép thanh tẩy; bây giờ đến phiên chúng ta phải làm cho tất cả cách cư xử thường nhật của chúng ta thích hợp với đời sống mới ấy.   

Như thế Thánh Phao-lô đáp lại các phản kháng cho rằng ngài trình bày một đời sống Ki-tô hữu quá đẹp, trong phần kết của ngài, cuối cùng thánh nhân đưa ra một đòi hỏi tối quan trọng: « Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su. » (c11). Vâng nhận được ơn cứu độ thật đơn giản, chỉ cần tin, thế nhưng điều này rất đòi hỏi! Bởi vì từ nay chúng ta phải sống đời sống mới, thích hợp với Thần Khí Thiên Chúa.

Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô nói lại điều này: « Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. » (Êp 4, 22-24). Bí quyết giúp chúng ta đổi mới hoàn toàn là ngước mắt nhìn lên thánh giá Chúa Ki-tô như một guơng sáng hoàn hảo của sự vâng lời và sự dịu hiền có thể bẻ gãy móc xích của hận thù: «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. » (Ga 15, 4)

***

 

PHÚC ÂM (Mt 10, 37-42)

 

Alleluia, alleluia!

– Chúa phán: « Thầy là đường là sự thật, và là sự sống, 
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy » Alleluia!

-----------------

  "Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đấng với Thầy; 
kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

37 "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.

38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.

39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

40 "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

41 "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

42 "Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."

 

Thoáng nhìn qua, bài này là một loạt châm ngôn, không biết Chúa Giê-su có tuyên bố một cách liên tục như thế hay không, thấy không có vẻ gì có liên quan với nhau. Nhưng một khi đọc đi đọc lại, ta sẽ khám phá ra chỉ có một lời mời gọi, một lời mời gọi hãy có những chọn lựa cần thiết, những từ bỏ do sự trung thành với Tin Mừng đòi hỏi. Ai cũng biết Tin Mừng đòi hỏi phải yêu thương ( tất cả bài giảng trên núi đã nói). Ở đây Chúa Giê-su có những đòi hỏi khác. Tôi xin xem xét lần lượt bài này từ đầu.

« Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy » (c37). Không nên hiểu chữ yêu trong nghĩa tình cảm gia đình thông thường; nếu không thì đây là điều mới lạ lùng! Nhưng chúng ta đang ở trong bối cảnh bị bách hại, trong lúc Chúa Giê-su nói - vì Ngài sẽ chết - đồng thời lúc Thánh Mát-thêu viết những dòng Tin Mừng này cũng thế. Trên đây một chút, theo Thánh sử, Chúa Giê-su đã cảnh báo các Tông đồ: « Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết » (Mt 10, 21). Và thêm nữa:«Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng;Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch » (Mt 10, 34-35, x Mk 7, 6)

Trong mọi thời bị bách hại, có những bi kịch thê thảm xảy ra giống như trong tiểu thuyết của Corneille: phải chọn lựa giữa trung thành hay chết. Ngay khi ngoài bối cảnh bách hại với bạo lực trong xã hội, trong gia đình hay giữa những người bạn thân nhất cũng khó làm chứng cho những xác tín của chúng ta. Và có khi xảy ra những tình cảnh xé lòng trong gia đình. « Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. » (c38-39).

Vác thập giá: có nghĩa gì từ miệng Chúa Giê-su trong thời điểm này ? Đóng đinh trên thập giá là một nhục hình thông thường dành cho những kẻ rối loạn trật tự công cộng. Suốt trên đường trải dài đến Đế quốc La-mã, có lúc có hàng trăm, hằng ngàn người bị đóng đinh. Nhục hình tởm lợm và khủng khiếp này làm nhục nhã trước đám đông và người qua đường cưởi nhạo kẻ đáng bị loại khỏi dân chúng. Hơn nữa, lúc Chúa Giê-su bị kết án: không có vấn đề đóng đinh ai trong nội thành. Mọi người đều thuộc câu trong sách Đệ Nhị Luật: « vì người bị treo (đóng đinh) là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa » (Đnl 21, 23). Thánh vịnh 21 cũng nói: « Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai » (c7,8)

Thế mà, nếu các môn đệ đi đến cùng làm chứng tá, các ông cũng có những nguy cơ va chạm với chính quyền không thể nào tránh khỏi. Phải chấp nhận được ít người biết và khiêm nhường. Dù sao đi nữa, Chúa Giê-su muốn trình bày trong đoạn này rằng Ngài ý thức sẽ bị bách hại, cũng như những ai theo Ngài. Chúa nói rõ rằng: « Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. » (Ga 15, 20)

« Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. » (c40). Hình như câu này được dùng củng cố các Tông đồ, như Chúa muốn nói « Hãy đứng vững, chấp nhận nguy cơ cho Tin Mừng, là làm cho các con gần Ta và Cha Ta »

« Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. » (c41,42). Nhìn thoáng qua dường như chúng ta có cái nhìn như phải xứng đáng phần thưởng, lĩnh vực của tương quan cho và nhận; nhưng ở đây không phải lãnh vực của sở hữu, bởi vì trong tình yêu không có việc tính toán. Những gì Chúa ban cho, không thể đếm được; đó là lãnh vực của bản thể. Đó là đời sống vĩnh cửu, tức là đời sống trong vòng mật thiết với Ngài. Tất cả các Thánh là chứng tá của hạnh phúc viên mãn, chứ không phải số lượng của cải. Ngay cả trong lãnh vực thuần tuý con người, những kẻ sống với tương quan tình yêu thật sự, bất cứ như thế nào, cũng biết rằng sở hữu không thể nào so với chiều sâu của tình cảm, sự hiệp thông giữa con người với con người. Trong đoạn sau, Chúa Giê-su cũng nói: «Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. » (Mt 19, 29)  

Thánh Phao-lô giới thiệu trải nghiệm ấy: « Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi…Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt » (Pl 3, 7; 10-12)

« Được Chúa Ki-tô chiếm đoạt » như Thánh Phao-lô nói, đó là điều đáng được hay mất, điều cốt tử. Và có lẽ đó là mối liên quan giữa các câu của Chúa Giê-su: « Được Chúa Ki-tô chiếm đoạt », như một ngọn lửa nội tâm thúc đẩy từ bỏ do Thánh Kinh đòi hỏi (từ bỏ quyến luyến, lưu tâm đến mình, chiếm hữu…). Chúng ta nghe như vang lên những mối Phúc Thật: « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ… Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.. » (Mt 5, 8…11,12)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com