Lời Chúa CN

Bài đọc 2 CN I Mùa Chay Năm B (1Pr 3,18-22) 22/02/2015

Nước đó là phép rửa nay cứu thoát anh em.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô tông đồ.

 

18 Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.

19 Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm,

20 tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước.

21 Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô,

22 Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.

 

Không biết thư Thánh Phê-rô này được viết trong bối cảnh nào. Có giả thuyết cho rằng lúc bị bách hại, vì có nhiều đoạn khích lệ được thánh nhân cỗ vũ. Ví dụ như : " Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến.15 Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em "( Ngụ ý là trước phiên toà) ( 1Pr 3,14-15). Ngoài ra bài đọc chúng ta bắt đầu bằng câu :Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi . Câu này nên hiểu: lòng cậy trông của bạn nên dựa vào cái chết và sự phục sinh của Đấng Ki-tô, chính sự kiện phục sinh mới giúp bạn mạnh dạn.

Sau đó Thánh Phê-rô ứng dụng thêm một lần nữa hình ảnh Người Tôi Trung Đau Khổ trong sách I-sa-i-a :

" 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm 
"( Is 53,5b)

Thánh Phê rô không cần nói tiếp vì ở đoạn trên Ngài đã triển khai rất dài đề tài này :

" 21 Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.22 Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng răn đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.25 Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em. "( 1Pr 2,21-25). Các đọc giả của thư Thánh Phê-rô và quen với Cựu Ước nhìn ra ngay gần như nguyên văn dung nhan của Người Tôi Trung trong sách I-sa-i-a. Đoạn kế tiếp là sự vinh thắng của Người Tôi Trung : " Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh "( Is 53,1)Ở đây cũng thế , Thánh Phê-rô ứng dụng cho Chúa Giê-su Ki-tô Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh…22 Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.

Tất cả cũng để cho chúng ta " hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa "(1Pr, 3,18b), Thánh Phê-rô nói. Cụm chữ dẫn đưa chúng ta ở đây phải hiểu trong nghĩa thật rộng có thể. Có nghĩa là chúng ta hết thảy, dù ai đi nữa, cũng có thể hưởng được công trình của đấng Ki-tô. Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Ngay cả thời ông Nô-ê, những người không xứng đáng lên tàu tránh lụt Hồng Thuỷ, ngày nay có thể nghe sứ điệp cứu độ sau đây : " 19 Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm,20 tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. "

Nói tóm lại phần đầu của đoạn này, có thể nói: Đấng Ki-tô đã chịu chết dứt khoát một lần cho chúng ta. Thế nhưng làm sao chúng ta lãnh nhận được ơn cứu độ đó: Thánh Phê-rô trả lời là bằng phép Rửa Tội. Ngài rút từ gương ông Nô-ê:  " thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. "Thánh nhân nói những người được rửa tội bước ra khỏi tàu sau cơn lụt như ông Nô-ê, vì ông có lòng công chính, biết nghe và chấp nhận đề nghị Giao Ước với Thiên Chúa : "Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này "( St 9,9). Tới phiên chúng ta, khi ra khỏi nước của Phép Rửa, chúng ta đi vào Giao Ước: Chỉ cần biết sẵn sàng cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô,… Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô,

Đằng sau phần nổi này có một đề tài mà Thánh Phê-rô ưa chuộng đó là hòn đá góc tường. Đối với người có đức tin, Chúa Giê-su Ki-tô là một tảng đá để có thể dựa vào ; đối với những người không tin, Chúa Giê-su Ki-tô là hòn đá góc tường, hòn đá làm vấp ngã.  Nước cũng có nhiệm vụ giống như thế : Là nguyên nhân làm cho kẻ từ chối không tin chết đi ; nguyên nhân ban sự sống cho những người nhận Phép Rửa. Nước đã chôn vùi những người đương thời với ông Nô-ê…nước đã làm đắm chìm quân Ai-cập thời Mô-sê ; cũng nước ấy đã nâng con tàu ông Nô-ê, và đã bảo vệ dân Do-thái khi được đi giữa nước biển chẻ ra làm hai bức tường che cho dân Ngài vượt biển. Vì thế cũng thứ nước đó có thể làm cho chúng ta trở nên anh em với Chúa Giê-su Ki-tô, qua phép Rửa. Chỉ cần tin với lương tâm trong trắng.

Kể từ nay chúng ta cũng như ông Nô-ê: được cứu vớt, được tách riêng ra để có thể là dấu chỉ, là một chứng tá cho ý Chúa  muốn nối kết Giao Ước với cả nhân loại. Nay đến phiên chúng ta là dấu chỉ và là chứng nhân cho bản Giao Ước hoàn vũ đó. Thánh Phê-rô nhấn mạnh đến tính cách hoàn vũ của đề nghị Giao Ước của Thiên Chúa bằng cách đưa ra con số Tám: "Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước . "Trong Cựu ước, con số Tám nói lên những tạo vật mới sau Bảy ngày tạo dựng ( St 1). Tám người ấy (Vợ chồng ông Nô-ê, và vợ chồng ba đứa con) là những người Chúa chọn để tiếp tục công trình tạo dựng của Ngài. Đó chỉ là một hình ảnh: Sự tái-tạo-dựng thật sự chỉ bắt đầu bằng sự phục sinh của Đấng Ki-tô. Nhân loại mới được sinh ra từ nước của phép Rửa. Cũng vì lẽ đó có nhiều bồn dùng làm phép Rửa được xây theo hình bát nhật.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com