"Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó"
1 Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2 Ít-ra-en hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
16 "Tay hữu CHÚA đã ra oai thần lực, tay hữu CHÚA giơ cao,
tay hữu CHÚA đã ra oai thần lực."
17 Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc CHÚA làm.
22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
23 Đó chính là công trình của CHÚA,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Nếu chúng ta không muốn phạm lỗi sai về niên đại, thì nên chấp nhận rằng bài này không viết cho Chúa Giê-su Ki-tô! Như mọi thánh vịnh khác, bài này được viết nhiều thế kỷ trước Ngài, để được hát trong Đền Giê-ru-sa-lem. Cũng như bao thánh vịnh, bài này thuật lại lịch sử Ít-ra-en, một lịch sử dài của Giao Ước: được gọi ở đây là: « công trình của CHÚA, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta » (c23). Đó là trải nghiệm làm cho dân Chúa chọn, có thể nói lên: vâng, thật vậy, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Chúa đã đồng hành với dân Ngài suốt lịch sử, và Ngài luôn giải thoát khỏi những thử thách.
Qua bài này chúng ta có ở đây một tiếng vang của bài ca vinh thắng, toàn dân được giải thoát khỏi Ai-cập đã hát sau khi vượt qua Biển Đỏ: « ĐỨC CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. » (Is 12, 2).
Chữ « công trình » hay « kỳ diệu » trong Thánh Kinh luôn luôn ám chỉ cuộc giải thoát khỏi Ai-cập. Và khi tôi nói, ám chỉ là chưa đủ mạnh, phải nói hồi tưởng theo nghĩa mạnh là múc lấy nghị lực trong ký ức chung của dân tộc.
« Tay hữu CHÚA đã ra oai thần lực, tay hữu CHÚA giơ cao, tay hữu CHÚA đã ra oai thần lực » (c16) câu này cũng để hồi tưởng lại cuộc giải thoát khỏi Ai-cập. Và công trình cứu độ của Thiên Chúa không phải xảy ra trong một ngày một buổi, đây là một công trình liên tục, không ngừng được trải nghiệm. Chính xác là một trải nghiệm có thể nói: những ai kính sợ Chúa « muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương » và ở đây chúng ta được học hỏi trong Thánh Kinh nên thay thế chữ kính sợ bằng yêu thương.
Và đó là nền tảng của sự cậy trông: Thiên Chúa sẽ gửi Đấng Mê-si-a của Ngài và cuối cùng mọi người sẽ hạnh phúc như đã hứa; sau hết dân chúng cùng với Ngài, tức là toàn nhân loại sẽ nhận biết được chính trực và công minh. Vào thời bài thánh vịnh được sáng tác điều ấy còn xa lắm… và ngày nay cũng thế! Nhưng Thiên Chúa có thể đổi thay mọi tình huống ngay cả cái chết thành sự sống: « Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc CHÚA làm. » (c17). Chúng ta như nghe ở đây, một tiếng vang của thánh vịnh 21, Chúa Giê-su thốt lên câu đầu trên thập giá: « Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? » Cũng như trong thánh thánh vịnh 21, bài này nói lên lòng tri ân toàn dân được giải phóng: « Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc CHÚA làm. »
Đấy là đức tin Ít-ra-en, để nói lên điều này, có thể lấy ngôn ngữ những kiến trúc sư: « Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. » (c22). Khi sáng tác bài thánh vịnh này không phải lần đầu hình ảnh đá góc tường được nêu lên để nói về công trình của Thiên Chúa: tiên tri I-sa-i-a đã làm như thế (chương 28).
Trong giai đoạn xã hội Giê-ru-sa-lem thoái hoá, đâu đâu cũng là dối trá, bất công, thối nát, khinh thị các điều răn Thiên Chúa, người ngôn sứ nhắc lại, ta chỉ gặt lấy những gì ta đã gieo: không thể nào tránh được, một xã hội như thế dẫn đến diệt vong. Lúc ấy tiên tri I-sa-i-a nói điều tương tự sau đây: anh em dựa vào điều hư ảo như luồng gió; có vẻ như anh em muốn chết (« Ta đã kết ước với tử thần, thoả hiệp cùng âm phủ. » (Is 28, 15)); thế mà anh em biết rằng chỉ có chính trực và công minh là những giá trị vững chắc nhất… Anh em như những người xây nhà chọn những thứ đá xấu nhất để xây nền!
Thế nhưng người ngôn sứ không bao giờ dừng ở những điều tiêu cực! Vì Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài… Việc xây dựng đã bắt đầu sai ư ? Các kiến trúc sư được giao phó công trình làm việc không nghiêm túc ư ? Cứ để như thế… Thiên Chúa sẽ lấy lại vai trò chỉ đạo các công trình. Ngài sẽ tái lập chính trực và công minh tại Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ làm như một kiến trúc sư, xây lại thành phố của Ngài! Nhưng lần này trên một nền tảng lành mạnh.
Chúng ta hãy đọc đoạn sách tiên tri I-sa-i-a: « Này đây Ta sẽ đặt ở Xi-on một phiến đá, phiến đá hoa cương, phiến đá góc vô giá làm nền móng vững bền, ai tin tưởng sẽ không hề nao núng. » (Is 28, 16). Bài thánh vịnh của chúng ta lấy lại hình ảnh tảng đá góc tường và làm rõ thêm (có thể nói bài này suy niệm về tảng đá góc tường) để loan báo một hành động thay đổi gây ấn tượng mạnh từ Thiên Chúa. Trên những giá trị bị những nhà cầm quyền bất lực khinh bỏ, Thiên Chúa sẽ xây một xã hội mới. Hơn thế nữa, từ những kẻ bé nhỏ, khiêm nhu, bị khinh khi, Thiên Chúa sẽ làm nảy sinh một dân tộc mới! « Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. » (c22)
Chính Chúa Giê-su cũng đã nêu lên khi nói về Mình lời tiên tri: « Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường », trong bài dụ ngôn những tá điền vườn nho giết người con ông chủ gởi đến. Chúng ta tìm thấy bài dụ ngôn này trong cả ba Phúc Âm nhất lãm: sự kiện này minh chứng rằng đây là đề tài rất quan trọng nơi các cộng đồng Ki-tô tiên khởi. Vì lẽ ấy, tất nhiên, bài thánh vịnh này trở nên bài ca tràn ngập hân hoan tuyệt vời cho ngày Phục Sinh. Chúa Ki-tô là tảng đá góc tường bị các thợ xây nhà loại bỏ: Ngài trở nên viên đá nền tảng của nhân loại mới. Vâng, thật vậy, đây là công trình của Thiên Chúa, kỳ diệu trước mắt chúng ta… muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương