Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XVIII Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Is 55, 1-3)

 

"Hãy đến mua lúa mà ăn"

Trích sách tiên tri I-sa-ia 

 

1 Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!
Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.

2 Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.

3 Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.

 

Đây là đoạn sau cùng sách thứ hai tiên tri I-sa-i-a, toàn quyển này hướng về phần cuối thời lưu đày và lúc trở về xứ như đã hứa: Vì vậy, mới có đề tựa «Sách an ủi Ít-ra-en». Chương 54 nhắc lại lời loan báo hằng mong chờ được hồi hương. Chương 55 là chương xác định hồi hương trong tâm trạng nào. Tất cả không có gì mới lạ, nhưng đây là việc lặp lại những đề tài chính yếu của Giao Ước không bao giờ nên quên, và phải cấp bách thấu triệt, nếu không muốn trở lại những trải nghiệm đau đớn.

Có ba đề tài lớn: Thiên Chúa trung tín với Giao-ước [«Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.» (c3)], ơn Chúa là món quà nhưng không [«Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng (c1)], lắng nghe, hay cậy trông đều giống nhau [ «Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống» (c3)]. Có lẽ với tai người phàm, đây là điều khó nghe. Ơn Thiên Chúa là quà nhưng không. Thế nhưng đó là điều chương 55 này nhấn mạnh nhất. Chúng ta luôn khăng khăng nói đến công trạng, phải xứng đáng để đến trước mặt Chúa, trong lúc cốt yếu của lòng từ bi là có khuynh hướng thiên về những kẻ bé nhỏ và tội lỗi. Trong những câu kế tiếp, tiên tri I-sa-i-a còn tô đậm thêm nét diễn tả này, ngài nhấn mạnh thêm: «đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA» (c8)

Biết bao lần các triết gia trách cứ các tôn giáo tạo ra một Thiên chúa giống hình ảnh chúng ta! Chính Voltaire nói: «Chúa tạo con người với hình ảnh của Ngài, và con người cũng làm như vậy đối với Chúa». Có nghĩa là, tự chúng ta, tưởng tượng ra một Thiên Chúa giống chúng ta, cũng có những cảm xúc như chúng ta: Nói về tình yêu của Ngài, lẽ công chính của Ngài, sự tức giận của Ngài, sự tha thứ của Ngài, theo mẫu chúng ta sống: Một tình yêu có giới hạn và độc quyền, một lẽ công chính theo cán cân, tức giận khi phật ý và hận thù; sự tha thứ có hạn và với điều kiện.

Tôi có thể nói, chúng ta đã được mặc khải từ nhiều thế kỷ đã qua, mà vẫn chưa lãnh hội. Và các lời trong sách thứ hai tiên tri I-sa-ia không thừa, để nhắc lại cho chúng ta: «Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.» (Is55, 8-9). Và sự khác biệt ấy xa cách chừng nào? Nếu tôi tin vào những gì vừa đọc, khoảng cách giữa Thiên Chúa và chúng ta là khoảng cách giữa sự nhưng không và cách tính toán! Chúa là Ân sủng và là Tha Thứ; chúng ta thì tính toán. Tính toán những gì chúng ta xứng đáng. Khi nói: «chúng con không xứng đáng» vô tình khi nói như thế, chúng ta tính toán thay cho Ngài! Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta xứng đáng bất cứ chuyện gì! Ngài chỉ nói: «Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA» (c7)  

Nếu tôi hiểu không lầm, chúng ta không cùng âm vực với Chúa: Ngài chính là tình yêu. Ngài thuộc về dạng cho nhưng không (ân sủng). Còn chúng ta cho rằng phải có qua có lại; chúng ta muốn người lành được thưởng, kẻ dữ bị phạt. Còn Ngài: «Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính» như Chúa Giê-su nói trong bài giảng trên núi (Mt5, 45). Chúng ta nói «xứng đáng nước trời». Còn Ngài, Ngài đề nghị sống quan hệ tình yêu, tức bởi định nghĩa, là ơn ban nhưng không. Không có ngân hàng, không có ngân phiếu trong vương quốc của tình yêu, chúng ta biết thế.

Và cũng vì thế, tiên tri I-sa-i-a nhấn mạnh trong bài này về tính nhưng không: «Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.» (c1) Chúng ta thường sẵn sàng lắng tai nghe những quảng cáo (có nghĩa là vụ lợi), không hiểu vì sao lời quảng cáo ấy, nhấn mạnh về tính nhưng không, không tốn tiền lại không làm cho chúng ta chú ý? Chính vì đó là ơn ban nhưng không và điều này xa lạ với chúng ta. Con đường cho nhưng không, con đường tha thứ quá cao đối với con đường tính toán, có qua có lại.

Tại sao không nhìn nhận một lần cuối, là chúng ta không có tiền (tức là không có gì để trao đổi) trước mặt Chúa và Ngài chỉ chờ đợi nơi chúng ta một tâm hồn cởi mở, «mở tai ra» như Thánh Kinh nói. Tiên tri I-sa-i-a nói: «hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống» (c3).

Thông thường, khi nghe như thế, luôn luôn có kẻ sẽ nói: «nếu chúng ta không cần tìm xứng đáng, thì chúng ta có thể sống bừa bãi bất cứ như thế nào…». Tôi không nghĩ như thế; Ngày nào chúng ta xác tín như thế và được tình yêu của Chúa chói sáng, ngày ấy lòng chúng ta thay đổi và bắt đầu sống giống Ngài: ngọn lửa bắt đầu được nhúm lên và chúng ta được tiến dần đến âm vực của ơn ban nhưng không. Điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta «Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.» (c6) Ở đây cũng thế, con đường chúng ta còn xa con đường Thiên Chúa, vì thế có nguy cơ hiểu phản nghĩa. Không có khi nào Chúa không cho ta gặp, không có lúc nào Ngài không ở bên ta! Phải hiểu như sau: «Hãy tìm ĐỨC CHÚA vì Người còn cho gặp, kêu cầu Người vì Người ở kề bên.» Và Chúa không đòi hỏi chúng ta gì khác hơn, vì đối với Ngài là ơn ban nhưng không.

Tôi nghĩ Giáo Hội có một việc lớn lao phải làm, vì Giáo Hội là một cơ chế phàm nhân, được sống trong một xã hội thương mại hơn là phục vụ, và chính từ trong lòng của xã hội ấy Giáo Hội phải làm cho nảy mầm vương quốc của ơn nhưng không. Nhân danh Tin Mừng và nhân danh các tiên tri thời Cựu Ước, cấm chúng ta sống như một doanh nghiệp…Mỗi lần chúng ta bỏ đi xa khỏi âm vực của ơn nhưng không, trong lời nói hay trong việc làm, là chúng ta đi xa con đường của Chúa, như tiên tri I-sa-i-a nói. Sứ mạng con người đã được rửa tội của chúng ta là làm chứng nhân giữa mọi người, ta không phải là một người lạ nhưng là một người khác.

***

 

BÀI ĐỌC 1 LỄ CHÚA HIỂN DUNG (Đn 7,9-10; 13-14)

 

9 Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.

 10 Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.

 13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện.

14 Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.

 

Sách Đa-ni-en mang lại cho chúng ta hai cách nhìn. Cách nhìn thứ nhất là một đấng Lão Thành ngồi trên ngai: tóc bạc trắng biểu hiện cho sự vĩnh hằng « Áo Người trắng như tuyết » theo truyền thống là màu của bậc thánh thiêng. Rõ ràng vị Lão Thành đó chính là Thiên Chúa, bối cảnh vĩ đại « Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra ». Đây hẳn là một sứ điệp nhắn cho những người đồng hương đang bị bách hại. (x CN XXXIII TN B), vì họ là hàng triệu người được chọn để phục vụ vị Lão Thành. « Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan » (c10). Hãy nên hiểu: sau những điều kinh hoàng của hiện tại, anh em đã có chỗ trên trời; toà án được thành lập sẽ trao lại cho các bạn công bằng. « Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra » (c10b)

Cách nhìn thứ hai được nêu ra nơi đây liên quan đến « Con Người ». Chúng ta hãy dừng lại nơi cụm chữ này. Chúng ta quen thuộc vì Chúa Giê-su hay thường dùng, nhưng chúng ta thường không hiểu Ngài rút từ sách Đa-ni-en, rất thú vị xem Ngài thay đổi và bổ sung như thế nào.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng thị kiến của tiên tri Đa-ni-en. Một Con Người được dẫn đến trước mặt đấng Lão Thành, trên những áng mây trời. Đây chính là một con người thật, tiếng Do Thái thường dùng một cách biểu cảm cụm chữ « con của », và cũng như thế, thỉnh thoảng trong vài Thánh Vịnh có cụm chữ Con của Vua, chỉ để nói Đức Vua.

Thì đây người ấy đứng trên áng mây trời (mây trời thường dùng khi Chúa hiện ra), và Người ấy tiến đến Ngai Vua… Ở đây ta nghiệm ra Con Người - thật sự thuộc về thế giới loài người - được nâng lên trong thế giới của Thiên Chúa đấng lãnh nhận vinh quang và vương giả trên mọi người:  mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ. Và như thế cho đến đời đời.  « Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong » (c14).

Bài tiếp tục « 15 Tôi là Đa-ni-en, tâm trí tôi hoang mang vì những điều ấy, và những thị kiến trong đầu làm tôi xao xuyến.16 Tôi đến gần một trong những vị đứng túc trực và xin vị ấy cho biết sự thực chắc chắn về tất cả những điều ấy. Người đã nói với tôi và giải thích cho tôi ý nghĩa các sự việc:17 "Bốn con thú to lớn ấy tức là bốn ông vua, từ đất trỗi dậy.18 Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời." (7,15-18) Thế rồi vị Tiên Tri ấy tiếp tục trong vài câu sau: « 27 Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy."  (c27)

Xin đừng quên Tiên Tri Đa-ni-en nhận được thị kiến ấy trong giai đoạn lịch sử Ít-ra-en vô cùng thảm khốc, dưới sự đô hộ của Hy-lạp thời vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê. Thị kiến này đến như một sứ điệp an ủi: nói trắng ra sẽ như thế này: hỡi anh em, bây giờ anh em bị chà đạp, nhưng anh em sẽ được giải thoát, và lần này sẽ được giải thoát vĩnh viễn. Đây là một sứ điệp loan báo một cuộc thay đổi toàn diện cho dân của Các Thánh của Đấng Tối Cao. Điều quan trọng đối với chúng ta là bài này nói rõ ràng nhân vật bí hiểm mà tác giả gọi là Con Người thật ra là dân thánh của Đấng Tối Cao, là một dân tộc chứ không phải một nhân vật nào đó.

Trong phạm vi của Tân Ước, hiện nay chúng ta nhận ra ba điều. Trước tiên Chúa Giê-su có thay đổi một chút về văn phạm: từ « Con của Người » ( Fils de l’homme) của tiên tri Đa-ni-en được đổi lại thành « Con Người » Fils d’homme). Việc thay đổi như thế hẳn có một ý nghĩa, Điều thứ hai Chúa Giê-su là người duy nhất dùng cụm chữ « Con Người », và rõ ràng để chỉ đến chính mình. Điều thứ ba Chúa Giê-su cũng thay đổi sâu sắc nội dung « Con của Người » của Tiên Tri Đa-ni-en. Đây là hình ảnh của chiến thắng, vương giả; sở dĩ Ngài nhận lấy về Ngài lời hứa chiến thắng, Chúa Giê-su còn thêm vào khía cạnh đau khổ, điều này không thấy trong sách Đa-ni-en; tất cả những loan báo về cuộc khổ nạn rất gần gũi đến nhân vật người tôi trung trong sách I-sa-i-a.

Đầu tiên, thay đổi về văn phạm cách gọi: « Con của Người » ( Fils de l’homme)  thay vì « Con Người » (Fils d’homme). Con Người có nghĩa « một người », nhưng khi ta nói « người », người ta nghĩ đến nhân loại, do đó « Con của Người » là nhân loại. Khi nhận lấy danh hiệu ấy cho chính mình, Chúa Giê-su mặc khải là Đấng mang lấy vận mạng cho cả nhân loại. Cũng như thế thánh Phao-lô cũng giới thiệu Ngài là Ađam Mới, cũng như Thánh Gio-an sau này thuật lại lời bất hủ của Phi-la-tô trong Cuộc Khổ Nạn: « Đây là Người » (Theo tiếng La-tinh Ecce Homo). Thánh Gio-an kể lại lời này của Phi-la-tô không ngờ ông ta nói chí lý như thế!

Điều thứ hai, chúng ta đếm ra cụm từ « Con Người » được dùng hơn tám mươi lần trong tất cả Thánh Kinh, nhưng lạ thay, tất cả đều do Chúa Giê-su nói ra. Chính Ngài là Người duy nhất dùng cụm từ này. Không ai gọi Ngài như thế. Chúng ta tự hỏi vì lẽ gì, sách Đa-ni-en từ lâu đã được biết đến. Nhưng chính vì thế, thời ấy người ta không nhận ra đó là Chúa Giê-su. Trước tiên đấng đến từ áng mây chỉ định Đấng Mê-si-a (người ta nhận ra từ Tiên Tri Đa-ni-en). Vì lẽ ấy khi Chúa Giê-su dùng cụm từ này để nói về chính Mình, Chúa muốn, nhân dịp mặc khải chính mình là Đấng Mê-si-a. Thế nhưng, rõ ràng Ngài không thể như thế được, Ngài không đến từ áng mây… Ngài đến như mọi người từ một gia đình nhân loại, từ một làng nhỏ bé là Na-da-rét… Điều chắc chắn về Ngài là nơi từ đâu Ngài đến! Không có gì liên quan đến những áng mây từ trời. Còn càng không thể xem Ngài như dân của Các Thánh trên Trời Cao. Các người đương thời không thể nào nhận ra Giê-su thành Nadarét,  con ông thợ mộc là « dân chư Thánh Đấng Tối Cao » (Đn 7,18)

Điều thứ ba, Chúa Giê-su cũng thay đổi sâu sắc nội dung: « Con của Người » của Tiên Tri Đa-ni-en. Ngài lấy ý nghĩa trong sách Đa-ni-en:  «Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến » (Mc 13,26) nhưng Ngài lại thêm khía cạnh đau khổ (cũng trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô): « Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người» (Mc 9,31) 

Sau Phục Sinh, mọi sự trở nên trong sáng đối với các môn đệ Ngài. Một đàng, Ngài xứng đáng với danh hiệu « Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây » (Mc 13,26), Ngài vừa là người vừa là Thiên Chúa, đàng khác Chúa Giê-su là đứa con đầu lòng của nhân loại mới, trong ấy Chúa là Đầu. Ngài làm cho chúng ta  thành Thân Mình độc nhất: cuối cùng của Lịch Sử, tất cả chúng ta cùng hiệp nhất với Ngài như « một người duy nhất »!... Với Ngài, ghép vào với Ngài, chúng ta sẽ là « dân chư Thánh Đấng Tối  Cao » (Đn 7,18)

Lúc bấy giờ chúng ta khám phá ra điều kỳ diệu mà chúng ta không bao giờ dám tin về «kế hoạch ân sủng » (Ep 3,2) của Chúa, làm cho chúng ta nên một dân vương giả…! Đấy là kế hoạch của Ngài khi tạo dựng nhân loại. Sách Sáng Thế cũng đã nói « Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất» (St 1,27-28). 

***

 

THÁNH VỊNH (Tv144, 8-9, 15-18) - Lễ Chúa Giê-su Hiển Dung

 

Đáp ca : Lạy Chúa, Chúa mở tộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê

 

8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

9 CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

15 Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.

16 Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

17 CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

18 CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

 

(LND: Chúng tôi lấy lại Bài suy niệm cho Chúa nhật XXXI năm C cùng tác  giả. Xin nhắc lại hôm ấy bài đọc 1 là một đoạn sách Huấn Ca, còn hôm nay chúng ta đọc sách Tiên tri I-sa-i-a chuơng 55.) Sau đây là Bài suy niệm cho Chúa  nhật thứ XXXI  thường niên năm C)

 

Không gì làm tiếng vang cho Bài đọc 1 hôm nay hay hơn bài Thánh vịnh này! Sách Huấn Ca tóm tắt tất cả đức tin It-ra-en trong vài câu: Được mặc khải một Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu, giàu lòng tha thứ, kêu gọi dân Ngài: «Hãy trở lại với Ta». Bài Thánh Vịnh là lời đáp của dân chúng trở lại với Chúa: «2 Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời ». Đúng là bài ca ngợi khen lòng tin trở lại.

Chúng ta không lạ gì bài này được chọn làm Kinh Mai Do Thái. Đối với một tín hữu Do Thái, buổi sáng (bình minh ngày mới) gợi lên buổi bình minh của ngày vĩnh hằng, ngày của thế giới mới, của tạo vật mới…Và nếu tìm hiểu sâu xa hơn tín lý Do Thái, sách Talmud (sách giáo khoa các giáo trưởng Do Thái những thế kỷ đầu sau CN) quả quyết rằng người nào đọc ba lần bài Thánh vịnh này, có thể chắc chắn «sẽ là con của thế giới mới».

Chúng ta đã có dịp đọc bài Thánh vịnh này và chiêm ngắm cấu trúc của nó. Nếu  xem trong Thánh Kinh, bài này thuộc loại Thánh vịnh theo vần A-B-C. Cũng cần biết đây là thánh vịnh tạ ơn Giao Ước: Đó là cách nói trọn đời ta, từ A đến Z (theo tiếng Do Thái từ Aleph đến Tav) được chìm đắm trong Giao Ước, trong lòng trìu mến của Thiên Chúa. Điều thứ hai, đáng chú ý về hình thức, bài Thánh Vịnh là sự tương đồng từng hai câu một. Đáng được đọc hai bè, hay hát hai nhóm luân phiên nhau.

Nếu xét kỹ các câu được chọn hôm nay, chúng ta lưu ý hai điều: Thứ nhất, nội dung vừa xúc tích vừa đầy đủ tất cả mặc khải của Chúa. Điều thứ hai, bài Thánh Vịnh này rất hài hoà và khớp với các Lời Chúa khác của phụng vụ Chúa nhật hôm nay.    

