Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XXIII TN Năm C (Plm 9b-10.12-17) 04/09/2016

"Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ,
nhưng như một người anh em rất thân mến
"

Trích thư thánh Phao-lô Tông đồ gởi cho Philêmon

 

Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su,

10 tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô,

12 tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.

13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.

14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.

15 Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn,

16 không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.

17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi

 

Chúng ta đã đọc thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu thành Cô-lô-xê xứ Thổ nhĩ kỳ. Bài hôm nay chúng ta đọc một thư của ngài cũng gửi cho một tín hữu đặc biệt thành Cô-lô-xê, trong lúc thánh nhân bị giam nhưng không biết ở trong tù thành phố nào. Người này hình như là một nhân vật quan trọng, có ảnh hưởng trên nhiều người. Ông tên Phi-lê-mon và là một Ki-tô hữu. Ông được vinh dự nhận bức thư từ thánh Phao-lô với lời lẽ lịch sự có tính cách ngoại giao về một vấn đề phải nói là tế nhị.

Ông Phi-lê-mon này hình như sở hữu nhiều nô lệ, sách không nói điều này, nhưng dù sao ông có một người nô lệ tên Ô-nê-xi-mô. Một ngày nọ, Ô-nê-xi-mô bỏ trốn khỏi nhà chủ, điều này theo luật Rô-ma là tuyệt đối cấm. Người nô lệ là sở hữu của người chủ như một đồ vật, tự mình không có quyền quyết định bất cứ điều gì, và nếu bỏ trốn sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Trong lúc lẩn trốn anh gặp thánh Phao-lô, được trở lại đạo và theo phò thánh nhân. Tình trạng rất tế nhị: nếu thánh Phao-lô giữ Ô-nê-xi-mô, thì hóa ra ngài đồng lõa với kẻ trốn nhiệm vụ, và điều này hẳn ông Phi-lê-mon sẽ không hài lòng chút nào. Còn nếu trao Ô-nê-xi-mô cho Phi-lê-mon thì sẽ rất tệ hại cho người nô lệ (hơn nữa, rất có thể vì trước khi bỏ trốn anh ta chẳng tốt lành gì, vì trong thư thánh Phao-lô nói hình như Ô-nê-xi-mô còn thiếu chủ của anh nhiều món nợ…)

Rốt cục thánh Phao-lô chọn vị trí của ngài: gởi Ô-mê-xi-mô về cho chủ với một bức thư xin tha thứ. Nhưng còn phải thuyết phục Phi-lê-mon. Ngài vận dụng tất cả khả năng thuyết phục trong thư: « Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, 10 tôi van xin anh » … nhưng cũng để quyền quyết định tối hậu cho Phi-lê-mon: « 12 tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. 13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. 14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện ». Thánh Phao-lô nói không muốn ép Phi-lê-mon, nhưng ngài biết rõ ngài muốn gì: dần dần thánh nhân mới lộ ra ý mình. Bắt đầu ngài xin Phi-lê-mon tha thứ việc bỏ trốn của Ô-nê-xi-mô. Nhưng điều thánh Phao-lô đề nghị: là xin ban cho Ô-nê-xi-mô một ơn trở lại: kể từ nay anh ấy đã được nhận Phép Rửa, anh trở nên người anh em với chủ cũ: « 15 Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, 16 không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến » và để kết thúc thánh Phao-lô còn đi sâu hơn: « 17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi »

Chúng ta thấy đây là một câu chuyện riêng tư giữa hai cá nhân, bức thư chỉ vỏn vẹn một trang, thế nhưng được gìn giữ như các sách trong Thánh Kinh. Điều này chứng tỏ nội dung được xem như Lời Chúa mạc khải. Chúng ta có thể hỏi vì sao thế ?

Nếu tôi mạn phép đề nghị trả lời, tôi sẽ nói có ba điều :

Điều thứ nhất, chúng ta cũng đã đọc điều này trong các thư thánh Phao-lô, đặc biệt trong Ga-lát: « 28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô » (Gl 3, 28). Nói cách khác, chỉ còn những người được Rửa Tội. Bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta là anh chị em trong Chúa Giê-su Ki-tô, và sự kết hợp mật thiết ấy xóa bỏ mọi phân biệt trước kia. Đây là một bài học rất quan trọng về Bí Tích Rửa Tội: áo trắng ngày Rửa Tội nhắc nhở chúng ta sự biến đổi mật thiết ấy. Kể từ nay người nhận bí tích Rửa Tội không còn là da trắng hay da đen, người Việt hay người nước ngoài, chủ hay nhân viên, nam hay nữ… mà trước tiên là một người anh em, một bộ phận trong Thân Thể Chúa Ki-tô.

Điều quan trọng thứ hai trong thư cho Phi-lê-mon này: nói lên tầm quan trọng trong cuộc sống thực tế hằng ngày của chúng ta. Thực ra câu chuyện của Ô-nê-xi-mô có thể xem như một câu truyện thường tình xảy ra trong xã hội, và có thể nói: « ai muốn làm sao thì làm ». Nhưng thư thánh Phao-lô nói cho chúng ta cách chúng ta sống phải đồng nhất: không phải chỉ là Ki-tô hữu vào giờ nào trong ngày mà thôi.

Sau cùng thánh Phao-lô can thiệp vào lãnh vực hoàn toàn hợp pháp là xin Phi-lê-mon không thực thi án phạt luật định, nhân danh lòng bác ái Ki-tô. Nếu Phi-lê-mon xử phạt nặng nề người nô lệ, ông có quyền hành động như thế và điều ông làm hoàn toàn hợp pháp! Có thể nói, lắm khi luật pháp cho chúng ta có quyền làm một điều gì đó nhưng Tin Mừng thì không!

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com