Lời Chúa CN

Thẻ Căn cước của Ki-tô hữu giáo dân

 

DẪN NHẬP

 

1. Hình ảnh: những người thợ vào "giờ thứ năm" (Mt 20,1-16)

Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới, Christifideles laici, được dẫn nhập bằng dụ ngôn về những người thợ được mời gọi vào làm việc trong vườn nho (Mt 20).

Câu chuyện về những người thợ được mời vào làm việc trong ngày dựa trên hai động từ có thể nói lên tất cả ý nghĩa của nó: "hãy đi" và "mời gọi". Bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm của ngày làm việc ở Đông phương. Mỗi ngày đều có khổ nhọc của nó, nhưng mỗi ngày cũng mang lại cơm bánh. Thật vậy, Sách Đệ Nhị Luật cũng đã viết: "Chính ngày hôm ấy, anh em phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công" (Đnl 24, 15). Việc cứu rỗi, lịch sử Nước Chúa, đã dựa trên hai điểm hẹn: sai đi làm việc trong vườn nho và trả lương công nhật; như là sứ mạng và là phần thưởng.

Nhưng thời gian làm việc của các người thợ thì khác nhau, họ được gọi làm việc vào lúc chín giờ sáng, mười hai giờ trưa, ba giờ và năm giờ chiều, nói lên việc mời gọi các dân ngoại bước vào vương quốc sau dân Do Thái và điều đó làm cho những người được mời gọi đầu tiên phải phân bì.

Ngược lại, lối cắt nghĩa về dụ ngôn của Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn rất là khác biệt, nhưng cũng rất phù hợp với bản văn. Lời mời gọi những người thợ nơi công viên cũng nhắm đến những người Kitô hữu giáo dân hôm nay: "Cả các anh nữa cũng hãy vào làm vườn nho cho tôi" (Mt 20, 7).

Chúng ta ý thức rằng, Giáo hội phát triển không ngừng trong lịch sử, và trong ý thức đó liên tục phát sinh nhiều ý thức ơn gọi khác nhau. Tính chất năng động này có thể được cắt nghĩa qua hai năng lực: một đàng có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đặt để trong Giáo hội một luồng gió canh tân; đàng khác, có những vấn đề phát sinh từ thời đại mới, do khoa học và kỹ thuật, và có những chờ đợi của dân chúng. Một Giáo hội trung thành với Thiên Chúa và với con người không thể làm gì khác hơn dân du mục, là bước đi trên con đường của một cuộc vượt qua.

Công đồng Vaticanô II qua Hiến chế Lumen gentium (31), và Tông huấn Christifideles laici nhắc lại cách mạnh mẽ để giúp chúng ta nhận ra tính chất "năm giờ chiều" của người giáo dân trong Giáo hội, giờ mà họ được mời gọi cách rõ ràng vào làm việc trong vườn nho.

Thực vậy, Công đồng Vaticanô II đã thực hiện được một bước nhảy vọt khỏi lược đồ của bao thế kỷ khi trình bày Giáo hội-hiệp thông. Giáo hội ngày nay không còn là một Giáo hội kim tự tháp, với nền móng xây dựng bởi giáo dân, trên đó có hàng giáo sĩ và chóp đỉnh là Đức Giáo hoàng. Giáo hội ngày nay cũng không còn gọi là một Giáo hội cơ chế, như thần học gia chuyên về giáo dân Yves Congar đã gọi, một Giáo hội được thiết lập theo hình ảnh của phẩm trật, thay vì một Giáo hội hiệp thông. Giáo hội hiệp thông là một Giáo hội trong đó không phản ảnh phẩm trật, nhưng Thiên Chúa hiệp thông.

Trong Giáo hội phản ảnh được cả hai mầu nhiệm cao cả, đó là mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi, từ đó mọi Kitô hữu có cùng phẩm giá như nhau được mời gọi sống trong hiệp nhất, và mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế để cứu chuộc nhân loại. Đó chính là sứ mạng mà mọi người được mời gọi, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Bởi vậy, tất cả ơn gọi trong Giáo hội đều phải làm thế nào để thể hiện sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và sứ mạng của Chúa Con.

 

2. Làm cho căn tính của giáo dân được sáng tỏ hơn

Trước hết, cần rõ ràng về danh xưng. Ngày xưa, khi nói về giáo dân trong Giáo hội, ngôn từ thường được dùng để diễn tả người Kitô hữu là "không": là những người "không" thuộc về trong hàng phẩm trật, "không" lãnh nhận chức trách.

Ở Tây phương, chính từ ngữ giáo dân (laic) thường được hiểu như những người ở ngoài Giáo hội. Trong một cuốn sách mới đây, với tựa đề Manifesto laico [1], từ laico đồng nghĩa với chủ nghĩa thế tục, phi tôn giáo hay vô thần, chống báng hàng giáo sĩ cách cực đoan. Ông Noberto Bobbio, một người tự cho mình là kẻ không tin, đã từ chối ký vào biểu ngữ với tên cuốn sách ấy, bởi vì nó dùng "một thứ ngôn ngữ không tốt, chống hàng giáo sĩ cách lỗi thời, thiếu tôn trọng người khác".

Tất nhiên, không phải tất cả những người không tin đều duy thế tục, chống báng hàng giáo sĩ như ngày xưa. Cũng có những người sẵn sàng đối thoại với người Công giáo, cho dù họ không tin. Và ngược lại, cũng có những người Kitô hựu giáo dân, cám ơn Chúa, họ hiện diện trong đời sống cộng đoàn bằng nhiều cách, cho dù không mấy rõ ràng trong đời sống xã hội.

Từ lối suy nghĩ chung này, ngay cả trong cộng đoàn Giáo hội, hình như có ba sự thúc đẩy làm suy yếu hoặc cho thấy sự suy yếu về căn tính ơn gọi của người Kitô hữu giáo dân mà chúng ta có thể tóm kết như sau:

- Có một sự thúc đẩy làm cho người Kitô hữu giáo dân ra bên lề, có thể vì họ không được chuẩn bị hoặc không muốn tham gia, hoặc không có thời giờ để tham gia vào đời sống cộng đoàn. Như vậy, sự kiện sống bên lề này có thể vì lời mời không đến với họ: "Cả các anh nữa, cũng hãy đến làm vườn nho cho Ta" hoặc lời mời này đến, nhưng không được lắng nghe. Họ muốn ở lại giữa công trường.

- Một sự thúc đẩy thứ hai đưa người Kitô hữu giáo dân vào trong đền thờ. Thật vậy, không thiếu những giáo dân hăng hái làm việc trong các cộng đoàn. Họ là những tác viên mục vụ, giáo lý viên, nhưng chính họ cũng là những người ít xuất hiện nơi môi trường học đường, nơi làm việc cũng như ở các cơ sở văn hóa, truyền thông xã hội, chính trị. Hình như mối bận tâm của nhiều giáo xứ và đặc biệt của một số linh mục, là làm sao có nhiều người cộng tác trong các công việc của Giáo hội. Và như vậy, những giáo dân này chỉ thi hành những tác vụ của mình trong nhà thờ và con số này tính chung chỉ được vài phần trăm mà thôi.

Gần đây, các giám mục vùng Piemonte, nước Ý, đã gởi cho các Giáo hội địa phương một sứ điệp về vấn đề trường học, trong đó có đoạn viết rằng: "việc làm chứng không chỉ dừng lại ở trước cửa nhà thờ, như một số đông anh chị em đang làm, vì cho rằng mình đã tham dự vào việc học giáo lý ở giáo xứ, hoặc có người đã là giáo lý viên hoặc tác viên, nên không mấy quan tâm đến việc giảng dạy giáo lý Công giáo ở học đường" (Conferenza Episcopale Piemontese, Per un impegno dei cristiani nel mondo della scuola) [2]. Trong khi tại nhiều nước, việc giảng dạy giáo lý không có trong các trường học, nhưng có sự hiện diện của biết bao nhiêu giáo viên và học sinh Công giáo. Những người này, thay vì đặt để đức tin của mình ở trong ngoặc, có thể trở nên ánh sáng cho những người khác, làm muối đất, thành men trong bột bằng cách này hoặc cách khác. Tiếc thay, họ thường quên bổn phận của mình khi ra khỏi nhà thờ.

- Và sau hết, một sự thúc đẩy thứ ba làm cho người Kitô hữu giáo dân trở về với phòng thánh: đó là ngọn gió của nền văn hóa hiện nay, nhìn nhận tự do tôn giáo, nhưng chỉ trong lương tâm cá nhân. Đức tin chỉ là một kinh nghiệm riêng tư, không có quyền bày tỏ hay đề nghị cái nhìn riêng của mình nơi xã hội. Một dấu chỉ của sự thúc đẩy này đã được một vài nhóm theo văn hóa ngoài Giáo hội bày tỏ qua những phản đối trước những chương trình cử hành Năm Thánh do Giáo hội đề ra.

 

3. "Hỡi Kitô hữu! hãy nhìn nhận phẩm giá của mình"

Việc làm cho người Kitô hữu giáo dân khám phá căn tính vững mạnh tích cực của mình thật là một việc khẩn thiết. Hai thuộc từ đều có lý lẽ của nó.

Trước hết, tại sao cần phải có một căn tính vững mạnh? - Nghĩa là hãy ý thức về điều mà chúng ta nhận biết lý do tại sao chúng ta có mặt trên thế gian này. Thật vậy, ngày nay những câu hỏi căn bản hình như càng yếu dần, nhất là nhiều khi người ta không tìm được câu trả lời: Tôi là ai? Tại sao tôi có mặt trên đời này? Từ đâu tôi đến và tôi đi về đâu? Làm người Kitô hữu có nghĩa là gì?

Những câu hỏi đó cần có được những lời đáp trả trưởng thành, không chần chừ hoặc khất lại. Nhất là ngày nay, cần có sự đáp trả trong một bối cảnh văn hóa đa nguyên, trong đó nhiều căn tính khác cùng đối mặt nhau: chẳng hạn như những người Hồi giáo, họ cảm thấy căn tính của mình yếu đi, cũng như của nhiều người Kitô hữu. Trong một bối cảnh mà nền văn hóa dung túng, dửng dưng và phi luân đang lớn mạnh; trong bối cảnh mà người ta dễ dàng tìm thấy nhiều nghi lễ thờ phượng, những thực hành đạo đức mới lạ, nhưng lại hấp dẫn nhiều người.

Sức yếu của những vấn nạn căn bản cũng nói lên cái tôi của mình yếu, sinh ra cái gọi là văn hóa của chủ thuyết hư vô hoặc trống rỗng, nhất là nơi tâm hồn của những thế hệ mới, với những hậu quả vô cùng thảm hại. Khi một người không còn biết cuộc sống là gì, hay tại sao phải sống, tức là có một căn tính yếu, trở nên chủ thể nguy hiểm đang đứng trước vực thẳm, tự hủy, nhất là khi cuộc sống hằng ngày đối với họ như một vấn đề nan giải.

Và một căn tính Kitô hữu vững mạnh nghĩa là gì?

Nghĩa là khám phá cội nguồn Kitô của mình đã được ăn rễ sâu trong Bí tích Thánh Tẩy. Thật vậy, là người Kitô hữu không có nghĩa chỉ tuân giữ một quy luật luân lý, noi theo một mẫu gương. Bởi vì từ cội nguồn người Kitô hữu còn có một biến cố tạo thành, một cuộc tái sinh. Chính ông Nicôđêmô, một người Pharisiêu nổi tiếng, nhờ những ngờ vực của mình, khi đối diện với Chúa Giêsu, trong đêm tối, đã đặt một câu hỏi căn bản về sự mới mẻ của Kitô giáo: "Làm sao một người khi đã già có thể sinh lại được?". Một câu hỏi vừa ngây ngô vừa nghịch lý. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3, 5). Bởi vậy, không phải luân lý có thể định nghĩa được người Kitô hữu, nhưng là biến cố tái sinh nhờ tác động của Thần Khí.

Như Thần Khí đã hoạt động cách nhiệm mầu thế nào trong cung lòng của Đức Maria để thực hiện việc nhập thể, việc Con Thiên Chúa đến trên trần gian, thì chính Thần Khí cũng tác động trong lòng Giáo hội như thế để sinh ra con cái Thiên Chúa.

Chúng ta có thể trích dẫn một vài đoạn Thánh Kinh để làm sáng tỏ tác động này. Trước hết, đó là ước mơ của Thiên Chúa trên mỗi người: "Vì những ai Ngài đã biết, từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8, 29). Mỗi con người đều được "in ra" theo khuôn mẫu của trưởng tử là Đức Giêsu Kitô. Hình ảnh này không thể bị hủy diệt. Loài người có thể hủy diệt sự giống nhau, nhưng không thể hủy diệt được hình ảnh. Sự giống nhau nói lên lối suống luân lý, trong khi hình ảnh chính là bản chất con người đã được thuần hóa tận gốc.

"Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi" (Gl 4,4-6).

"Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa" (Rm 8,15-16). Việc tái sinh không phải là công trình của con người, nhưng của Thần Khí. Đó là điều xảy ra trong Bí tích Rửa Tội như thánh Phaolô đã khẳng định trong thư gởi tín hữu Galata: "Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô" (Gl 3, 27).

Tông huấn Christifideles laici cũng nhắc lại rằng chính Chúa Giêsu "đã mặc khải sự hiệp nhất nhiệm mầu giữa các môn đệ với Người và giữa họ với nhau… Mọi cành của cùng một thân nho" [3]. Bởi vậy, có rất nhiều hình ảnh diễn tả sự hiệp nhất theo chiều dọc và chiều ngang, với Đức Kitô và giữa các môn đệ với nhau: hình ảnh thân nho và cành nho (Ga 15, 5), tòa nhà thiêng liêng (1Pr 2, 5), thân thể (Rm 12, 5; 1Cr 12, 27). Đó là những hình ảnh nói lên những lãnh vực khác nhau của căn tính. Không một hình ảnh nào có thể nói lên được tất cả mầu nhiệm.

Từ đó chúng ta cần sửa lại lối nói mà nhiều lần chúng ta nghe: "Trước khi là Kitô hữu, thì tôi là dược sĩ; trước khi là Kitô hữu, tôi là người…". Không gì sai lầm cho bằng lối nói ấy: căn tính thật sự và luôn mãi của tôi là con cái Thiên Chúa. Không có chuyện làm người trước rồi mới làm người Kitô hữu sau. Nhân tính đầy đủ của con người được thực hiện như con cái Thiên Chúa. Cũng như không có nhân tính của một người trước rồi mới thuộc về một gia đình: nhân tính của tôi có như người con và như người anh em của… Đó là chúng ta chưa nói đến nghề nghiệp: nghề nghiệp chỉ là nhất thời, ad tempus; làm người Kitô hữu là luôn mãi, và là ơn gọi đời đời.

Đó chính là tầm quan trọng căn bản và quyết liệt của Bí tích Thánh Tẩy. Tất nhiên, trong cuộc sống ơn gọi riêng của mỗi người đều quan trọng (hôn nhân, giáo dân, linh mục, tu sĩ), nhưng ơn gọi nền tảng và phổ quát, nguyên thủy và không thể lặp lại, là ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở nên giống Chúa mỗi ngày. Đó chính là ơn gọi nên thánh.

 

4. Với Đức Kitô, Tư Tế, Ngôn Sứ Và Vương Đế vì sứ mạng

Có một căn tính mạnh mẽ và tích cực là khám phá ra cội rễ, mẫu gương của mình và làm cho nó lớn lên theo trường Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể, các Bí tích, cộng đoàn, mà Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta. Cũng như làm cho căn tính ấy có được những năng lực chân thực, mang tính chất Tin mừng, đồng thời làm cho nó khỏi bị ô nhiễm bởi thế gian.

"Mạnh mẽ và tích cực": Kitô hữu không phải là người không ngoại đạo; giáo dân không phải là người không thuộc hàng phẩm trật. Tất cả các lối nói ấy không diễn tả được gì cả. Định nghĩa cách tích cực nhất về người Kitô hữu là nhìn vào mẫu gương của mình, đó là Đức Giêsu Kitô. "Đó là một khía cạnh mới của ân sủng và của phẩm giá bí tích: về phần các tín hữu giáo dân, họ tham dự vào ba sứ mạng - tư tế, ngôn sứ và vương đế - của Đức Giêsu Kitô" [4].

Thật vậy, ba lời ấy nói lên cả sứ mạng lịch sử của Chúa Giêsu, một sứ mạng mang một chiều kích vũ trụ và phổ quát. Sứ mạng này được diễn tả qua ba chiều hướng:

  1. a) Hướng về Chúa cha. Khi đi vào trần gian, Chúa Giêsu nói: "Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể… Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10,5-7). Bởi vậy, trọng tâm của lịch sử là cuộc chinh phục của Chúa Giêsu, mầu nhiệm chết và sống lại của Người. Đó chính là giờ mà Đức Kitô thực hiện sứ mạng tư tế của mình và hoàn tất việc cứu rỗi trần gian. Phục sinh là ngày sinh của nhân loại mới.
  2. b) Sứ mạng của Chúa Giêsu được thực hiện qua một Lời hoàn toàn mới, trong đó Người mặc khải cho loài người gương mặt của Chúa Cha và mang loài người lại cho Chúa như con cái: "Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng có ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1, 28). "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1,1-2). Như vậy, Chúa Giêsu cũng là ngôn sứ.
  3. c) Nhưng Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng của mình trên thế gian bằng cách thi hành vai trò vương đế, với một lối sống làm cho nhiều môn đệ và cả những kẻ thù nghịch không mấy ưa thích. Ngay cả khi đứng trước quan Philatô, Chúa Giêsu cũng nhìn nhận mình là vua, "nhưng không phải của thế gian này" (Ga 18, 36), và cũng không theo cách của thế gian.

Tính chất vương đế nghĩa là chống lại tính ích kỷ, bạo tàn, cơ chế tội lỗi đã làm hư hỏng sự hài hòa và hiệp thông giữa loài người với nhau cũng như mối tương quan giữa con người và thế gian bằng cách làm mất nhân tính của nó. Nói đến "vương đế" tức là tái lập thế gian theo sự hài hòa nguyên thủy giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau, giữa con người và thế giới.

Ngay cả đề tài sinh thái, một chủ đề rất mới mẽ hiện nay, cũng đã được vào chiều hướng vương đế hoàn toàn phù hợp với thần học. Như vậy, tính chất vương đế của Đức Kitô cũng có mục đích nhân bản hóa thế giới, theo tinh thần Bát Phúc.

Thế giới đang cần được tái lập theo hình ảnh và giống như Nước Chúa, cho dù điều đó không thể thực hiện được cách hoàn toàn trong lịch sử, nhưng chỉ khởi đầu trong lịch sử mà thôi.

Bởi vậy, mỗi người con của Thiên Chúa tái sinh trong Bí tích Thánh tẩy đều được mời gọi vào một sứ mạng cao cả là tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu. Tất cả Kitô hữu, tất nhiên kể cả giáo dân, đều được mời gọi vào nhiệm vụ tư tế của Chúa Giêsu: bằng cách dâng lời cầu nguyện riêng, đời sống và thế giới, để trở nên của lễ sống động dâng lên Chúa Cha (chức tư tế cộng đồng); vào nhiệm vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu: bằng cách lắng nghe và chia sẻ Lời Người, nói bằng cuộc sống; vào nhiệm vụ vương đế: bằng cách hoạt động trong thế giới theo lề lối của Tin mừng, cổ võ công lý, phục vụ và yêu thương.

 

5. Sứ mạng giáo dân: nhìn vào Chúa Giêsu, chứng tá của tính chất Vương đế

Bởi vậy, mọi kẻ tin vào Đức Kitô đều là "con cái trong Người Con" và tham dự vào sứ mạng của Người. Như thế, Kitô hữu không phải là người nhìn vào Chúa Giêsu và nói: "Tôi tin vào Đức Kitô", nhưng là người nhìn vào thế giới như Đức Giêsu Kitô, bằng việc chia sẻ kế hoạch cứu độ của Chúa Cha trên lịch sử. Kitô hữu là người biết quan tâm đến người khác và ơn cứu độ của họ.

Vậy, đâu là ơn gọi-sứ mạng đặc biệt của người Kitô hữu giáo dân?

Một vài cái nhìn trên đây cũng đủ nói lên lý do và cho thấy tất cả ơn gọi Kitô và đó cũng là ơn gọi giáo dân. Quả thực, mỗi ơn gọi đều được định nghĩa trước hết bằng cách nhìn vào Chúa Giêsu.

Ơn gọi vào thừa tác vụ linh mục là tham dự chức tư tế của Đức Kitô vào việc phục vụ cộng đoàn Kitô hữu. Một thừa tác viên được phong chức linh mục, tiếp tục công việc thừa kế các tông đồ, và làm cho cộng đoàn Kitô hiện hữu, để cử hành Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, ở đâu có Giáo hội, thì ở đó có sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh. Thánh Thể có nếu có linh mục, dụng cụ cần thiết để Chúa Thánh Thần có thể làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong dấu chỉ bánh và rượu.

Ơn gọi vào đời sống thánh hiến là tham dự đặc biệt vào sứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô. Là dấu chỉ cách thế hiện diện và yêu thương của Người, một cách thế yêu thương trinh khiết, nguyên thủy loan báo Bát Phúc, ưu việt tuyệt đối của Thiên Chúa trong thế giới của những thực tại "cuối cùng".

Ơn gọi giáo dân là dấu chỉ tính chất vương đế của Đức Kitô: của mối tuong quan tự do và giải thoát của Người với thế giới. "Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa" [5].

Bởi vậy, người giáo dân biết nhìn vào những thực tại trần thế - con người, cuộc sống, việc làm, tiền của, bổn phận chính trị, văn hóa, … - bằng cái nhìn của Đức Giêsu ki, dưới ánh sáng của Tin mừng.

 

6. Sứ mạng giáo dân: nhìn vào Giáo hội trong sứ mạng giữa thế giới

Giáo hội, thân thể của Đức Kitô, là dân Thiên Chúa đang bước đi trong lịch sử, bằng cách loan truyền sự hoàn tất của mình, tương lai của Bát Phúc, "điều đã có và điều chưa thể hiện" của Nước Thiên Chúa.

Giờ đây, trong cộng đoàn có biến cố xây dựng, cuộc lữ hành trong thời gian của con người và sự chờ đợi vương quốc đến. Đó là AND của Giáo hội: ẩn số di truyền của người mẹ có thể gặp thấy trong mỗi đứa con Kitô hữu của mình. Nhưng AND này cũng nói lên các ơn gọi.

Có những người làm nhân chứng của yếu tố nền tảng, của ký ức, đó là những linh mục: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19). Các linh mục trong khi cử hành Bí tích Thánh Thể chăm sóc cội nguồn của Giáo hội; làm cho Giáo hội hiện diện.

Có những người làm ngôn sứ của vương quốc đã được thể hiện và nhắc nhở việc hoàn tất, bằng cách thực hiện trong thời gian cách thế hiện hữu nhất định. Thật vậy, đời sống thánh hiến "làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Đức Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời" [6].

Trái lại, có những người làm chứng cách đặc biệt sự hiện diện của Giáo hội trong thời gian, làm cho mọi người thấy được tính chất lịch sử của Giáo hội, qua cả mọi biến cố đau thương và đầy hứa hẹn của một Giáo hội luôn mới mẻ. Thời giờ sẽ trở thành thời giờ của Thiên Chúa, nhất là qua những người Kitô hữu giáo dân: "Như thế, trần gian sẽ trở thành bối cảnh và phương tiện của ơn gọi Kitô hữu giáo dân" [7]; "Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân" [8]; "Đặc tính trần thế được hiểu dưới ánh sáng của hành động sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng đã ủy thác thế giới cho những người nam và người nữ, để họ tham dự vào công trình tạo dựng, giải thoát chính việc tạo dựng khỏi ảnh hưởng của tội lỗi và thánh hóa chính mình trong hôn nhân hoặc trong đời sống độc thân, trong gia đình, trong nghề nghiệp và trong những hoạt động xã hội khác nhau" [9].

Bởi vậy, dưới ánh sáng của Đức Kitô và Giáo hội, mỗi ơn gọi đều tương đối, vì không một ơn gọi nào có thể diễn tả được toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội, nhưng chỉ một khía cạnh mà thôi. Mọi ơn gọi đều cần thiết, vì tất cả cùng xây dựng dấu chỉ hiện diện của Đức Kitô trong lịch sử. Các linh mục cần thiết, nhưng các Kitô hữu giáo dân và những người sống đời sống thánh hiến cũng cần thiết như vậy.

Điều đó càng khuyến khích sự hiêp thông tương trợ giữa các ơn gọi cùng nâng đỡ nhau, vì tất cả đều có sứ mạng cao cả trong thế giới. Và như vậy có nghĩa là giúp đỡ nhau, để mỗi người có thể trung thành với ơn gọi của mình. Điều đó cũng giúp chúng ta vượt khỏi đầu óc duy giáo sĩ, loại bỏ giáo dân ra ngoài; cũng như vượt qua khỏi chủ nghĩa song hành, sống gần nhau mà không biết nhau.

Nếu trong hôn nhân, vận mạng của chồng được ủy thác cho vợ và vận mạng của vợ được trao phó cho chồng, qua ân huệ hỗ tương, thì cũng vậy, mỗi ơn gọi Kitô đều được ủy thác cho ơn gọi khác.

Từ đó, dù có sự vượt qua, nhất là từ phía những người Kitô hữu giáo dân, từ một điều kiện thụ động, để trở nên người đóng vai trò chủ động của sứ mạng, nhưng chỉ vượt qua từ những thái độ thuần túy việc làm, hoặc từ những thái độ chỉ cộng tác, đến việc lãnh nhận công tác đồng trách nhiệm của việc xây dựng Nước Chúa ngay trong lịch sử. Với chiều hướng đó chúng ta mới có thể xây dựng được hiện tại và tương lai sứ mạng của người Kitô hữu giáo dân.

 

7. Một con đường nên Thánh nguyên thủy

Thiên Chúa đã có một kế hoạch trên mỗi người như giấc mơ của Ngài. Như một hạt giống, kế hoạch ấy đã được vạch ra như sức mạnh hối thúc con người tiến đến chỗ thực hiện trọn vẹn chính mình, với đầy đủ nhân tính của nó. Sức mạnh ấy biểu lộ như lòng ao ước, như nỗi xao xuyến, như niềm mong được vươn lên, như một thao thức nội tâm hướng về điều tuyệt đối, đến gần một người nào đó đang ở ngoài kinh nghiệm của những điều chóng qua. Nếu không có vi khuẩn tội lỗi, thì "bản năng" thiêng liêng này đã đưa chúng ta tiến thẳng đến Thiên Chúa, gần giống như Ngài. Nhưng ngược lại, chúng ta đang mang trong mình những sự thúc đẩy lạc hướng của tính ích kỷ do tội lỗi.

Bởi vậy, có nhiều danh hiệu cho thấy con người thực hiện trọn vẹn theo lối thế gian: chẳng hạn như giàu có, thành công, quyền lực. Tất cả những chiều hướng đó đều ở ngoài con người và hệ tại trên việc mình làm. Con người tin rằng mình đã thành công khi đã làm được một việc gì đó. Trái lại, có danh hiệu Tin mừng giúp con người thực hiện chính mình cách trọn vẹn: đó là việc nên thánh. Con đường này không hệ tại trên việc mình làm, nhưng trên điều mình là. Tất nhiên điều mình đó cũng được biểu lộ trong việc mình làm.

Tuy nhiên, khi nói đến việc nên thánh, chúng ta cần tránh dùng những ý tưởng có vẻ xa lạ, chẳng hạn như cho rằng việc nên thánh chỉ dành ưu tiên cho một số ít người, hoặc các thánh là những người đáng được ngưỡng mộ, nhưng không phải để noi theo. Thật vậy, Hiến chế Lumen gentium, ở chương 5, đã khẳng định rằng việc nên thánh là "ơn gọi phổ quát của con người, được mời gọi nên giống Đức Kitô khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, dưới tác động của Chúa Thánh Thần".

Từ đó, ơn gọi nên thánh của những người Kitô hữu giáo dân cần nhìn vào Chúa Giêsu, vì Người là mẫu số chung của mọi người, là Đấng Thánh đúng nghĩa nhất, "là trưởng tử giữa nhiều anh em" (Rm 8, 29). Cũng từ đó, việc nên thánh của người Kitô hữu giáo dân mang đặc tính như việc nên thánh tương trợ cho thế gian. Tinh thần phục vụ và nhiệm vụ nhân bản hóa các thực tại trần thế, chẳng hạn như việc làm, cuộc sống gia đình, y tế, chính trị, văn hóa. Tất cả đều là con đường thực hiện cá nhân trong việc nên thánh.

Việc nên thánh thường không tên, bởi vì đó là con đường khiêm nhường của những việc làm nhỏ bé hằng ngày, được thêu dệt bởi lòng trung thành, hy sinh, tương quan, gặp gỡ. Tất cả đều nhờ đức tin, đức cậy và đức mến làm cho những việc tầm thường nhỏ bé trở nên lớn lao, làm được những điều không thể làm được.

Việc nên thánh cũng như men đổi mới:" Các thánh nam nữ luôn là cội nguồn của việc đổi mới những hoàn cảnh khó khăn nhất trong cả lịch sử Giáo hội" [10].

Bởi vậy, việc nên thánh nơi người Kitô hữu giáo dân là một ân huệ luôn cần phải kêu xin, nhất là trong thời hậu công đồng này, để có thể trở nên như một dấu chỉ thời đại. Nhưng mọi Kitô hữu cần phải làm phát triển mầm Bí tích Thánh Tẩy nhờ những phương tiện nuôi dưỡng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: cầu nguyện, Thánh Thể, Lời Chúa, Bí tích Hòa Giải.

Trong tinh thần hỗ tương giữa các ơn gọi, đặc biệt các linh mục, được mời gọi như những người hướng dẫn thiêng liêng, để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa trên con người, đồng thời cũng tôn trọng ơn gọi của mỗi người.

Chúng ta tin chắc điều này là nơi nào có men nên thánh thì nơi đó có nhân bản hơn, ngay cả trong những thảm cảnh của cuộc sống. Việc nên thánh làm cho con người sống đúng với bản chất của mình là người nam và người nữ hơn.

 

TGM. Enrico Masseroni

Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ (chuyển ngữ)

Trích "Người Kitô hữu giáo dân, căn tính và những thách đố mới", tr. 9-23.

 

 

[1] E. Marzo. C. Ocone, Manifesto laico, Laterza, Roma-Bari 2000. Tất cả các sách trích dẫn chỉ được ghi đầy đủ lần đầu, về sau chỉ ghi những điều cần mà thôi.

[2] Conferenza Episcopale Piemontese, Per un impegno dei cristiani nel mondo della scuola (2001).

[3] GIOAN PHAOLÔ II, Christifideles laici, (Tông huấn 1988) 15.

[4] GIOAN PHAOLÔ II, Christifideles laici, 14.

[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Lumen gentium (Hiến chế tín lý 1964), 31.

[6] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Lumen gentium, 44.

[7] GIOAN PHAOLÔ II, Christifideles laici, 15.

[8] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Lumen gentium, 31.

[9] GIOAN PHAOLÔ II, Christifideles laici, 15.

[10] GIOAN PHAOLÔ II, Christifideles laici, 16.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com