Alleluia, alleluia!
- Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.
-----------------
"Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi phải đợi một Đấng nào khác?"
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu
2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:
3 "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? "
4 Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:
5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,
6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."
7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?
8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.
9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.
10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
11 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
Chúa nhật vừa qua, Phúc Âm giới thiệu cho chúng ta ông Gio-an Tẩy-giả đang làm phép rửa cho trên sông Gio-đan cho những người đến với ông. Ông nói: « Còn Đấng đến sau tôi » (Mt 3, 11). Câu truyện ngày hôm nay xảy ra vài tháng sau. Ông Gio-an bị vua Hê-rô-đê cầm tù. Các sử gia thời ấy phỏng chừng vào năm 28 và trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu nói lúc ấy Chúa Giê-su bắt đầu thật sự đi rao giảng. Trong thời thượng cổ, ở tù không nhất thiết là phải chịu những điều kiện bất nhân. Có những bằng chứng các tù nhân quan hệ dễ dàng với bên ngoài. Lúc ấy ông Gio-an Tẩy Giả nghe người ta nói về những điều Đức Giê-su làm bên ngoài. Các môn đệ ông thuật lại, nhưng không hẳn lúc nào cũng tử tế. Vì thế ông cũng tự đặt câu hỏi.
Ngày Chúa Giê-su đến sông Gio-đan chịu phép Rửa, ông Gio-an xác tín rằng đấy là Đấng Mê-si-a, và ông đã mạnh dạn tuyên bố rõ ràng như thế. Thế rồi vài tháng sau. Khi ông Gio-an Tẩy giả bị bắt, Chúa Giê-su đi xa: Chúa rời khỏi vùng ven sông Gio-đan đi về Ga-li-lê Miền Bắc. Bài này Thánh sử Mát-thêu thuật lại cho chúng ta thuở ban đầu cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su. Một loạt bài giảng - kể cả Bài Giảng Trên Núi bất hủ, các mối phúc thật - và những hành động của Ngài: trước hết có vô số những cuộc chữa lành, nhưng cũng có những cách hành xử khá lạ thường. Ví dụ như có nhiều môn đệ theo cạnh Chúa, không phải là những người có tiếng tốt và gồm đủ thứ hạng người. Về mặt tôn giáo (cũng như về mặt chính trị) họ không cùng phe với nhau, nhẹ lắm là nói như thế…
Hơn nữa không như một ngôn sứ, Chúa không có vẻ gì khổ hạnh! Ông Gio-an Tẩy Giả thì đúng là một nhà khổ hạnh, mọi người chiêm ngưỡng điều đó nơi ông, ít nữa Chúa Giê-su ăn uống như mọi người, còn trầm trọng hơn Ngài công khai giao thiệp với bất cứ ai. Trong lúc ấy ông Gio-an Tẩy Giả vẫn là người đầy nhiệt huyết. Vì thế không lạ gì ông khá băn khoăn và tự hỏi: có phải tôi lầm về đấng Mê-si-a chăng ? Vì thế ông gửi các môn đệ đến Chúa Giê-su để đặt câu hỏi: Đấng Mê-si-a có phải là em hay không ? Chúa Giê-su không trả lời thẳng câu hỏi của Gio-an bằng có hay không. Ngài kể từ Thánh Kinh các đoạn nói về Đấng Mê-si-a và bảo nói lại với Gio-an: hãy kiểm tra xem phải đúng là những điều ta làm không. Ngụ ý Chúa muốn nói: đúng vậy, ta là Đấng Mê-si-a, anh không lầm, có điều anh ngạc nhiên, ngỡ ngàng về cách ta làm, đó là điều anh phải khám phá ra Dung Nhan thật của Thiên Chúa.
Vấn đề ông Gio-an Tẩy Giả đặt ra thật sự chủ yếu. Đối với ông Gio-an đã đành, vì chính ông hỏi nhưng cũng đối với Chúa Giê-su nữa. Chính Ngài cũng có nhiều lần tự hỏi như thế, có lẽ nhiều lần trong đời trần thế của Ngài, nhiều lần khi Ngài phải có những chọn lựa (rõ ràng nhất là lúc Chúa bị Cám dỗ trong sa mạc). Phần cơ bản của vấn đề Mê-si-a, chúng ta xác tín rằng thế nào Ngài cũng sẽ đến, nhưng đến như thế nào và Ngài sẽ làm gì ? Ngài sẽ là một vị vua vinh quang, đầy quyền lực... hay là một tư tế, một ngôn sứ ? Thế nhưng các đọan Thánh Kinh Chúa chọn để giới thiệu sứ vụ của Ngài biểu lộ dung nhan một Đấng Mê-si-a đơn sơ, Người như mọi người, phục vụ con người, phục vụ người hủi, phế tật, những người đau khổ mọi bề. Đấy là dung nhan thật của Thiên Chúa, một Thiên Chúa cùng với loài người, phục vụ con người. Và cuối câu Chúa Giê-su có vài lời tán dương và khuyến khích người tù nhân: « 6 phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi ».
Thay vì giữ lấy trong lòng những ngờ vực, nghiền mgẫm những mẩu thông tin vụn vặt đây đó, hoặc thảo luận với các môn đệ, tạo cho mình những ý kiến riêng về Chúa Giê-su, ông Gio-an Tẩy Giả chọn con đường thẳng nhất là gởi một môn đệ đến với chính Chúa Giê-su… đó cũng là những người đã nói với ông Gio-an: thầy biết không, người mà thầy loan báo là Đấng Mê-si-a, có thể là không phải đấy! Hành động như thế ông Gioan chứng tỏ đã không mất lòng tin. Ông luôn có đức tin, chỉ xin Chúa soi sáng cho mình. Phúc cho ai luôn đứng vững, ngay trong lúc ngờ vực! Hơn nữa Chúa Giê-su cố gắng làm cho mọi người hiểu Gio-an Tẩy Giả là ai: đó là đoạn sau của bài Thánh Kinh. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần vài mốc chính xác về địa lý.
Khúc sông Gio-đan cạn, nơi ông Gio-an làm phép Rửa là men bìa sa mạc, trên đường đoàn lạc đà đi qua A-ra-bi-a. Có những buổi chiều mùa đông, cỏ non mọc ven sông, những bụi sậy cứng cáp hơn, phong cảnh gió thổi sậy rung rinh trên tấm thảm cỏ xanh là quang cảnh rất đáng đến chiêm ngưỡng. Hơn nữa con đường đi A-ra-bi-a là con đường dẫn đến các thành phố thần thoại xây trong các ốc đảo sa mạc, các thành phố của ngàn lẻ một đêm trong ấy các tiểu vương sống trong xa hoa có một không hai. Khi ấy Chúa Giê-su hỏi: thực ra các bạn đến đó làm gì, đi du lịch hay để mơ mộng ? Các bạn không biết các bạn đến với vị tiên tri lớn nhất các tiên tri, đấng nói những lời tiên tri sau cùng của Cựu Ước, đấng Thiên Chúa gửi đến như sứ thần mở đường cho Đấng Mê-si-a. Đấng Thánh Kinh nhiều lần loan báo như đấng tiền hô, đi trước để mở đường cho Đấng Mê-si-a. Ngài là vị tiên tri lớn nhất các tiên tri, vì mang đến sứ điệp quyết định: đây rồi, lời Chúa hứa đang thể hiện. Nhưng Chúa Giê-su lại thêm: « Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. » Lời này thật lạ lùng. Vì chúng ta biết có sự ngờ vực của người tù nhân của vua Hê-rô-đê, chúng ta hiểu câu này của Chúa: Gio-an Tẩy Giả chỉ là người đưa tin, nội dung của sứ điệp của ông quá sức hiểu biết của ông. Điều mà ông không biết thì người bé nhỏ nhất của các môn đệ Chúa Giê-su sẽ khám phá ra, đó là nội dung ý nghĩa sứ điệp của Chúa: « 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. » (Ga 1, 14).
***
Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương