BBT: Rất cám ơn anh Lê Minh đã chia sẻ bài viết này
Kính chào Quý anh chị,
Tháng 5 năm 1910, hai năm sau NGÀY CỦA MẸ - Mother’s Day đầu tiên được tổ chức tại Virginia, Hoa kỳ, khi ngồi trong băng ghế nhà thờ tại Spokane, Washington dự lễ Mother’s Day, bà Sonora Smart Dodd chợt nhớ đến phụ thân của mình. Sorona mồ côi mẹ nên ký ức về người cha thật khó phai. Ông tên là William Jackson Smart, vốn là một cựu binh trong cuộc nội chiến Hoa kỳ. Từ giã chiến trường trở về, ông làm lụng vất vả để nuôi sống gia đình. Chẳng may vợ mất khi sanh con út, ông một mình nuôi dạy sáu đứa con thành người. Nhớ lai tình thương của cha, con gái đầu lòng là Sorona Smart Dodd, chợt liên tưởng đến bao nhiêu người cha khác khắp nơi trên thế giới đã hy sinh cuộc đời cho con cái. Bà kêu gọi thành lập NGÀY CỦA CHA - Father’s Day để ghi nhớ công ơn của các người cha.
Đề nghị của bà về việc tổ chức NGÀY CỦA CHA được hưởng ứng nhanh chóng, và ngày Father’s Day đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/06/1910, nhưng do nhiều trở ngại từ Quốc hội Hoa kỳ, nên mãi đến 1972, mới trở thành quốc lễ tại Hoa Kỳ, và được tổ chức vào Chúa nhật thứ ba của tháng Sáu hàng năm. Có lẻ Father’s Day cũng mới du nhập vào Việt Nam từ không lâu lắm.
Trong dịp mừng NGÀY CỦA CHA năm nay, tôi xin kể lại một đôi hoài niệm về người cha của mình. Ông đã về cùng Thiên Chúa từ hơn hai mươi năm qua.
Chuyện là, ông nội tôi vốn dòng dõi Nho gia, nên đã rất khó chịu khi thấy cậu con trai theo Tây học cứ diện áo, diện quần, rồi săm soi gương lược, ngắm trước ngắm sau…Ba tôi lại cũng cảm thấy phiền lòng khi bị trách móc về những việc hết sức nhỏ nhặt như vậy. Thế là một hôm nọ, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, ba tôi xin phép ông bà nội ra mãi Hà Nội để làm việc, dù rằng ba tôi có thể dễ dàng tìm được việc làm ưng ý tại quê nhà ở Huế.
Không dừng ở đó, trước buổi ra đi, ông dùng than ghi lại bốn câu thơ lên vách nhà bếp để bày tỏ tâm trạng:
“Quần quần, áo áo đau lòng mẹ,
Gương gương, lược lược, ngứa gan cha,
Thôi thì,
Kể từ nay, rày đây mai đó,
Giang hồ phỉ chí, thỏa lòng ta”.
Thời gian qua nhanh, lòng người thay đổi…
Tết Mậu Thân 1968, bà nội tôi mất vì sợ khi nghe tiếng đạn bom trong giao tranh. Ba tôi nhận hung tin khi đang làm việc tại một tỉnh ở Miền Trung, và không thể bay ra Huế để dự tang lễ vì tình hình chiến sự đang rất căng thẳng. Ba tôi đau đớn lắm, phần vì mất mẹ, phần khác vì sau khi nhận nhiệm sở, là một chuỗi dài tiếp nối những ngày gắn bó với trách nhiệm làm chồng, làm cha, rồi làm một trưởng ty Bưu điện rày đây mai đó đi dọc các tỉnh Miền Trung, không còn nhiều thời gian gần gũi cha mẹ và anh em. Sau này, khi đã nguôi ngoai, ba tôi mới thố lộ tâm sự rằng ông đã đau đớn nhiều vì hối hận với bài thơ bốn câu trên. Ông đã không nhận ra tình yêu thương vô bờ bến mà ông bà nội đã dành cho ông, khi chỉ có ông và người em kế, trong số chín anh em, là được gia đình chu cấp cho ăn học đến nơi đến chốn, trong điều kiện tài chánh khá eo hẹp. Có lẽ qua năm tháng nuôi dạy chúng tôi, ba tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa của tình yêu thương ấy, và những hy sinh trong thầm lặng của cha mẹ.
Phần mình, tôi có được hạnh phúc khi cảm nhận được tình yêu mà cha mẹ dành cho từ rất sớm. Tôi vẫn thầm nghĩ, đó là Ơn Chúa ban cách riêng cho tôi. Thật vậy, trong gia đình tôi có sáu anh em, thì tôi vẫn tự hào khi nói về tình yêu thương mà tôi dành cho cha mẹ và ngược lại, về những yêu thương mà tôi nhận được từ mẹ cha. Ngày ba tôi còn sống, ông vẫn thường nói về mối quan hệ giữa ông và tôi, đó là tình cha con, và hơn thế nữa, ông còn nói về một tình bạn giữa hai cha con.
Tôi vẫn thường chuyện trò với những người anh em của mình, rằng khi ba má mất đi, chúng ta có thể khóc thương vì quyến luyến một người thân yêu ra đi - nhưng chúng ta sẽ cố gắng trong xử đối với mẹ cha – để không rơi nước mắt vì ân hận, vì tiếc nuối do bao lần đã làm cha mẹ phiền lòng.
Ơn Chúa, mẹ tôi vẫn còn sống, dù rằng đã vượt qua tuổi chín mươi. Bà vẫn khỏe khoắn, minh mẫn. Thế nhưng, cũng chính vì thấy bà còn mạnh khỏe, mà tôi đã suýt phạm sai lầm. Thật vậy, trong một chuyến đi viếng xác của một bà cố thọ hơn chín mươi tuổi vừa qua đời của một linh mục linh hướng phong trào Cursillo, tôi nghe vị linh hướng ấy chia sẻ, dù rất bận rộn với biết bao trách nhiệm của một linh mục là cha giáo của các chủng viện, là cha tổng đại diện của một giáo phận, thế nhưng cha vẫn dành trọn ngày thứ hai, tự lái xe về quê nhà thăm mẹ, và sống cùng mẹ một ngày. Ngay khi nghe cha linh hướng bộc bạch chuyện nhà, tôi chợt giật mình như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Tôi nhận ra ngay sai lỗi của mình, khi quá đỗi ơ hờ với mẹ. Và ngay từ tuần lễ sau đó, tôi rủ rê anh em của mình, cùng đến thăm nom, chuyện trò cùng mẹ tôi vào mỗi tối Chúa nhật hàng tuần. Nếu hôm nào bị bận việc, thì cũng phải bù bằng một buổi khác. Tôi khá bất ngờ khi nhận biết mẹ tôi rất trông ngóng chuyến thăm viếng này.
Tôi biết ơn gương sống hiếu thảo của vị linh mục linh hướng phong trào, đã động chạm đến phần sâu thẳm trong tâm hồn tôi, nên tôi vẫn hằng cầu nguyện cho ông, và tôi vẫn hằng nhớ đến bà cố trong buổi kinh nguyện cùng gia đình hằng đêm. Tôi biết ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi phong trào Cursillo, bởi từ ngày tham gia phong trào, tôi đã được trao ban biết bao là sức mạnh, từ những chia sẻ chân tình nhưng lắng đọng, từ những mẫu gương sống kết hiệp cách mật thiết vào đời sống của Chúa Ki-tô của bao người anh em rất thân thương.
Nếu Chúa ban cho tôi một điều như mơ ước, thì tôi xin được rước mẹ tôi về sống chung trong những ngày còn lại của cuộc đời bà, dù tôi ý thức rất rõ những trở lực từ nhiều phía trong gia đình tôi, cũng như từ ngay chính mẹ tôi. Thế nhưng, đó vẫn là chuyện mà Thiên Chúa đã cảnh báo từ sớm khi động viên chúng ta, hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già của cha ngươi. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa cũng thấy tuổi già của cha mẹ nặng lắm, nên mới nhủ khuyên phận con cháu chúng ta cố gắng.
Nhân ngày Father’s Day, xin được thắp một nén hương tưởng nhớ đến cha tôi, đến cha của tất cả các bạn, những người còn sống cũng như đã qua đời. Xin thánh cả Giuse cầu bầu cùng Chúa cho cha mẹ chúng con. Xin Thiên Chúa rộng thương vì những khó nhọc, những vất vả của bậc làm cha, làm mẹ, đã một đời hy sinh đến quên mình.
Thân kính, LM.
Saigon, 21/06/2015