Trong Bài đọc 1 Sách Khôn ngoan nói: «23 Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.» Bài Thánh Vịnh, như tiếng vang:  9 CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.»

Trong câu 3: «3 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.», chữ cao cả thường dùng cho vua chúa, hơn nữa câu 1 nói: «Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con». Vua ở đây không phải các vua chúng ta tìm thấy dưới trái đất. Một Vị Vua vừa toàn năng vừa nhân hậu: Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc…Đấy là sự mặc khải dân It-ra-en nhận được suốt lịch sử của họ. Khi nói tới quyền năng của vị Vua này khác với mọi vị vua, quyền năng ấy chỉ là tình yêu: «8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương». Đây là câu tóm tắt tuyệt vời nhất tất cả mặc khải của Thánh Kinh. Tiên tri I-sa-i-a cũng nói: «Người… rộng lòng tha thứ.» (Is55, 7) …có nghĩa là các tư tưởng khác là sai trái…Ở đây, It-ra-en nói thế vì đã trải nghiệm: biết bao lần, đặc biệt khi bị lưu đày Ba-by-lon, họ đã van xin và được Thiên Chúa thứ tha và trở lại với Ngài?...Từ nay, toàn dân trở về Đền Giê-ru-sa-lem vừa được xây lại, một lòng hát lên: Vâng, thật vậy: «18CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.» (Tv 144 (145), 18)

Họ biết sứ vụ của họ là phải cất tiếng ca lớn lên để mọi người biết, lòng từ bi, giàu tha thứ của Chúa dành cho mọi người: «9 CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.». Tính cách hoàn vũ của công trình Thiên Chúa là đề tài suốt Cựu Ước: Chúa yêu thương cả nhân loại, và dự án tình yêu của Ngài, kế hoạch yêu thương của Ngài gồm cả nhân lại, tất cả tạo vật.

Để kết luận, nếu đọc trọn bài Thánh Vịnh này, chúng ta sẽ khám phá ra bài Thánh vịnh thật giống Kinh Lạy Cha. Ví dụ như Kinh Lạy Cha nói với Chúa như con nói với Cha hay là với đức Vua, Chúa như một người cha đầy lòng từ bi và tha thứ, như trong bài thánh vịnh, như một vị Vua mà chủ đích duy nhất là hạnh phúc cho mọi người: «Lạy Cha…xin cho chúng con…xin tha thứ chúng con …nước Cha trị đến…xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ…ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời… » vì, chúng ta đều biết, qua lời Thánh Phao-lô: Chúa là « Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý » (1Tm2, 4). Tới đây, chúng ta hiểu vì sao bài Thánh vịnh này được dân Do Thái chọn làm Kinh mai trong Phụng Vụ, của dân đầu tiên được dạy gọi Thiên Chúa là Cha.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 8, 35, 37-39)

 

"Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa 
trong Đức Ki-tô, Chúa chúng ta."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

 

35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?

37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,

39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Những hàng này là lời kết của cả một đoạn tuyệt vời, Thánh Phao-lô kinh ngạc thán phục tình yêu Thiên Chúa. Trong chương 5 ngài nói: «Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta» (5, 5). Ở đây ngài thả hồn theo lòng, phấn chấn tràn ngập tim người tín hữu, một khi nhận rõ công trình Thiên Chúa thực hiện cho mình:«Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?» (8, 32) Không còn ai có thể bẻ gãy Giao Ước giữa thiên Chúa và chúng ta. Mọi mưu định làm chia cách tất phải bị thất bại.

Một lần nữa, Thánh Phao-lô trở lại một đề tài chính của ngài gọi là «Văn tự» hay Thánh Kinh (đối với chúng ta ngày nay là Cựu Ước): điều cốt tử của con cái A-đam là giữ nối chặt với Chúa, với hơi thở của Ngài không để Quỷ, kẻ làm chia rẽ, tách rời khỏi Thiên Chúa. Chúa Giê-su, trong sa mạc đã có lần bị quỷ tấn công, gợi ý cho Ngài tìm quyền lực, sự dễ dàng, vinh dự. Chính Thánh Phao-lô cũng làm vai trò ấy đối với Chúa khi xui Ngài phải lẩn trốn lúc nguy nan bị bách hại. Nhưng không có gì, dù là đói khát, dù là ảo tưởng thành công, có thể chia cách Người Con với Chúa Cha.

Đến phiên Thánh Phao-lô và các Tông đồ múc lấy Thần Khí Chúa Ki-tô sức mạnh để được ghép vào Ngài.

Hơn nữa, Thánh Phao-lô là mẫu gương sống động: Không «ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...» (c35) vì tất cả những điều ấy, ngài đã trải qua…ngài kể lại các chi tiết trong thư thứ hai gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: «Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một;25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi!26 Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em.27 Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng» (2Cr11, 24-27)

Sự kết hiệp mật thiết ấy, giữa Chúa Ki-tô và Thiên Chúa, được triển khai đầy đủ buồi chiều Tiệc ly: «Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy» (Ga15, 1-4) Động từ «ở lại» được Thánh Gio-an dùng rất thường dưới ngòi bút của ngài, dù trong Tin Mừng theo ngài, dù trong các thư ngài viết cho các tín hũu: Chúa Giê-su nói «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em» (Ga15, 4). Như một tiếng vang, Thánh Gio-an viết cho các Ki-tô hữu tiên khởi: «Giờ đây, hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn» (1Ga2, 28). Thế nhưng, trong các câu ấy, có một chữ luôn luôn hiện diện, đó là chữ « tình yêu» hay động từ «yêu».

«Ở lại trong» và «yêu» là đồng nghĩa: «Đức Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.» (Ga14, 23). «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người» (Ga15, 9-10). Đây thật sự là tình thân mật thiết giữa những Đấng thần thiêng, và chính các Ngài lấy sáng kiến. Vì thế Thánh Phao-lô nói không có gì có thể tách lìa chúng ta ra được: «Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến ….» (1Ga4, 10).

Thế nhưng, sự tự do của chúng ta vẫn trọn vẹn, và chỉ có thế, mới có thể làm trở ngại sáng kiến Đức Chúa Cha. Đặc biệt trong quan hệ của chúng ta với tha nhân, thể hiện sự gắn bó hay sự bất trung của chúng ta đối với tình yêu Thiên Chúa: «Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?» (1Ga3, 15-17). Nhưng Thánh nhân lại thêm: «Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.» (1Ga3, 20). Ngài đã viết trước đó: «Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.» (1Ga1, 9)

Thật vậy: Chúa làm tất cả để chúng ta có thể xa lìa với tình yêu của Chúa. Chỉ cần chúng ta tin như thế và để chúng ta yêu thương .

***

PHÚC ÂM (Mt 14, 13-21)

 

Alleluia, alleluia !

- Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí 
để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. - Alleluia.

-----------------

Mọi người đều ăn no.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

13 Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.

14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn."

16 Đức Giê-su bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn."

17 Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá! "

18 Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy!"

19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.

20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy.

21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

 

Giai đoạn làm phép bánh, liền sau khi tin ông Gio-an Tẩy Giả bị hành quyết theo lệnh vua Hê-rô-đê. Phản ứng đầu tiên của Chúa Giê-su có vẻ thận trọng, là ẩn mình: «Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt.» (Mt14, 13) . Nhưng không bao lâu, đám đông bị thu hút đi theo Ngài, vì thế Chúa không thể cưỡng lại được, vì: «Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương» (c14) Thánh Mát-thêu nói cho chúng ta. Thì đây, dường như Ngài phạm hai lỗi, thứ nhất là không thận trọng, thứ hai là điên rồ. Trước tiên không thận trọng về mặt chính trị, vì sự khôn ngoan dạy phải làm cho người ta quên đi; nổi danh sẽ làm thiệt cho Ngài. Sau điên rồ, tưởng rằng năm chiếc bánh và hai con cá đủ nuôi một đám đông như thế.

Các môn đệ, thực tế hơn, lưu ý rằng chỉ như thế thì quá ít, nhưng Chúa Giê-su cũng biết tính toán như họ, bèn điềm nhiên nói: «chính anh em hãy cho họ ăn» (c16). Sở dĩ Chúa nói như thế để không làm lúng túng: Họ có thể, nhưng họ không biết…hay là họ không tin. Còn tiên tri Ê-li-sê thì như Chúa Giê-su, việc chia ra vẫn có thể được, cho bao nhiêu người cũng có thể. Thời nạn đói, một tín hữu đem dâng hai mươi cái bánh làm bằng lúa mạch, ông Ê-li-sê liền nói cho người giúp việc: «Phát cho người ta ăn» (2V4, 42). Nhưng người ấy nhận thấy ngay, như thế làm sao đủ: «Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?»  Ông Ê-li-sê trả lời: «Cứ phát cho người ta ăn! Vì ĐỨC CHÚA phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.» (2V4, 43). Và thật vậy, người giúp việc cho phân phát, và tài liệu chép rằng: «Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời ĐỨC CHÚA phán.» (2V4, 44)  

Ở đây cũng thế, Thánh Mát-thêu lưu ý sự bất cân đối giữa số người tham dự và phần thức ăn ít ỏi, việc phân phát và thức ăn dư được gom lại. Nhưng có khác nhau ở chỗ nào giữa Chúa Giê-su và tiên tri Ê-li-sê? Cả hai có điểm gì giống nhau, Chúa Giê-su và Ê-li-sê? Bí mật của cả hai là gì? Hình như bí mật của cả hai rất đơn giản. Thứ nhất cả hai đều tin việc chia cho mọi người khả thi, vì cả hai tín thác vào Thiên Chúa: Ê-li-sê trích Lời của Chúa: «Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư» , Chúa Giê-su làm cử chỉ ban phép lành trên bánh (vì Thánh sử Mát-thêu ghi nhận rõ có «làm phép»: «ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ» (c19). Đây không phải một cử chỉ ma thuật trên bánh; mà là nhìn nhận bánh do Thiên Chúa ban và xin Ngài cho dùng để nuôi dưỡng người đói.

Việc nêu lên thức ăn còn dư trong hai bài tường thuật và Thánh Mát-thêu cho biết chính xác: «Ai nấy đều ăn và được no nê » (c20) làm nổi bật ơn Chúa tràn đầy. Điều này làm nhớ đến Ma-na trong thời Xuất hành: «các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi» (Xh16, 12)   

Điều thứ hai - nhưng đây là điều tiên khởi - cả hai đều quan tân đến việc đói của dân chúng. Đối với tiên tri Ê-li-se, sách các Vua ghi rõ ràng đó là vào lúc có nạn đói hoành hành, và chỉ ông có ý phân chia bánh ra, đó là điều tất nhiên của sứ vụ ông; còn đối với Chúa Giê-su, Thánh sử Mát-thêu bắt đầu bài tường thuật chép rằng: «Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt.» (c13) Điều này nói lên, ít nữa, Ngài muốn có một chút yên tĩnh; nhưng Ngài chấp nhận người ta đi theo, cho dân chúng đến gần, chấp nhận họ là người lân cận…điều này dẫn đến Chúa lỗi thận trọng và sự điên rồ, như đã nói từ đầu.

Các môn đệ muôn thuở của Ngài cũng được mời gọi, chính sự bất cẩn và điên rồ ấy: chỉ cần có lòng tin đủ mạnh để nhớ rằng sự chia sẻ làm nên phép lạ.

***

PHÚC ÂM LỄ CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG (Mt 3, 13-17)

 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu

 

13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình.

14 Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!"

15 Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người

16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.

17 Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."

Sách Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêucó thể chia ra làm ba hồi: cuộc rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, phương pháp của Chúa Giêsu - trong ấy Thánh sử Mátthêu nhấn mạnh tính cách lạ thường của Ngài, vì Thánh Gioan Tẩy giả bắt đầu từ chối - và cuộc Hiển Linh sau khi Chúa nhận Phép Rửa.

Phép Rửa Chúa Giêsu là lần xuất hiện đầu tiên cuộc đời công khai của Chúa, Ngài mặc khải trước mắt mọi người thật sự Ngài là ai. Đối với nhiều người, khi Chúa đến gần sông Gio-đan, Chúa chỉ là ông Giêsu thành Nadarét, và Thánh Mátthêu chỉ gọi là  «Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình.» (c15). Hình như Ông Gioan Tẩy giả biết ngay Ngài là ai mới có câu: «Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!» (c14) Thánh nhân đã nhìn ra Chúa Giêsu là Đấng ngài đã loan báo: «Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa» (Mt 3, 11)

Nhưng sau đây, không còn con người nói về Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa mặc khải về Ngài: «Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.

17 Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (c16-17) Thần khí Chúa đáp xuống và ngự trên Người. Thế nhưng, chúng ta biết Đấng Mêsia là Đấng được Thần Khí ngự hoàn toàn trên Ngài. Sách Tiên Tri I-sa-i-a nói: «Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi» (Is 61, 1)  câu này được hiểu như lời tiên báo về Đấng Mê-si-ia.

Chúa Giê-su được mặc khải cho chúng ta như Đấng Mê-si-ia, Đấng Kitô, Đấng Được Xức Dầu (Mê-si-ia là tiếng Do Thái, Ki-tô tiếng Hy lạp, Xức Dầu tiếng Pháp, tất cả đồng nghĩa với nhau)  Thánh Phê-rô nhắc lại cho chúng ta (trong Bài Đọc 2 Chúa nhật hôm nay): «Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng.38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người»  (Cv 10, 37-38a) 

Rốt cuộc, đây là Đấng Mê-si-ia bao người chờ mong! Thánh sử Mát-thêu nói: «các tầng trời mở ra» (c16) Đây là giải đáp điều Ít-ra-en hằng ước mong: «Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,… Ngài sẽ khiến cho thù địch Ngài nhận biết Thánh Danh» (Is 63, 19.64, 1)   

Tiếng nói từ trời loan báo một mặc khải khác rất quan trọn «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.» (c17) Qua cụm chữ «con yêu dấu» ghi khắc ghi tất cả lòng mong ước của Ít-ra-en. Tước hiệu «con Thiên Chúa» được ban cho các vua ngày tuyên bố lên ngôi, câu Tin Mừng theo Thánh Lu-ca: «Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con» (Lc 3, 22b) vọng lên như tiếng vang lời hứa của Tiên tri Na-than: «Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con» (2Sm 7, 14). Áp dụng tước hiệu này cho người con thợ sườn nhà thành Na-da-rét, tức là tấn phong mặc cho bề ngoài không tương xứng, Ngài là Đấng Vua-Mê-si-i-a mọi người mong đợi. Chúng ta đang thật sự chứng kiến một buổi lễ phong vương.

Thánh sử Mát-thêu còn thêm tĩnh từ «yêu dấu»: «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.», để nhắc lại lời Người Tôi Trung chúng ta được nghe trong Bài Đọc 1 Chúa nhật hôm nay: «Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó» (Is 42, 1). Thêm vào tước vị hậu duệ vương giả, Thánh sử Mát-thêu còn thêm vào Người Tôi Trung yêu dấu được Thiên Chúa chọn, để chu toàn sứ vụ cứu độ nhân loại.

Một lần nữa, chúng ta được đánh động bởi sự kiện Tân Ước nhấn mạnh đề tài này. Cũng phải công nhận Chúa Giê-su làm người đương thời hoàn toàn ngạc nhiên, không thể nào ngờ như thế. Họ phải tìm lại trong Cựu ước những điều soi sáng họ về mầu nhiệm này. Sau Phục sinh, họ xác tín rằng Ngài là Đấng Mê-si-a nhưng hoàn toàn khác với ý tưởng của họ chờ đợi trước về Đấng Mê-si-a! Dung nhan đức Mê-si-a được truyền từ Tiên tri I-sa-ia là những tài liệu quan trọng từng nuôi dưỡng lòng tin của họ. Chúng ta còn nhận ra những dấu chỉ trưc tiếp hay những lời ám chỉ trong Tân Ước.

Xin nói thêm về cụm chữ «Con yêu dấu». Có lẽ để nhắc lại I-xa-ác, người con một yêu dấu của Áp-ra-ham (Chương 22 sách Sáng Thế nhấn mạnh ba lần tình cảm thắm thiết ấy). Sự hy sinh tương lai của Chúa Giêsu chưa rõ ràng nhưng lòng gắn bó của Chúa Cha với Con đã sâu đậm, Hơn nữa, ngoài Vua-Mê-si-a và người Tôi trung, Chúa Giêsu còn là «Con Thiên Chúa». Đối với những người chứng kiến trên bờ sông Gio-đan, lời phán ấy chưa được hiểu nghĩa hoàn toàn, nhưng sau này đọc lại dưới ánh sáng Phục Sinh, cụm chữ này được hiểu như lời loan báo đặc biệt, độc nhất vô nhị giữa Chúa Giê-su và Cha Ngài. Thánh sử Mát-thêu cho chúng ta một biểu hiện tuyệt vời về Chúa Ba Ngôi, Chúa Giê-su được mặc khải là Chúa Con, Chúa Thánh Thần dưới hình thức chim bồ câu, và Chúa Cha vô hình biểu hiện qua lời nói của Ngài: «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người» (c17) 

Sự hiện diên của Chúa Thánh Thần trong nước của phép Rửa, nói rõ đây là một cuộc tạo dựng mới; và nước ở đây không phải bất cứ nước nào: mà là nước sông Gio-đan, Chúa Giêsu là một Giô-suê Mới đem dân Ngài vào Miền Đất Hứa Mới, nơi Chúa Thánh Thần ngự.

Thế là hoàn tất dự án Thiên Chúa: «chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.» (c15), Chúa Giêsu nói với ông Gioan Tẩy Giả. Một lần nữa, mầu nhiệm Đấng Kitô (Mê-si-a) được mặc khải: Sự ngạc nhiên của ông Gio-an Tẩy Giả nói lên Chúa đặc biệt chừng nào. Người ở giữa mọi người nhưng không như mọi người: Ngài là Đấng không có tội lại dẫn đầu đoàn người tội lỗi. «Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa» (Lc 13, 16) ông Gio-an Tẩy Giả đã loan báo như thế: bởi phép Rửa chúng ta được dìm vào lửa tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com