Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C (Tv 8, 4-9) 22/05/2116

"Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu"

 

2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

3 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,

5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:

8 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,

9 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

10 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

 

Đọc câu « 4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài » chúng ta có thể đoán bối cảnh xảy ra trong một nghi lễ về đêm. Giả thuyết rất khả thi vì tiên tri I-sa-i-a rất thường đề cậpđến những nghi thức lễ đêm: « 29 Các ngươi sẽ ca hát như trong đêm cử hành đại lễ, lòng chan chứa niềm vui » (Is 30, 29). Chúng ta hãy tưởng tượng một đêm mùa hè tại Giê-ru-sa-lem, trong một dịp hành hương, lễ được cử hành ngoài trời dưới ánh trăng sao. Điều làm cho chúng ta chú ý ngay là câu đầu và câu cuối hoàn toàn giống nhau: « 2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! ». Thật vậy không cần tìm chi nữa, đây là một bài thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa vĩ đại!

Sẵn đây, và hơn nữa chúng ta lưu ý tên dùng để chỉ Thiên Chúa là tên theo Giao ước, là bốn chữ bất hủ YHWH, tên cực thánh không bao giờ nên đọc lên: vì thế, mặc dù chữ Giao ước không được nêu ra nhưng đây là lời ca của dân Giao Ước.

Chúng ta hãy dừng lại câu được lặp lại ở đầu và cuối bài: « 2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! ». Chúng ta nhận ra có một sự cân đối hoàn toàn… Hai câu đầu và cuối đóng khung ở giữa điều chi ? Đó là sự suy gẫm về con người. Cấu trúc bài thánh vịnh rất thú vị. Con người vừa là trung tâm của tạo vật, vừa là tất cả, kể cả quan hệ đối với Thiên Chúa: Chúa hành động, con người chiêm ngắm… Tất cả là « tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, 5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? 6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, 7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân ».

Mũ triều thiên của con người, chính là mọi tinh tú, và không phải một sự ngẫu nhiên bài thánh vịnh được cấu trúc làm thế nào cho tất cả những kỳ công Thiên Chúa, đóng khung con người ở giữa, như cái mũ triều thiên. Nếu chúng ta xét kỹ, cấu trúc chung bài thánh vịnh được trình bày như những vòng tròn cùng tâm điểm. Trung tâm là con người: « con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? 6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, 7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân »… Kế đến là vòng đầu: các tạo vật, những tạo vật kèm trước và sau những câu về con người. Trên là vầng trời đầy trăng sao… dưới có các tạo vật khác: « chiên bò đủ loại… thú vật ngoài đồng…chim trời cá biển »… Sau đó vòng ngoài tất cả là câu bất hủ được lặp lại: Con người chiêm ngắm Vua Thật, đấng Tạo Dựng: « 2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! ».

Tính vương giả Thiên Chúa đã được nói lên qua chữ « lẫy lừng », một chữ dùng cho một đế vương vinh thắng. Chữ ngợi khen trong câu thứ 3: « cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù » cũng được dùng trong nghĩa ấy. Vị Vua ấy đã chiến thắng đối phương, kẻ thù, không khó khăn gì, vì ngài chỉ dùng tiếng ê a trẻ nhỏ để chống lại địch thù. Nghĩa câu này gây nhiều tranh luận, nhưng chúng ta chọn cách dịch như chúng ta nghe trong Thánh Lễ và cũng trong Kinh Thánh Việt nam chúng ta đang dùng: «  3 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ». Câu này có ngụ ý nói tiếng hát của trẻ thơ: Ngài dùng làm chiến luỹ chống lại địch thù, thế cũng đủ !

Tính vương giả ấy Thiên Chúa không giữ lấy cho riêng Mình: vì Ngài trao mũ triều thiên cho con người. Và con người cũng được những danh xưng vương giả: « con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên »…và cũng được Chúa « đặt muôn loài muôn sự dưới chân ». Tất cả hành động ấy là hình ảnh một ngai vua: các chư dân bái lạy dưới thềm. Sách Sáng Thế cũng dùng những hình ảnh tương tự: Sách kể con người được tạo dựng sau cùng, sau khi mọi sự được tạo dựng, có thể nói Thiên Chúa đặt con người trên cao hơn tất cả. Hơn nữa, sách Sáng Thế nói con người đặt tên cho từng tạo vật, đây là một biểu chứng con người cao cả hơn hết, và chế ngự mọi sự… Trong chương trình tạo dựng, ơn gọi con người là vua mọi tạo vật. Thiên Chúa đã phán cho cặp vợ chồng đầu tiên: « Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. » (St 1, 28)

Con người là vua mọi tạo vật nhưng lại thuần phục Đấng là Chủ thật mọi sự. Con người nhìn nhận sự bé nhỏ của mình, và xác nhận biết ơn mọi sự nhận từ Đấng đã tạo dựng nên mình: « 4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, 5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? ». Con người nhìn nhận Đấng Tạo Hoá bận tâm đến mình. Đây là một cách nói khác để triển khai đề tài liên quan đến cái TÊN Thiên Chúa bằng 4 chữ: Chúa là đấng đồng hành với dân Ngài suốt lịch sử .

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com