"Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.
56 Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa."
57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông
58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.
59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con."
60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.
Có thể tưởng tượng những lời tuyên bố của Tê-pha-nô thật là quá đáng như thế nào đối với những người đang nghe ông. Ông quả quyết đã thấy Con Người ngự bên phải Thiên Chúa (đối với Tê-pha-nô, không thể nào ngờ vực được, đó chính là Chúa Giê-su). Đối với người Do Thái, những chữ như Con Người, Ngự bên phải Thiên Chúa, là những chữ rất quan trọng. bằng chứng là những chữ ấy đủ để dẫn tới bản án tử hình cho kẻ đã thốt lên những lời ấy. Trước đó cũng vì những lời khẳng định ấy đã làm cho Chúa Giê-su bị kết án. Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Chúa nói với các quan toà: « 69 Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng » (Lc 22, 69) và Chúa làm cho cả toà án điên tiết lên.
Hơn nữa Tê-pha-nô cũng bị tố cáo như Chúa Giê-su và cũng vì những lý do tương tự. Những điều quá chướng tai đối với những kẻ thù Chúa Giê-su khi xưa, ngày nay, đối với những kẻ thù của Tê-pha-nô cũng như thế. Rồi ông cũng sẽ bị kết án. Trong khi chờ đợi, ông bị lôi ra giữa Đại Hội Đồng để vị Trưởng Tế hỏi cung, và Tê-pha-nô trả lời bằng một bài giảng với đề tài như sau: quý vị tin vào chương trình của Thiên Chúa đã chọn dân tộc chúng ta để dọn đường cho đấng Mê-si-a đến thế gian, quý vị tin vào Áp-ra-ham, vào Mô-sê… thế tại sao quý vị lại thoái thác giai đoạn cuối cùng với Đấng Giê-su ? Và ngài cho rằng họ « cưỡng lại Chúa Thánh thần ». Điều này không làm cho bọn họ vui chút nào! Trong lúc thánh Lu-ca miêu tả Tê-pha-nô trong đoạn trước như « 24 vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. » (Cv 11, 24)
Trải qua nhiều thế kỷ,chương trình của Thiên Chúa được biết là gieo Thánh Thần Chúa khắp nhân loại. Thời Mô-sê cũng đã từng mơ như thế. Chẳng những ông không giữ độc quyền được gần gũi thân mật với Chúa mà còn phán một câu bất hủ: « Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ » (Ds 11, 29). Và các ngôn sứ sau này đều xác định chương trình Thiên Chúa là như thế. Tất cả người Do Thái thuộc nằm lòng, ví dụ như lời tiên tri của Giô-en: « Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » (Ge 3, 28) hay nơi Ê-dê-ki-en cũng thế: « 19 Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. » (Êd 11, 19)
Nơi đây, một lần nữa thánh Lu-ca nói ông Tê-pha-nô « đầy Thần Khí »: « 55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa »… « đăm đăm nhìn trời », « thấy trời mở ra », « thấy Đức Giê-su », đây là ba chữ nói về cái nhìn. Thánh Lu-ca nói cho chúng ta một cách gián tiếp chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã mở mắt ông Tê-pha-nô để ông được thấy những gì những kẻ khác không thấy.
Tê-pha-nô « thấy trời mở ra », điều này nói lên ơn Cứu Độ đã đến; Không còn gì xa cách giữa trời và đất: Giao ước giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập, hố sâu giữa Chúa và con người được lấp lại. Điều này nhắc chúng ta đến câu sau đây của tiên tri I-sa-i-a: « Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan » (Is 63, 19b)
Chúa Giê-su đứng, Đấng đã Phục Sinh không còn nằm nữa. Chữ « đứng » có ý nghĩa rất tượng trưng trong thời sơ khai của Giáo Hội, đến độ tư thế đứng là tư thế được chọn trong phụng vụ. Người đọc sách « O-răn » luôn luôn đứng. Cũng vì lẽ ấy, có nhiều giám mục mời gọi giáo dân giữ tư thế đứng suốt thời gian Lễ Mi-sa ngày chúa nhật vì ngày này chúng ta tưởng niệm Chúa Giê-su Phục Sinh. Chúa Giê-su « đứng bên hữu Thiên Chúa »: đây là chỗ vinh dự, chỗ của đấng vinh thắng. Một cách nói Ngài là đấng Mê-si-a. Các quan toà nghe câu ấy từ miệng Tê-pha-nô không thể nào lầm. Nói đến « Con Người » là điều tối quan trọng. Chữ « Con Người » chỉ dành cho đấng Mê-si-a. Chúa Giê- su là người bị khinh bỉ, loại bỏ, giáo quyền xua đuổi, thế mà trong vài câu Tê-pha-nô vừa nói lên, Ngài là vinh quang của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là Tê-pha-nô cho họ đã chẳng những phạm một sự ngộ phán, mà tệ hơn thế nữa, một hành động phạm thượng.
Cái nhìn của Tê-pha-nô về sự vinh quang của Thiên Chúa mang lại cho ông một sức mạnh phi thường để đối đầu với một số mạng chung với Thầy mình. Thánh Lu-ca gom lại nhiều chi tiết giống nhau giữa những giây phút cuối cùng của Tê-pha-nô và của Chúa Giê-su. Tê-pha-nô bị lôi ra khỏi thành, cũng như Núi Sọ ở ngọai thành Giê-ru-sa-lem. Trong lúc bị ném đá, ông bổng nhiên cầu nguyện và đọc cùng một bài thánh vịnh với Chúa Giê-su : « 6 Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con » (Tv30 (31), 6), và sau cùng, ông chết sau khi tha thứ cho những đao phủ của ông. Chúa Giê-su khi xưa cũng nói « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34). Lúc chết Tê-pha-nô cũng nói: « Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này » (cũng cùng một tác giả Lu-ca ghi điều này).
Thánh Lu-ca có tiếng là thánh sử của lòng thương xót, ngài cho chúng ta thấy hoa trái của sự tha thứ ấy: một trong những người được hưởng ơn của sự tha thứ của Tê-pha-nô là Sao-lô thành Tác-xô, ông là một kẻ đối lập gay gắt nhất với Đạo Ki-tô lúc ấy vừa mới được khởi xướng. Không lâu sau ông sẽ hoán cải và trở thành một chứng nhân, và cũng sẽ tử vì đạo.
***