"Con là thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê"
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA
ngỏ cùng Chúa Thượng tôi:
"Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con."
2 Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài:
Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.
3 Đức Chúa phán bảo rằng:
"Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,
vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.
Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,
tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con."
4 ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời,
rằng: "Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê."
Chính Chúa Giê-su cũng đọc bài Tv này khi nói về Ngài, vì thế lẽ tự nhiên các Ki-tô hữu từ nay múc lấy nơi đây Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô. Nhưng xin chậm lại một chút: muốn hiểu phần nào bài thánh vịnh, nên cố gắng tìm hiểu bài này gợi lên điều gì khi giáo dân thời ấy hát trước khi Chúa Giê-su được sinh ra.
Bài thánh vịnh trình bày cảnh trí của nghi lễ tấn phong một vị tân vương, trong ấy chúng ta nhận ra những chi tiết cụ thể của buổi trọng lễ. Nếu chúng ta để ý, đàng sau những nghi thức phụng vụ ấy, có ngụ ý trình bày buổi phong vương trọng thể một vị vua Giê-ru-sa-lem được bầu lên, kế nghiệp vua Đa-vít, vì mỗi khi vua Giê-ru-sa-lem được xức dầu, khởi đầu triều đại của mình đều là dịp tiên báo đấng Mê-si-a tương lai sẽ đến.
Cũng xin lưu ý bài Thánh vịnh 109 nói về một lễ phong vương, nhưng không phải vì thế được hát trong một nghi lễ phong vương thật sự, điều chắc chắn là bài này được hát tại Giê-ru-sa-lem, trong buổi lễ Lều long trọng để tưởng nhớ đến những lời hứa về Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa. Gợi lên màn phong vương là nhắc đến những lời hứa, trên thực tế là để duy trì lòng cậy trông của dân chúng.
Để biết nghi lễ phong vương một vị vua, chỉ cần đọc lại các phần miêu tả của nhiều sách trong Thánh Kinh. Đặc biệt sách Các Vua và các sách Sử Biên, về lễ phong vương hai vua Sa-lô-mon và Giô-át. Nghi lễ chia làm hai phần, trước tiên trong đền Giê-ru-sa-lem, sau đó trong cung điện,nơi phòng có ngai vua.
Phần đầu trong Đền thánh, vua đến với tuỳ tùng nhà vua hai bên, rồi người ngôn sứ đặt vương miện trên đầu vua. Sau đó ngôn sứ trao cho tân vương một cuộn giấy (gọi là những « bằng chứng ») đó là hiến chương Giao Ước thiết lập với Thiên Chúa, từ các hậu duệ vua Đa-vít. Trong bản hiến chương này có những công thức được áp dụng cho tất cả các vua: « Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con » (Tv2, 7)… và hơn nữa: « 8 Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa » (Tv2, 8). Hiến chương ấy cho biết tên mới của triều đại (x Is9). Cũng trong Đền, vị thượng tế làm lễ « xức dầu ». Nghi lễ kết thúc bằng những tiếng hoan hô, tiếng hoan hô lẫy lừng, người Do Thái gọi là tiếng « Tê-ru-a »: tất cả tham dự viên hô lớn lên « Đấng này là vua » ( tương đương như chúng ta: « vua… vạn tuế ») hoà với tiếng vỗ tay, kèn và tù và inh ỏi. Thật ra lời hô « Tê-ru-a » là tiếng kêu la trong chiến tranh, nay được dùng để tán dương vị tân vương: một cách biểu hiện hoan hô vị vua chỉ huy trận chiến.
Sau đó mọi người sắp tiến vào thành, đúng như một cuộc diễu hành vào đền vua. Những lời hô của đoàn diễu hành, long trời lở đất. Trên đường vị vua dừng chân uống nước từ một nguồn suối, biểu tượng nguồn sống mới ban cho mãnh lực từ nay sẽ chiến thắng kẻ thù.
Trong dinh vua được cử hành phần thứ hai của nghi lễ. Đoàn diễu hành từ Đền thánh đến, tiến vào phòng có ngai vua. Bài Thánh vịnh hôm nay bắt đầu từ đây. Vị ngôn sứ, nhân danh Thiên Chúa, khởi đầu bằng một công thức long trọng: « Sấm ngôn của Đức Chúa » (có nghĩa : « Đây là lời Chúa nói cho tân vương »): « Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA
ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: "Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con. » (Tv110, 1).
Còn chữ « bên hữu » đó là Lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ. Khi xưa điều này nói lên một thực tế để định hướng rõ ràng: ở Giê-ru-sa-lem, đền vua Sa-lô-môn được xây phía Nam Đền Thánh. (Tức là bên phải Đền Thánh). Như vậy mọi sự đều rõ: Chúa vô hình ngự trên Hòm Bia trong đền, như thế vua ngự trên ngai tức là bên hữu của Chúa.
Sau đó ngôn sứ trao vương trượng cho tân vương và chúng ta nghe câu thứ hai bài thánh vịnh: « 2 Từ Xi-on, ĐỨC CHÚA sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài:Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ ».Việc trao vương trượng biểu trưng cho sứ vụ được trao cho vua. Ngài thể hiện quyền vương đế trên kẻ thù để bảo vệ dân ngài.
Kể từ nay, ngài tiếp nối chuỗi dài danh sách các vua nối nghiệp vua Đa-vít: và đương nhiên nhận lấy lời hứa từ vua Đa-vít. Chúng ta không quên vua chỉ là một con người, không khỏi băng hà, nhưng từ nay được nhận lấy một định mệnh vĩnh cửu bởi vì công trình của Thiên Chúa là vĩnh cửu. Có lẽ đó là ý nghĩa của câu sau, câu này khá khó hiểu: « Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh » (Con mang lấy sự thần linh Thiên Chúa, tức là sự vĩnh cửu của Ngài)… « Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con »: Đó là cách nói tất cả đã được dự tính từ hừng đông vạn vật. Con người vua rồi sẽ chết nhưng dòng dõi Đa-vít được dự trù vĩnh cửu và bất tử.
Cũng cùng nghĩa ấy câu sau dùng từ ngữ « muôn thuở ». « Muôn thuở, Con là Thượng Tếtheo phẩm trật Men-ki-xê-đê »… Vị vua tương lai (tức là Đấng Mê-si-a) sẽ vừa là vua vừa là thượng tế như Men-ki-xê-đê. Ngài sẽ là thượng tế tức là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Chúng ta có bằng chứng để nghĩ rằng trong các thế kỷ sau này theo lịch sử Thánh Kinh, dân chúng tin tưởng đấng Mê-si-a là thượng tế.
Nhưng sau cùng, bài Thánh vịnh nói rõ: « Thượng Tếtheo phẩm trật Men-ki-xê-đê »… Đây có một vấn đề thật sự. Không ai có thể là thượng tế nếu không phải từ dòng dõi Lê-vi: đó là Lề Luật. Thế làm sao dung hoà luật ấy với lời hứa Đấng Mê-si-a sẽ là vua hậu duệ vua Đa-vít ? Chúng ta biết Đa-vít thuộc dòng dõi Giu-đa chứ không phải Lê-vi. Bài Thánh vịnh 109 hôm nay cho chúng ta giải đáp: Ngài sẽ là thượng tế như theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, vua xứ Sa-lem, ông vừa là vua vừa là thượng tế, đã có trước dòng dõi Lê-vi.
Khi đọc lại bài Thánh vịnh này dưới ánh sáng của Tân Ước, chúng ta khám phá một chiều sâu mới: Chúa Giê-su đúng là Thượng tế ấy từ « muôn thuở » được dựng nên từ muôn thuở, là trung gian của Giao Ước vĩnh viễn và nhất là sau khi phục sinh, Ngài chiến thắng kẻ thù muôn kiếp của con người, đó là sự chết. Thánh Phao-lô đã nói cho tín hữu thành Cô-rin-tô: « 26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết,27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. » (1Cr 15, 26-27)
***