Bài học từ cuộc sống

«Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết» (1Cr 15, 26)

 

Chúa thắng sự chết như thế nào?

Chúa ban cho và gìn giữ sự sống của chúng ta như thế nào,

dưới trần thế này và mai sau?

 

Có những sự việc chúng ta khó hiểu, nhất là những điều Giáo Hội cho là mầu nhiệm. Chúa Thánh Thần chỉ mặc khải cho một phần nào mà thôi, một khi chúng ta còn mang thân xác giới hạn dưới thế gian này. Như Bí Tích Thánh Thể, tôi phải mất nhiều năm, từ tuổi thiếu niên đến lúc trưởng thành mới ý thức tiệm tiến, đó chính là Chúa Giêsu Kitô, không phải bánh «tượng trưng» cho Chúa và khi rước lễ, cảm nhận Chúa ngự vào trong tôi với lời Hội Thánh dạy, thân xác tôi là đền thờ Chúa Thánh Thần, mới rõ dần một ý nghĩa nào đó. Chữ Phục Sinh cũng như thế, mỗi sáng Chúa nhật Phục Sinh chúng ta chào nhau «Chúa đã sống lại rồi», nhưng hình như mỗi người hiểu một mức độ khác nhau về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh?   

Xin thú thật và xin lỗi bạn đọc vì vài câu hỏi ngây thơ của tôi về Phục Sinh. Từng chứng kiến ba tôi chết trong một thân thể tiều tụy, giả dụ như ba ngày sau, tôi thấy ba tôi sống lại, mạnh khoẻ, tôi có kinh ngạc, thán phục như tôi hiểu Chúa Phục Sinh không? Cũng từ đức tin, qua Giáo Hội dạy, Chúa Giêsu đã từ Trời, hy sinh cương vị Thiên Chúa xuống thế mang xác loài người. Và sau cùng, chịu những giờ phút cực kỳ «thương khó» để «Thắng Sự Chết» cho tôi, cho loài người mà Ngài yêu mến khôn cùng. Sách Khải Huyền cũng nói rất rõ: “Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,18) ; ngoài ra dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh Thánh Phao-lô nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô: «Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết» (1Cr 15, 26) , Hay trong (2Tm1, 10b) «  Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử »

Trong Mùa Chay Thánh này dưới ánh sáng Phục Sinh, xin mời anh chị em cùng tôi  suy gẫm, Chúa thắng sự chết như thế nào, Chúa ban cho và gìn giữ sự sống của chúng ta như thế nào, dưới trần thế này và mai sau?

Đức Thánh Cha tự giới thiệu mình khi nhà báo hỏi ngài là ai: “Tôi là kẻ tội lỗi được Chúa ghé mắt nhìn đến”. Thật vậy, sau khi tổ tiên ta đã phản nghịch Thiên Chúa, mọi người đều có thể sa ngã phạm tội.
Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Hòa Giải, một hồng ân trong đời trần thế, khi tôi nhỡ phạm tội trọng, đánh mất đời sống siêu nhiên, thật lòng hoán cải, linh hồn tôi có thể thắng sự chết nhờ Bí Tích Hòa Giải. “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy, dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19).

Và sau này khi tôi chết, vì công nghiệp của Ngài, tôi cũng sẽ được phán xét phân minh đầy lòng thương xót để tôi được sống đời đời trong hạnh phúc ?

Chúa Giêsu đã phán qua Tin Mừng theo thánh Gioan: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”  (Ga, 25)  Sống sốt sắng Mùa Chay dưới ánh sáng Phục Sinh có thể mang lại cho tôi, cho anh chị em một niềm cậy trông khôn cùng.

Mặc dù thế, tôi và có lẽ một vài anh chị cũng có vài câu hỏi, khó tìm giải đáp về sự phục sinh của chính mình. Nói đến đây, sực nhớ đến lời Thầy Sáu Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch kính yêu linh hướng Trường Huấn Luyện Paris, nay đã được Chúa gọi về: «Trên đời này không có gì là sự thật, nhiều lắm là nói dễ nghe thôi, sự thật chỉ có Thiên Chúa».

Vì thế, xin đề nghị chúng ta thử tìm giải đáp trong Lời Chúa, qua hai câu sách Tiên Tri Ma-la-khi (*), được nghe trong Chúa nhật XXXIII Thường Niên năm C, để tìm hiểu xem sau khi chết chúng ta đi về đâu? Và sau đó, ngay trong đời trần thế này, Bí Tích Hoà Giải giúp đời sống siêu nhiên chúng ta được sung mãn như thế nào?

(*) Xin mở ngoặc về đọc Cựu Ước, ông Etienne Charpentier tác giả quyển Pour lire l’Ancien Testament, (Để đọc Cựu Ước)  khuyên khi đọc Cựu Ước :

1/- Đặt vào bối cảnh bài Cựu Ước.

2/- Nhờ một người am hiểu giải thích.

Bây giờ xin trở lại hai câu trong sách Tiên Tri Ma-la-khi, qua lời chú giải của bà Marie Noelle Thabut, từng nói trong nhiều năm trên đài phát thanh Notre Dame.

19 Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán - không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào.

20 Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng. (Ml 3,19-20)

Khi ngôn sứ Ma-la-khi viết những dòng chữ này, dân chúng hoang mang, không còn biết đời này ra sao. Chúng ta đang ở năm 450 trước Công Nguyên, trong một bầu khí toàn dân nản lòng... Mọi người đặt câu hỏi, đại loại «Chúa đâu rồi? Ngài quên chúng tôi rồi sao?... Đời thật bất công, những người gian ác lại thành công tất cả, làm dân Chúa chọn để làm gì, giữ Lề Luật để làm chi? Đâu đâu cũng không có công bằng, không biết Chúa có thật công minh không?»… Lúc bấy giờ Ma-la-khi tuyên xưng Thiên Chúa công minh… Và dự án Chúa tái lập công bằng giữa người với người chắc chắn sẽ phát triển. Ngày của Thiên Chúa đang đến gần. «Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò»,… Đối với mọi tín hữu, Do Thái cũng như Ki-tô hữu, chỉ là vấn đề đức tin. «Ngày ấy đến», «Ngày» của Thiên Chúa, có hàm ý nói ngày Chúa đến. Dĩ nhiên, tuỳ chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa, chúng ta sẽ lo sợ ngày ấy đến hay chúng ta hết lòng mong ước ngày ấy. Người tín hữu nóng lòng chờ đợi, nồng nhiệt và tích cực đón ngày của Chúa đến. Vì đối với tín hữu, là kẻ một lần trong đời đã hiểu Chúa là Cha, việc loan báo Chúa đến là một tin mừng.

Hình ảnh tiên tri Ma-la-khi dùng là mặt trời: «19 Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò». Không nên hiểu câu này như một mối đe dọa! Vì lẽ, sách Ma-la-khi bắt đầu bằng một lời tỏ tình của Thiên Chúa: «Ta đã yêu thương các ngươiĐỨC CHÚA phán» (Ml 1,2), và một lời khác cũng trong cùng một chương: «Ta là cha». Bài chúng ta đang đọc nói đến: «hoả lò», một hình ảnh tuyệt vời để nói đến sức nóng sáng của tình yêu vô tận! Hình ảnh lò lửa ấy chúng ta nhận ra sau này trong Thánh Kinh: «lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?», khi hai môn đệ trên đường Emmau, lòng hết sức xúc động kể lại cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. (Lc 24, 32).  

 

Thật vậy, hình ảnh ánh sáng và sức nóng thường tự nhiên đến trong tâm trí, khi nói đến tình yêu chiếm hữu lòng chúng ta. Khi ấy, ngày mỗi chúng ta đón nhận cuộc gặp gỡ vĩ đại, chúng ta sẽ được dìm đắm trong đại dương nóng bỏng của tình yêu Thiên Chúa. Thế chúng ta có gì phải sợ ? Chỉ cần nhớ câu trong sách Ma-la-khi: «Ta đã yêu thương các ngươiĐỨC CHÚA phán». Chúng ta sẽ được dìm toàn thân trong ấy, nhưng là dưới ánh nắng của tình yêu, và Đấng ấy có thể làm gì khác cho ta ngoài yêu ta, vì Ngài là Tình Yêu? Nhất là, những kẻ nghèo hèn, không có gì che chở, không ai bảo vệ. Đây là ý nghĩa tuyệt vời của chữ «lòng thương xót»: đó là trái tim bị thu hút bởi sự khốn khổ. Và không thể nào chối cãi, chúng ta là những kẻ khốn khổ, vì thế chúng ta được Chúa thương yêu!  

Nhưng Ma-la-khi nói ở đây là sự phán xét: một lần nữa, hình ảnh mặt trời rất gợi ý. Mặt trời có lúc nóng cháy, nguy hiểm, trái lại, có lúc bổ ích… Đối với ánh nắng mặt trời của Thiên Chúa trong Ma-la-khi, thì cũng như thế… không một tì vết nào, không một bất toàn nào được che đi. Hình như, chúng ta sẽ được trình diện trước Thiên Chúa, không có gì che chở trước mắt Ngài, vị Quan Toà tối cao.

Trọn đời chúng ta, trọn thân thể chúng ta sẽ được phơi dưới ánh nắng thanh tẩy ấy. Kẻ này bị cháy bỏng, người kia được chữa lành: «Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ… những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh». Sự thật là việc Chúa phán xét sẽ mặc khải chúng ta biết, ta là ai… Nhưng có một điều bí ẩn quan trọng: làm sao biết chúng ta thuộc loại nào, bây giờ trong Mùa Chay  này, chúng ta còn thời gian để tự hỏi, chưa trễ! Biết rằng không một ai trong chúng ta hoàn hảo… Nhưng, cũng không một ai hoàn toàn xấu, trong mỗi chúng ta đều có một chút ngạo mạn, một chút kính sợ Chúa, nói như Ma-la-khi, một chút kiêu ngạo, một chút khiêm nhường, một chút hận thù hay vô tâm, một chút yêu thương, một chút phục vụ cho chính mình, một chút phục vụ tha nhân. Thì lúc ấy, sẽ có sự sàng lọc được thực hiện từ trong chúng ta: những hạt giống tốt sẽ nảy mầm dưới ánh nắng Thiên Chúa, những rơm rạ sẽ bị đốt đi. Những gì trong chúng ta là hình ảnh, hay sự chờ đợi Thiên Chúa - điều mà Ma-la-khi gọi là «kính sợ Thiên Chúa» sẽ được toại nguyện, biến hình. Tất cả những gì trong chúng ta là cản trở cho tình yêu - Ma-la-khi gọi là «kiêu ngạo» - sẽ bị tan ra như tuyết dưới ánh nắng, hay bị «thiêu rụi như rơm rạ», như Ma-la-khi nói trong bài này. Sự phán xét của Thiên Chúa, thật ra là một sự thanh tẩy, và khi ấy rốt cuộc trong mỗi chúng ta, Chúa sẽ nhận ra hình ảnh của Ngài, giống Ngài. Sách Sáng thế có một câu được lặp đi lặp lại như một điệp khúc, mặc khải Ngài yêu thương tạo vật của Ngài: «Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp» (St 1, 10).

Con người luôn chóng quên, năm thế kỷ sau Ma-la-khi, Thiên Chúa phải một lần, và chỉ một lần thôi, chịu đau khổ và Phục Sinh để nói lên sứ điệp muôn thuở: Chúa là Tình Yêu, chỉ có Ngài, với Ngài, trong Ngài sẽ thắng sự chết muôn đời.

Ngay trong đời trần thế, Chúa cũng cho chúng ta phương tiện sống hạnh phúc. Hạnh phúc thật là sống trong ân nghĩa Chúa, sạch tội để đời sống siêu nhiên sung mãn. Bí tích Hoà Giải được chính Chúa Kitô ban cho, là một cột trụ trong đời sống Kitô hữu. «Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.» (Ga 20, 23)

Xưng tội là một cuộc gặp gỡ thánh thiêng. Ông Matthew Kelly, tác giả quyển TÁI KHÁM PHÁ ĐẠO CÔNG GIÁO, để Sống Hăng Say và Hiệu Quả, nói: «Tôi nhận thấy rằng, xưng tội là một trải nghiệm khiêm nhường, chứ không phải là một trải nghiệm hèn hạ. Trên hết, tôi thấy đó là một trải nghiệm tự do, giúp tôi xác định lại tôi đang ở đâu trên cuộc hành trình của mình, giúp tôi nhận ra điều gì đang lôi kéo tôi lại, và khích lệ tôi tiếp tục bước đi trên con đường đó. Bí tích Giao Hòa vượt lên trên sự đơn thuần của việc xưng thú tội lỗi và xin ơn tha thứ… Xưng tội là việc thực hành thiêng liêng tuyệt hảo, để kích thích niềm đam mê của mình tới sự siêu việt cho đời sống thiêng liêng.»

Ước gì Mùa Chay này mang lại cho cộng đoàn chúng ta, cho riêng mỗi anh chị em, và cho tôi niềm xác tín, sống cậy trông vào Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Cha trên trời, đáp trả xứng đáng nhất có thể, tình yêu ấy, ngay trên đời này và về sau, không phụ lòng mong muốn Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô chúng ta cũng được Phục Sinh hưởng phúc đời đời, như trong kế hoạch yêu thương từ khi Thiên Chúa tạo dựng con người. 

Mùa Chay 2021.

 

Tác giả : Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính : Đa Minh Vũ Đức Thịnh


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com