Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống
Trích thư gửi tín hữu Do Thái
18 Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố,
19 có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa,
22 Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui,
23 dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện.
24 Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống
Có lẽ Sách Do Thái được viết cho những Ki-tô hữu gốc Do Thái. Mục đích được công khai tuyên bố là để đặt đúng vị trí của Giao Ước Mới đối với Giao Ước Ban Đầu. Vì trước Chúa Giê-su Ki-tô mọi người sống dưới Giao Ước Ban Đầu, trong khi từ nay chúng ta sống dưới Giao Ước Mới. Từ ngày Chúa Ki-tô đến, với cuộc Thương Khó của Ngài, cái chết của Ngài, sự Phục Sinh của Ngài, tất cả những gì trước đó những Ki-tô hữu đã sống, tuy thuộc về một giai đoạn của lịch sử, nhưng ngày nay đã lỗi thời. Có thể lỗi thời thật nhưng không vì thế phải bị xóa đi tất cả. Vị trí đúng đắn phải thể hiện vừa tiếp tục vừa dứt khoát, hay đúng hơn phải là một sự đổi mới hoàn toàn.
Liên quan với quá khứ, chúng ta nhận ra có những từ ngữ quen thuộc của It-ra-en: Xi-nai, lửa, bóng tối, giông tố, hội vui, Xi-on, Giê-ru-sa-lem, ghi tên trên trời, người công chính… tất cả những từ ngữ ấy nhắc lại trải nghiệm thiêng liêng dân tộc của Giao Ước. Điều này rất quen thuộc với thính giả Do Thái của bài giảng. Chúng ta nên đọc lại vài đoạn sau đây:
« 16 Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ.17 Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi.18 Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh.19 Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm ( Xh19,16-19) ; « 18 Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa…21 Dân đứng xa xa, còn ông Mô-sê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự » (Xh 20, 18...21); « 11 Anh em đã lại gần và đứng dưới chân núi; núi bốc lửa cao đến tận trời, trong bóng tối mây đen mù mịt » (Dt 4, 11). Ký ức dân tộc It-ra-en được nuôi dưỡng bằng những mẫu truyện như thế. Đó là những giai đoạn vinh quang nhất Dân tộc của Giao Ước.
Điều đáng nhạc nhiên nhất bài này dành cho chúng ta trong đoạn sách Do Thái này, đó là nội dung có vẻ đánh giá thấp những trải nghiệm đáng ghi nhớ ấy, vì kể từ nay Giao Ước đã được hoàn toàn đổi mới. Chúng ta vừa thấy trong đoạn trên, ông Mô-sê tiến gần Thiên Chúa, trong lúc toàn dân đứng xa xa « 21 Dân đứng xa xa, còn ông Mô-sê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự » (Xh 20, 21). Trong vài câu trước đó, dân chúng còn bị cấm tiến lên núi.
Trái lại, ngày nay giữa người đã nhận phép Rửa tội với Thiên Chúa được thiết lập một mối liên hệ thật mật thiết với nhau. Tác giả bài này miêu tả trải nghiệm thiêng liêng ấy như ta ung dung tiến vào một thế giới tốt đẹp, vào một hội vui. « 22 Nhưng anh em đã tới núi Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, 23 dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. 24 Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống »
Kể từ nay từ ngữ kính sợ Thiên Chúa đã thay đổi nghĩa: thời Xi-nai đó là kính sợ trước biểu dương quyền năng của Thiên Chúa. Kính sợ đến nổi dân van « xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất! » (Xh 20, 19). Nhưng những ai biết Chúa Giê-su được mạc khải dung nhan thật của Chúa Cha. Lòng kính sợ trở thành tình Cha con « 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa » (Rm 8, 15-16). Chúa Giê-su đóng vai trò hoàn hảo « vị Trung Gian giao ước mới » (c24) vì Ngài làm cho mọi người được nhận Phép Rửa có khả năng đến gần Thiên Chúa, trở nên những đứa « con đầu lòng » (còn có nghĩa là tận hiến). Lời hứa khi xưa cho ông Mô-sê và cho dân tộc It-ra-en dưới chân núi Xi-nai nay cuối cùng cũng được thực hiện: « 5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta.6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en. » (Xh 19, 5-6). Đó là điều tác giả sách Do Thái muốn nói trong câu: « 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần » (Dt 4, 16)
***