Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XXVII TN Năm C (2Tm 1, 6-8, 13-14) 02/10/2016

"Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta"

Trích thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi cho Ti-mô-thê

 

6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.

7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.

8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

13 Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy.

14 Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.

 

Lúc Thánh Phao-lô viết Thư thứ Hai cho Ti-mô-thê, ngài đang bị cầm tù tại Rô-ma, không bao lâu trước khi bị hành quyết. Chính ngài nói tôi bị: «mang cả xiềng xích như một tên gian phi.» (2Tm2, 9) và ngài khuyên Ti-mô-thê không vì thế mà hỗ thẹn như một số người. Thánh nhân biết ngài không còn sống bao lâu nữa và cảm thấy rất cô đơn. Thư cho Ti-mô-thê này như là một di chúc một người sắp từ trần. Từ nay Ti-mô-thê sẽ phải thay Thánh Phao-lô vì thế trong này ngài trao cho anh những lời dặn dò trong hướng ấy.

Cũng nên biết, vì những lý do về văn thể, về các từ ngữ và ngay cả về nội dung, Thư này được xem như không phải do chính Thánh Phao-lô viết mà từ một môn đệ viết sau khi thánh nhân qua đời.  

Cộng đồng này, lúc ấy đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng : những thần học trá hình chen vào với những cuộc tranh luận không ngừng. Có lẽ vì thế, một môn đệ nhân danh thánh nhân, lúc ấy uy quyền của ngài còn ảnh hưởng lớn, đứng ra viết, mong rằng cái thế giới nhỏ này quay về đường ngay. Chúng ta không có phương tiện nào để quyết đoán vấn đề khó về xuất xứ tất cả các Thánh thư, vả lại để trung tín với nội dung các bài học từ những Thư này, chúng ta không lại lạc lối vào những cuộc tranh luận.

Để thuận tiện cho cách suy nghĩ, chúng ta tiếp tục xem như thực Thánh Phao-lô và Ti-mô-thê. Vì dù là Thánh Phao-lô và Ti-mô-thê hay những môn đệ tương lai, đối với chúng ta ngày nay không quan trọng. Điều quan trọng là nội dung bài Thánh thư. Đây là những lời khuyên bảo cho một tín hữu trẻ có trách nhiệm trong một cộng đồng, vì thế bài này liên quan rất đặc biệt với chúng ta.

Lời dặn dò đầu tiên có lẽ là quan trọng nhất : «  Khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa » . Nếu chúng ta đọc đoạn sau, đặc sủng ấy chính là Thần Khí Thiên Chúa : « 7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ ». Và thật vậy, Ti-mô-thê đang cần tất cả những đức tính ấy ! Thánh Phao-lô đang bị xiềng xích vì Tin Mừng, ngài dư biết điều này. Đặc sủng của Thần Khí này Ti-mô-thê đã được lãnh nhận khi được đặt tay lên đầu. Các chữ «  Thêm sức » hay « Truyền Chức Thánh » thời ấy chưa có, nhưng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai được đặt tay trên đầu có nghĩa là nhận ơn của Thần Khí.

Trong trường hợp chúng ta đây, trong Thư Thứ Nhất cho Ti-mô-thê chúng ta đã biết : « 14 Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh » (1Tm4, 14) Đây là một nghi lễ trong ấy Ti-mô-thê được trao nhiệm vụ ( Ngày nay ta gọi là được Truyền chức Linh mục) chăm sóc cộng đồng.

Một công thức đáng ngạc nhiên : «  Khơi dậy đặc sủng ». Nói như thế có nghĩa là đặc sủng có thể ngủ trong ta ! Trong Thư khác (1Tx5, 19) Thánh Phao lô cũng nói : « 19 Anh em đừng dập tắt Thần Khí ». Trong Thư này chúng ta cũng được nghe một sứ điệp rất khích lệ : chúng ta mang trong người Thần Khí, ngay khi chúng ta phần nào có vẻ muốn phủ lên một lớp tro, Thần Khí vẫn ở trong chúng ta vẫn ngấm ngầm cháy dưới lớp tro tàn…Không có gì dập tắt được. Có một tiếng vang của chữ «  Hôm nay », chúng ta vừa được nghe trong Thánh vịnh 94 : mỗi ngày là một ngày mới, thoát ra từ chúng ta Thần Khí đã được lãnh nhận. Mỗi ngày có thể nhuốm lại , làm sống lại ngọn lửa ấy trong chúng ta. Thánh Phao-lô nói không phải là một thần khí làm cho chúng ta nhút nhát nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. Vì thế không nên tìm tự nơi chúng ta sức mạnh, tình thương và biết tự chủ : nhưng từ suối nguồn vô tận ấy Thiên Chúa đã khắc ghi vào thâm sâu chúng ta ngày nhận Phép Rửa Tội. Ti-mô-thê, mặc dù có tiếng là còn trẻ và yếu đuối, nhưng là người đầu tiên biết tận dụng những kho báu của lòng tin và đức kiên trì bằng cách múc lấy từ suối nguồn của Thần Khí. Hơn nữa nếu chúng ta đọc xa hơn Thánh Phao-lô nói rõ : «… dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng ». Đứng trước những bách hại không thể nào tránh được của Ti-mô-thê và ngài, thánh nhân không nói «  tận dụng mọi nổ lực » nhưng ngài nói « dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa ».

Xa hơn vài câu, chúng ta nhận ra một đề tài Thánh Phao-lô yêu chuộng : đó là truyền lại đức tin. Thánh nhân đã truyền lại cho Ti-mô-thê một gia báu, tới phiên Ti-mô-thê phải truyền lại và tiếp tục như thế. « 13 Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy 14 Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta ». Trong thư khác, Thư Thứ Nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô viết : «tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận » ( 1Cr15, 3). Điều này làm cho chúng ta nghĩ tới cuộc chạy đua tiếp sức, mỗi người truyền lại cho người kế tiếp một vật gì đó làm bảo chứng, không được thay đổi từ ban đầu cho tới khi tới đích, trong lúc đó không thể nào tránh được, việc truyền lại đức tin, phải phát biểu một cách khác suốt chặng dài qua các thế hệ, thế kỷ này sang thế kỷ khác. Chính vì đức tin không phải một vật hữu hình, một vật bó chặc, gói ghém kỹ lưỡng không ai có thể sờ vào : đức tin là một nghệ thuật sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, với lòng tín thác vào Ngài.

Thánh Phao-lô nhắc cho Ti-mô-thê giáo huấn vững vàng ngài đã trao, bây giờ đến phiên anh phải truyền lại. Ở đây vững vàng không có nghĩa là cứng nhắc : trung tín với đức tin được lãnh nhận đòi hỏi trái lại phải đào sâu không ngừng và có khi dần dần phải phát biểu cách khác theo Thần Khí : « .13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. » ( Ga,16, 13), đó là chính Lời Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Hơn nữa khi Thánh Phao-lô nói cho Ti-mô-thê : « anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy » . Làm mẫu mực nhưng có thể phát biểu cách khác miễn là trung thực với những điều lãnh nhận ( Chú thích người dịch : Theo bản dịch Pháp văn Thánh Phao-Lô nói: « anh hãy điều chỉnh học thuyết của anh theo những gì anh lãnh nhận nơi tôi » ). Thánh Phao-lô không nói, hãy lập lại trung thực những gì anh lãnh nhận nơi tôi, không sai một dấu phẩy, nhưng ngài nói : « anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy », điều này có nghĩa là trung thực thật sự không chỉ lập lại y chang. Những người rao giảng Tin Mừng không phải là con vẹt.

Tất cả vấn đề là những gì truyền lại có trung thực hay không. Rất nhiều cuộc tranh luận xảy ra suốt các thế kỷ giữa những Ki-tô hữu về nội dung đức tin. Thế nhưng chúng ta không phải là bảo đảm cho đức tin trung thực : mà chính Thần Khí là bảo đảm tối cao của đức tin lãnh nhận. Thánh Phao-lô nói rõ : «14 Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta. » Để truyền lại một cách trung tín ngọn lửa cho các thế hệ mai sau , chỉ cần chúng ta khơi dậy, làm sống lại trong chúng ta đặc sủng Thiên Chúa, ngọn lửa Thần Khí trong chúng ta không có gì dập tắt được.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com