"Thánh Thần của Đấng làm cho Đức Giê-su Ki-tô từi cõi chết sống lại, ở trong anh em."
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
8 Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.
9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.
10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.
11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
Tiên tri Ê-dê-ki-en đã loan báo « Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh » (Ed 37, 14). Kể từ ngày chúng ta nhận bí tích Rửa Tội, Thánh Phao-lô nói, đó là điều đã thành hiện thực. Ngài dùng một từ ngữ rất tượng hình « Người đang ngự trong anh em ». Dựa vào nghĩa đen của câu này, một nhà suy niệm Lời Chúa nói ta đã « thay đổi chủ nhà ». Chúng ta trở nên nhà của Thần Khí: kể từ nay chính Ngài chỉ huy.
Ngài chỉ huy thì rất hay, thú vị cho chúng ta trong mọi lãnh vực của cuộc sống, trong đời tư cũng như trong cộng đồng, cho những ai trong vai trò phải chỉ huy, hay nói cách khác, cho những mục tiêu của chúng ta hay cho những gì chúng ta theo đuổi. Đối với Thánh Phao-lô không có ba mươi sáu giải pháp: hoặc chúng ta sống dưới ách thống trị của xác thịt hoặc chúng ta sống dưới ảnh hưởng của Thần Khí. Dưới ảnh hưởng của Thần Khí, chúng ta đã rõ đó là nghĩa gì. Chỉ cần thay chữ Thần Khí bằng chữ Tình Yêu. Và trong thư gửi các tín hữu thành Ga-la-ta, thánh nhân kể ra hoa trái của Thần Khí là: « bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín »(Gl 5, 22), tóm lại đó là tình yêu trong mọi tình huống thực tế trong đời sống của chúng ta.
Tôi nói rõ là « trong mọi tình huống thực tế » Đối với Thánh Phao-lô « đời sống theo Thần Khí » không phải sống trên mây. Tuần vừa qua chúng ta đã thấy Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, ngài xứng là người thừa kế mọi truyền thống các ngôn sứ: đặc biệt về các ngôn sứ, chúng ta thấy trong sách I-sa-i-a, sống theo Thần Khí, là yêu thương và phục vụ anh em chúng ta.
Một khi đã định nghĩa thế nào là sống theo Thần Khí có nghĩa rất giản dị là sống theo yêu thương, chúng ta biết ý nghĩa thánh nhân muốn nói thế nào là sống theo xác thịt: tức là sống trái ngược với yêu thương, tức là vô tâm và giữ hận thù. Nói cách khác, tình yêu là thoát khỏi trung tâm của cái tôi; sống theo xác thịt là mọi sự quy về trung tâm là chính mình. Khi nãy tôi có đặt câu hỏi « ai chỉ huy ở đây ? » bây giờ có thể hỏi « ai là trung tâm của vũ trụ đối với chúng ta, đối với tôi ? »
Chắc chắn sống trong xác thịt, là trong nghĩa ấy- tức là hướng về mình - chúng ta sẽ không thể hài hoà với Thiên Chúa, không cùng giai điệu với Thiên Chúa vì Ngài chỉ là tình yêu. « Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. » (c8)
Trái lại, Chúa Ki-tô là Người Con yêu dấu, Thiên Chúa hài lòng vì Ngài. Có nghĩa là Ngài hoàn toàn và tuyệt đối hài hòa với Thiên Chúa vì Chúa Ki-tô, cũng chỉ là tình yêu. Trong hướng ấy bài tường thuật về cơn Cám Dỗ trong hoang địa (chúng ta đã đọc trong chúa nhật thứ nhất Mùa Chay) thật là xúc động. Đó là chương IV Tin Mừng Chúa Ki-tô theo Thánh Mát-thêu. Trong ấy cho ta thấy Chúa Giê-su chỉ qui về trọng tâm là Thiên Chúa và Lời Chúa. Chúa Giê-su tuyệt nhiên từ chối tập trung vào cơn đói hoặc vào sứ vụ Mê-si-a của mình.
Cơn cám dỗ đầu tiên. Sau bốn mươi ngày chay tịnh, Chúa đói, nhưng sự cám dỗ không phải ở chỗ đó. Sự cám dỗ là đòi hỏi Chúa làm một phép lạ cho cá nhân mình, có thể nói cho mình là trung tâm của vũ trụ. « Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! » (Mt 4, 3), kẻ cám dỗ chia rẽ đề nghị như thế. Chúa Giê-su chọn Lời Chúa làm trung tâm thế gian và của đời Ngài: « Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra » (Mt 4, 4). Hoa trái của Thần Khí là sự tự kiềm chế, Thánh Phao-lô gọi là sự nhẫn nại.
Cơn cám dỗ lần thứ hai. « Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá » (Mt 4, 6). Đây là câu trả lời của Chúa Giê-su: « Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. » (c7): hoa trái của Thần Khí là lòng cậy trông vào Thiên Chúa.
Cơn cám dỗ thứ ba. « Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi » (c9). Nhưng Chúa Giê-su hoàn toàn qui về Chúa Cha mà không vào những gì Ngài có thể nhận được từ Chúa Cha « Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi » (c10). Hoa trái của Thần Khí bao gồm tất cả, đó là tình yêu, Thánh Phao-lô nói thêm.
Sở dĩ bài Cám Dỗ trong Hoang Địa được đề nghị mỗi Mùa Chay, bởi vì Mùa Chay là cơ hội chúng ta rời khỏi cái tôi của mình để tập trung vào tha nhân và Thiên Chúa.
Sau đó vài đoạn, cũng trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma, thánh nhân nói Thần Khí Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Chính Ngài khuyến khích chúng ta gọi Chúa là Cha. Tôi chột miệng muốn nói « Cha nào Con nấy », tất cả những gì là tình yêu đến từ Thiên Chúa, đó là gia tài của chúng ta, là con Ngài: « Thần Khí cũng ban cho anh em được sống ». Thánh Phao-lô cũng nói trong (c10). Có thể hiểu « tình yêu là sự sống của anh em », chỉ tình yêu mới sáng tạo. Những gì không phải là tình yêu, không đến từ Thiên Chúa, là phải chết. Nhưng những gì trong ta là tình yêu đều đến từ Thiên Chúa và sẽ không thể chết: « Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. » (c11).
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương