Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XX Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Is 56, 1.6-7)

 

"Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh"

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a.

 

1 ĐỨC CHÚA phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực,
thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới,
và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.

6 Người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA
để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh,
cùng trở nên tôi tớ của Người,
hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm,
cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta,

7 đều được Ta dẫn lên núi thánh
và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.
Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận
những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng,
vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.

 

Bài này khởi đầu quyển sách được gọi là Sách Thứ Ba I-sa-i-a, sách được viết trong thập niên đầu sau khi từ Ba-by-lon về, có lẽ là cuối thế kỷ thứ VI hoặc đầu thế kỷ thứ V. Chúng ta thường thấy cuộc hội nhập về xứ không hề đơn giản. Sau năm mươi năm, không thể tìm lại những gì lúc bỏ lại trước khi ra đi, và làm sao chung sống với những người đã chiếm chỗ lúc ta vắng mặt? Trong lúc ngược lại, những người địa phương lo ngại đối với những người đi đày trở về; họ nói với nhau: «Hẳn ĐỨC CHÚA đã tách tôi ra khỏi dân Người.» (c3b), những người bị “hoạn” cũng thế, họ đặt câu hỏi: «Chính tôi đây là một cây khô…» (c3c) (ngụ ý nói, họ sẽ loại chúng tôi ra). Tất cả những lo sợ ấy có lý của nó, vì lâu nay luận thuyết Thiên Chúa lựa chọn dân tộc It-ra-en, đánh dấu rõ ràng sự khác biệt dân được chọn và các dân tộc khác. Những người quá tỉ mỉ còn có khuynh hướng theo hoặc Tinh hoa Chủ Nghĩa hoặc khai trừ, với chủ đích giữ trọn tín trung.

Rất có thể, cả hai bên đều đến gặp người ngôn sứ và ngài đưa ra một quy tắc thực tiễn từ Thiên Chúa. Điều này không mấy hợp sở thích mọi người, vì thế ngài chu đáo rào trước bài giảng với công thức ghi chú: «ĐỨC CHÚA phán như sau» và ngài lặp lại ba lần khi trình bày quyết định, mà chúng ta trích một đoạn trong bài đọc hôm nay. Thật vậy, quyết định của ngài là tán dương sự cởi mở: «Người ngoại bang gắn bó cùng ĐỨC CHÚA chớ nói rằng: "Hẳn ĐỨC CHÚA đã tách tôi ra khỏi dân Người." Người bị hoạn chớ nói: "Chính tôi đây là một cây khô." Quả vậy, ĐỨC CHÚA phán như sau: Nếu những người bị hoạn mà vẫn giữ các ngày sa-bát Ta truyền, và lựa chọn điều Ta ưa thích, cùng tuân thủ giao ước của Ta,  thì trong nhà và trong tường luỹ của Ta, Ta sẽ cho chúng được lưu danh và có đài kỷ niệm; như thế còn quý hơn con trai con gái.» (c3-5)  

Nhân đây tôi cũng xin lưu ý, ngôn sứ cũng rõ ràng đưa ra những điều kiện cho sự cởi mở: Giữ ngày Sa-bát, thực hành Giao Ước, làm những gì vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng việc cởi mở là việc đã được thực hiện, đánh dấu một giai đoạn rất quan trọng trong sự mặc khải tính hoàn vũ trong dự án Thiên Chúa.

Đối với dân ngoại, cũng được cởi mở với những điều kiện như nhau : «Người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.» (c6-7)  

Nhấn mạnh đến việc giữ ngày Sa-bát «mà không tục hóa», sự kiện này biểu lộ nhiều điều: Trong thời gian bị lưu đày, tuân giữ ngày Sa-bát là một yếu tố quan trọng để gìn giữ đời sống cộng đồng và tính thống nhất dân tộc Do Thái. Không nên có sự mở rộng quá độ, đánh mất tính đồng nhất ấy. Tất cả các tôn giáo đều phải chạm trán với khó khăn trong việc kết hợp hài hòa sự mở rộng ra và tuân giữ truyền thống, khoan dung và trung tín.

Vị ngôn sứ không ngừng ở đấy. Ngoài quy tắc thực tiễn, ngài triển khai một lời tiên tri về kế hoạch Thiên Chúa, hay nói đúng hơn, ngài đặt quy tắc thực tiễn cuộc sống trong viễn ảnh của kế họach Thiên Chúa: «ĐỨC CHÚA phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.» (c1) Việc loan báo ơn cứu độ gần đến, được nêu lên khắp những chương trước (Sách I-sa-i-a thứ hai), kể cả điều kiện để lãnh nhận ơn cứu độ Thiên Chúa: «tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh» Lúc ấy các dân ngoại đã được nêu lên, I-sa-i-a gọi là «chư dân» (60, 3), nhưng hình như lúc này họ chỉ là chứng nhân của kế hoạch Chúa chọn dân riêng của Ngài: «Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán.» (Is40, 5); và «Đức công chính của Ta đã gần kề, ơn cứu độ của Ta sắp xuất hiện, cánh tay Ta sẽ lãnh đạo muôn dân muôn nước, muôn đảo đặt hy vọng nơi Ta và mong chờ Ta ra tay hành động. Hãy ngước mắt lên trời, rồi cúi nhìn xuống đất: Này, trời sẽ tan ra như làn khói, đất sẽ rách tươm như manh áo cũ, và dân cư trên đó sẽ chết như ruồi; nhưng ơn cứu độ của Ta sẽ trường tồn vạn kỷ và đức công chính của Ta sẽ không suy suyển bao giờ. Hãy nghe Ta, hỡi những ai biết sống đời công chính, hỡi dân hằng tâm niệm luật pháp của Ta, đừng sợ chi miệng đời nhạo báng, chớ vì lời sỉ nhục của ai mà khiếp đảm. Vì chúng sẽ như chiếc áo bị mối ăn, như tấm vải len bị rận cắn; còn đức công chính của Ta sẽ trường tồn mãi mãi và ơn cứu độ của Ta sẽ vạn đại thiên thu.» (51,5-8)

Với bài đọc hôm nay, hình như có một bước tiến được vượt qua: Hễ ai tuân giữ điều chính trực, và thực hành điều công minh (c1) là được vào Nhà của Thiên Chúa: «Phúc thay người làm như thế, phúc thay phàm nhân nắm giữ điều này, người giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, chẳng hề đưa tay làm điều gian ác.» (c2)  Và Ngôn sứ kết luận: «nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.» (c7)

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 66, 2.3.5.6 và 8)

 

Đáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài.

 

Trước khi đọc bài Thánh vịnh Chúa nhật hôm nay, hãy tưởng tượng đến bối cảnh lúc đó. Chúng ta đang tham dự đại lễ trong Đền Giê-ru-sa-lem. Trong phần cuối nghi thức, các tư tế ban phúc lành cho cộng đoàn, và dân chúng đáp: «Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.» (c6). Bài Thánh vịnh này được trình bày theo hai bè đối đáp nhau (các câu của các tư tế và câu đáp của cộng đoàn), giống như điệp khúc. Các câu của tư tế, lúc hướng về Thiên Chúa, lúc sang cộng đoàn. Điều này làm chúng ta bối rối một chút, nhưng rất thường gặp trong Thánh Kinh. Phụng vụ Chúa nhật hôm nay chỉ đề nghị chúng ta một phần bài Thánh vịnh, điều này làm chúng ta khó hiểu, nhưng vì bài ngắn tôi đề nghị chúng ta đọc trọn bài.

2 Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,

3 cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.

4 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!

5 Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.

6 Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.

7 Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái:
Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc.

8 Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta!
Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!

 

Câu chúc lành của các tư tế chép nguyên văn một đoạn rất nổi tiếng trong Sách Dân Số: «Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em) Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!» (Ds6, 24-26)  

Hẳn các bạn đã nhận ra bài này: đó là bài đọc 1 vào ngày đầu năm, mùng một tháng giêng. Đối với ngày đầu năm, ngày chúc nhau, bài này thật lý tưởng! Không có lời chúc hạnh phúc nào tốt đẹp hơn.

Nhưng rốt cục, lời chúc là như thế: những lời chúc hạnh phúc (đó là một công thức được chọn cho bài đọc ngày một tháng giêng, điều này làm cho chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của chữ «chúc phúc»). Như các lời chúc hạnh phúc, thật vậy, các lời chúc thường dùng các động từ được chia theo thì «ước gì» như: «Chúa chúc lành cho bạn, Chúa gìn giữ bạn …». Nói tới đây, tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ: tôi có quen một phụ nữ, bệnh phải nằm bệnh viện. Ngày Chúa nhật, một  Linh mục đến cho cô rước Lễ, xong nghi thức, sau đó cha nói, «nguyện xin Chúa chúc lành cho cô», và không kịp suy nghĩ cũng không kịp kềm lại (nhưng ở bệnh viện thì tha thứ được) bà cười và trả lời: «nhưng cha nghĩ xem Ngài có thể làm gì khác được!» Đẹp thay, sự bộc phát của lời đáp này: người phụ nữ trẻ vừa khám phá một điều vĩ đại. Thật vậy: Chúa chỉ ban phúc lành cho chúng ta, yêu chúng ta và tràn ơn cho chúng ta mỗi giây phút. Và khi linh mục nói (dù trong đền Giê-ru-sa-lem, trong bệnh viện hay trong nhà thờ) «Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh em», điều này không có ý nói Chúa có thể không chúc lành cho anh em! Lời ước đó, có thể nói hướng về chúng ta: có nghĩa điều mong ước là lãnh nhận lời chúc phúc của Chúa, lúc nào Ngài cũng ban cho.

Khi linh mục nói: «Chúa ở cùng anh chị em», cũng như thế: Chúa luôn ở trong chúng ta…nhưng cách nói ấy, khẳng định sự tự do. Chính chúng ta không luôn ở cùng Ngài, cũng có thể nghĩ như thế trong câu: «Nguyện Chúa tha thứ cho bạn»: Chúa không ngừng tha thứ. Phần chúng ta lãnh nhận sự tha thứ ấy và đi vào mối tương quan hoà giải như Ngài đề nghị, biết rằng lòng ao ước hạnh phúc từ Thiên Chúa là thường trực. Hẳn các bạn biết câu sau đây của tiên tri Giê-rê-mi-a: «Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng» (Gr29,11). Chúng ta biết rằng Chúa là tình yêu. Tôi có thể nói, tất cả tư tưởng của Ngài là những lời ước hạnh phúc cho chúng ta.

Còn một hướng suy nghĩ thế nào là lời chúc phúc theo Thánh Kinh? Xin trở lại bài trong sách Dân Số vừa nói, bài ấy rất giống bài thánh vịnh hôm nay: «Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)... » Câu đầu cũng bài ấy chép: «ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê:23 "Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: » (Ds6, 22), và câu cuối chép rằng: «Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng» (Ds6, 27). Khi các tư tế chúc phúc cho It-ra-en từ Thiên Chúa, Thánh Kinh nói: «Họ tuyên xưng danh Chúa trên It-ra-en» và để trung thành hơn nữa với cách nói Kinh Thánh: «đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Chúa» Công thức: «Đặt Thánh Danh Thiên Chúa trên It-ra-en», đối với chúng ta là một định nghĩa của từ chúc phúc. Biết rằng trong Thánh Kinh tên là nhân vật, như thế: «Đặt dưới Thánh Danh Thiên Chúa», có nghĩa là đặt dưới sự hiện diện của Ngài, dưới sự chở che của Ngài, đi vào sự hiện diện của Ngài, ánh sáng của Ngài, tình yêu của Ngài. Một lần nữa xin nói lại, tất cả những điều ấy được ban cho từng giây phút, thế nhưng vẫn còn tuỳ chúng ta có chấp thuận hay không. Vì thế tất cả những công thức chúc cho tín hữu đều có dành cho lời đáp. Khi chủ tế chúc lành cuối Thánh Lễ chẳng hạn, khi đáp «Amen», đó là cách phát biểu lời chấp thuận và sự đồng ý của chúng ta.

Trong bài thánh vịnh hôm nay, lời đáp các tín hữu đó là câu điệp khúc: «Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. !» (c6) Đây là một bài học về tính hoàn vũ! Ngay sau khi nhận được lời chúc ấy cho mình, dân được Chúa chọn, có thể truyền lại cho muôn dân, ơn họ nhận lấy cho mình. Câu sau cùng là tổng hơp hai phương diện ấy: «Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! (ngụ ý nói cho ta chính là dân Chúa chọn) Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!» (c8). Có nghĩa là dân Ít-ra-en không bao giờ quên ơn kêu gọi của mình, sứ vụ phục vụ toàn cõi nhân loại. Họ biết rằng, sự trung tín với lời chúc phúc được nhận nhưng không từ Thiên Chúa, hệ tại sự mặc khải tình yêu và lời chúc phúc Thiên Chúa cho tất cả nhân loại.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 11, 13-15.29-32)

 

"Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Ít-ra-en, thì Người không hề hối tiếc"

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

 

13 Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi,

14 mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó.

15 Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?

29 Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.

30 Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục;

31 họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.

32 Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người. Ca tụng thánh ý nhiệm mầu

 

Sở dĩ Thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng cho người ngoại, thật sự phần đông người Do Thái từ chối Tin Mừng. Sách Công Vụ Tông đồ thuật lại những lời hai Thánh Phao-lô và Ba-na-bê nói với những người Do Thái ở An-ti-ô-khi-a, xứ Pi-xi-đi-a «Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại» (Cv13, 46). Ngài cũng nói như thế trong bài giảng tại thành Cô-rin-tô: «Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô. Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: "Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.» (Cv18, 5-6) Có những bài tường thuật các hiện tượng tương tự tại Ê-phê-sô (Cv19, 9). Vì thế không lạ gì, Thánh Phao-lô viết cho dân ngoại trong bài hôm nay: «trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục» (c3b).

Nhưng Thánh Phao-lô muốn tránh cho những Ki-tô hữu vừa được hoán cải từ ngẫu tượng giáo, bây giờ rơi vào một mặc cảm tự tôn nguy hiểm. Ngài nhắc lại cho các đọc giả, họ mang ơn hoán cải chính nhờ Ít-ra-en, nhờ sự từ chối Tin Mừng của người Do Thái. Hơn nữa, một trong những lý do của người Do Thái chính là sự kiện những người rao giảng Tin Mừng tiếp nhận người ngoại. Về chuyện này, có một cuộc nổi dậy bùng nổ tại An-ti-ô-khi-a  xứ Pi-xi-đi-a khiến cho hai thánh nhân Phao-lô và Ba-na-ba phải ra quyết định như đã nêu trên: «Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông.» (Cv13, 44-45) Thánh Phao-lô e rằng đến phiên những người ngoại rơi vào cám dỗ, tưởng rằng họ là những người duy nhất được tuyển chọn hơn những kẻ khác. Thánh nhân nói với họ - và nói cho cả chúng ta - để lãnh nhận ơn cứu độ như một hồng ân nhưng không, phải bắt đầu nhìn nhận là chúng ta không có một quyền hạn nào để được như thế.

Ơn Thiên Chúa là ơn nhưng không ban cho mọi người, người ngoại cũng như Do Thái và: «Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.» (c29). Vì lẽ ấy, Thánh Phao-lô không mất lòng tin nơi Ít-ra-en, trái lại: Trước kia xa Thiên Chúa, dân ngoại đã nhận được lòng từ bi của Chúa, và cùng lúc dân Do Thái giam mình trong sự từ chối. Nhưng trước sau gì đến phiên người Do Thái cũng sẽ ngạc nhiên khám phá ra lòng từ bi Thiên Chúa. Và Thánh Phao-lô có lời khẳng định sau đây thật táo bạo: «Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.» (c32) Xin đừng hiểu nhầm nghĩa chữ «giam hãm», nghĩ như thế, khiến chúng ta thấy dường như Chúa có một cách tính toán thâm hiểm, làm như Chúa dẫn mọi người đến tội lỗi để rồi có thể tha thứ cho họ. Diễn giải như thế là  trái ngược hoàn toàn với bài học của Thánh Phao-lô xuyên suốt thư này của ngài: Chúa ban ơn  tình yêu thế nào, thì trong tình yêu, Ngài tôn trọng tự do như thế ấy; và đến khi chúng ta đi đến mức vì tự do từ chối ân sủng, Ngài không cố ép.

Cũng trong nghĩa ấy, Thánh Phao-lô thường dùng cụm từ «để mặc» con người với những điều sai trái, đi vào những con đường sai lầm của họ: Trong chương thứ nhất của thư này, khi đề cập đến những người ngoại, chữ «để mặc họ» được lặp lại ba lần, nói lên tình trạng tội lỗi «Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế» (1, 24); «Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại» (1, 26); «Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng» (1, 28). Nói cách khác, trước sự ngoan cố con người ngoảnh mặt với Thiên Chúa, Ngài để cho đi lạc. Đối với dân tộc Ít-ra-en - trước mắt Thánh Phao-lô, họ đánh mất sứ mạng của mình - Chúa cũng để như thế. Thế nhưng, khi Chúa để con người tự do lầm lạc, điều này không có nghĩa, Ngài bỏ rơi cho thân phận đáng buồn của họ. Cả người này, và cho kẻ khác Ngài đều ban ơn cứu độ, đó là điều Thánh Phao-lô gọi «công chính hoá»

***

 

PHÚC ÂM (Mt 15, 21-28)

 

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: «Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy 
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy.» - alleluia!
------------------

«Này bà, bà có lòng mạnh tin»

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn,

22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! "

23 Nhưng Người không đáp lại một lời.

24 Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi."

25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! "

26 Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con."

27 Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống."

28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

 

«Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho» (Mt7, 7-8) Các Lời này trong bài giảng trên núi của Chúa có nhiều tiếng vang trong Thánh Kinh. Chúa Giê-su lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau:

- «Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.» (Mt21, 22);

- «tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.» (Mc11, 24);

« Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được? 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó» (Lc11, 5-8)     

Thật thú vị, Thánh sử Mát-thêu nêu gương hai người xin ơn áp dụng hoàn toàn bài học Chúa dạy, và cả hai đều là người ngoại: người đại đội trưởng thành Ca-phác-na-um (Mt8, 5-13) cùng người phụ nữ Ca-na-an vùng Tia và Si-đôn của chúng ta. Cả hai đến cùng Chúa Giê-su van xin Ngài can thiệp cho người mình yêu mến: người đại đội trưởng xin ơn cho người lính mình quý mến, người phụ nữ Ca-na-an cho đứa con gái bị quỷ ám. Cả hai đều nói, việc họ xin là khẩn cấp. nhưng Chúa Giê-su không vội vã đáp lời. Với người đại đội trưởng, Ngài chỉ nói:«Chính tôi sẽ đến chữa nó» (Mt8, 7) không nói rõ khi nào Ngài làm; còn đối với người phụ nữ Ca-na-an, Ngài không trả lời lần xin thứ nhất và cũng không đáp lời các môn đệ cầu xin, để khỏi bị người phụ nữ nài nỉ làm phiền họ. Ngài còn nói việc này không liên quan gì với Ngài: «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.» (c24)

Cả người đại đội trưởng lẫn người phụ nữ Ca-na-an không ai nản lòng trước bề ngoài lạnh lùng của Chúa. Trái lại, họ càng mạnh dạn hơn: người đại đội trưởng nói lên lòng tin vào mãnh lực ơn cứu độ Chúa Giê-su: «Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! ", là nó đi, bảo người kia: "Đến! ", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! ", là nó làm…» (Mt8, 8-9). Người phụ nữ còn bạo hơn nữa, chạy nhanh đến nằm rạp dưới chân Chúa Giê-su, không sợ bị hắt hủi. Nhưng chính nhờ lòng khiêm nhu và cách biểu hiện đức tin của bà, gợi lên lòng cảm phục của Chúa Giê-su và khiến Ngài nhậm lời bà; Chúa Giê-su phán: «Này bà, lòng tin của bà mạnh thật., cũng như khi Chúa nói về người đại đội trưởng:«Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.» (c28)  

Hai lần trả lời của Chúa cho người phụ nữ Ca-na-an thể hiện rõ ràng It-ra-en là dân tộc được Thiên Chúa chọn: «Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi; Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con» (c24.26). Nhưng Chúa cũng cho thấy trước, ơn cứu độ sẽ vượt biên giới It-ra-en: «Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.» (Mt8, 11)

Thế nhưng, trên thực tế, việc nuôi dưỡng ý chí bền đỗ của hai người xin ơn; trước tiên là lòng thương mến nguời thân của họ mắc bệnh: Có lẽ, chúng ta sẽ có ý chí bền đỗ để cầu xin và nhận được ơn cứu độ cho thế gian…khi chúng ta đủ yêu mến họ.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com