Sống Lời Chúa - Chúa nhật 30 Thường niên - Năm A

SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM A (25/10/2020)

HAI GIỚI RĂN THÀNH MỘT

[Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10, Mt 22,34-40]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Từ Cựu Ước cho tới Tân Ước, Thiên Chúa chỉ muốn mạc khải cho con người biết Người là Tình Yêu. Vì là Tình Yêu nên Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người. Vì là Tình Yêu nên Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Thiên Chúa chỉ mong đợi một điều là loài người nhận ra:

* Người là Vị Thần Linh đáng được yêu mến trên hết mọi sự.



* Con người, vì đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, và đã được Con Thiên Chúa chết trên thập giá để cứu chuộc, nên đáng được đồng loại yêu thương như chính bản thân mình.

Cốt yếu của Đạo Mạc Khải là ở đó! Hai giới răn quan trọng nhất của Ki-tô giáo là mến Chúa và yêu người đã thành một.
                             

II. NGHE/ĐỌC LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Bài đọc 1: Xh 22,20-26: "Nếu các ngươi hà hiếp các cô nhi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các ngươi" Đây Chúa phán: "Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi.

"Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Đấng thương xót".



2.2 Bài đọc 2: 1 Tx 1,5c-10: "Anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để trông đợi Con của Người" Anh em thân mến, khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Và anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.

Vì từ nơi anh em, lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi; lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, "Đấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại", là Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.



2.3 Bài Tin Mừng: Mt 22,34-40: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?"

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".
 

III. KHÁM PHÁ DUNG MẠO VÀ GIÁO HUẤN CỦA THIÊN CHÚA

3.1 Dung Mạo của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?):

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

* Là Đấng đã đặc biệt quan tâm đến những người ngoại kiều và những thành phần bé nhỏ, bất hạnh (mẹ góa con côi) trong xã hội Ít-ra-en. Có thể nói Thiên Chúa muốn cho dân Ít-ra-en hiểu rằng Người luôn bảo vệ “quyền” của những người sa cơ lỡ vận trong xã hội  và đứng ra bênh vực họ mỗi khi họ bị khinh khi áp bức. Lời kêu cứu của những người này như có sức mạnh làm Thiên Chúa động lòng và khiến Thiên Chúa phải hành động (bài đọc 1).

* Là Chúa Giê-su, Đấng đã hòa nhập và tóm kết hai giới răn [mến Chúa yêu Người] thành một giới răn duy nhất, một cách hết sức tài tình và đầy quyền uy (bài Phúc âm), khiến từ nay, ai không yêu người thân cận thì khó mà nói được là mình yêu Chúa! Điều Chúa Giê-su còn muốn chúng ta quan tâm là CÁCH chúng ta được mời gọi mến Chúa và yêu người thân cận. Mến Chúa thì mến “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.” Còn yêu người thân cận thì yêu “như chính mình.”

* Là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện và hành động cùng Chúa Cha và Chúa Giê-su trong cách hành xử và giáo huấn của Thiên Chúa. Người cũng là Đấng tác động và giúp đỡ các Ki-tô hữu hiểu và thực hành giới răn kép (mến Chúa và yêu người) là tổng hợp cả luật Môsê và các sách ngôn sứ.



3.2 Giáo Huấn của Thiên Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):

Giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là thực hành giới răn: Mến Chúa yêu người:

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi."

“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37.39).



IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

Để thực hiện giáo huấn của Lời Chúa hôm nay,

* Trước hết mỗi người chúng ta phải hiểu

- thế nào là “yêu mến Thiên Chúa, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn"  



- thế nào là “yêu người thân cận như chính mình.”

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng” là yêu mến Thiên Chúa với tất cả tình cảm chân thật và sâu đậm;

“Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn” là chỉ có một mình Thiên Chúa làm chủ và ngự trị linh hồn mình mà thôi;

“Yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn” là vận dụng mọi khả năng trí tuệ, mọi hiểu biết, kiến thức mà phụng thờ Thiên Chúa;

Còn “yêu người thân cận như chính mình” là yêu mình thế nào thì yêu người thân cận thế ấy! Người thân cận không hẳn chỉ là những người sống bên cạnh chúng ta mà chính yếu là những người cần đến chúng ta giúp đỡ, mong được chúng ta phục vụ.

* Kế đến mỗi người phải thường xuyên “tự kiểm” xem mình đã yêu Chúa và yêu người như Chúa dậy chưa? Cụ thể là nhìn xem mình đã dành bao nhiêu thời gian, sức lực và khả năng cho việc phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ những người cần đến mình?
 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi» Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho mọi dân mọi nước biết kính sợ và thờ phượng Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và Cứu Độ.  

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.



5.2  «Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng y, Giám mục, Linh mục và Tu sĩ nam nữ, để mọi người thực hành giới răn kính Chúa yêu người một cách nghiêm chỉnh và quyết liệt.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.



5.3 «Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập» Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người di dân nội địa hay từ nước mình đến nước khác, để họ được các chính quyền và  mọi người tôn trọng và giúp đỡ và có cuộc sống an vui hạnh phúc nơi đất khách quê người.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
 

5.4 «Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các thành phần bất hạnh, neo đơn, nghèo nàn, bị áp bức, khinh khi trong xã hội để họ gặp được những người Sa-ma-ri nhân hậu ra tay trợ giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của họ được no đủ và hạnh phúc.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

      Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.

Sài Gòn ngày 20 tháng 10 năm 2020


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com