"Ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần"
Trích thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
11 Ngoài ra, thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.
12 Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em.
13 Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.
Thánh Phao-lô kết thúc thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô bằng những lời trên đây, và cũng bằng những lời này chúng ta bắt đầu phụng vụ mà chúng ta cử hành hôm nay. Câu sau cùng của ngài là câu đầu của các Thánh Lễ: « Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần luôn ở cùng anh chị em ». Cũng không phải một sự ngẫu nhiên đây là lời của chủ tế chứ không phải bất cứ của ai. Vì chỉ câu này mà thôi cũng loan báo cả công trình của Thiên Chúa cho loài người, và chủ tế ở đây chỉ thay mặt Ngài nói lên câu ấy. Điều Thiên Chúa đề nghị cho nhân loại, vỏn vẹn trong vài chữ, đó là đi vào vòng thân mật với Ngài, trong lòng yêu thương của Chúa Ba Ngôi.
« Ân sủng, tình thương và ơn hiệp thông » chỉ là một Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đó là Chúa Ba Ngôi. « Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần » đó chính là mái ấm tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Tôi vừa nói đó là một đề nghị của Thiên Chúa, đó là ý nghĩa của cụm chữ «… ở cùng anh chị em ». Phụng vụ thường dùng các động từ theo thì của lối liên tiếp (subjonctifs) như một lời van xin, kêu gọi: « Xin Chúa thứ tha », « Xin Chúa chúc lành », « Xin Chúa gìn giữ », « Chúa ở cùng anh chị em ». Dĩ nhiên không một phút nào chúng ta có thể tưởng tượng Chúa không tha thứ chúng ta, không ban phúc lành cho chúng ta, không gìn giữ chúng ta hay không ở cùng chúng ta. Cách nói ấy không mang ý nghĩa « ước gì » (ước gì Ngài có thể chúc phúc chúng ta, tha thứ chúng ta), bởi vì nơi Chúa, tha thứ, ban ơn, chúc phúc không phải là những hành động nhất thời phải quyết định mới thành hiện thực, nhưng chính là thực thể của Ngài. Thế nhưng cách nói theo Pháp ngữ là một lời ao ước. Nhưng chỉ vì sự ao ước ấy là hướng về chúng ta. Cách chia các động từ theo thể ấy nói rõ sự tự do của chúng ta: cũng như tôi tự do không đứng dưới nắng, tôi tự do không nhận sự chúc lành, sự tha thứ của Chúa. Có câu ngạn ngữ « Con người đề nghị, Chúa quyết định » … tôi nghĩ sự thật là trái ngược lại. Chúa thường trực đề nghị kế hoạch yêu thương của Ngài, Giao Ước với Ngài, chúng ta tự do kết hiệp vào kế hoạch của Ngài.
Xin nói lên điều cuối cùng về cách phát biểu Tam Vị của Thánh Phao-lô: cách phát biểu rõ ràng tính Ba Ngôi hoàn toàn không có trong Cựu Ước và rất hiếm trong Tân Ước. Một lần nữa, chúng ta thấy sự mặc khải tiệm tiến và đạt đến đỉnh cao với Chúa Giê-su Ki-tô. Chính sự mặc khải bí tích tình yêu nơi Thiên Chúa đã linh ứng cho những lời khuyên của Thánh Phao-lô.
Nơi khác, trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, ngài nói: « … tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em… Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. » (Ep 4, 1...6)
Sống cho xứng với ơn kêu gọi, như Thánh Phao-lô nói, tức là sống trong niềm vui và bình an, thuận hoà với nhau. Thánh nhân bắt đầu bằng niềm vui: « anh em hãy vui mừng » (c11). Khi Cựu Ước nói niềm vui, là một tình cảm mãnh liệt gợi lên từ trải nghiệm được cứu độ; có thể thay thế chữ « niềm vui » bằng sự phấn chấn được cứu độ (exultation de la libération). Ví dụ như tiên tri I-sa-i-a loan báo kết thúc một chiến tranh, bằng những lời loan báo sau đây: « Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. » (Is 9, 2). Về sau, khi từ nơi lưu đày trở về, tiên tri I-sa-i-a loan báo như một niềm vui lớn « Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất. » (Is 35, 10).
Và những trải nghiệm về giải thoát chỉ là những hình ảnh nhạt nhẽo, không thể nào so sánh với ơn cứu độ vĩnh viễn Chúa hứa cho nhân loại: « Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. 18 Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. » (Is 65, 17-18).
Là dấu chỉ của một cuộc đời hoan lạc, niềm vui, trong Cựu Ước được xem là một đặc điểm của thời cứu độ và bình an cánh chung. Khi Chúa Giê-su nói về niềm vui cho các Tông đồ, là Ngài đặt vào cương vị ấy, và Ngài giải thích: « anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian » (Ga 16, 33). Vì lẽ ấy Ngài mới có thể nói: « Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. » (Ga 15, 11) và còn nữa: « Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. » (Ga 16, 22).
Lời khuyên nhủ thứ hai của Thánh Phao-lô là: « hãy đồng tâm nhất trí » (c11). Ở đây chúng ta nghe như một tiếng vang lời nguyện Chúa Giê-su cầu cho các Tông đồ trong Phúc Âm Thánh Gio-an « để tất cả nên một … Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. » (Ga 17, 21). Thánh Phao-lô nói cách khác trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma « Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. » (Rm 15, 5-6)
Sự đồng tâm hiệp ý ấy được thể hiện qua phụng vụ trong cử chỉ ôm nhau chúc bình an vì câu « Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em » (c12), câu này được lặp lại nhiều lần trong thư Thánh Phao-lô, có ý nhắm đến cử chỉ phụng vụ có từ thời của ngài. Vào năm 150 thánh Âu-gút-ti-nô kể lại: « Khi các lời cầu nguyện chấm dứt, chúng ta choàng tay hôn nhau ». May thay chúng ta tìm lại cử chỉ ấy từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II.
Để kết luận, tôi không thể nào không kể lại « Hiến Chương Tông -đồ » của Thánh Hyppolyte, được thảo ra khoảng năm 215. Như các bạn nhận thấy khi đọc, chúng ta có lý do để nghĩ rằng thời ấy cũng đã phải quan tâm đến cách cư xử đối với các con chiên: « Giám mục nên chào cộng đoàn và nói « Bình an của Chúa Ki-tô ở cùng tất cả anh chị em. Và toàn dân chúng trả lời « Và ở cùng cha ». Người phó tế nói cho tất cả, anh chị em hãy trao nhau nụ hôn thánh, và những tu sĩ ôm hôn giám mục, người giáo dân nam (ôm hôn) giáo dân nam, và giáo dân nữ (ôm hôn ) giáo dân nữ »
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương