"Lạy Chúa, này đây con đến thực thi ý Chúa."
2 Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
3 Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
4 Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.
5 Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.
6 Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!
7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
8 con liền thưa: "Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
9 rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."
10 Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
« Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu ». Như thường lệ, trong thánh vịnh khi một nhân vật cá nhân nói, chúng ta biết đó thật ra là một nhân vật tập thể, là dân tộc Ít-ra-en hát lên lời ca tạ ơn. Họ đã trải qua những thử thách khủng khiếp và Chúa đã giải thoát họ.
Bài Thánh Vịnh 30 (40) là một thánh vịnh tạ ơn. Bài được sáng tác với một công dụng rõ ràng trong phụng vụ: đó là bài thánh ca lúc dâng của lễ (xin đừng quên tế lễ thú vật được cử hành tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá hoàn toàn, vào năm 70 sau CN). Ngay trong lúc dâng lễ, bài hát loan báo trong tương lai việc tế lễ sẽ bị huỷ bỏ trong Giao Ước Mới: « Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi ». Các tiên tri phải dùng đến cả một phương pháp sư phạm để làm tiến hóa việc thực hành các nghi thức tế lễ. Tất cả Thánh Kinh là một trường học suốt thời gian dài dạy thực hành, và với bài thánh vịnh 39 này, chúng ta đang trong giai đoạn cuối cùng của sự biến đổi quan hệ Ít-ra-en với Thiên Chúa.
Tôi xin trở lại việc dâng của lễ ở Ít-ra-en: điều này phát triển song song với sự hiểu biết về Thiên Chúa. Thật là lô-gíc: « hiến tế » (Sacrum facere theo tiếng La tinh) có nghĩa là « làm điều thần thiêng », tiếp xúc, hay đúng hơn kết hiệp với Chúa. Tất cả dĩ nhiên tuỳ cách hiểu Thiên Chúa là như thế nào. Vì thế dần dần một khi khám phá ra Thiên Chúa như thế nào, thì việc tế lễ cũng thay đổi theo chiều hướng ấy.
Tôi bắt đầu từ đầu. Điều thứ nhất cần nhớ: không phải Ít-ra-en đã tạo ra việc tế lễ hay hiến tế (có trước nơi các dân tộc khác ở Trung đông trước xa, lúc dân tộc Ít-ra-en còn chưa xứng được gọi là một dân tộc). Nhận xét thứ hai là khi chúng ta tiềm hiểu về tế lễ ở Ít-ra-en: việc này luôn luôn có suốt lịch sử Thánh Kinh. Có nhiều loại lễ tế, nhưng tất cả đều là một phương tiện để tiếp xúc với Thiên Chúa. Nhận xét thứ ba: các cuộc tế lễ của dân Chúa chọn giống với các dân tộc lân cận… thật vậy, nhưng có một điều khác biệt, một khác biệt thật to lớn: đặc thù nơi Ít-ra-en là lễ toàn thiêu người, bị nghiêm cấm. Xưa kia thì có, thật vậy, dù có rất ít nhưng không thể chối cải là không có tế lễ người tại Ít-ra-en. Điều này không chứng minh là được Chúa cho phép và tán thành ! Trái lại lúc nào cũng là một lập trường kiên định trong Thánh Kinh: dù bất cứ thời nào lễ toàn thiêu người được xem như một điều kinh tởm, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thay mặt Chúa nói: « Ta không bao giờ có ý tưởng đó » và trong nhiều đoạn ngài nói: « Đó là điều Ta đã không truyền dạy, cũng chẳng bao giờ nghĩ tới » (Gm7, 31 ;19, 6 ;32, 35). Và câu truyện bất hủ cuộc tế lễ của Áp-ra-ham - dân Do Thái gọi là « Trói I-sa-ắc » - được đọc chính xác là để minh chứng rằng từ đầu Giao Ước với Thiên Chúa với dân Ngài chọn, các cuộc tế lễ người bị nghiêm cấm. Chính vì thế Áp-ra-ham được mặc khải, tế lễ không phải là giết! Ông đã hiến tế con mình nhưng ông không có giết nó.
Nghĩ cho cùng điều này thật chi lý! Thiên Chúa là Chúa sự sống: không thể nào có thể tưởng tượng muốn đến với Ngài phải đem lại sự chết ! Cấm tế lễ người là điều chính yếu được nhấn mạnh trong đạo của giao Ước. Chỉ có tế lễ súc vật được tiếp tục. Nhưng dần dần qua thời gian có một sự biến đổi thật sự, có thể nói có một sự hoán cải về tế lễ. Có hai điểm về sự hoán cải: trước hết về ý nghĩa sau đó là lễ vật hiến tế.
1/ Về ý nghĩa của hiến tế. Trong Thánh Kinh, một khi dần dần được mặc khải về Thiên Chúa, việc tế lễ cũng được tiến triển. Có thể nói: Hãy nói cho tôi bạn hiến tế như thế nào, tôi sẽ nói Chúa của bạn ra sao. Chúa chúng ta có phải là một Chúa phải thuần hóa mới được ơn từ Ngài, phải làm gì đó để xứng đáng ? Một Chúa nóng giận cần ta làm cho hạ cơn giận ? Một Thiên Chúa đòi hỏi có người chết ?... thế thì các cuộc tế lễ của ta phải làm trong chiều hướng ấy, đó là những trò ma thuật, đại loại như để mua chuộc Thiên Chúa. Hay là Chúa chúng ta là Đấng yêu thương chúng ta trước tiên, một Thiên Chúa chỉ có một kế hoạch là kế hoạch nhân từ, ân sủng của Ngài đã ban trước cho chúng ta, bởi vì Ngài chỉ lá Ân sủng, Thiên Chúa Tình Yêu và là Sự Sống ?... và như thế của lễ chúng ta cũng sẽ khác hẳn, đó là những cử chỉ yêu thương và lòng biết ơn. Những nghi thức không còn phải là những cử chỉ ma thuật mà là dấu chỉ của Giao Ước với Thiên Chúa.
Tất cả Thánh Kinh là lịch sử của hành trình học hỏi thật chậm từ hình ảnh đầu tiên của Thiên Chúa bước qua hình ảnh thứ hai của Ngài. Chính chúng ta mới cần thuần phục, cần khám phá ra tất cả là quà tặng nhưng không, cần biết nói cám ơn (Thánh Kinh gọi là lễ tế bằng môi). Tất cả phương pháp sư phạm của Thánh Kinh nhằm cho chúng ta bỏ đi cái lô-gíc « có qua có lại », tính toán, phải xứng đáng, để bước qua cái lô-gíc của ân huệ, của quà nhưng không. Và bài học ấy không bao giờ chấm dứt.
2/ Sự hoán cải ấy còn liên quan đến của tế: các ngôn sứ có một vai trò quan trọng trong hành trình học hỏi thật chậm này của dân Chúa chọn. Các ngài mặc khải cho họ dần dần của lễ Chúa thật sự muốn: thực hiện các cuộc tế lễ theo tinh thần của « sacrum facere » (làm điều thiêng liêng), thật là tốt, nhưng với điều kiện đừng nhầm lẫn những gì Chúa chờ đợi nơi ta! Có thể giống như các ngôn sứ nói với chúng ta: « Ngươi muốn vào mối tương quan với Thiên Chúa… ? Tốt đấy!... với điều kiện đừng lầm Chúa nào khác! »
Có lẽ một câu của ngôn sứ Hô-sê (thế kỷ thứ VIII) tóm lược hoàn hảo cách rao giảng của các Tri: « Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, » (Hs 6, 6). Mọi người dần dần khám phá ra hy lễ thật sự, làm điều thiêng liêng, không phải là giết đi mà làm cho sống lại. Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống: giết chết đi không thể nào là phương pháp tốt nhất để đến gần Ngài! làm cho anh em ta sống, là cách tốt nhất để đến gần Ngài.
Giai đoàn cuối cùng của phương pháp sư phạm ấy của các tiên tri giới thiệu cho chúng ta thế nào là hy lễ lý tưởng: đó là phục vụ anh em ta. Chúng ta tìm thấy quan niệm này trong cả bốn bài ca người tôi trung, trong sách thứ hai của I-sa-i-a. Lý tưởng của Người Tôi Trung là hy lễ lý tưởng, « một mạng sống cho đi để đem lại sự sống » .
Bài Thánh Vịnh 39 tóm tắc tuyệt vời sự mặc khải của Thánh Kinh về hy lễ: « 7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con ». Từ bình minh của loài người Thiên Chúa đã « mở tai » con người để bắt đầu cuộc đối thoại tình yêu; bài thánh vịnh 39 phản ánh hành trình dài của dân Chúa chọn tập sự đi vào cuộc đối thoại ấy. Trong Giao Ước Si-nai các hy lễ súc vật tượng trưng cho lòng quyết tâm của dân chúng thuộc về Thiên Chúa; trong Giao Ước Mới sự lệ thuộc ấy hoàn toàn: cuộc đối thoại được thực hiện, hy lễ và lễ vật đều thiêng liêng như sau này Thánh Phao-lô nói: « Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế » (Dt 10, 5) Lúc bấy giờ bài hát mới vang lên từ lòng người: « 10 Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội »
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương