Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN III PHỤC SINH Năm A (1Pr 1, 17-21) 30/04/2017

"Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Đức Ki-tô, Con Chiên tinh tuyền."

Trích thư thứ nhất Thánh Phê-rô Tông đồ.

 

17 Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này.

18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại.

19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô.

20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này.

21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.

 

Bài đọc 1 (Sách Công vụ Tông đồ) đã cho chúng ta bài giảng của Thánh Phê-rô sáng ngày lễ Ngũ Tuần, một thể văn mẫu của các cộng đoàn Ki-tô tiên khởi rao giảng như thế nào cho những người Do Thái. Và đây là thư Thánh Phê-rô, một bài giảng cho dân ngoại, những người không phải dân Do Thái, nay là Ki-tô hữu. Dĩ nhiên bài giảng không hoàn toàn giống nhau. Đây là điều B.A= Ba (LND: điều nền tảng, đơn giản nhất ) của cách truyền thông điều chỉnh cách nói cho thích hợp với cử toạ!

Tôi vừa nói bài này cho những người không phải người Do Thái. Nhưng thật sự không biết bài thánh thư này được viết chính xác hướng cho hạng người nào. Trong những hàng đầu Thánh Phê-rô chỉ nói ngài viết cho: « những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ » (1Pr 1, 1) trong năm tỉnh (trong xứ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay của chúng ta) Pon-tô, Ga-lát, Cáp-pa-đô-ki-a, A-xi-a và Bi-thy-ni-a. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng họ không phải người Do Thái, chính câu: « lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại » (c18): thật vậy, Thánh Phê-rô, chính ngài cũng là người Do Thái, không đời nào ngài nói câu ấy với người Do Thái… Ngài quá rõ lòng cậy trông của họ qua Lời Chúa và suốt đời dân tộc ngài hướng về Thiên Chúa. Không thể nào nói với họ « khách lữ hành đang sống tản mác » không định hướng!  

Nhưng nếu đối tượng không phải là người Do Thái, thì điều làm ta ngạc nhiên ngay trong đoạn này là con số ấn tượng những ngụ ý từ Thánh Kinh. Ví dụ như các câu: « bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích » (c19); « Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, »; « đem lòng kính sợ mà sống » (c17). Sở dĩ Thánh Phê-rô dùng những từ ngữ ấy không giải thích vì cử toạ đã biết trước. Từ đó tôi suy ra các Ki-tô hữu tiên khởi, đến từ những lương dân đã lãnh nhận các khóa giáo lý về Thánh Kinh rất nghiêm túc! Có lẽ chúng ta cũng lấy đó làm gương và giúp tạo điều kiện có những nơi, và những cơ hội để khám phá chiều sâu của Thánh Kinh cho mọi Ki-tô hữu.

Ngoài ra tôi cũng rút ra hệ luận rằng, ta không thể nào hiểu Tân Ước nếu ta cắt lìa với Cựu Ước. Một ví dụ cụ thể: khi đọc lại toàn bài thư Thánh Phê-rô, tôi chú ý ghi nhận các từ ngữ, những câu rút từ Cựu Ước, không kể những từ ngữ riêng rẽ …Thật là ấn tượng! Và chúng ta cũng có thể nói như thế trong toàn Tân Ước.

Còn một điều khác cũng gây ấn tượng mạnh, trong bài thánh thư chúa nhật hôm nay, đó là sự tương đồng với các thư Thánh Phao-lô. Bởi vì không ai biết rõ các thư Thánh Phao-lô được viết vào thời nào - các thư Thánh Phê-rô cũng thế - vì vậy tôi không dám mạo muội nói bài nào là tiếng vang cho bài kia, nhưng có vài điều tương đồng rất ấn tượng. Thánh Phê-rô nói: « anh em gọi Người là Cha, » trong lúc Thánh Phao-lô viết cho tín hữu thành Ga-la-ta: « Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! » (Gl 4, 6)

Thánh Phê-rô nói: «Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử » (c17) Thánh Phao-lô thì phát biểu như sau: « vì Thiên Chúa không thiên vị ai » (Rm 2, 11), hay ngài nói một cách khác, chúng ta quen thuộc: « Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô » (Gl 3, 28). Ở đây chúng ta nghe như một tiếng vang trong sách Huấn ca: « Sẽ đến lúc Người trả cho ai nấy theo việc họ làm, và xét xử hành động của người ta theo ý hướng của họ. » (Hc 35, 22)  

« Anh em … đã được cứu thoát … nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. » Thánh Phê-rô nói. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô Thánh Phao-lô viết: « Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. » (Ep 1, 7)

« Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này » (c20) đấy là lời Thánh Phê-rô, nhưng chúng ta có cảm tưởng như Thánh Phao-lô nói: « Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. » (Ep 1, 9) … và tôi thiết tưởng chúng ta có thể tiếp tục so sánh như thế giữa các thư Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô.

Để kết thúc, tôi xin trở lại hai cách trình bày của Thánh Phê-rô có thể va chạm chúng ta, nếu chúng ta không đặt vào ngữ cảnh Thánh Kinh.

Trước hết, cụm chữ « kính sợ Thiên Chúa ». Điều này có một ý nghĩa rất đặc biệt trong Thánh Kinh, chính bởi vì Chúa mặc khải cho dân Ngài như một người cha. Hãy nhớ đến câu sau đây trong (Tv 103,13): « Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn ». Kính sợ Thiên Chúa không phải sợ hãi, nhưng là một thái độ cha với con bằng tình thương, kính trọng, tôn sùng, và một lòng cậy trông hoàn toàn. Thánh Phê-rô nói rõ: « nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này » (c17). Thật là lô-gíc: anh em gọi Ngài là Cha, vậy thì hãy sống như người con. Bây giờ chúng ta hãy đọc trọn câu ấy: « anh em gọi Người là Cha… Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử… thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này ». Theo chứng cứ câu được Thánh Phê-rô nhấn mạnh: « Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử » chúng ta có thể đoán rằng, trong vài Ki-tô hữu mới này, đến từ dân ngoại, có người mặc cảm đối với những Ki-tô hữu gốc Do Thái. Thánh Phê-rô muốn làm cho họ an tâm, ngài nói một cách thực tế rằng: anh em là con như những anh em khác, hãy cư xử như những người con, giản dị thôi.

Cụm chữ thứ hai có thể chạm đến chúng ta: « anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô » (c19). Tôi cố tình trích ngắn gọn câu ấy có thể làm quý bạn khó chịu. Chúng ta bị cám dỗ nhìn vào đấy như một cuộc mặc cả ghê tởm, không rõ giữa ai với ai. Nhưng nếu tôi đọc cả đoạn văn Thánh Phê-rô, tôi khám phá ra hai điều. Thứ nhất không có sự mặc cả, sự cứu độ là « nhưng không », là một « ân huệ », tức là một món quà. Thánh Phê-rô cố gắng nói rõ: « không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc » (c18), đó là một cách nói « nhưng không ». Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê nói: « Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người » (Cl 1, 19).

Thánh Phê-rô không nhấn mạnh vào điểm, nơi chúng ta thường làm. Máu của con chiên tinh tuyền vô tì tích, là máu đổ ra trong lễ Vượt Qua, có nghĩa là sự giải thoát Ít-ra-en ra khỏi mọi hình thức nô-lệ. Máu ấy loan báo công trình thường trực Thiên Chúa cứu độ dân Ngài. Vì thế, đối với một đọc giả quen với Cựu Ước, đây là cách nhắc lại ngày lễ, một cách nào đó nhắc đến ngày lễ được tự do; đối với chúng ta không hẳn là thế. Thế nhưng sự cứu độ vĩnh viễn được hoàn tất nơi Chúa Giê-su Ki-tô, kể từ nay anh em bước vào một cuộc sống mới (khi xưa vùng đất hứa đã loan báo). Sự cứu độ ấy chính là điều anh em cầu khấn Chúa là Cha. Lúc bấy giờ chúng ta hiểu rõ hơn câu sau đây: anh em được giải thoát khỏi phải sống như « những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ » (1Pr 1). Sống như những khách lữ hành, có nghĩa là sống không định hướng, không đi tới đâu, đối lại với đời sống vĩnh cửu. Kể từ nay vì Người Con đã sống làm Người với lòng cậy trông đến cùng, thì tất cả nhân loại cũng đã tìm được con đường của thái độ người con đối với cha, tìm lại con đường của cây cho sự sống, hình ảnh của Vườn Địa Đàng. Thánh Phao-lô có thể nói: từ thái độ sợ hãi, ngờ vực của người nô lệ, anh em bước sang thái độ kính sợ của người con, đó là thái độ của những người con đối với Cha.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com