Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT X TN Năm C (Lc 7, 11-17) 05/06/2016

Alleluia, alleluia!

- Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

-----------------

"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.

12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.

13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! "

14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! "

15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.

16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người".

17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

 

Na-in là một làng xứ Ga-li-lê, cách Na-da-rét tám Km. Su-nêm là nơi ngôn sứ Ê-li-dê đã làm sống lại một trẻ em, cũng không xa đó lắm (2V4, 8). Trong khi thánh Lu-ca kể câu truyện Chúa Giê-su làm phép lạ tại Na-in, ngài muốn đề nghị chúng ta suy niệm song song với việc tiên tri Ê-li-a làm phép lạ cho đứa con duy nhất của một góa phụ thành Xa-rép-ta. Rõ ràng thánh sử dùng các từ ngữ và cách cấu trúc câu truyện trong mục đích ấy: Người chết là đứa con duy nhất của một bà goá, phép lạ xảy ra ở ngoại thành, người con được sống lại được «  trao cho mẹ nó » (1V17,23), người làm phép lạ được tôn vinh như vị ngôn sứ.

Chúng ta cũng biết thánh sử Lu-ca rất trân quý tiên tri Ê-li-a. Nhiều dịp trong Phúc Âm của ngài, thánh sử thường so sánh Chúa Giê-su với tiên tri Ê-li-a. Đồng thời thánh Lu-ca muốn cho chúng ta thấy một giai đoạn mới vừa vượt qua với Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa cũng là một ngôn sứ vĩ đại của Cựu Ước như Ê-li-a và Ê-li-dê, nhưng vượt hẳn các ông. Sứ vụ của Ngài được miêu tả không thể nào lầm được. Trong giai đoạn vua Hê-rô-đê cầm tù, ông Gio-an Tẩy Giả (Lc3, 19) gửi môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su những câu hỏi chính yếu: « Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? » (Lc 7,19). Và Chúa trả lời: « Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng » (Lc 7, 22) Đó là cách nói về những gì Đấng Mê-si-a đem lại ơn Cứu Độ.    

Sau khi người đầy tớ viên sĩ quan La mã (Lc 7, 1-10) được chữa lành và con bà goá thành Na-in được sống lại, đây là thực chứng thời của Mê-si-a đã đến, và Chúa Giê-su là Đấng đến với loài người. Trong bài này thánh Lu-ca gọi Chúa Giê-su là Chúa, đó là cách gọi Đấng Giê-su của những Ki-tô hữu sơ khai từ ngày Chúa Phục sinh. « 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương ».

Trong vài câu, bài tường thuật ngắn này chứng tỏ Chúa vừa quyền năng vừa đầy lòng từ bi: Chúa là chủ của sự sống, nhưng cũng là Chúa từ bi nhân hậu đầy lòng thương xót, thường được mặc khải trong Cựu Ước. Để nói lên cảm xúc của Chúa Giê-su, thánh Lu-ca dùng một chữ rất mạnh có nghĩa « rung động từ ruột gan ». Không ngạc nhiên gì khi chúng ta biết Chúa đặc biệt thương xót những quả phụ và những ai than khóc: « 15 Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má » (Hc 35, 15). Các người đang hiện diện không lầm: họ kính sợ sự hiện diện của Thiên Chúa: « 16 Mọi người đều kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa » « Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người ».

Và đây một chữ thánh Lu-ca trân quý: Thiên Chúa « viếng thăm ». Đó là lời ông Da-ca-ri-a kêu lên khi Gio-an Tẩy-giả sinh ra: « 68 Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người… 78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, 79 soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an ».(Lc 1, 68.78-79).

Thánh Lu-ca nhắc lại một đề tài thường gặp trong Cựu Ước, trong ấy chữ « viếng thăm » nói lên hành động giải thoát của Thiên Chúa. Ví dụ như nữ tiên tri Giu-đi-tha loan báo cho dân chúng rằng: « Đức Chúa sẽ dùng tôi mà viếng thăm Ít-ra-en » (Gđt 8, 33). Và ngôn sứ Da-ca-ri-a tuyên bố: « 3 Ta sẽ bừng bừng nổi giận đánh phạt các mục tử, và sẽ hạch tội các con dê. Khi ĐỨC CHÚA các đạo binh viếng thăm đàn chiên của Người là nhà Giu-đa » (Dcr 10, 3). Để nói rõ lời tiên tri nay được Chúa Giê-su hoàn tất thánh Lu-ca nói: « 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận ». Để thêm vào những gì Da-ca-ri-a không nói, Chúa nói rõ « vùng lân cận » tức là cả dân ngoại. Sự cứu độ là cho mọi người chứ không riêng gì nhà Giu-đa. Như Si-mê-on nói: « 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài. » (Lc 2, 30-32)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com