"Này trinh nữ sẽ thụ thai"
Bài trích sách Tiên ti I-sa-i-a.
10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:
11 "Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu
dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh."
12 Vua A-khát trả lời:
"Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA."
13 Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!
Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,
mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?
14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.
Không ngờ chúng ta đang chứng kiến một trang sử bi đát nhất của dân tộc Ít-ra-en. Bối cảnh là năm 735 trước CN, thời ấy cựu vương quốc vua Đa-vít chia ra làm hai xứ nhỏ, từ 200 năm rồi. Có hai tiểu vương, với hai thủ đô: Sa-ma-ri-a Miền Bắc, Giê-ru-sa-lem Miền Nam, ở đây, tại Giê-ru-sa-lem, từ dòng dõi vua Đa-vit này, Đấng Mê-si-a sẽ đến. Lúc này, dĩ nhiên Đấng Mê-si-a chưa sinh ra! Một vua trẻ A-khát 20 tuổi, vừa được lên ngôi tại Giê-ru-sa-lem, và tiếng kèn lễ đăng quang vừa dứt là phải lấy những quyết định rất khó khăn.
Chúng ta biết Thánh Kinh không phải một sách lịch sử. Sở dĩ những lời Tiên tri I-sa-i-a được chép và truyền lại bởi vì những vấn đề của vua A-khát chủ yếu là vấn đề đức tin. Muốn có những quyết định khôn ngoan phải dựa vào đức tin, tức là chỉ trông chờ vào Thiên Chúa mà thôi: Chúa đã hứa triều đại của Đa-vít sẽ không bao giờ tuyệt diệt. Một khi Chúa hứa, Ngài sẽ giữ lời, Chúa không bỏ rơi dân Ngài. Ít-ra-en xác tín như thế. Thật vậy, đối với một tân vương trẻ tuổi, đó là một trách nhiệm nặng nề. Tình trạng chính trị đáng lo ngại, trong vương quốc nhỏ Giê-ru-sa-lem này lại chia làm hai phe đối kháng nhau: một bên là lực lượng đang phất lên như diều nổi dậy ở Trung Đông, đó là Đế quốc Át-sua, thủ đô là Ni-ni-vê (ngày nay các di tích của Ni-ni-vê được tìm lại, gần Mossoul). Quân Át-sua đe dọa khắp vùng này, có những chiến dịch đã tới Đa-mát xứ A-ram và Sa-ma-ri. Năm 738 vua Đa-mát và vua Sa-ma-ri thất trận, đầu hàng và phải nộp triều cống.
Phe bên kia, chính là hai vương quốc nhỏ A-ram và Sa-ma-ri nổi lên chống lại Ni-ni-vê, và bao vây Giê-ru-sa-lem cố hạ bệ vua A-khát để thay một vua khác, hầu sau này đồng minh với họ trong cuộc chiến dành độc lập chống lại Ni-ni-vê. A-khát hoảng sợ, tay chân run lẩy bẩy. Các câu trước bài này viết: « Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió. »(Is 7, 2). Ngôn sứ I-sa-i-a bắt đầu kêu gọi họ trấn an và tin tưởng. Ngài nói đại loại như sau: « hãy tin tưởng nơi Chúa, triều đại của ngươi không thể kết thúc được, vì Chúa đã hứa như thế », và vị Tiên tri tiếp: « Lòng tin là cứu cánh của mọi người, nếu ngươi và dân chúng không tin thì không ai còn nữa ». Vì theo lời khuyên của I-sa-i-a là « hãy bình tĩnh đối đầu với các mối đe dọa, đặt tin tưởng vào đức tin và vào tiềm năng của dân chúng » .
Nhưng A-khát không còn nghe nữa, ông ta là người đã được Thiên Chúa Duy Nhất đặt niềm tin, ký thác lại đi dâng lễ cầu xin mọi thần thánh và còn làm một điều ghê rợn nhất - than ôi chuyện này rất thường thời ấy, trong các dân tộc khác, các ngôn sứ luôn nghiêm cấm -: giết đứa con duy nhất của mình làm lễ toàn thiêu. Sách thứ Hai Các Vua chép rằng: « Họ đã làm lễ thiêu con trai con gái họ » (2V 17, 17). Cuối cùng A-khát thấy chỉ còn một lối thoát: để tránh sự đe dọa trước mắt của hai tiểu vương lân cận, vua Đa-mát và vua Sa-ma-ri, ông ta quyết định cầu cận sự trợ giúp hoàng đế Át-sua. Ngôn sứ I-sa-i-a cực lực phản đối giải pháp này, vì tất cả sau này đều có cái giá phải trả! Một khi A-khát xin sự giúp đỡ ấy, sẽ mất độc lập về chính trị và tôn giáo, làm như thế một ngày một buổi quét sạch công trình giải phóng từ Mô-sê.
Thì đây là những lời của ngôn sứ I-sa-i-a nói trong bài chúng ta đọc hôm nay. Như các bạn thấy, trước khi rỉ lời nói vào tai người tín hữu, với một ý nghĩa đặc biệt cho chúng ta, các lời này được nói lên trong một tình huống đặc biệt, rất cụ thể. I-sa-i-a nói với A-khát: « Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh ». A-khát trả lời bằng một câu hết sức giả hình: mặc dù trong lòng đã lấy quyết định hoàn toàn trái ngược với lời khuyên của I-sa-i-a, và, tệ hơn nữa trong hoảng hốt, đem giết đứa con duy nhất làm lễ toàn thiêu, đứa con này còn là đối tượng lời hứa của Thiên Chúa, ông nói: « Không, không tôi nào đòi hỏi chi nơi Thiên Chúa! » Đâu có thể qua mặt được I-sa-i-a, ngài nói: « Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? » Ngôn sứ cố tình nói với A-khát: « Thiên Chúa của tôi »vì ngài cho rằng A-khát cư xử như không còn trong Giao Ước.
Nhưng mặc cho những bất trung của A-khát không ngừng tái diễn, I-sa-i-a tuyên bố Thiên Chúa vẫn trung tín. Và Chúa sẽ chứng minh, đứa con sau này Chúa sẽ ban cho dòng dõi vua, sẽ mang tên « Chúa ở cùng chúng ta ». Mặc cho những các kẻ thù muốn hạ bệ A-khát, mặc cho thái độ của A-khát giết con mình làm lễ toàn thiêu, không có gì có thể cản ngăn sự tín trung của Thiên Chúa, giữ lời cho hậu duệ Đa-vít và cho dân Ngài. Thì đây « người phụ nữ trẻ thụ thai »: trong sách tiếng Do Thái I-sa-i-a dùng một từ ngữ không có nghĩa « cô gái đồng trinh », nhưng là một phụ nữ có chồng… chúng ta sẽ trở lại trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.
Cuối cùng những lời hứa về hài-nhi-vua: bé sẽ được nuôi dưỡng bằng kem sữa và mật ong (đó là ngụ ý nói về Đất hứa, nơi tuôn tràn sữa và mật). I-sa-i-a tiếp trong câu 16 chúng ta không đọc hôm nay: « 16 Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt, (tức là trước khi trẻ trưởng thành) thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang. » Hãy hiểu: còn sự đe dọa của hai vua Đa-mát và Sa-ma-ri, rồi đây không ai còn nhớ tới, trong một thời gian ngắn nữa thôi, không ai sẽ còn nói đến nữa. Thật vậy, một thời gian ngắn sau khi I-sa-i-a tuyên bố như thế, hai vương quốc A-ram và Sa-ma-ri bị đế quốc At-sua hoàn toàn đè bẹp, của cải vàng bạc mang về Ni-ni-vê, dân chúng di tản khắp nơi.
Chỉ còn vua và dân chúng được tự do. Và vị vua trẻ tuổi được nói ở đây là Khít-ki-gia, lại phạm sai lầm khác. Thế nhưng những lời tiên tri của I-sa-i-a vẫn còn giá trị: mặc cho những điều bất trung của loài người đến đâu cũng không cấm cản Thiên Chúa trung tín với những lời hứa của Ngài cho con cháu Đa-vít và dân Ngài. Vì thế từ đời nọ đến đời kia lời hứa của Thiên Chúa được giữ trong lòng, với xác tin rằng một ngày kia, dù có xa xôi mấy đi nữa, một vị Vua sẽ đến, xứng danh là « Em-ma-nu-en »
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương