Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XXIV Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Hc 27, 30. 28, 1-7)

 

 "Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha."

Trích sách Huấn Ca.

 

30 Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.

1 Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.

2 Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.

3 Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,
thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!

4 Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình!

5 Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,
thì ai sẽ xin tha tội cho nó?

6 Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn.

7 Hãy nhớ đến các điều răn
mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi.

 

Có một bản dịch câu chót còn đanh thép hơn nữa: « Hãy nhớ đến Giao Ước của Đấng Tối Cao và bỏ qua xúc phạm đi». Câu này phải nên viết bằng chữ vàng trong mọi nhà, mọi thành phố chúng ta…lúc ấy có thể bộ mặt thế gian sẽ thay đổi ! Nếu xem kỹ câu trước đó cũng nói lên cùng một ý nghĩa. « Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác,» (c7). Và thật vậy, các điều răn đòi hỏi không oán hờn kẻ khác. Ví dụ như sách Lê-vi ghi rõ từng chữ : «Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình » (Lv19, 18) 

Vậy thì, thực ra sách Huấn ca không nói lên gì mới lạ, nhưng rất cần phải lặp lại. Điều thú vị trong bài hôm nay  một phần là cách luận chứng của nó, đàng khác là quan niệm về tha thứ.  

Chúng ta bắt đầu suy nghĩ về khái niệm tha thứ trong bài Huấn Ca hôm nay : điều này nằm trong công thức : « bỏ qua xúc phạm đi ». Đây là một định nghĩa rất tốt đẹp và thực tế về tha thứ : ta không thể xóa đi một xúc phạm…như lấy tấm bọt biển xóa trên bản, nhưng ta có thể bước qua như trong sách Huấn ca. Sau một vết thương thể lý, còn có cái xẹo, da không thể nào lành lặn như trước và không có bọt biển nào xóa đi vết thương  được ; còn vết thương tâm lý cũng như thế : không có gì có thể làm như không có gì, và, trong những trường hợp trầm trọng, có thể còn  để lại dấu vết suốt đời…

Trong đời sống gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, trong giáo xứ, những ví dụ không thiếu chi. Không thể nào xóa đi được một lời nói xấu, một cử chỉ khinh thị, một trò «  chơi xấu » như người ta thường nói, bất trung trầm trọng, cử chỉ bạo lực, …những lời nói hay hành động của chúng ta có thể gây tai hại với những hậu quả thâm độc ; một khi người lầm lỗi, có thể mơ mọi sự trở lại như trước, trở lại như mức khởi đầu…nhưng điều ấy không bao giờ có.

Tha thứ không phải làm như trước đó không có gì, dù sao cũng không thể được, nhưng « bước qua » như sách Huấn ca nói ; cố gắng sống lại, nối lại quan hệ bị cắt đi bởi sự xúc phạm ; đề nghị tình bạn, lòng tin cậy của mình ; chấp nhận có thể còn một tương lai. Chữ tha thứ, gốc Pháp ngữ của nó là như thế; tha thứ được viết bằng hai vế «  par-don » có nghĩa là món quà, vượt trên xúc phạm.

Bây giờ chúng ta suy nghĩ về cách luận chứng trong sách Huấn ca về tha thứ. Điều này có thể tóm tắc trong vài chữ ngắn gọn, đại loại như : « bạn  nữa, bạn  cũng là phường tội lỗi» … Bạn  là người tội lỗi bạn cũng cần được thứ tha… Bạn  cũng cần đến lòng thương xót ; hãy làm như Chúa, hãy có lòng thương xót. Dĩ nhiên chúng ta nghĩ đến câu chuyện cọng rơm và cái xà trong mắt ! Sách Huấn ca nhấn mạnh đến cái xà trong mắt chúng ta, và sự cần thiết được tha thứ . Bài này nói đến tội lỗi, sai trái, tội lỗi, chữa lành : «3 Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! 4 Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! 5 Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? »   (c3.4.5)

Có điều luận chứng của Sách Huấn Ca làm chúng ta ngạc nhiên đôi chút khi có vẻ đặt điều kiện  cho lòng thương xót của Chúa : «1 Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. 2 Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.»  (c1-2) Có phải chăng bạn tha thứ cho người anh em bạn Chúa mới tha thứ cho bạn ?   

Xin nhớ lại bài này được viết vào thế kỷ thứ II trước CN, tức là rất trễ theo lịch sử Thánh Kinh. Có nhiều trải nghiệm về lòng tha thứ của Chúa, tha thứ vô điều kiện. Và sách Tiên tri I-sa-i-a tuyên bố sự báo thù duy nhất của Thiên Chúa là tiêu diệt mọi sự dữ, khôi phục phẩm giá và sự toàn vẹn cho mỗi người. Bài này không giới thiệu trong một Thiên Chúa tính toán : cái lô-gíc của Thiên Chúa không phải Lô-gíc của chúng ta ! Với Thiên Chúa chúng ta ở trong lô-gíc của ban cho nhưng không ; chúng ta thì ở trong lô-gic «  có qua có lại », tất cả những gì chúng ta biết qua sách Huấn ca. Sách này nói rõ rằng Chúa từ bi nhân hậu và là tha thứ ; không nói lên Chúa đặt điều kiện cho sự tha thứ của Ngài, và Ngài có thể từ chối chúng ta nếu không theo điều kiện của Ngài…Cũng trong sách Huấn ca này, chúng ta có thể đọc trước đó : « 11 Bởi thế Đức Chúa kiên nhẫn với chúng, và đổ tràn xuống trên chúng lòng thương xót của Người. 12 Người nhìn thấy và biết rằng vận cùng của chúng thật là khốn khổ, bởi thế Người gia tăng ơn tha thứ của Người. 13 Con người thì thương xót cận thân, còn Đức Chúa xót thương mọi xác phàm. Người trách cứ, sửa sai, dạy dỗ, và dẫn đưa, như mục tử dẫn đàn chiên.» (Hc18, 11-13). Và Chúa làm như thế vô điều kiện. Cho dù hạnh kiểm chúng ta, lòng khó khăn tha thứ anh em hay cho chính mình, Chúa cũng không đưa một điều kiện nào, Ngài không bao giờ đóng cửa lòng với tôi. Có thể so sánh lòng từ bi của Chúa như một thác nước, không có gì cản trở nước tuôn chảy.

« nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao»(c7) . Thì ra câu này chắc chắn có nghĩa khác. Trước hết «  Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác,»  (c7), điều này được viết rõ ràng trong Giao Ước. Nhưng đây là điều nhắc lại Giao Ước bất diệt giữa Thiên Chúa và dân Ngài, một Giao Ước xây dựng trên tha thứ liên tục. Dân tộc Ít-ra-en và mỗi thành viên đều biết rõ được tha thứ liên tục ; hơn nữa sách Huấn ca nói rằng Giao Ước được thể hiện qua sự tha thứ liên tục ;   giao ước của Đấng Tối Cao nói trong sách Huấn ca là sự tha thứ được lập đi lập lại bất tận. Thế làm sao hiểu được câu đáng ngạc nhiên này ? : « 1 Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.» (c1) hay là   « 2 Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.» (c2) biết rằng lô-gíc của Thiên Chúa không phải lô-gíc của chúng ta. ! Đối với Chúa chúng ta ở trong lô-gíc của ơn ban nhưng không, và không tính toán có qua có lại.. Hai lô-gíc này hoàn toàn  không thể đi đôi với nhau !

Thì đấy là giải thích. Khi tôi báo oán kẻ làm hại tôi, tôi xử sự có qua có lại, làm như thế tôi đóng lòng tôi lại với ơn nhưng không từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy lấy lại ví dụ cái thác nước : nếu tôi đặt một chai nước giữa thác, nước sẽ được đong đầy tràn chai…với điều kiện nắp chai được mở  ! Nếu tôi từ chối tha thứ cho kẻ khác, tôi từ chối đi vào tương quan của lô-gíc ơn nhưng không, của lòng từ bi Thiên Chúa… giống như tôi đặt cái chai giữa thác nước, nắp thì đậy lại. Vâng, sự tha thứ của Chúa luôn được ban cho, nhưng chúng ta được hưởng sự tha thứ ấy chỉ khi lòng chúng ta mở ra cho lòng từ bi Thiên Chúa.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 102, 1-4.9-12)

 

Đáp ca: Chúa là Đấng từ bi hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.

 

Của vua Đa-vít.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

2 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,

10 Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

13 Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

Xem bài suy niệm CN VII TN năm A 19/02/2017)

 

Phụng vụ chúa nhật hôm nay chỉ đề nghị chúng ta tám câu của thánh vịnh 102, nhưng thật ra bài có 22 câu như số chữ cái Do Thái ngữ, là 22 chữ. Thì đây cũng là một bài thánh vịnh ABC như thường lệ, một bài thánh vịnh tạ ơn vì Giao Ước. Thật vậy, ông André Chouraqui nói rằng bài thánh vịnh này là một Te Deum của Thánh Kinh,  một bài ca tạ ơn vì mọi lời chúc phúc dành cho tác giả (là dân tộc Ít-ra-en) được tràn ơn từ Thiên Chúa.

Đặc tính thứ hai của bài thánh vịnh này, là những đối chiếu cặp đôi. Mỗi câu gồm hai hàng đối nhau như tiếng vang cho nhau: lý tưởng là nên đọc thành hai bè từng mỗi hàng. Có lẽ bài được sáng tác cho hai bè, hát đối nhau. Kỹ thuật song song này, chúng ta thường gặp trong Thánh Kinh, trong những bài thánh thi, nhưng có khi cũng trong các bài văn xuôi. Đây là một kỹ thuật lặp đi lặp lại giúp cho dễ nhớ, rất tự nhiên trong một văn minh truyền khẩu, và nhất là rất gợi cảm. Nếu chăm sóc cách đọc kỹ càng để làm rõ nét hai hàng đối diện với nhau trong câu thơ, thi tính của bài thánh vịnh được làm nổi bật lên một cách tuyệt vời.

Mặt khác, việc lặp lại một ý, lần lượt dưới hai hình thức khác nhau, dĩ nhiên là để làm rõ một ý tưởng, và như thế đối với chúng ta còn làm cho chúng ta hiểu một vài từ ngữ Thánh Kinh. Ví dụ như câu đầu đề nghị chúng ta hai vế song song với nhau. Lần đầu câu này đối « Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! » Đối lần đầu: « Chúc tụng CHÚA đi… chúc tụng Thánh Danh! » Lần thứ hai thay vì lặp lại Chúa, thì bài nói Thánh Danh: trong Thánh Kinh, TÊN là chính nhân vật. Cách đối thứ hai, cũng trong câu này: « Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! » Chữ hồn ở đây không có nghĩa chúng ta thường hiểu. Theo tư tưởng thông thái Hy lạp, chúng ta có khuynh hướng biểu hiện con người bằng sự kết hợp hai yếu tố khác nhau, nhưng khác biệt nhau, linh hồn và thể xác. Nhưng những tiến bộ về khoa học nhân văn của thế kỷ thứ XXI xác định rằng thuyết nhị nguyên ấy không phù hợp với thực tế. Chính trong tâm thức Thánh Kinh có một khái niệm nhất quán hơn, và khi nói « linh hồn » đó là toàn nhân vật: « Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! »  

Một thí dụ khác về cách đối song song vài câu sau đoạn này, giúp chúng ta hiểu một từ ngữ khá khó đối với chúng ta, đó là cụm chữ « kính sợ Chúa », chúng ta thường gặp từ ngữ « kính sợ Chúa » này trong Thánh Kinh, và chúng ta có thành kiến không có cảm tình cho lắm. Nhưng ở đây chúng ta khám phá ra cách đối chữ thú vị: « 13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. » có nghĩa là sự kính sợ Thiên Chúa có bất cứ nghĩa gì nhưng nhất quyết không phải khiếp sợ; đó là thái độ giữa cha con.

Tôi thường nói đến tính cách sư phạm trong Thánh Kinh đối với dân Ngài: thì ở đây Chúa cũng dùng phương pháp sư phạm ấy một cách chậm rãi, nhẫn nại để hoán cải dần từ sự sợ hãi đến tâm tình Cha con. Ở đây tôi muốn nói, đứng trước một Thiên Chúa thánh thiêng, con người tự nhiên cảm thấy sợ hãi, phải cần đến một sự hoán cải người tín hữu để, tuy không đánh mất lòng kính trọng đối với Đấng Thật Khác Biệt, chúng ta học dần đối với Ngài bằng tâm tình Phụ tử. Theo Kinh Thánh, kính sợ Thiên Chúa là lòng sợ hãi được hoán cải thành tình Phụ tử: dĩ nhiên chương trình sư phạm ấy chưa hoàn tất. Thái độ chúng ta đối với Chúa, mối quan hệ chúng ta đối với Ngài cần được hoán cải liên tục. « Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. » (Mt 18, 3)… những trẻ nhỏ biết rằng cha mình chỉ có tình thương dịu hiền. Sự kính sợ ấy vừa có sự trìu mến đáp trả, biết ơn, và quan tâm vâng lời vì người con biết rằng các giới răn của cha chỉ phát xuất từ tình yêu: giống như đứa trẻ tránh xa lửa vì được cha báo trước cho nó để khỏi bị bỏng … Hơn nữa nếu viết theo nghĩa đen thì câu ấy sẽ như sau: « 13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ giữ Giao Ước, kẻ kính tôn. »

Không phải ngẫu nhiên bài thánh vịnh đề cập đến sự kính sợ Thiên Chúa lại trích một câu bất hủ của sách Xuất hành: « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6). Câu này rất nổi tiếng trong Thánh Kinh, vì đây là một mặc khải về chính Mình cho ông Mô-sê trong sa mạc Si-nai. Câu này thường được đọc trong các thánh vịnh, vì vừa là Tên Thiên Chúa và vừa để nhắc lại Giao Ước, nhất là các thánh vịnh tạ ơn, trước hết tất cả các thánh vịnh này đều là những lời ngạc nhiên thán phục trước Giao Ước Thiên Chúa.

Các câu được chọn hôm nay nhấn mạnh đến những biểu hiện của tình yêu thắm thiết của Thiên Chúa: sự tha thứ. Một Thiên Chúa chậm giận, Ít-ra-en từng trải nghiệm suốt lịch sử của họ: từ khi vượt qua Si-nai, ông Mô-sê đã phải từng nói với họ: « Anh (em) phải nhớ, đừng quên rằng anh (em) đã chọc giận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), trong sa mạc. Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA » (Đnl 9, 7). Suốt dòng lịch sử Giao Ước là hiện trường của sự tha thứ của Thiên Chúa cho dân Ngài mỗi lần suy thoái: « … Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. 12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. » (c4.10.12)

Tình yêu trìu mến chúng ta cần nhất để trỗi dậy chính là được quên đi tội lỗi của chúng ta, những lúc chúng ta sa ngã. Chúa Giê-su chỉ đưa lên hình ảnh qua bài dụ ngôn người cha và đứa con hoang đàng. Nhưng xác tín vào sự tha thứ của Chúa không xúi giục chúng ta khoan dung thái quá với chính mình, trái lại: trung tín thật sự với tình yêu có nhiều đòi hỏi cho bản thân.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm 14, 7-9)

 

"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu thành Rô-ma.

 

7 Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình.

8 Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa;

9 vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.

 

 Câu trung tâm là: « Chúng ta có sống là sống cho Chúa, thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. » Nói cách khác chúng ta không phải là những cá nhân riêng lẻ, đại loại như những điện tử tự do được tung vào hành tinh đất cho vài năm, với những đường bay độc lập!  Niềm xác tín của Thánh Phao-lô - vả lại ngài không tự tạo ra - được nhận thấy xuyên suốt Thánh Kinh: đó là sự đoàn kết chặt chẽ nối kết người này với kẻ khác, trong mọi nơi mọi lúc. Thánh nhân gọi là: « kế hoạch yêu thương của Chúa ». Dự án ấy là một nhân loại hiệp nhất gắn bó với nhau đến nỗi có thể nói, một ngày kia « mọi người như một người », người ấy chúng ta biết danh tánh Ngài, tên Ngài là Giê-su Ki-tô.

Giai đoạn đầu của dự án đã được hoàn tất trong sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô. Đó là ý nghĩa của câu: « Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.»(c9). Nhưng dự án được tiếp tục hay không tuỳ thuộc nơi chúng ta: sự liên đới ấy không chấp nhận chia rẻ, cấu xé nhau. Thế nhưng, lúc nào cũng từ những người thân nhau mới có nguy cơ bất hòa và lý do từ những đề tài mọi người quan tâm nhất, dĩ nhiên!

Cũng phải tin rằng nguy cơ ấy không chỉ trên lý thuyết bởi vì Thánh Phao-lô dùng cả chương thứ 14 để đề cập đến đề tài này. Nội dung chính của ngài là « anh em có thể cãi nhau vì những điều thứ yếu, cách sống đạo khác nhau…nhưng thật ra mỗi người cho mình làm đúng và như thế là đủ » . Thánh Phao-lô dùng một câu gây ấn tượng mạnh : « Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?»(Rm14, 4). Qua đó ngài muốn nói : bởi phép Rửa tội, dù bạn là ai, từ gốc gác nào – Do Thái Giáo cũ, hay người lương - giữ đạo theo cách nào đi nữa, từ anh em được kết hiệp trong Chúa Ki-tô…tất cả còn lại là thứ yếu ; tất cả, anh em thuộc về Đức Ki-tô, anh em là người nhà Đức Ki-tô. Vì thế hãy đừng kiểm soát lẫn nhau : chỉ người chủ mới có quyền kiểm soát người nhà của mình : « « Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?» 

Trong thời Thánh Phao-lô, những lý do chia rẻ thường xuất hiện chung quanh cách  ăn uống. Những Ki-tô hữu gốc Do Thái quen tỉ mỉ tuân theo phương diện thực phẩm, không hiểu các –Ki-tô hữu trước kia là lương dân nay vẫn rất tự do về ăn uống, họ cho những người này là giữ đạo lỏng lẻo. Ngược lại những người quen có những thói quen mềm dẻo, có khuynh hướng chế giễu những người khác, cho rằng đó là cách giữ kẻ của những người yếu đuối. Thánh Phao-lô nói với họ rằng : «  Anh em hãy đón nhận người yếu đức tin và đừng tranh luận với họ. Có người tin mình ăn được mọi thứ, có người vì yếu chỉ ăn rau. Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy.»(Rm14, 1-3)  

Ngày nay những lý do chia rẽ đã thay đổi bản chất, nhưng không phải là hiếm ! Dù lý do là dâng Thánh Lễ bằng tiếng La-tinh, các kinh tiền tụng trong Thánh Lễ, Thánh Lễ chiều thứ bảy với phụng vụ ngày chúa nhật…có ca đoàn, có đàn đại phong cầm…hay đàn ghi-ta hay không…chính lý do thực hành đức tin chúng ta mới có nguy cơ làm cho chúng ta hung dữ với nhau, mặc cho một thực tế đáng kể, đó là chúng ta có cùng chung một bí tích Rửa Tội !  Nhưng không chỉ trong lĩnh vực phụng vụ : những cách dấn thân của chúng ta có thể hoàn toàn đối ngược nhau, nhân danh cùng một đức tin ! Giáo dục trường công hay trường tư, tham dự vào đảng này hay đảng khác, công đoàn này hay công đoàn khác…rất nhiều lựa chọn của chúng ta phát xuất từ lòng ao ước sống phù hợp với đức tin Ki-tô. Thế nhưng trong một gia đình, một giáo xứ, trong một công ty hay khu phố, nhân danh phép Rửa tội lấy một quyết định hoàn toàn đối nghịch nhau. Theo Thánh Phao-lô quy tắc vàng là : « Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?»(Rm14, 4).

Chúng ta thường nói với nhau điều quan trọng là có ý định tốt nhưng lạ lùng thay, chính trong lãnh vực tôn giáo chúng ta lại rất khó chấp nhận ! Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta nâng cao lên cuộc thảo luận : « Người ăn, thì vì Chúa mà ăn, bởi lẽ họ tạ ơn Thiên Chúa. Còn người không ăn, thì không ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Thiên Chúa.»(c6).Không chỉ có cách duy nhất để cảm tạ Chúa.

Rốt cuộc chúng ta nhận ra nơi đây một minh họa tuyệt vời điều ngài gọi là « của lễ hiến dâng thiêng liêng ». Trước đó trong thư ngài nói : « Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa» (Rm12, 1). Thế nhưng trong mỗi chúng ta, mỗi lần muốn hết lòng hiến dâng lên Chúa những gì chúng ta có, việc gì chúng ta tin là phải làm ; điều này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau, còn có thể trái ngược với nhau, nhưng chính lòng thành muốn phục vụ Chúa làm nên chất lượng của lễ hiến dâng thiêng liêng Chúa chờ đợi nơi mỗi chúng ta.  

Thánh Phao-lô nói tiếp : « Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần…Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau »(Rm14, 17…19). Thánh nhân rất thích chữ « xây dựng » có nghĩa là đắp xây.  Mục tiêu là xây đắp một cộng đoàn, và loại xi măng tốt nhất cho một cộng đoàn, dù cộng đoàn nào đi nữa, đó là sự tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận lẫn nhau…Thánh Phao-lô còn nói : « Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật »( Rm13, 8)  và : «thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; »(Rm12, 10) . Dường như 20 thế kỷ sau, lời khuyên của Thánh Phao-lô vẫn còn tính cách thời sự.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 18, 21-35)

 

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

------------------

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy."

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "

22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."

23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.

24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.

25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.

26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết."

27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.

28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! "

29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh."

30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.

32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,

33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? "

34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.

35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

 

Bài dụ ngôn này như một mẩu truyện có ba hồi. Hồi thứ nhất, đức vua tính sổ sách với các người hầu và triệu một người đến, người này mang một số nợ khổng lồ. Lẽ ra chiếu theo luật người này và cả gia đình anh ta phải đi tù và làm việc cho đến khi trả hết nợ…Nhưng hơn nửa, số tiền nợ quá lớn, dù phải mất mấy đời người cũng không đủ trả. Người mang nợ van nài xin khất lại sau, vua chạnh lòng thương cho anh đi và nói « ngươi không còn thiếu ta gì nữa ». Màn thứ hai, người này làm trái ngược hẳn lại đối với một người mang nợ mình. : chỉ vì một món nợ không đáng kể, bây giờ anh là chủ nợ không nghe lời van xin của con nợ, không nói chi đến gia hạn mà tống con nợ vào tù. Màn thứ 3, vua trách sự cứng lòng của anh ta: « đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? »(c33)

Trước hết đây là một bài dụ ngôn về lòng thương xót của Chúa : lòng thương xót chỉ muốn tha tất cả nợ chúng ta ; một lòng thương xót lẽ ra phải, một cách nào đó, ảnh hưởng trên chúng ta, vì chúng ta được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Lòng thương xót như thế không phải ngẫu nhiên nơi chúng ta, câu hỏi của Phê-rô chứng minh điều ấy. Ngay chúng ta thực tâm muốn tha thứ, chúng ta cũng không muốn đi quá xa ! « Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? »(c21). Chúng ta còn xa cách xóa món nợ to không thể nào tính được như trong bài dụ ngôn. Và hẳn đó là một dấu ấn của câu chuyện nhỏ này : không tính toán. Đây không phải làm thế nào mới đủ đáp ứng cho lòng thương xót.  Bởi định nghĩa, lòng thương xót phải từ cõi lòng, vượt hẳn chúng ta, qua cả cách tính toán nhỏ nhen của chúng ta.

Đấy là điều Chúa Giê-su mời gọi Phê-rô : vượt qua sự toan tính, những lý lẽ thường tình. Bảy lần, kể ra cũng khá rồi…Thánh Phê-rô đề nghị số 7, con số tượng trưng, cũng là đã bước xa một bước lớn ! Nhưng Chúa Giê-su mời gọi một điều khác : phải 70 lần 7 ( hay 77 lần 7, theo các bản khác) nói cách khác, vô tận. Chúa Giê-su nói đến các con số ấy không phải ngẫu nhiên : Hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện về Ca-in và La méc. Sau khi giết A-ben, em mình, Ca-in sống trong sợ hãi bị bộ tộc trả thù : « bất cứ ai gặp con sẽ giết con» (St4, 14). Và hắn còn sống được nhờ một lời dọa trả thù kinh khủng hơn nữa cho ai tấn công vào Ca-in : « Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy» (St4, 15). Đó là điều người ta gọi là mắc vào mớ bòng bong của bạo lực. Năm thế hệ sau, đứa cháu 5 đời của Ca-in là La-méc khoe mình đã trả thù 77 lần ; và hãnh diện hát trước các thê thiếp mình là A-đa và Xi-la« A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. 24 Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! »  (St4, 23.24). Nói cách khác : chỉ vì một vết thương ta giết một người ; chỉ vì một chút sây sát, ta giết một đứa trẻ, nhưng nếu ai giết ta, ta sẽ được báo thù 77 lần.

Suốt chiều dài lịch sử Thánh Kinh. Chúa mời gọi nhân loại thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực. Bắt đầu bằng luật báo oán giới hạn việc trả thù ( mắt đền mắt, răng đền răng, một sự sống chỉ bằng một sự sống) ; sau đó là tất cả bản văn của Lề Luật hay các ngôn sứ mời gọi tha thứ và mặc khải sự tha thứ của Thiên Chúa. Như thế dân tộc Ít-ra-en được huấn luyện bước dần dần từ báo thù đến tha thứ. Để đối ngược lại với bài ca của La-méc ( tha thứ 70 lần 7), Chúa Giê-su mời gọi Thánh Phê-rô, tức là cho tất cả các môn đệ Ngài, sống như Ngài trên thánh giá. Bởi vì sự tha thứ của Chúa Ki-tô cũng như của Thiên Chúa không có giới hạn.

Còn phần cuối bài dụ ngôn có vẻ ngược lại với sự tha thứ không giới hạn của Chúa. Người tôi tớ không tha thứ cho người anh em mình không được vua tha thứ. Đây là một sự thật lớn lao trong đời sống chúng ta. Hãy lấy một ví dụ : sau một thời gian lâu bị hạn hán, đất trong vườn khô cằn không còn thấm nước được ; cho dù có một trận mưa lớn đất cũng không được tưới ướt. Phải cày, xới đất lên. Sách Huấn ca nói : « Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,» (Hc28, 2) Nhưng có thể chính sự tha thứ cho người anh em phải « hết lòng tha thứ »(c35) là sự cày, xới đất lên trước cần thiết để lãnh nhận lòng thương xót của Chúa. Trái tim cứng nhắc, khô cằn không thể nhận được làn sóng tha thứ của Chúa. Không phải Chúa dừng tha thứ nhưng vì chúng ta trở nên khô cằn không chấp nhận. Nhưng này, có lẽ chỉ vì chúng ta không sáng suốt ý thức tất cả những ơn thứ tha cho chúng ta, từng là kẻ lãnh nhận : người tôi tớ trong bài dụ ngôn, mang một món nợ kinh khủng, bổng chốc được tha, vỏn vẹn chỉ vì lòng từ nhân, có thể theo lẽ thường được chan hòa lòng biết ơn nên quên hết tất cả !

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com