"Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa."
Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,
2 đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh!
3 Hãy thưa cùng Thiên Chúa:
"Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!
Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm.
4 Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh."
5 Đến mà xem công trình của Thiên Chúa:
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ!
6 Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền,
và dân Người đi bộ qua sông;
việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ.
7 Chúa uy dũng hiển trị muôn đời;
đôi mắt Người theo dõi chư dân,
quân làm phản chớ có hòng nổi dậy!
16 Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,
đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.
20 Xin chúc tụng Thiên Chúa
đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,
lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.
Như thường lệ, câu chót nói lên ý nghĩa của toàn bài thánh vịnh: « 20 Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình ». Chỉ cần xem các từ ngữ dùng trong bài thánh vịnh này cũng biết đây là một thánh vịnh tạ ơn: « hãy tung hô; đàn hát lên; dâng lời ca tụng; mừng Danh Thánh; tôn vinh; đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi ». Hẳn bài này được sáng tác cho những lễ toàn thiêu tạ ơn (Tiếng Do Thái gọi là Tô-đa) trong Đền Giê-ru-sa-lem.
Chúng ta không đọc trọn bài vì khá dài, nhưng chỉ những câu này chúng ta cũng có khái niệm tổng quát về bài Thánh Vịnh. Trung tâm của đề tài tạ ơn là – không có gì làm chúng ta ngạc nhiên – như thường lệ là cuộc giải phóng khỏi Ai-cập. Các ngụ ý thật rõ ràng: « 6 Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền, và dân Người đi bộ qua sông » Hay là « 5 Đến mà xem công trình của Thiên Chúa: hành động của Người đối với phàm nhân thật đáng kinh đáng sợ! ». Cụm chữ « công trình của Thiên Chúa » trong Thánh Kinh luôn luôn nói về cuộc giải phóng khỏi Ai-cập. Chúng ta ngạc nhiên nhận ra sự giống nhau với bài ca ngợi khen của Mô-sê sau khi vượt qua biển đỏ: « "Tôi xin hát mừng CHÚA, Đấng cao cả uy hùng:…2 CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng. 3 Người là trang chiến binh, danh Người là "ĐỨC CHÚA! …" 6 Lạy CHÚA, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh… 8 Nộ khí Ngài, lạy Chúa, đã khiến nước dâng lên, sóng trùng dương dồn lại dựng đứng như tường thành; giữa lòng biển thẳm sâu, nước bỗng đâu ngừng chảy.11 Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy CHÚA? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện, lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ? » (Xh 15)
Từ cuộc giải thoát đầu tiên này, tất cả lịch sử Ít-ra-en được sáng tỏ bởi sự kiện nền tảng ấy: Chúa muốn con người tự do, công trình Thiên Chúa làm cho Dân Ngài chọn không có mục đích nào khác. Từ đó Ít-ra-en suy gẫm về dân tộc mình từ thời sơ khai của lịch sử nhân loại và họ nghĩ: những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta để giải thoát khỏi Ai-cập, những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta trong mỗi giai đoạn lịch sử của chúng ta, đồng hành với chúng ta suốt con đường giải phóng, nhẫn nại dạy chúng ta sống theo Giao Ước… thật ra Ngài luôn làm cho chúng ta từ muôn đời muôn kiếp. Và từ suy gẫm về cuộc giải phóng khỏi Ai-cập, họ mới nghĩ tới Thiên Chúa Tạo Dựng, Đấng tạo nên nhân loại vì tự do. Vì thế hai đề tài Giải phóng - Tạo dựng được triển khai hoà trộn nhau khi suy gẫm Thánh Kinh. Vì lẽ đó cuộc giải phóng cuối cùng được miêu tả như một tạo dựng mới; trong bài này như một sự sinh nở: « 13 Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về. 14 Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh » (Is 66, 13-14)
Chúng ta tự hỏi tại sao bài thánh vịnh này được chọn để hoà nhịp với bài đọc về I-sa-i-a chương 66, chương loan báo ngày Giê-ru-sa-lem được an ủi, đúng là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử ? Hai bài có lẽ cùng một thời điểm, tức là khoảng thế kỷ thứ VI trước CN, sau khi được giải thoát khỏi Ai-cập. Bối cảnh cũng giống nhau. Bài Thánh Vịnh hôm nay của chúng ta được sáng tác để các người tham dự hành hương hát khi lên Đền Giê-ru-sa-lem, các tín hữu đổ về cuộc hành hương này loan báo cả nhân loại sẽ lên Đền Giê-ru-sa-lem ngày tận thế. Chính bài của I-sa-i-a loan báo Đền Giê-ru-sa-lem mới, nơi đây sẽ qui tụ về mọi quốc gia sách I-sa-ia nói: « Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ » (Is 66, 12) Bài Thánh Vịnh trả lời: « Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa »,… và hơn nữa « 4 Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh » I-sa-i-a nói sẽ là ngày vui và hoan hỉ.
Niềm vui là nội dung chính của hai bài. Một lần nữa, Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa chỉ muốn niềm vui cho con người. Một niềm vui tràn trề, hớn hở và cũng cụ thể, thực tế, bắt nguồn từ những nhu cầu cơ bản: được nuôi sống, thoả mãn, an ủi, nâng niêu… (Is 66), bài Tv 66 trả lời như tiếng vang: « 16 Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời, đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi. 20 Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình »
Điều lưu ý cuối cùng: khi Chúa nói (qua miệng các ngôn sứ) Ngài chỉ quan tâm đến vinh quang và hạnh phúc cho Giê-ru-sa-lem. Dĩ nhiên là Chúa hành động, các ngôn sứ nói rõ ràng: « 13 Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy » (Is 66, 13), nhưng Chúa chỉ quan tâm đến niềm vui của dân Ngài (được Thành Thánh đại diện). « 10 Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô! » (Is 66, 10). Nhưng khi dân chúng nói (qua tác giả bài thánh vịnh) họ không lầm và trả lại vinh quang ấy về Thiên Chúa, và chỉ cho Ngài mà thôi: « Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,
2 đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh!
3 Hãy thưa cùng Thiên Chúa:
"Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!
Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm.
4 Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh."
5 Đến mà xem công trình của Thiên Chúa:
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ! »
Chữ đáng kính đáng sợ chỉ dành cho vua chúa: đây nói về vương quốc Thiên Chúa. Một vương triều của tình yêu. Bài Thánh Vịnh kết bằng từ ngữ ấy và cả Ít-ra-en nói lên nơi đây: « 20 Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình »
***