"Chúa hiển trị, Người là đấng tối cao trên toàn cõi đất"
1 CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!
2 Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.
6 Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
7 Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng,
huênh hoang vì những vật hư vô này.
Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!
9 Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA,
là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.
Dĩ nhiên ngày hôm nay dưới ánh sáng Chúa Ki-tô Phục Sinh, khi chúng ta nói « Chúa là vua » chúng ta nghĩ ngay đến Chúa Giê-su Ki-tô. Thế nhưng bài thánh vịnh này được sáng tác trước tiên để tôn vinh vua It-ra-en. Hôm nay chúng ta hãy suy niệm theo ý nghĩa nội dung của bài được sáng tác.
« Chúa là vua » ngay những chữ đầu bài thánh vịnh, chúng ta biết ngay bài này để tôn vinh Chúa là vua duy nhất, Đấng mà các vua trên thế giới phải cúi mình bái lạy! Thiên Chúa là Chúa duy nhất, là vua duy nhất… Sở dĩ các thánh vịnh và tất cả Thánh Kinh phải nhấn mạnh như thế tức là điều này không hiển nhiên! Việc chống lại bụt thần luôn vẫn là cuộc chiến gay go của đức tin Do Thái. Chúng ta đọc nơi đây: « Ngài trổi vượt chư thần hết thảy » và ở câu 7 : « Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi! ».
Đồng ý rằng những câu ấy không để gián tiếp nhìn nhận có các chúa khác, nhưng để nói lên những thần thánh thấp hơn Thiên Chúa! « Hãy nghe đây, dân It-ra-en, Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Thiên Chúa Duy Nhất », đó là câu đầu của Kinh Tin Kính It-ra-en. Các câu: « Ngài trổi vượt chư thần hết thảy » hay câu « Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi! », rất rõ trong tâm thức người It-ra-en: đấng duy nhất đáng bái phục trên thế gian này là Thiên Chúa, Chúa It-ra-en, Chúa duy nhất. Tất cả những cử chỉ bái phục trước một thực thể nào ngoài Thiên Chúa là thờ lạy bụt thần. Cũng vì lẽ ấy mà sau này Chúa Giê-su bị kết án và hành quyết: Ngài can đảm tự xưng là Thiên Chúa, vì lý do ấy mà Ngài bị kết tội phạm thượng, mà người phạm thượng thì phải bị loại khỏi dân Chúa (Dân được chọn chính là để loan báo tin mừng cho thế giới về Chúa Duy Nhất).
Cũng phải nói tất cả các dân tộc láng giềng với It-ra-en đều thờ nhiều thần. Có thể Ai-cập trong thời gian ngắn dưới thời Pha-ra-on A-khê-na-tôn khoảng 1350 năm trước CN là thờ một chúa. Nhưng suốt lịch sử Thánh Kinh dân Chúa luôn luôn sống chung với các dân tộc thờ nhiều bụt thần. Và đức tin của họ đã hơn một lần bị lung lay… Trong những thời buổi ấy các ngôn sứ so sánh Ít-ra-en với những người vợ bất trung: các ngài cho họ là những người vợ ngoại tình, là đĩ điếm… nhưng mỗi lần, các ngài an ủi dân chúng Chúa vẫn tha thứ.
Một dấu vết khác trong Thánh Kinh về cuộc chiến chống bụt thần là tất cả các nguồn luận chứng tác giả dùng để quả quyết rằng Thiên Chúa Duy Nhất. Mẫu gương tiêu biểu nhất có lẽ là chương đầu tiên của chung cả Thánh Kinh là công trình Tạo Dựng được tường thuật trong chương thứ nhất sách Sáng Thế. Bài này do các tư tế trong thời bị lưu đày Ba-by-lon viết, tức là vào thế kỷ thứ Sáu trước Công Nguyên. Vào thời ấy, ở Ba-by-lon người ta tin rằng trên trời gồm có nhiều thần, tất cả đều thù địch với nhau. Hơn nữa có vài thần quyết định tạo ra con người để làm nô lệ phục vụ mình: hạnh phúc con người là điều thứ yếu sau cùng các vị quan tâm. Sự Tạo Dựng được thực hiện từ những bã thừa của xác chết một nữ thần quái dị, con người được pha trộn các thứ ấy: con người không bất tử và còn giữ một phần thánh thiêng từ xác chết của nữ thần quái dị.
Các tư tế It-ra-en ra sức tạo ra sự khác biệt quan trọng giữa những biểu tượng ấy, trái ngược hẳn với chương trình của Thiên Chúa. Trước hết phải lặp lại rằng Công Trình Tạo Dựng là tốt đẹp: không có gì là hoà trộn với xác một thần quái dị đã bại trận. Vì lẽ ấy, có một câu tuyệt vời được chen kẽ như một điệp khúc: « Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp » (St 1, 10b). Và để khẳng định chỉ có một Chúa, không chối cãi được - để con người không bị cám dỗ tôn sùng mặt trời như một thần và mặt trăng như một nữ thần, tác giả còn không màng kêu đích tên mặt trời mặt trăng - tác giả chỉ nói: « 16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm » (St 1, 16). Mặt trời và mặt trăng được giới thiệu như một tạo vật với tác động thông dụng của chúng mà thôi: tóm lại như hai bóng đèn. Đấy, chúa đặt để chúng vào đúng vị trí của chúng. Và sau cùng, điều này thật quan trọng, Chúa tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa, và Chúa đặt họ là vua các tạo vật: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, phải có Chúa mặc khải con người mới cả dám tin được như thế.
Trong bài Thánh vịnh này, một cách khác để đánh dấu tầm quan trọng của Thiên Chúa Duy Nhất, tác giả miêu tả những xáo trộn mọi tinh tú khi Ngài xuất hiện (lửa, sấm sét, mây phủ, bóng tối, động đất): « 2 Mây u ám bao phủ quanh Người,… 3 Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong… 4 Ánh chớp của Người soi sáng thế gian… 5 núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan vị Chúa Tể hoàn cầu » (Tv96 (97) 2-6). Mỗi lần thấy có cách miêu tả này, chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ trọng đại khi xưa giữa Mô-sê và Thiên Chúa trong đoạn Bụi Gai Bốc Cháy trong sa mạc Si-nai.
Sau cùng, có một điều thật thú vị trong bài Thánh vịnh này: hai phần câu đầu được đặt sát nhau: « 1 CHÚA là Vua hiển trị ! » và « hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào »… Điều này có nghĩa là vương quốc của Chúa lan khắp địa cầu và để làm cho hạnh phúc con người, vì thế hỡi địa cầu hãy mừng lên, vui đi nào! Một lần nữa chúng ta gặp lại phương diện hoàn vũ rất quan trọng được Chúa mặc khải, mỗi lần được khám phá trong Thánh Kinh: « 6 Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người ». Tai sao câu này nói như chuyện quá khứ ? Tại vì dân chúng đã thấy những điều tuyệt diệu Chúa đã thực hiện cho dân Ngài. Nhưng sẽ có một Ngày, toàn trái đất cuối cùng rồi cũng nhận ra lẽ công minh của Thiên Chúa. Ngày ấy chúng ta sẽ thực sự hát lên: « ngàn muôn hải đảo hãy nhảy mừng lên, vui đi nào! » vì « hết mọi dân được thấy vinh quang Người. »
Trong các câu khác của bài Thánh Vịnh, rất tiếc không được đọc hôm nay, việc dân It-ra-en là Dân Chúa chọn, một lần nữa được xác định lại: « 8 Được biết thế, Xi-on tưng bừng hoan hỷ; thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng vì những phán quyết của Ngài, lạy CHÚA ». Hai phương diện của mặc khải (Chúa chọn It-ra-en là Dân của Ngài và toàn nhân loại được cứu độ) luôn luôn đi đôi với nhau trong Thánh Kinh. Một chiều kích khác cần được chú ý trong niềm vui: bởi vì chương trình Thiên Chúa dành cho con người là một chương trình vui. Chúng ta còn nhớ sau khi công trình Tạo Vật hoàn tất Chúa phán: « 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! » (St 1, 31)
***