Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH Năm A (Tv71, 2.7-8.10-11a.12-13) 08/01/2017

"Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa."

 

1 Của vua Sa-lô-môn.
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,

2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

3 Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.

4 Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.

5 Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!

6 Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.

7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.

8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

9 Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.

10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.

11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.

12 Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,

13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,

14 giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.

15 Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.

16 Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.

17 Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.

18 Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.

19 Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!

A-men. A-men.

 

Cho ngày Lễ Hiển Linh, phụng vụ đề nghị chúng ta chỉ đọc một ít câu của bài Thánh vịnh 71 (72) này; tuy nhiên muốn hiểu rõ hơn, nên đọc toàn cả bài. Vì thế tôi chép trọn bài ở đây.

Trước hết, hãy tưởng tượng chúng ta đang tham dự lễ tấn phong cho một tân vương. Các vị tư tế dâng lên những lới cầu nguyện, tất cả là những lời chúc mà thần dân các xứ dâng lên mỗi lần mở đầu một triều đại: Tất cả các đoạn (trừ đoạn chót) nói rõ các chi tiết các lời chúc ngày lễ tôn vương: những lời chúc cho một thời chính trị vĩ đại cho vua, nhưng nhất là những lời chúc hoà bình và công lý cho toàn dân. Có thể nói, những « ngày đầu phấn chấn »! Đó là một đề tài không còn nghe ở thời nay... Từ muôn thuở người ta vẫn mơ như thế! Của cải, phồn vinh cho mọi người, công lý và hòa bình… và như thế cho toàn dân và cho đến tận cùng trái đất…

Đoạn sau cùng thay đổi hẳn: không còn là vấn đề vua dưới trái đất này nhưng chỉ là Chúa: « 18 Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en, chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu. 19 Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh, ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu! A-men. A-men. » Chính đoạn này cho chúng ta chìa khóa của bài Thánh Vịnh. Sự thật, bài này được sáng tác và hát sau thời lưu đày Ba-by-lon - vậy là giữa năm 500 và 100 trước CN - tức là thời kỳ không còn vua ở Ít-ra-en, có nghĩa là những lời chúc, những lời nguyện không dành cho vị vua thế gian nào bằng da bằng thịt… Nhưng đây là vị Vua mà mọi người mong đợi, chính Chúa đã hứa, Vua-Mê-si-a. Và vì lẽ đó lời hứa của Chúa, thì thế nào cũng sẽ được thực hiện.

Suốt tất cả Thánh Kinh đều miêu tả niềm cậy trông bất diệt đó: Lịch sử loài người có một chủ đích, một ý nghĩa, một hướng đi. Chúa có một chương trình, chương trình của Ngài linh ứng suốt Thánh Kinh. Cựu Ước cũng như Tân ước: chương trình này có nhiều tên gọi tuỳ mỗi tác giả. Ví dụ như « Ngày của Chúa » nơi các tiên tri; « Nước Trời » của Thánh Mát-Thêu; « kế hoạch yêu thương » theo Thánh Phao-lô, nhưng tất cả đều chỉ định chương trình ấy của Thiên Chúa. Cũng như một tình nhân cứ lập đi lập lại không nhàm chán lời tỏ tình của mình, Chúa luôn luôn đề nghị một chương trình hạnh phúc cho nhân loại. Chương trình đó sẽ được thực hiện bởi Đấng Mê-si-a, mà Đấng ấy là Đấng mọi tín hữu dâng mọi lời chúc trong các Thánh Vịnh trong đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Đặc biệt Tv 72 này là cách miêu tả vị vua lý tưởng, vị vua mà dân Ít-ra-en chờ đợi từ hằng bao thế kỷ. Trong bài hát Giáng Sinh « Trời hân hoan » bằng tiếng Pháp có nói các tiên tri đã hứa từ 4000 năm... điều này không hẳn đúng sự thật. Tôi nghĩ con số bốn nghìn năm được viết ra cho đúng âm điệu… Khi Chúa Giê-su sinh ra là khoảng 1000 năm sau khi tiên tri Na-than tới loan báo cho vua Đa-vít lời hứa sau đây: « 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. 15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. 16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi. » (2Sm 7, 12-16)

Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác lời hứa đó được lập đi lập lại, loan đi và xác định lại. Sự xác tín về lòng trung tín vào lời hứa của Chúa làm cho mọi người khám phá ra sự phong phú và những hậu quả của những lời hứa đó; sở dĩ vị vua đó xứng đáng được danh hiệu Con Thiên Chúa, là vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa, một vị vua của công lý và hoà bình.

Mỗi lần tuyên dương một tân vương, lời hứa đó được dâng lên cho vua và mọi người lại mơ. Từ thời vua Đa-vít, người ta chờ mong và dân Do Thái vẫn luôn chờ. Nhưng cũng phải công nhận rằng một triều đại lý tưởng ấy chưa hề thấy trên trái đất này. Cuối cùng có thể chỉ là một ảo tưởng… Nhưng người có đức tin không cho là ảo tưởng: Đây là một lời hứa của Chúa, tức là một xác tín. Và suốt Thánh Kinh niềm xác tín đó được nêu ra, đây là một niềm cậy trông bất diệt: chương trình của Chúa sẽ được thực hiện, chúng ta tiến tới từ từ nhưng, chắc chắn nó sẽ đến. Đó là phép mầu của đức tin: đứng trước lời hứa, mỗi lần thất vọng, có hai thái độ có thể có: Người không có đức tin nói « Đấy, tôi đã nói, chuyện không bao giờ có » nhưng người có đức tin sẽ nói « hãy kiên nhẫn, vì Chúa đã hứa, Ngài không bao giờ nói dối » như Thánh Phao-lô trong (1Tm 2, 13).

Thánh vịnh này nói lên vài khía cạnh những gì đáng chờ đợi nơi một vị vua lý tưởng: ví dụ như « quyền bính » và « công lý », rồi sẽ đồng nghĩa với nhau. Đó là cả một chương trình: thật vậy, không ai có thể kể ra một vị vua loài người nào chỉ phục vụ lẽ công chính; than ôi rất thường, quyền lực đi đôi với lợi nhuận dưới mọi hình thức và những lạm dụng quyền thế khác. Chính bởi vì chúng ta chỉ là con người mà thôi!

Chỉ có nơi Chúa, quyền lực là ở tình yêu: Thánh vịnh chúng ta xác định như thế, nên có câu: « Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử ». Và bởi vì vị vua chúng ta được trang bị mãnh lực của chính Thiên Chúa - một mãnh lực chỉ là tình yêu và công lý - sẽ không còn người khốn khổ trong vương quốc của Ngài. « 7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nào tuế nguyệt chẳng còn... 12 Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương »

Vị vua ấy, ai cũng muốn ngài ngự trị khắp địa cầu! Vì thế ai cũng chúc cho vương quốc thế ấy không giới hạn không gian và thời gian. « 5 Nguyện chúc... 7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn »

Lúc bấy giờ, mỗi khi hát Tv này, những « tận cùng trái đất » được biết là xứ A Rập và Ai cập; vì thế ở đây nói tới các vua Saba và Sơ-va: Saba là phía Nam A rập và Sơ-va là phía nam của Ai cập… Còn Tác-sít là một xứ trong tưởng tượng, có nghĩa là « tận cùng trái đất ».

Ngày nay dân Do Thái hát Tv này để chờ đợi Vua-Mê-si-a; chúng ta là người Ki-tô hữu, chúng ta cho rằng vua ấy là Đức Giê-su Ki-tô, và hình như ba Vua đến từ Phương Đông đã thể hiện lời hứa năm nao:

« 10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, (và saba) cũng đều tới tiến dâng lễ vật. 11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự »

***

 Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com