Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XIX Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (1V19, 9a.11-13)

 

Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa.

Trích sách các Vua quyển thứ nhất.

 

Khi ông Ê-li-a đến Hô-rép, núi Thiên Chúa

9 ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó

11 Người nói với ông: "Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua."Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC CHÚA, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong trận động đất.

12 Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu.

13 Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: "Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?

 

Bài tường thuật kể lại sự kiện ông Ê-li-a được hoán cải, vì lòng nhiệt thành suýt làm ông  lầm lạc hai lần. Hoàng hậu I-de-ven muốn giết ông, còn về phần mình, trầm trọng hơn, ông lầm tưởng về Thiên Chúa.

Tất cả bắt đầu khi hoàng hậu I-de-ven thờ lạy bụt thần. I-de-ven, người phụ nữ ngoại đạo, con gái vua thành Tia, được gả cho vua A-kháp, trị vì xứ Sa-ma-ri từ 875 đến 853. Đứa con dân tộc Ít-ra-en phải từ bỏ khỏi vương quốc của mình, mọi hình thức tôn thờ bụt thần, vì Giao Ước với Thiên Chúa  Cha là MỘT, phải loại trừ mọi hình thức thờ phượng khác: «Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.» (Xh20, 3). Nếu không, làm sao dân được Chúa chọn, có thể làm gương giữa các dân tộc khác? Thế mà hoàng hậu làm nhục ngôn sứ và các tín hữu, bằng cách đưa vào triều đình nhiều tư tế đạo Ba-an: 400 tư tế theo bụt thần thao diễn trong triều và tự cho rằng từ nay trong xứ Ba-an là chúa sự phì nhiêu của đất nước, của mưa gió và sấm sét. Còn vua A-kháp, quá nhu nhược để cho qua mọi sự! Gương xấu đến từ chóp bu. Trong lúc ấy, ngôn sứ Ê-li-a đứng lên bảo vệ danh dự của Chúa mình, trước mặt dị giáo càng ngày càng lớn mạnh.

Ngôn sứ chống đối kịch liệt đến nổi sách Huấn ca nói về ông rằng: «ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.» (Hc48, 1-11). Ông đứng lên như một nhà vô địch đạo Ya-vê. Tức khắc, tự xem mình như người đại diện Thiên Chúa Ít-ra-en quyền lực hơn chúa Ba-an nhiều. Ông tấn công trên lãnh vực của thần Ba-an và loan báo sẽ có hạn hán và nạn đói. Ai đây, có quyền ban mưa xuống hay không mưa? Sẽ xem thấy...Thật ngặt nghèo, quan hệ giữa hoàng hậu và vị ngôn sứ trở thành một cuộc thi đua quyền lực, Chúa dân Ít-ra-en và thần Ba-an của bà I-de-ven: «Chúa tôi mạnh hơn», là điệp khúc của hai bên.

Vị ngôn sứ thắng màn đầu trong cuộc tế lễ trên núi Các-men, Chúa Ít-ra-en đã nhúm cháy đống củi ngôn sứ cho dựng lên trước bốn trăm tư tế Ba-an, sững sờ, và sẵn đà, ông Ê-li-a cho giết tất cả các tư tế. Sau đó ông phải tránh sự trả thù của hoàng hậu, và trong lúc lẫn trốn ấy ông muốn được chết: «Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con» (1V19, 4). Có lẽ lúc ấy, ông ý thức như cha ông, cố tình đòi Chúa làm điều kỳ diệu. Nay chỉ còn được mặc khải mãnh lực Thiên Chúa là trong đức tính sự hiền hậu: «Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi...» (Is42, 2-3)  

Sau một lộ trình dài bốn mươi ngày, bốn mươi đêm, Chúa đợi ông trên núi Hô-rép. Có lẽ phải đi trên suốt đoạn đường dài ấy ông mới ý thức rằng mình đã chọn không đúng lãnh vực và cũng có thể đã nhầm Thiên chúa: Như đối phương, ông tưởng tượng một Thiên Chúa mãnh liệt. Nhưng dù sao Chúa cũng không bỏ, Ngài vẫn nâng đỡ và dần dần hoán cải cho đến lúc mặc khải ông qua một thị kiến, rất cảm động trên núi Hô-rép này. (1V19, 12). Để chuẩn bị lần cuối trước cuộc gặp gỡ, Chúa hỏi ông Ê-li-a, lúc ấy đang trú trong một cái hang: «Ê-li-a ngươi làm gì ở đây? "Ông thưa: "Lòng nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con.» (c9-10). Sau đó, diễn ra cuộc biểu lộ quyền năng, cảnh này làm nhớ đến cũng trong một sự kiện biểu lộ quyền năng của Chúa vài thế kỷ trước, cũng trên núi này (St 19). Nhưng không, Chúa không ở trong gió to bão lớn, cũng không trong lửa, không trong động đất, nhưng Ngài ở trong ngọn gió hiu hiu. Thì đây, người ngôn sứ được đổi mới nhờ thị kiến ấy, Chúa mới đặt lại câu hỏi với ông: «Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?», và một lần nữa người ngôn sứ trả lời: «Lòng nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA (toàn năng)», nhưng lần này ông sẵn sàng nhận lại sứ mạng phục vụ Chúa, không phải trong lửa, trong bạo lực, nhưng trong làn gió hiu hiu. Bây giờ ông biết sức mạnh của Thiên Chúa không ở trong những gì người ta tưởng.

Đây là vinh dự và lòng tự hào của dân được Chúa chọn, loan báo cho muôn dân sự mặc khải ấy, họ là những kẻ đầu tiên được lãnh nhận qua ông Ê-li-a .

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 84, 9-14)

 

Đáp : Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.

 

9 Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều CHÚA phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.

10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.

12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

13 Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.

14 Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.

 

Bài thánh vịnh 84 (85) được sáng tác sau khi dân Ít-ra-en bị đày từ Ba-by-lon, ngày về sau bao nhiêu năm chờ đợi, bao năm hằng mong ước. Lẽ ra phải là một sự canh tân tuyệt vời: trở về quê nhà, làm lại cuộc đời mới…Chúa xóa hết quá khứ…làm mới lại tất cả…Thực tế không mấy tốt đẹp như thế.

Trước hết, thường người ta lấy những quyết định tốt đẹp, ước mơ làm lại từ đầu (phải chăng tất cả chúng ta đều từng làm như thế?), rốt cục chúng ta đều luôn quay trở lại gần như ban đầu … Thật đáng thất vọng! Thoạt đầu, dĩ nhiên bằng lỗi với Lề Luật, bất trung với Giao Ước. Sau đó, cũng phải nói cuộc lưu đày Ba-by-lon kéo dài gần 50 năm (từ 587 đến 538 trước CN). Thế nhưng, lúc ấy người bị đày là những người nam, người nữ mạnh giỏi, đa số đã lớn tuổi, họ sống sót sau một hành trình gian khổ: vượt sa mạc, chia cách Ít-ra-en và Ba-by-lon. Điều này có nghĩa 50 năm sau, lúc hồi hương, nhiều người trong họ đã chết; những người quay về - hoặc là người còn trẻ lúc ra đi năm 587- dĩ nhiên trí nhớ của họ về quê hương rất mập mờ - hoặc là người từ thế hệ sanh ra trong thời bị lưu đày. Trên đường về phần lớn là thế hệ mới ấy. Điều này nói lên họ không phải là người sốt sắng lắm, cũng không có đức tin mạnh cho lắm, cũng không mấy ai được học giáo lý…Cha mẹ họ đã rất cố gắng  để truyền lại đức tin của tổ tiên. Họ ao ước trở về quê hương nơi cha mẹ hằng yêu mến.  Nóng lòng muốn xây lại Đền thờ và bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng trong nước, đa số không ai biết họ, không được tiếp đón như hằng mơ ước. Vì vậy việc xây lại đền thờ bị phản đối kịch liệt.

Trong bài thánh vịnh hôm nay, chúng ta cảm nhận nhiều tình cảm lẫn lộn. Việc hồi hương sau kiếp lưu đày là một điều hẳn đã có: «Lạy CHÚA, Ngài đã tỏ lòng thương thánh địa, tù nhân nhà Gia-cóp, Ngài dẫn đưa về. Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm, cũng phủ lấp đi. Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ». (c2- 4) Nhưng mọi việc vẫn chưa tốt đẹp, họ tự hỏi Chúa còn giận chăng: «Phải chăng Ngài giận mãi không thôi, đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ?» (c6) Vì thế họ van xin: «Lạy CHÚA, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,và ban ơn cứu độ cho chúng con.» (c8) Và họ xin ơn được hoán cải hoàn toàn: «Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con, xin dẫn chúng con về, đừng hận chúng con nữa.» (c5) 

