Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN III MÙA VỌNG - C (Is 12, 2.4-6) ) 13-11-2015

 

"Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả."

 

2 Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
tôi tin tưởng và không còn sợ hãi,
bởi vì ĐỨC CHÚA là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.

4 Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó:
Hãy tạ ơn ĐỨC CHÚA, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
và nhắc nhở: danh Người siêu việt.

5 Đàn ca lên mừng ĐỨC CHÚA,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công;
điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường.

6 Dân Xi-on, hãy reo hò mừng rỡ,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại!

 

Sách I-sa-i-a không thuộc về các thánh vịnh, nhưng rất đáng liệt vào các bộ Thánh Vịnh trong Thánh Kinh. Đây chính xác là một bài ca phụng vụ thánh, điều này chứng minh rằng tất cả các bài thánh ca không được xếp vào Thánh vịnh. Thánh vịnh cậy trông, Thánh vịnh tạ ơn vì Chúa Cứu Độ, qua đó ta có thể nghĩ là mọi sự đều mang màu hồng, tất cả đều tốt đẹp…! Thế nhưng nếu bạn tò mò tìm đọc trong Thánh Kinh câu trước đó, bạn sẽ thấy: «1 Ngày đó, bạn sẽ nói » tức là nội dung của sự tạ ơn chưa xảy ra, lúc bấy giờ còn đang trong sợ hãi.

Thật vậy, bối cảnh chính trị còn đang tối tăm. Chúng ta đang trong thế kỷ thứ Tám trước CN, vào khoảng năm 740-730. Triều đại At-sua (kinh đô là Ni-ni-vơ) còn đang thời kỳ thịnh vượng, không gì ngăn cản họ bành trướng. Nhiều tài liệu nói về nỗi lo sợ họ khắp nơi trong vùng…Họ là Kẻ Thù, là mối nguy cơ cho mọi dân!...Các bạn hẳn còn nhớ sách Giô-na xem Ni-ni-vơ như một thành phố báng bổ, tất cả những tội lỗi tày trời nhất thế gian là có ở đây. Thời ấy dân Chúa chia ra làm hai vương quốc.(sau khi vua Sa-lô-môn băng hà, khoảng năm 930) Hai vương quốc tí hon cạnh bên nhau, những gì đe doạ xứ này tất nhiên cũng đe dọa xứ bên kia. Hai nước này, lẽ ra ít nữa phải là hai xứ bạn, nếu không phải thống nhất với nhau, lại có những đường lối chính trị khác nhau, và có khi chống đối nhau. Đó là trường hợp ở dây.

Vương quốc Miền Bắc (kinh đô là Sa-ma-ri) cố gắng cố thủ trước áp lực của quân  At-sua  và để chống cự lại, họ giao hảo với vua Đa-mát và bao vây thành Giê-ru-sa-lem để bắt buộc vua A-khát nhập vào liên minh của họ.  A-khát ở giữa gọng kềm, một bên là các tiểu vương lân cận, tuy không hùng mạnh nhưng đã đến kề bên cổng thành Giê-ru-sa-lem, bên kia là Ni-ni-vơ, nếu không khéo thì Át-sua tiêu diệt hết mọi người.

Cuối cùng A-khát bắt buộc phải chọn đầu hàng, thay vì chiến đấu cho một mục tiêu không thể nào đạt được. Ông tự nguyện xin làm chư hầu xứ At-sua, mua lấy sự an toàn cho bản thân nhưng, dĩ nhiên mất hết tự do. Nhìn về khía cạnh con người thì ông có lý, nhưng dân Chúa có quyền, nên chăng chọn lựa cách nhìn phàm nhân? Cách tính toán ấy bị ảnh hưởng bởi lòng sợ hãi, nhưng một tín hữu có quyền sợ không? Đức tin ở đâu? Các bạn hẳn biết câu tuyệt vời trong Sách I-sa-i-a chương 7: «2 Người ta báo tin cho nhà Đa-vít rằng: "A-ram đã đóng quân ở Ép-ra-im." Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió». (Is 7, 2) Ở đây, vua A-Khát vì quá sợ hãi và ngờ vực đã ra tay phạm một hành động ghê rợn: Hiến tế toàn thiêu chính con trai của mình cho một vị thần để không phải thua trận. Ông sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì.

Thái độ của I-sa-i-a rất quả quyết: «Ngài hãy coi chừng, cứ bình tĩnh, đừng sợ»( 7,4)…«Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững» (7, 9) Nghe như Chúa Giê-su nói:"Người đâu mà kém tin vậy!» (Mt 14, 31). Sau đó là một đoạn dài gồm những lời gợi lên lòng cậy trông, từ chương 7 đến chương 11, đó là những lời ngay trước bài chúng ta đọc hôm nay. Vị tiên tri phán rằng chiến thắng của quân At-sua chỉ có một thời, không bao lâu mọi người sẽ ca bài hát tự do. Vì thế bài thánh ca được sáng tác ở đây là một bài ca nói lên lòng được nhẹ nhõm trút đi gánh nặng! «( 2) Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi»

Hẳn các bạn chú ý sự giống nhau giữa bài thánh ca I-sa-i-a 12 này và chương 15 sách Xuất Hành, tức là bài ca ông Mô-sê và con cái It-ra-en đã hát bên bờ Biển Đỏ, sau khi vượt qua một cách nhiệm mầu, giải thoát khỏi quân Ai-cập: «2 CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng .(Xh 15, 2). Ở đây còn hơn niềm vui được giải thoát, là cả một bài tuyên xưng đức tin. Sách Xuất Hành chép trong các câu trước rằng: «Toàn dân kính sợ ĐỨC CHÚA, tin vào ĐỨC CHÚA, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người.1 Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en hát mừng ĐỨC CHÚA bài ca sau đây…» (Xh 14, 31b-15,1a)

I-sa-i-a năm trăm năm sau, cũng dùng cách tuyên xưng đức tin ấy để nâng đỡ những người đương thời. Họ hiểu ngay sứ điệp của ngôn sứ qua cách nói ấy: Thiên Chúa đã giải thoát anh em khỏi Pha-ra-ôn, mặc dù theo cách nhìn của con người, không thể nào tưởng tượng có thể được. Cũng như thế ấy, rồi đây Thiên Chúa sẽ giải thoát anh em khỏi đế quốc At-sua, vì mặc dù chúng làm cho anh em rất sợ hãi, trước mặt Chúa chúng không hơn gì Ai-cập!

Ông Mô-sê đã có trải nghiệm tuyệt vời về sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa toàn năng trong sa mạc Si-na-i. I-sa-i-a cũng sống trải nghiệm ấy, nhưng ông phát biểu với những lời lẽ của ông. Từ ngày ông sống sứ vụ của mình, ông rất được đánh động bởi sự Toàn Năng, Toàn Thiện của Thiên Chúa: Chúng ta còn nhớ bài kể về ơn gọi của ông. Vừa choáng mắt vừa sợ trước thị kiến lớn lao, ông chỉ còn biết lập đi lập lại: "Thánh! Thánh! Chí Thánh!ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh» (Is 6, 3). Ở đây ông cũng nói lên lòng thán phục trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, nhưng ông dùng cách phát biểu, thoáng qua có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên: «giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại!». Chúa là Đấng Thánh, tức là Đấng Toàn Năng khó bề với tới, nhưng đồng thời Ngài gần gũi dân Ngài đến độ họ có thể cầu mong có mối quan hệ gần gũi với Ngài: Chúa là Đức Thánh It-ra-en, tức là dân Chúa chọn có thể xem mình thuộc về Ngài, và Ngài ở giữa họ. Chúng ta nghe như tiếng vang của Sách Sô-phô-ni-a: «14 Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,…Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi» (Sp 3,14a.15b)  (trong Bài Đọc 1 Thánh Lễ hôm nay).

Chúng ta không nên vội suy luận rằng It-ra-en muốn dành riêng độc quyền Giao Ước với Thiên Chúa: hầu như mỗi lần bài thánh vịnh ca ngợi Chúa chọn lựa It-ra-en, là cũng có vài nét nói về tính hoàn vũ, bởi vì từ ngàn xưa sự chọn lựa được hiểu không phải là một độc quyền mà là một ơn gọi. Trong bài này, nói về tính cách hoàn vũ được hiểu qua câu 4: «Hãy tạ ơn ĐỨC CHÚA, cầu khẩn danh Người». Để đáp lại ơn gọi ấy - và chúng ta cũng có thể hiểu cho chính chúng ta - dân được cứu độ chỉ còn một điều phải làm: Làm chứng trước mặt mọi người (bằng lời ca tiếng hát và bằng đời sống của mình) Chúa là đấng cứu độ thật sự: «ĐỨC CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.»

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com