Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN III MÙA VỌNG - C (Pl 4, 4-7) 13-12-2015

 

"Chúa gần đến".

Trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.

 

4 Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em!

5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.

6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.

7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.

 

«6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện». Ngay trước câu này thánh Phao-lô cũng nói «Chúa đã gần đến». Chỉ trong mấy câu, tất cả những gì về cầu nguyện đã được đề cập đến: Trước hết trong cầu nguyện, lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn luôn luôn đi đôi với nhau; thứ hai là Chúa gần gũi chúng ta; điều thứ ba vì Chúa gần gũi, chúng ta không phải lo sợ gì.

Điều thứ nhất, trong cầu nguyện, lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn luôn luôn đi đôi với nhau. Đây là một đặc thù của lời nguyện Do Thái, hai vế đều cùng có trong lời nguyện: «Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con…và xin cho hy lễ chúng con…». Đây là điều rất hợp lý, lô-gíc , vì chúng ta cầu nguyện với Chúa để biết rằng, ngài có thể và muốn ban cho chúng ta hạnh phúc…và Ngài không ngớt lo lắng ban cho chúng ta. Khi xin Ngài điều gì, dù không nói ra nhưng ta đã cảm tạ Ngài rồi. Hơn nữa khi chúng ta dâng lên Ngài một lời nguyện ước gì, Chúa cũng đã biết, chúng ta chỉ còn chuẩn bị đón nhận món quà Chúa ban cho.

Chúng ta còn nhớ thánh vịnh 66 (67, 2): «2 Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con»
. Thiên Chúa không ngơi chúc phúc cho chúng ta, tha thứ cho chúng ta, tràn đầy ơn huệ cho chúng ta…vì thế chúng ta nói: «Điều gì Chúa muốn làm, xin Ngài cứ làm, lòng con đang chờ đợi». Có thể hiểu, khi chúng ta cầu nguyện chúng ta mở cửa cho Ngài. Chúng ta hãy còn nhớ câu sau đây của Chúa Giê-su: « tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý» (Mc11, 24); Cầu nguyện tức là dìm mình vào ân huệ của Chúa.

Điều thứ hai là Chúa gần gũi chúng ta. Điều này cũng là một trong những điều thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh. Tức là là có hai điều, ít nhất:  Chúa gần gũi chúng ta vì Ngài yêu chúng ta (trong tất cả Cựu Ước điều này được nhắc lại bằng nhiều hình thức khác nhau), và hơn nữa, Ngài gần gũi chúng ta vì thời gian đã hoàn tất,  Nước Trời đã bắt đầu, và chúng ta đang ở giai đoạn sau cùng.

Hẳn các bạn còn nhớ cách trình bày của thánh Phao-lô, bằng những từ ngữ hàng hải trong nguyên văn tiếng Hy-lạp, mà không may Thánh Kinh chúng ta dịch ra: «thời gian chẳng còn bao lâu» (1Cr 7, 29),  như thuyền lúc cặp bến, cuốn buồm lại. Lịch sử loài người cũng như thế, đã đến lúc gần đến bến. Như thuyền sắp cuối hành trình, mọi hành khách dồn lên thành tàu, tựa như bị hút bởi nam châm,  khi bắt đầu thấy đất liền. Chúng ta cũng còn nhớ một câu tương tự cũng trong Thư cho Tín Hữu Phi-líp-phê : «13 Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su». (Pl 3,13-14).

Điều thứ ba vì Chúa gần gũi, chúng ta không phải lo sợ gì:«20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta» (Pl 3, 20). Chúng ta có cảm tưởng đây là tiếng vang của một Lời của Chúa Giê-su: «…26Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin! » (Mt 8, 26). Hay là một bài học về cầu nguyện trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu: 25 "Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy» (Mt 6, 25-34) .

Có lẽ thánh Phao-lô khuyên chúng ta sắp xếp lại cho đúng chỗ những lo âu của chúng ta và kiểm tra lại những ưu tiên. Nếu Nước Trời là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta, khi ấy chúng ta mang đến cho họ một chứng từ duy nhất họ cần đến là sự thanh thản bình an: « 5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến».

Chúng ta đọc trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca ngày Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng: «26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển…anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.» (Lc 26…28b) . Tức là phải hiểu: Vì anh em đã được báo trước, và anh em hiểu ý nghĩa cuối cùng của lịch sử nhân loại: Ngày giờ anh em được giải thoát đã đến, sự dữ sẽ bị toàn thắng vĩnh viễn. Không phải là vô tư mà tin cậy, thanh thản bình an. «6 Anh em đừng lo lắng gì cả»… Đó là cách nói: «chúng ta trong bàn tay của Thiên Chúa».

Sự thanh thản bình an ấy, có thể dẫn đến niềm vui: «4 Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.». Các bài đọc Chúa nhật hôm nay đều nói đến niềm vui. Trước Công Đồng Vaticanô II, các trang trí phụng vụ ngày Chúa nhật thứ III Mùa Vọng này đều mang màu hồng, để thể hiện niềm vui. Bài ca đầu Lễ bắt đầu bằng các từ ngữ thánh Phao-lô: «Gaudete-  mừng vui lên».

Điều này không có nghĩa là tất cả đều «hồng» nơi các tín hữu thành Phi-líp-phê. Vài câu trên, thánh Phao-lô nhắc lại họ đã từng đau khổ vì Chúa Ki-tô» (Có nghĩa là họ bị bách hại vì đức tin của họ). Và hơn nữa, nếu tự nhiên họ vui thì thánh Phao-lô có phải khuyên họ làm chi! Ngài dùng động từ với thì mệnh lệnh. Đây không phải một lời khuyên mà là một mệnh lệnh cho các tín hữu. Là « Ki-tô hữu » tức là thuộc về đức Ki-tô, tức là lòng tràn niềm vui của chính Đức Ki-tô. Một trong những lời nguyện ít ỏi của Chúa Giê-su, là bài tụng ca hớn hở vui mừng tuyệt vời trong Tin Mừng theo thánh Mat-thêu: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha…» (Mt 11, 25) hay câu sau đây trong Tin Mừng theo thánh Gio-an: «11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn» (Ga15, 11). Thế mà những Lời ấy Chúa nói ra trong buổi tiệc ly, tức là lúc Ngài hoàn toàn ý thức những giờ đau đớn sắp đến.

Đối với những Ki-tô hữu, nếu tôi không lầm, niềm vui lúc nào cũng phải có. Có lẽ thánh Phao-lô không cần phải nhắc chúng ta! Thế nhưng, dù có niềm vui trong nội tâm, sự thanh thản bình an ấy không có nghĩa là vắng bóng những khó khăn như một trò ảo thuật. (mỗi người chúng ta đã quá nhiều trải nghiệm điều này) Dưới ánh sáng của Thánh Kinh hay trong cuộc sống: đối với đa số trong chúng ta thực tại ảm đạm, còn có khi bi đát. Thêm một lý do để không lìa tay Chúa. Thánh Phao-lô nói cho chúng ta: Anh em đừng để ngắt đi nguồn ân sủng và tình yêu anh em đang được dìm đắm trong ấy; nhưng đừng ngại ngùng nói với Chúa những khó khăn của anh em.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com