"Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể."
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
16 Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?
17 Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.
Trong bài chúng ta vừa đọc Thánh Phao-lô gửi cho tín hữu thành Cô-rin-tô được đóng khung trước và sau bằng hai điều khuyến cáo hết sức quan trọng. « anh em thân mến, hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng » (1Cr 10, 14), và cuối đoạn này có câu: « Hay là ta muốn làm cho Chúa phải ghen tương? » (c22), câu này cũng có cùng nghĩa. Mỗi lần Thánh Kinh nói đến Chúa ghen tương là nói về thờ phượng bụt thần.
Trong đoạn này Thánh Phao-lô nhắm vào một vấn đề chính xác, và nếu đặt ngoài văn cảnh ấy thì rất khó hiểu. Đạo Ki-tô không thực hiện hy lễ súc vật; nhưng Do Thái giáo không phải là tôn giáo duy nhất thực hiện, nhiều tôn giáo khác cũng làm như thế. Nơi các tôn giáo khác, dù là Do Thái Giáo, hay một tôn giáo khác sau hy lễ thường có một bữa ăn ngay trong đền thờ, họ dùng thức ăn là thịt con vật được hiến tế với ý nguyện kết hợp với thần thiêng. Và như thế, trong dân thành Cô-rin-tô có những kẻ trước khi được hoán cải đã tham dự vào cuộc tế lễ súc vật của đạo Hy Lạp và các bữa ăn sau dịp tế lễ ấy.
Hình như, theo văn cảnh của thư Thánh Phao-lô, có vài người trong những người ấy còn muốn tiếp tục tham dự vào những bữa ăn cúng trong đền các bụt thần. Về điều này Thánh Phao-lô quả quyết, phải chọn lựa: hoặc kết hiệp với Thiên Chúa hằng sống hay tìm một sự kết hợp nào khác. Không thể nào vừa ngồi vào bàn với Thiên Chúa vừa vào bàn các bụt thần.
Một vấn đề khác khó hơn được đặt ra. Các phần thịt dư thừa từ các súc vật hiến tế trong các đền thờ bụt thần đem bán cho các cửa hàng thịt. Một Ki-tô hữu mua về dùng không đồng lõa với thờ phượng bụt thần hay có ? Vấn đề này làm nhức nhối Giáo hội ban đầu, chiếm một chỗ quan trọng trong sách Tông đồ Công vụ (ch15), trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma (ch 14 và 15) và trong thư này gửi tín hữu thành Cô-rin-tô (8 đến 10).
Đối với vài người, bởi vì các bụt thần không hiện hữu có thể ra chợ mua về ăn trong nhà phần thịt cúng đó, đơn giản chỉ là thịt mà thôi. Thánh Phao-lô không thấy gì trở ngại với điều kiện không xúc phạm các Ki-tô hữu kỹ tính hay những người không phải Ki-tô hữu, ngạc nhiên thấy những Ki-tô hữu đồng tình với thờ phượng bụt thần. Lý luận của ngài luôn chỉ dựa vào một nền tảng. Thánh Thể Chúa đưa chúng ta kết hợp với Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô. Bây giờ chúng ta mới hiểu tại sao Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến ý nghĩa của bữa ăn trong phụng vụ Ki-tô giáo: « Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, … là dự phần vào Máu Đức Ki-tô… Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, … là dự phần vào Thân Thể Người …» Từ ngữ ngài dùng (bằng tiếng Hy-lạp là koinonia) gợi lên một quan hệ thân tình, lệ thuộc vào nhau, một sự liên đới thâm sâu). Chúa Ki-tô nói cách khác, Ngài dùng chữ « Giao ước »: « Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. » (Lc 22, 20; Mc 14, 24; Mt 26, 28). Giao ước theo Thánh Kinh có nghĩa là sự lệ thuộc vào nhau, một lời cam kết liên đới với nhau: khẩu hiệu vĩ đai nhất là: « Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi. » (Gr 30, 22). Nơi Chúa Giê-su đấng hoàn tất Giao ước với nhân loại, và cũng nơi Chúa Giê-su nhân loại đón nhận chương trình của Thiên Chúa và đáp lại Ngài. Ngài là Đấng giữ liên hệ với Thiên Chúa bằng đối thoại không tì bóng, được đề nghị cho A-đam, tức là cho cả nhân loại. Đó là tất cả mầu nhiệm Chúa Giê-su vừa là Người vừa là Thiên Chúa: nơi Ngài, Thiên Chúa đề nghị tình yêu của Ngài, và cũng nơi Ngài, nhân loại đáp lại bằng cách tạ ơn. Nơi Ngài, Thiên Chúa nói, mặc khải (Ngài là Ngôi Lời, là Lời của Chúa); và cũng nơi Ngài, nhân loại đáp lại Lời Ngài. Nơi Ngài, Chúa hiến mình; cũng nơi Ngài nhân loại đón nhận món quà của Thiên Chúa. Các bạn hẳn nhận ra sơ đồ của nghi thức phụng vụ, chính nơi ấy giao ước được hoàn tất.
Đây là một mặc khải vô cùng lớn lao cho dân Ít-ra-en: Thiên Chúa Siêu Việt trở nên Thiên Chúa Thật Gần Gũi. Điều này là một sự thật vĩ đại trong phép Thánh Thể, đối với chúng ta là một mầu nhiệm của Thiên Chúa Siêu Việt và đồng thời chúng ta cũng được tham dự vào vòng thân mật của Ngài, vào đời sống thiêng liêng của Ngài: không phải con người với lên Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đến gần con người. Thế thì Bí Tích Thánh Thể là bữa tiệc kết hiệp như tất cả các tôn giáo khác nhưng của lễ tế đã thay đổi: của lễ Chúa chờ đợi, không phải cắt tiết con vật, mà dâng hiến cuộc đời chúng ta. Như thánh vịnh 39 đã nói, « Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: "Này con xin đến! » (c7,8a). Chúa Ki-tô đã làm như thế. Tất cả đời người của Ngài được dâng hiến, và phục vụ anh em Mình. Và khi chúng ta tham dự vào buổi tiệc Thánh Lễ, chúng ta kết hiệp đời sống chúng ta với đời Ngài để dâng lên Chúa Cha.
Điều này đem chúng ta đi rất xa, Thánh Phao-lô còn nói chúng ta thuộc về một phần của thân thể Chúa Ki-tô: « khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, … là dự phần vào Thân Thể Người » (c16). Sở dĩ chúng ta thật sự thuộc về một thân thể của Người là vì Chúa có thể cho ta sống cùng một đời sống của Người. Khi Thánh Au-gút-ti-nô nói cho những người rước Mình Thánh Chúa: « Hãy trở nên Đấng bạn lãnh nhận, bây giờ hãy nhận lấy con người bạn vừa hiện hữu ». Thánh nhân nói rõ rằng chúng ta trở nên mình và máu Đức Giê-su Ki-tô, có nghĩa là đến phiên chúng ta những cuộc đời hiến dâng để phát sinh nhân loại mới.
Thật vậy, một khi chúng ta tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, điều này không chỉ liên hệ riêng chúng ta: Chúa Giê-su đã nói rõ Ngài dâng đời Ngài cho muôn dân, và khi Ngài dâng thân Ngài làm của ăn, chính là cho cả nhân loại. Lúc bấy giờ chúng ta chứng kiến lời tiên tri I-sa-i-a được hoàn tất: « Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy. Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ. » (Is2 56, 9). Như một tiếng vang, các Ki-tô hữu tuyên xưng: « Thật vậy, đây là mầu nhiệm đức tin ».
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương