"Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
9 Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế
14….Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.
15 Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn.
16 Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa.
17 Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.
Đã qua rồi, nào là những dòng lệ đau khổ, những cơn đói khát, những thử thách trăm chiều. Trước khi đọc bài này, chúng ta nên nhớ nội dung gửi đến một cộng đồng vừa trải qua một thời gian bị bách hại đau thương, đối với họ chữ « thử thách » không chỉ là một từ ngữ trừu tượng! Hơn nữa, tác giả nói cho chúng ta: « Sau đó, tôi thấy », đây là một thị kiến. Vì thế để hiểu, hãy để cho trí tưởng tượng dìu dắt chúng ta.
Có vài cột mốc có thể giúp chúng ta. Câu nói đám đông « đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi », làm cho chúng ta nghĩ ngay đến ông Áp-ra-ham. Chúa đã hứa cho ông một hậu duệ đông đúc « Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! » (St 15, 5). Và cũng trong sách Sáng Thế vài chương sau: « 17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển » (St 22, 17). Sách Khải Huyền là bộ sách sau cùng của Tân Ước, giúp cho chúng ta chiêm ngắm công trình Thiên Chúa rồi cũng được hoàn tất.
Chúng ta nhận ra một đám đông nhiều quốc gia nhiều chủng tộc, nhiều giống dân nhiều ngôn ngữ: bốn từ ngữ để nói lên ý nghĩa bao gồm toàn nhân loại. Như tiên tri I-sa-i-a đã nói: « 5 Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy » (40, 5).
Tiên tri I-sa-i-a nói vinh quang của Đức Chúa chính là sự đói khát được xóa bỏ, không còn ai phải khóc than. Trong chương 49 sách I-sa-i-a chúng ta có thể đọc nguyên tác về sự cứu độ: « 10 Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào » (Is 49, 10). Hơn nữa sự cứu độ, ấy là sự hiện diện của đấng cùng là nguồn mạch của hạnh phúc thật: I-sa-i-a diễn tả bằng « Đấng thương xót chúng », trong lúc thánh Gio-an nói: « Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn ». Khi thánh Gio-an nói như thế, mọi người hiểu ngài muốn nói điều gì, vì dân Do Thái chỉ chờ mong có thế: Thiên Chúa « cắm lều » nơi họ, đó là cách nói Thiên Chúa hiện diện muôn đời với họ. Đó là mầu nhiệm sự gần gũi, thân tình, hiện diện thường xuyên. Đến đây chúng ta còn nhớ thánh sử Gio-an trong Phúc Âm, ngài cũng dùng cùng cụm chữ này nói về Chúa Ki-tô: « 14 Ngôi Lời … cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1, 14)
Trong dân Do Thái, có vài người được vinh dự sống trước sự gần gũi ấy, đó là các kinh sư: họ phục vụ Thiên Chúa ngày đêm trong đền Giê-ru-sa-lem, nơi có biểu hiệu sự hiện diên của Thiên Chúa. Thánh Gio-an hình dung một ngày cả nhân loại được nhận vào sự thân mật ấy với Thiên Chúa: « tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên…, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người ».
Để miêu tả đám đông ấy, thánh Gio-an pha trộn phụng vụ Do Thái với phụng vụ Ki-tô làm cho bài khó hiểu những cũng làm cho phong phú hơn.
Để trích dẫn đến phụng vụ Do Thái, ngài ám chỉ đến Lễ Lều. Lễ ấy gợi lên vừa quá khứ vừa tương lai được Chúa hứa. Để nhớ lại thời còn trong sa mạc - thời điểm được khám phá Giao Ước do Thiên Chúa đề nghị, một Thiên Chúa gần gũi và dịu dàng - mọi người sống dưới lều trong 8 ngày lễ (lều được dựng lên cho những ngày lễ, ngay trong thành phố, ngày nay cũng còn như thế). Vì lẽ đó ngày lễ được mang tên Lễ Lều. Trong dịp này, tám ngày lễ loan báo tương lai được Chúa hứa sự tạo dựng mới (mỗi lần chúng ta thấy con số tám trong Thánh Kinh là có ý ấy). Mọi người mừng trước sự chiến thắng của đấng Mê-si-a trong tương lai, với Ngài là sự chu toàn công trình của Thiên Chúa, tức là hạnh phúc cho mọi người.
Trong các nghi lễ của Lễ Lều, thánh Gio-an ghi lại nghi thức các cành thiên tuế: mọi người diễu hành chung quanh bàn thờ, trong đền Giê-ru-sa-lem. Trong cuộc diễu hành, mỗi người cầm một bó lá, trong ấy có một cành thiên tuế (có thêm một cành mia, một cành liễu và cành một loại chanh, cây thanh yên)
Cũng trong cuộc diễu hành, mọi người hát « Hô-sa-na » Vừa có nghĩa là « Chính Chúa ban ơn cứu độ » mà cũng có nghĩa : « Lạy Chúa, xin cho con ơn cứu độ ». Vì thế nếu chúng ta đọc toàn bài của thánh Gio-an (không cắt ra) thì chúng ta sẽ đọc: « … tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi… Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế… 10 Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta » (Kh 7, 10).
Còn một nghi lễ khác của ngày Lễ Lều, đó là diễu hành ở hồ Si-lô-ác, ngày thứ tám và là ngày cuối Lễ: một đám rước mang nước đến rải lên bàn thờ. Nghi lễ thanh tẩy ấy tiên báo sự thanh tẩy vĩnh viễn Thiên Chúa đã hứa qua lời các Tiên Tri, và đặc biệt là Da-ca-ri-a: « 1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế » (Dc 13, 1). Sau này cũng vào Lễ Lều và đúng ngày thứ tám Chúa Giê-su nói (và cũng chính thánh Gio-an kể lại) (Ga 7, 37.38) « 38 Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống ». Trong bài này thánh Gio-an loan báo: « Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh » (c17)
Từ phụng vụ Ki-tô thánh Gio-an rút ra áo trắng người được Rửa Tội và máu Con Chiên (Xin nhắc lại máu là dấu ấn sự sống được ân ban). Ở đây thánh Gio-an nói cho chúng ta: tất cả những gì Lễ Lều loan báo bằng những biểu tượng, từ nay được thể hiện. Từ Xuất Hành toàn dân chờ mong ngày được thanh tẩy vĩnh viễn, Giao Ước được tái lập, sự hiện diện hoàn toàn của Thiên Chúa giữa họ. Thì đây nơi Chúa Giê-su Ki-tô mọi điều chờ mong được hoàn tất: qua Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể, nhân loại được thông phần vào đời sống của Đấng Phục Sinh và được ngự vĩnh viễn trong tình thân của Thiên Chúa.
***