Tất cả phần đầu của bài thánh vịnh xoáy quanh động từ trở về, trở về theo nghĩa sau lưu đày, thì hẳn rồi; còn trở về với nghĩa quay về Thiên Chúa, «hoán cải», điều này khó hơn! Biết rằng sức mạnh, lòng mong muốn hoán cải là ân sủng, món quà nhưng không từ Thiên Chúa. Sự hoán cải đòi hỏi một cam kết của tín hữu: «Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán» (c9) . Lắng nghe, hiểu theo Thánh Kinh, đó là thái độ người tín hữu quay về Thiên Chúa, sẵn sàng tuân theo các điều răn, bởi vì đó là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc do Thiên Chúa vạch ra: «điều CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người» (c9b), nhưng tác giả bài thánh vịnh rất thực tế, liền thêm: «mong rằng họ không trở về rồ dại như thế nữa» (LND: câu 9c này không được dịch trong Thánh Kinh VN thường dùng của chúng ta)     

Phần cuối bài thánh vịnh là một bài ca tuyệt vời ngợi khen lòng phó thác, có thể nói «bài ca lòng phó thác trở lại», xác tín rằng dự án Thiên Chúa, một dự án hòa bình cho muôn dân đang xúc tiến không có gì cản được; đi đến hoàn tất. «Vinh quang (tức là sự hiện diện rạng rỡ của Thiên Chúa) hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta(c10)… Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân (c14) Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.» (c11). Bài thánh vịnh dùng động từ  thì hiện tại, nhưng tác giả không lầm đâu, không mơ đâu! Bài hát chỉ làm như để sống trước những điều ấy! Làm như ngày ấy đang đến, sau bao nhiêu cuộc chiến và những đau khổ vô ích, những hận thù ngu xuẩn, cuối cùng mọi người trở nên anh em!

Đối với những Ki-tô hữu, Ngày ấy đây rồi, ngày ấy đã đến, ngày Chúa Giê-su Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đến lượt họ hát bài thánh vịnh này. Đối với họ, dưới ánh sáng Chúa Ki-tô, bài thánh vịnh tìm lại mọi ý nghĩa của nó. Bài ca nói lên: «Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,» (c10) và chính vì thế tên Chúa Giê-su là: «Chúa cứu độ» hay «Chúa giải thoát». Bài thánh vịnh nói: «Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp» (c12) và chính Chúa Giê-su đã nói «Ta là sự thật » (Ga). Xin đừng quên chữ «Mầm» là một trong các tên gọi Đấng Mê-si-a trong Cựu Ước. Thánh vịnh trong (c10) nói: «vinh quang của Người hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta »,trong Tin Mừng Thánh Gio-an nói: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga1, 14). Bài thánh vịnh nói «Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán» (c9) Thánh Gio-an gọi Chúa Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa. Bài thánh vịnh nói: «CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người» (c9); khi vừa gặp các môn đệ lúc phục sinh, câu đầu tiên Chúa nói với họ là: «Bình an cho anh em!». (Ga20, 19) Chắc chắn, tất cả Thánh Kinh nói cho chúng ta, hòa bình là một thành quả có vẻ không thể nào con người đạt được, thế nhưng hòa bình là tương lai chúng ta, với điều kiện đừng quên là một ân huệ Chúa ban.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 9, 1-5)

 

Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Ki-tô vì phần ích anh em của tôi.

Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma

 

1 Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:

2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.

3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.

4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;

5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.

 

Tám chương đầu trong thư gửi tín hữu Rô-ma, Thánh Phao-lô miêu tả từng bước, ân sủng tiến hành như thế nào, kế hoạch yêu thương Thiên Chúa diễn biến ra sao, từ A-đam và Áp-ra-ham, cho đến khi Chúa Ki-tô từ cõi chết sống lại và ban Chúa Thánh Thần: Tất cả chỉ vì một mục đích, ơn cứu độ vĩnh viễn chắc chắn sẽ được hoàn tất và mọi tạo vật được hưởng vinh quang Thiên Chúa.

Trước những điều ấy, Thánh Phao-lô nói lên lòng ngạc nhiên, thán phục của mình, nhưng có một điều hệ trọng làm ngài trăn trở, đau đớn: Từ nay, tương lai dân tộc Do Thái đi về đâu? Chúng ta đã từng biết chuyện gì đã xảy ra cho Sao-lô, người theo Do Thái giáo cực kỳ sốt sắng ấy, trên đường Đa-mát đã chứng kiến mọi niềm tin của mình sụp đổ…Ngày ấy anh hiểu ra, tin vào Chúa Ki-tô không phải chối từ đức tin Do Thái. Trái lại, Đức Ki-tô, qua Ngài, bằng sự sống của Ngài, sự chết và phục sinh của Ngài, mọi lời hứa của Thánh Kinh, sẽ hoàn tất. Đó là điều chính yếu bài giảng của Thánh nhân trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: «Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững…Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh,4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.5 Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai…Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.» (1Cr15, 1-9) Và ngài còn nói trong phiên tòa, sau khi bị nhà cầm quyền Do thái Giê-ru-sa-lem bắt vì những hoạt động tông đồ của ngài: « Được Thiên Chúa phù hộ, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tiếp tục làm chứng trước mặt kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn; tôi không nói gì khác ngoài những điều các ngôn sứ và ông Mô-sê đã báo trước sẽ xảy ra» (Cv26, 22)

Nhưng người anh em Do Thái, đa số không những không theo ngài, nhiều người trong họ còn là những kẻ bách hại thâm độc nhất. Vào thời điểm Thánh Phao-lô viết thư cho tín hữu Rô-ma, chưa có sự tách biệt chính thức giữa Do Thái và Ki-tô giáo, lúc này họ chưa bị đuổi ra khỏi nguyện đường và bị kết án là bội giáo trong các nhóm cầu nguyện Do Thái, nhưng Thánh Phao-lô cũng rất đau khổ trong các cuộc gặp gỡ các cộng đồng Do Thái, trong ấy ngài  cố gắng loan báo Tin Mừng. Lúc bấy giờ ngài tự đặt câu hỏi: Những người đồng đạo của mình phải bị từ bỏ vĩnh viễn sao? Thế còn các lời hứa và những sáng kiến Thiên Chúa dành cho dân Ngài chọn là sao?

Thánh Phao-lô trước tiên nêu lên sự kiện Chúa chọn dân này: «anh (em) là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em).» (Đnl14, 2). Ngài còn thêm trong (Đnl7, 6-8): «Thật vậy, anh (em) là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em). ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) đã chọn anh (em) từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập» Quả thật, sau đây là một lời đầy tình thương phụ tử đối với dân tộc Ít-ra-en, tiên tri Hô-sê nói: «Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về…Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó…Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.» (Hs11, 1…5)

Làm sao Chúa có thể quên những điều ấy? Làm sao giải thích Chúa không phản ứng thấy dân mình đi lạc hướng? Thế nhưng, ngoài việc được nhận làm con tuyệt vời ấy, Thánh Phao-lô còn nói họ được hưởng: «vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa» (c4), và Thánh Gio-an còn nói trong Tin Mừng: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga1, 14). Thánh vịnh hôm nay nói: « CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người»  (Tv84, 9). Buổi gặp gỡ đầu tiên lúc phục sinh của các môn đệ, Chúa nói: «Bình an cho anh em» (Ga20, 19). Hẳn tất cả Thánh Kinh đều nói, bình an là một sự chinh phục gần như không thể được cho nhân loại, thế nhưng là tương lai của chúng ta, với điều kiện đừng quên đó là ơn nhưng không từ Thiên Chúa.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 14, 22-33)

 

Alleluia, alleluia !- Ngôi Lời đã làm người và đã ở gữa chúng ta. 
Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia .

------------------

Xin Chúa cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

 22 Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.

23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.

24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.

25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.

26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy! ", và sợ hãi la lên.

27 Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! "

28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài."

29 Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.

30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! "

31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? "

32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.

33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! "

 

Bốn thánh sử đều viết bài tường thuật hóa bánh ra nhiều. Thánh Gio-an nói để kết luận bài Tin Mừng: «Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.» (Ga6, 15) Thánh Mát-thêu nói rõ rằng Chúa Giê-su: « liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.» (c22). Chúa Giê-su biết rằng Vương quốc của Ngài «không thuộc về thế gian này» (Ga18, 36), vì thế Ngài không để mình bị lôi cuốn theo họ. Nhưng Ngài cũng thừa biết các môn đệ cũng chưa hiểu Mình. Ngay cả sau Phục Sinh, họ cũng còn hy vọng Đấng Mê-si-a sẽ khởi đầu một triều đại mới, bảo đảm cho một sự vinh thắng về mặt chính trị cho dân tộc Ít-ra-en. Ngày Chúa Thăng Thiên, sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng: «Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?» (Cv1, 6) Vì lẽ ấy, không lạ gì Chúa Giê-su - để tránh cho các môn đệ bị cuốn theo lòng hồ hởi của dân chúng - bắt họ nhanh chóng lìa khỏi nơi ấy trước khi đám đông giải tán.

Thế nhưng Ngài không bỏ rơi họ. Ngài bắt đầu lánh vào cảnh tịch mịch trên núi, Thánh sử chép: «Người lên núi một mình» (c23). Chúng ta cũng biết những giây phút ấy mãnh liệt chừng nào, mỗi lần Chúa Giê-su rút đi lánh mặt: Ngài múc lấy từ cõi lòng Chúa Cha, ánh sáng và sức mạnh, để tiếp tục sứ mạng của mình. Có nhiều lần cầu nguyện với Chúa trên núi trước những lúc Ngài cần quyết định. Ví dụ: Như lúc thực hiện sứ vụ khắp xứ Ga-li-lê (Mc1, 35) hay hôm trước khi chọn các Tông đồ (Lc6, 12).

Thật vậy, đêm hôm ấy Chúa Giê-su buộc các Tông đồ bước thêm một quyết định, cho lòng tin của Phê-rô và các môn đệ, Ngài gọi họ bước «qua bờ bên kia» (c22), nơi ấy con đường của Thiên Chúa không phải con đường của chúng ta, tư tưởng của Thiên Chúa không phải tư tưởng của chúng ta. Bờ bên kia, nơi ấy các môn đệ có thể nói: «Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!» (c33) Thánh sử Mát-thêu dựng lên phim trường đêm ấy: Cơn bão nổi lên mặt hồ, ghe thuyền đi lại khó khăn và nguy hiểm, đêm đã thâu mà thuyền chưa cập bên kia bờ.

«Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.» (c25) Cả ba Thánh sử, Mát-thêu, Mác-cô và Gio-an - cẩn thận ghi rõ sự kiện xảy ra: «Vào khoảng canh tư » tức là lúc hừng sáng. Đối với họ, từ nay mọi buổi hừng đông là buổi ban mai tốt nhất, Phục Sinh là buổi ban mai của sự sống thật. Sau khi chiến đấu cho cuộc sống trong bão táp và bóng tối, Chúa Giê-su trở về với các Tông đồ…và Ngài làm như thế bằng cách: «đi trên mặt biển mà đến» (c25). Đối với người am hiểu Thánh Kinh, biển - và nhất là khi biển động - biểu hiện cho sự chết. Dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục sinh, các Thánh sử nhận ra nơi sự kiện này, một tiên tri Mô-sê vừa giải thoát dân khỏi sóng gió Biển Đỏ, hay tiên tri Giô-su-ê đưa dân vào Đất hứa, vượt qua sông Gio-đan, cả hai đều qua «bờ bên kia», bên bờ của tự do và phì nhiêu. Một lần nữa, đây là những điều kỳ diệu Thiên Chúa «không ướt chân» đã dựng lên một hành lang lạ lùng giữa hai bức tường nước. Còn Chúa Giê-su, Ngài đi trên mặt biển, có nghĩa là quyền lực của sự chết, nằm trong sóng nước, không thể nào cản được Ngài. Ngài chế ngự chúng.

Thế nhưng lúc bấy giờ, cảm xúc chế ngự tất cả người trên thuyền là sự sợ hãi: «Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy", và sợ hãi la lên.» (c26). Những lời ấy ít ra có tác dụng trấn an Phê-rô. Ông hết lòng tin tưởng nơi Thầy mình nên không ngần ngại nói với Ngài: «Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài» (c28). Chúng ta biết đoạn sau xảy ra như thế nào: Phê-rô bước ra khỏi thuyền, đi vài bước, nhưng vì hoảng sợ, bắt đầu chìm xuống nước và gọi Chúa Giê-su cứu mình. Ngay lúc ấy, Chúa đưa tay đỡ lấy người môn đệ, miệng thốt ra như một lời, rõ ràng là một lời mắng yêu: «Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? » (c31)

Những cộng đồng Ki-tô tiên khởi từng bị những làn sóng bách hại. Qua trải nghiệm, biết thế nào là khó khăn để đi đến cùng đức tin. Thật không thừa, để nuôi dưỡng lòng tin của họ bằng những bài tường thuật như thế này.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com