"Giê-ru-sa-lem hởi, hãy ngợi khen Chúa"
12 Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh CHÚA!
Này Xi-on, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi!
13 Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc,
con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.
14 Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình,
và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo.
15 Người tống đạt lệnh truyền xuống đất,
lời phán ra, hoả tốc chạy đi.
19 Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp,
chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en.
20 Chúa không đối xử với dân nào như vậy,
không cho họ biết những điều luật của Người.
Ha-lê-lui-a!
Để hiểu rõ những đề tài xen lẫn nhau trong thánh vịnh 147, nên đọc trọn bài. Trong bài bằng tiếng Do Thái, bài thánh vịnh bắt đầu và kết thúc bằng chữ Alleluia, vì thế, chúng ta biết trước bài này ca ngợi điều gì. Thật vậy, lời ca ngợi Thiên Chúa của Ít-ra-en luôn luôn kể lại lần lượt không biết chán những công trình của Thiên Chúa cho loài người, nói chung và cho dân Ngài nói riêng. Các công trình của Thiên Chúa ấy, là hai điều không thể tách ra được, đó là công trình tạo dựng và ơn cứu độ.
« Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh CHÚA! Này Xi-on, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! » Những anh chị kỳ cựu trong chúng ta nhận ra đây bài « Lauda Sion salvatorem ». Dù sao đi nữa câu này cũng giúp chúng ta nhận ra thời điểm chính xác: đây là lúc vừa từ Ba-by-lon trở về, tức là cuối thế kỷ thứ VI; lúc ấy phải xây lại thành phố, dựng lại Đền Thánh. Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa không có gì có thể thực hiện được: « Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, » (c13)
Trong bài thánh vịnh trước (trong bài tiếng Do Thái, hai bài thánh vịnh đi liền nhau) Thiên Chúa được gọi là «Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem » và «quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về. » (Tv146, 2). Nhưng Chúa không làm như công việc của kiến trúc sư: việc dân được hồi hương thật sự là một ân huệ được xử trắng án, Thiên Chúa đã thứ tha dân Ngài, và ơn tha thứ ấy thật như là một sự tái tạo dân Ngài. Đấy là lý do tại sao bài thánh vịnh này, cũng như nhiều bài khác, trộn sát nhau, một đàng vẻ đẹp của thiên nhiên và đàng khác mãnh lực của Lời Chúa. « Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng.. » (St 1, 3). Chúa nói trong bài thơ Tạo dựng bất hủ trong sách Sáng Thế, chính sách này được viết trong khi bị lưu đày. Chính là Thiên Chúa Đấng «quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về » (Tv 146, 2) đã tạo ra tinh tú. Tất cả là công trình của Lời tác tạo của Ngài vì đó là lời của tình yêu và tha thứ.
Bỗng nhiên, sự chồng chéo các đề tài lên nhau cách đó trở thành một loại tuyên xưng đức tin: sự biến đổi huyền diệu của thiên nhiên, gần như không có chuyển tiếp từ cảnh úa chết bên ngoài của mùa đông đến sự hồi sinh của mùa xuân là hình ảnh của dân tộc được phục sinh sau lời tha thứ: « Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi. Tuyết tựa lông chiên, Chúa trải dài, sương giá như tro, Người rải rắc. Làm mưa đá, Chúa tung từng miếng nhỏ, chịu nổi làm sao giá lạnh của Người! Chúa phán một lời là băng giải tuyết tan, thổi gió lên nước liền tuôn chảy. » (c15-18)
Sách Đệ Nhị Luật triển khai cũng đề tài này « Giáo huấn của tôi như giọt mưa thánh thót, lời tôi dạy bảo tựa sương móc nhỏ sa, khác nào mưa rơi trên nội cỏ, giống như nước đổ xuống đồng xanh. » (Đnl 32, 2). Chúng ta nghe câu này như một tiếng vang trong bài suy niệm bất hủ của tiên tri I-sa-i-a về Lời Chúa, hơn nữa bài suy niệm này cũng phát xuất gần như vào thời kỳ ấy: « Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. Phải, các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan, rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự. Trước mặt các ngươi, đồi núi sẽ cất giọng reo hò, cây cỏ ngoài đồng sẽ vỗ tay. » (Is 55, 10-12)
Và lúc bấy giờ chúng ta hiểu rõ công trình ấy là gì. Công trình của Lời Chúa, điều tiên tri I-sa-i-a đề cập đến, đó là sự loan báo tha thứ! Ít-ra-en hưởng đặc ân được Thiên Chúa mặc khải hiểu rõ sứ điệp ấy: sực mặc khải ấy, chính Chúa là tha thứ. Chúng ta hãy nghe bài thánh vịnh 102 (103) « CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. » (c8-12). Lời tha thứ ấy dân tộc Ít-ra-en được đặc ân nghe trước hết « Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người. Ha-lê-lui-a! » Điều luật của Người, có nghĩa là Tha thứ, theo cách nói của Thiên Chúa!
Lời tha thứ ấy là điều con người khao khát. Đó là ý nghĩa của những câu đầu bài thánh vịnh chúng ta vừa đọc « Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo. Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi. » (c14, 15). Hãy nhớ bài trích sách Đệ Nhị Luật được đọc ngày lễ Mình và Máu Chúa (và không phải là sự ngẫu nhiên mà chúng ta đọc thấy nói về bánh « người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. » (Đnl, 3c)… Hơi thở của Ngài, Lời Ngài, lời tha thứ của Ngài. Những ngày lưu đày họ dùng bánh nước mắt, bánh lòng chua xót; nay hồi hương, đây là thời của đầy dư, bánh lúa mì no nê. Nhưng xin đừng nhầm, sự đầy dư ấy là từ sự chuộc tội (như trong thánh vịnh 129). Sự tha thứ của Thiên Chúa còn chắc chắn hơn sự trở lại bốn mùa trong năm, mùa này sang mùa khác lại đến.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương