Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN V MC - C (Ga 8, 1-11) 13/03/2016

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:  Ga 8, 12b

Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

-----------------

"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.

2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.

3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,

4 rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.

5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? "

6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.

7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."

8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.

9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.

10 Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? "

11Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! "

 

Bài này báo hiệu chúng ta đang đi vào bầu khí Cuộc Thương Khó: câu đầu có nêu lên Núi Cây Dầu, thế mà trước đó các thánh sử chưa bao giờ nói đến Núi Cây Dầu này, như hôm nay trong những ngày cuối cùng cuộc đời công khai của Chúa Giê-su. Mặt khác những người Pha-ri-sêu muốn gài bẫy Chúa, báo hiệu vụ án kết tội Ngài đã hé dạng ở chân trời. Thêm một lý do cho chúng ta đặc biệt chú ý đến mọi chi tiết của bài Tin Mừng.

Ý nghĩa của bài vượt hẳn lẽ thường một giai thoại trong đời sống Chúa Giê-su, đây chính là trọng tâm sứ mạng của Ngài. Trong màn đầu câu truyện, Chúa giữ vai trò người Thầy dạy « Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ », nhưng những kinh sư và người Pha-ri-sêu muốn đặt Chúa trong vai trò người quan tòa xét xử. Chúng ta chú ý mọi người đều đứng chỉ có Ngài là ngồi. Nội dung về xét xử đối với thánh sử Gio-an rất quan trọng, vì thế chúng ta không ngạc nhiên gì về chi tiết ngài làm nổi bật lên như thế trong lúc này. Cảnh người đàn bà ngoại tình thể hiện câu lúc ban đầu bài Tin Mừng này: « 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ».(Ga3, 17)

Trong phiên tòa giả vờ này mọi việc có vẻ đơn giản. Người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, có nhân chứng: Luật Mô-sê kết án tội này, đó là phạm điều răn Chúa mặc khải trên núi Si-nai ( 14 Ngươi không được ngoại tình. Xh20,14 ; Đnl5,18). Sách Lê-vi nói rõ tội ấy phải bị tử hình: « 10 Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử » (Lv 20, 10)

Những người Pha-ri-sêu và những Kinh Sư là những người nghiêm giữ Luật Mô-sê: điều này không có gì đáng trách! Thế nhưng họ quên rằng Luật qui định kết án tử hình cho cả hai đồng loã, người đàn ông cũng như người đàn bà ngoại tình: ai cũng biết thế nhưng chẳng có ai nêu lên, điều này chứng tỏ rằng, thực chất câu chuyện do người Pha-ri-sêu nêu lên không phải việc tuân giữ luật Mô-sê. Vấn đề của họ ở nơi khác, bài nói rõ điều này: (c 5.6a) « 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người ».

Không ai nghĩ Chúa tán thành việc ném đá, như thế là đi ngược lại tất cả những gì Ngài rao giảng về lòng thương xót, nhưng nếu Ngài dám công khai tha bổng người phụ nữ ngoại tình, tức khuyến khích mọi người bất tuân Lề Luật. Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ch 5) chúng ta đã thấy Chúa ra lệnh cho người bại liệt vừa được chữa lành vác lều chõng của mình ra về, điều tối kỵ ngày Sa-bát. Ngày hôm ấy không ai làm gì Ngài được, nhưng lần này việc khuyến khích bất tuân Luật, xảy ra công khai trước mọi người. Thật ra mặc dù Thánh Kinh viết giữa hai ngoặc kép: « Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? » địa vị của Chúa không hơn gì địa vị người phụ nữ ngoại tình: tính mạng của cả hai đều bị đe dọa.

Chúa Giê-su không trả lời ngay: « Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất ». Sự im lặng đó hẳn là để mỗi người suy nghĩ để trả lời: Chúa luôn tôn trọng, không bao giờ chạm lòng tự ái của ai. Đấng hiện thân cho lòng thương xót không bao giờ làm cho một ai bối rối, đối với những kinh sư, những người Pha-ri-sêu, và không kém gì đối với người phụ nữ ngoại tình! Chúa muốn đồng hành một đoạn đường với những kẻ này và người kia.

Sự thinh lặng của Chúa rất có tính cách xây dựng: Ngài mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và kinh sư khuôn mặt thật của Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Khi Ngài bắt đầu trả lời, câu nói của Chúa giống như một câu hỏi: « Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi ». Luật không nói là nhân chứng phải ném viên đá đầu tiên nhưng có nói rõ trong trường hợp thờ phượng bụt thần (Đnl 13, 9-10; Đnl 17, 7). Vì thế câu trả lời của Chúa có thể được hiểu: « Người phụ này phạm tội ngoại tình, bề ngoài rõ ràng là như thế thật, nhưng các ngươi, có phải các ngươi đang phạm một tội ngoại tình nặng hơn thế nữa sao, tức là bất trung với Thiên Chúa của Giao Ước ? Lề Luật ngày nay đã trở thành bụt thần của các ngươi »

Chúng ta thường nghe các ngôn sứ nói thờ phượng bụt thần như một tội ngoại tình. Thế mà lỗi phạm với lòng từ bi thương xót, là bất trung với Thiên Chúa là đấng từ bi thương xót. Những người Pha-ri-sêu và những Kinh Sư là những người thành tâm muốn làm con cái Đấng Cao Cả, trong lúc Chúa Giê-su nói với họ: « Các người đừng lầm Thiên Chúa, hãy từ bi nhân hậu ». Sau cách trả lời ấy, mọi người bỏ đi: « 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi ». Không lạ gì: những người lớn tuổi là những người sẵn sàng nghe tiếng gọi của lòng thương xót hơn. Biết bao lần các người ấy đã trải nghiệm lòng thương xót của Chúa…. Biết bao lần họ đã đọc, đã hát lên, đã suy gẫm câu: « ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín »(Xh 34, 6). Biết bao lần các người ấy đã hát bài Thánh Vịnh 51 (50): « 11 Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm »… Chúa Giê-su, Ngôi Lời đến để chu toàn sứ vụ Mặc Khải cho họ.

Thế rồi chỉ còn Chúa Giê-su và người phụ nữa ở lại: đây là cuộc đối diện, như thánh Au-gút-ni-nô nói, giữa sự khốn khổ và lòng thương xót. Đối với người phụ nữ, Ngôi Lời cũng sẽ chu toàn sứ mạng Mặc Khải lời Hoà Giải. I-sa-i-a khi nói về người Tôi Trung thật sự của Thiên Chúa cũng đã loan báo: « 3 Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý » (Is 42, 3). Không phải khoan dung thái quá, Chúa nói « Đừng phạm tội nữa ». Không phải muốn làm gì thì làm, tội vẫn bị kết án… thế nhưng chỉ có tha thứ mới có thể làm cho người phạm tội thăng tiến.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com