Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C (Rm 5, 1-5) 22/05/2016

"Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

 

1 Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.

3 Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;

4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.

5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

 

Chúng ta đang ở Rô-ma dưới thời hoàng đế Nê-ron, năm 57-58 sau CN. Cũng như trong các nước chung quanh Địa Trung Hải, xứ nào cũng có một cộng đồng người Do Thái; có đến vài chục nghìn người. Và cũng như mọi nơi, một số người Do Thái nhận ra Đức Giê-su thành Na-da-rét là Đấng Mê-si-a, một số khác thì không công nhận. Đây là mối chia rẽ trầm trọng giữa những người Do Thái với nhau: kể từ nay có những người được gọi là những Ki-tô hữu Do thái, mỗi phe cho bên phe kia là tà giáo hay lạc giáo. Và còn có những người xưa kia là ngoại giáo nay trở nên Ki-tô hữu, nay gọi là Ki-tô hữu Hê-lê-nô. Các quan hệ cũng rất phức tạp giữa những Ki-tô hữu gốc dân ngoại với những tì vết trong quá khứ thờ lạy bụt thần, đối với những Ki-tô hữu Do Thái, thường còn tuân giữ những cách giữ đạo cổ xưa. Chúng ta đã thấy những dấu vết còn lại trong các thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu thành Phi-líp-phê, hay Ga-lát. Trong các cộng đồng ấy, những cuộc tranh chấp, với thời gian càng trở nên trầm trọng và trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma thánh Phao-lô đặt cho mình một mục đích là đem lại sự bình an trong cộng đồng.  

Luận chứng chính yếu của ngài là: anh em là Ki-tô hữu, dù bất cứ ai có quá khứ thế nào đi nữa, anh em đều bình đẳng trước ơn cứu độ, vì chính Chúa Ki-tô đã cứu độ anh em, và chỉ có Ngài mà thôi. Dĩ nhiên, những người Do Thái không chờ những Ki-tô hữu nói cho họ là chỉ có dức tin là cứu rỗi họ chứ không phải những xứng đáng trần tục nào. Thế nhưng có vài Ki-tô hữu gốc Do Thái đòi giữ độc quyền dân duy nhất của Giao Ước. Họ là hậu duệ của Áp-ra-ham, những người ngoại không thể nói thế như họ. Để trả lời những người này, thánh Phao-lô trong chương 4 lưu ý Thiên Chúa khi xưa cho rằng ông Áp-ra-ham đã là người công chính trước khi được cắt bì! Thật vậy ông Áp-ra-ham còn là một dân ngoại khi Chúa gọi ông, nhưng nhờ lòng tin của ông, và chỉ vì lòng tin ấy mà thôi đã khiến ông vâng lời. Chúa nói: « Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi » (St 12, 1) … và đoạn sau sách chỉ nói: « 6 Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính » (St 15, 6)

Ở đây thánh Phao-lô dĩ nhiên dựa vào câu truyện lịch sử có tính cách tiêu biểu ấy của ông Áp-ra-ham. Trong chương 4 thánh nhân nhắc lại bốn lần câu này của sách Sáng Thế, thì biết luận chứng ấy có giá trị mức nào. Chỗ khác, trong thư gửi tín hữu thành Ga-lát, ngài nói rõ ràng hơn: « 6 Cũng như ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính. 7 Vậy anh em nên biết rằng: những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Áp-ra-ham » (Gl 3, 6-7). Có thể nói cách khác: Áp-ra-ham đấng có đức tin, là cha mọi người có đức tin, dù có cắt bì hay không cắt bì. Vì thế không nên chống đối nhau trên vấn đề này.

Đấy là ý nghĩa câu đầu của bài đọc chúng ta: « một khi đã được nên công chính nhờ đức tin » và để mọi người nghe rõ, ơn cứu độ hoàn toàn được ban nhưng không và Chúa chỉ đòi hỏi phó thác vào đức tin, thánh nhân lặp lại: « … một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay » Các động từ được chia trong thể quá khứ: chúng ta được công chính từ khi Chúa Giê-su đã chết và đã phục sinh, điều này là chuyện đã qua rồi. Kể từ nay chúng ta được sống thân mật với Chúa Giê-su, thánh Phao-lô gọi là: « vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa »

Sự kinh ngạc thán phục của thánh Phao-lô và của mọi tín hữu là chúng ta được công chính chỉ vì nhờ ơn Chúa mà thôi: chỉ nhờ đức tin và chỉ vì thế mà thôi chúng ta được đón vào Giao Ước của Thiên Chúa, trong sự hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi. … Khi thánh Phao-lô nói: « vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa » chính là ngài muốn nói điều ấy. Hơn nữa chúng ta không thể tưởng tượng rằng một khi thánh nhân chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa ngài không tự nhiên nghĩ đến Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc biệt trong hai câu sau đây: « chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô… » và « Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần » .

Thế nhưng mọi việc không thể dễ dàng và giản dị như thế! Thánh Phao-lô dùng chữ « gian truân » trong cộng đoàn ngài tiếp xúc, nhưng sự gian truân có thể dẫn đến Thiên Chúa: « ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; 4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy ». Cậy trông là đức tính của kẻ nghèo hèn: chỉ có sau một đoạn đường từ bỏ hết; vượt qua mọi thất vọng; mọi kiên trì bám riết; mọi lúc tự nhũ « dù sao đi nữa »; nó chớm nở khi chúng ta hoàn toàn phó thác tin cậy vào Chúa, khi chúng ta bình thản cảm nhận rằng công trình của chúng ta không phải thuộc về chúng ta, mà thật ra là của Ngài… vì « Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần ». Chúng ta có thể tự hỏi tại sao Chúa nói: « tình yêu của Người », tại sao có chữ « của », có phải tình yêu Chúa ban cho chúng ta, hay tình chúng ta yêu Chúa ? Song le, đặt câu hỏi như thế là đã sai rồi: Tất cả tình yêu thật sự đều đến từ Thiên Chúa… Chúa Thánh Thần đổ vào tim chúng ta Tình Chúa yêu chúng ta, để rồi chúng ta có thể yêu. Và vì thế dần dần chúng ta tiến vào ngày càng tiệm tiến vào sự hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi ngay từ bây giờ. Đó là ý nghĩa câu thánh Phao-lô nói: « Đức Giê-su đã mở lối cho chúng » … «  Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa »

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com