"Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương Chúa tới muôn đời".
2 Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."
16 Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô;
nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy CHÚA.
17 Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở;
bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang.
18 Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài,
hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con.
19 Đấng bảo vệ chúng con là người của ĐỨC CHÚA,
vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en.
Trên đây chỉ có vài câu của bài thánh vịnh 88 (bài này trên thực tế gồm 53 câu) và tất cả có vẻ thật giản dị! Nhìn qua bề ngoài là bầu khí sảng khoái; nhưng chính tính cách đơn giản đó làm chúng ta ngờ có việc gì khác. Khi các ngôn sứ dạy chúng ta đoạn nào nói nhiều về ánh sáng, về vinh thắng… thì rất có thể bài ấy được viết trong một đoạn đời tối tăm hay bại trận. Trong bài này, những chữ đầu nói về tình yêu và lòng tín trung đối với Thiên Chúa: có lẽ nên nói thẳng ra, nên tin như thế nếu không muốn rơi vào thất vọng, nản chí. Nhưng nếu bạn không tin, hãy xem trong Thánh Kinh câu 50: « Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành? » Điều gì được mạnh dạn quả quyết, thì thật ra đó là điều ta e đã đánh mất…
Điểm nhận xét sơ bộ thứ hai. Trong Thánh Kinh trọn bộ Thánh vịnh gồm tất cả năm quyển, mỗi quyển được kết bằng một công thức ban phúc lành. Bài thánh vịnh 88 này là bài cuối của quyển thứ ba và câu chót của bài là: « Chúc tụng CHÚA đến muôn đời. A-men. A-men. » (c53). Nhưng toàn bài thánh vịnh có tính cách kết cuộc, hay đúng hơn tính tổng hợp. Rất có thể bài này được viết trong thời lưu đày Ba-by-lon, bài vẽ một bích họa lịch sử Ít-ra-en: thời ban đầu Giao Ước, những lời hứa cho vua Đa-vít, sự trông chờ Đấng Mê-si-a và bây giờ là kiếp bị đày, có nghĩa là mọi sự đều sập đổ (không còn vua ở Giê-ru-sa-lem, không ai nối nghiệp ngai vua, tức là không có Mê-si-a). Thiên Chúa quên chăng lời hứa của Ngài ? « Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành? » (c53).
Hai nhận xét ấy nói cho chúng ta biết ngay một khi chỉ hát vài câu của bài thánh vịnh, đừng quên những câu kia của bài, nếu không thì bài thánh vịnh được hiểu sai lệch. Nhưng bây giờ chúng ta hãy trở về các câu trong phụng vụ Thánh Lễ Chúa nhật thứ XIII hôm nay. Vì lẽ bài ngắn, chúng ta nhân dịp xét kỹ các câu ấy. Thường khi, trong các tuần lễ gần đây, chúng ta kinh ngạc thán phục vì sự phong phú nội dung các thánh vịnh và chúng ta không có thời gian để dừng lại ở hình thức; để thay đổi, hôm nay chúng ta bắt đầu bằng việc ấy.
Cấu trúc của đọan thơ đầu thật tuyệt vời :
2 Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."
Hẳn các bạn chú ý có sự đối chiếu song song của các câu, có nghĩa là phần thứ hai đi với câu thứ nhất « Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng; lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời ». Tình thương của Chúa/lòng thành tín của Chúa… Con ca tụng/con rao giảng … muôn ngàn thế hệ/ Thiên thu.
Bây giờ chúng ta xem xét câu thứ hai: « Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài ». Chúng ta lại nhận ra sự đối chiếu song song ấy: Tình thương/ lòng thành tín… đời đời/ muôn ngàn thế hệ. Có hai cụm chữ Thiên thu/ lên trời, có thể làm các bạn ngạc nhiên, nhưng đây cũng là đối chiếu, nhưng lần này là giữa không gian và thời gian. Chúng ta đang đứng trước một cấu trúc rất thông thái, điều này khuyến khích chúng ta chăm sóc lúc ca các bài thánh vịnh.
Trong hai câu đầu chúng ta đã gặp hai lần đôi chữ tình thương /lòng thành tín (nếu bạn hiếu kỳ đọc trọn bài thánh vịnh 88, bạn sẽ nhận ra 7 lần như thế, và con số 7 không phải kết quả của sự ngẫu nhiên… ). Trong công thức tình thương /lòng thành tín, chúng ta nhận ra cách diễn đạt từ lâu Mặc khải ông Mô-sê nhận từ Thiên Chúa trong sa mạc Sinai: « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6 ). Và khi câu đầu bài hôm nay cho chúng ta nói lên: « Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ », chữ tình thương (trong bản tiếng Do Thái) có nghĩa là « những cử chỉ tình thương của Chúa », Thiên Chúa không thích chỉ nói, nhưng bằng hành động và sự thật, như về sau này Thánh Gio-an nói. « chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm ». (1Ga 3, 18)
Chính trong thời gian bị lưu đày dân Ít-ra-en mới nhớ lại hơn bao giờ hết những « cử chỉ yêu thương của Chúa » đối với họ, vì lúc ấy có cơn cám dỗ thật lớn khiến họ nghĩ rằng Thiên Chúa có thể quên dân Ngài. Và có một nhóm người cốt lõi nhắc lại cho cả toàn dân không bao giờ Chúa hết là vua Ít-ra-en. Đó là ý nghĩa của câu cuối rất lạ: « Đấng bảo vệ chúng con là người của ĐỨC CHÚA, vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en. » (c19). Rất khó dịch ra, và được đọc lúc không còn vua ở Ít-ra-en, thật ra câu này có ý nói « vua chúng ta là Thiên Chúa, Đấng bảo vệ chúng ta là Đức Thánh của Ít-ra-en ». Và để nói lên hùng hồn hơn nữa, ở đây có những chữ dành cho vua chúa: « tung hô …quyền…hiên ngang » đặc biệt chữ tung hô để nói đến chữ « terouah »,.. có nghĩa là lời tung hô vị vua ngày được xưng vương; đó là những lời hô các chiến sĩ, đặc thù của quân đội bởi vì, thời ấy vua trước hết là người cầm đầu quân đội.
« Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô;
nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy CHÚA.
17 Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở;
bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang.
18 Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài,
hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con.
19 Đấng bảo vệ chúng con là người của ĐỨC CHÚA,
vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en.»
Nhưng biết rằng, sau những nét vinh thắng của bài thánh vịnh này, chuyện gì xảy ra. Những câu cuối bài cho chúng ta cái nhìn đại cương: « Lạy Chúa, xin nhớ rằng: các tôi tớ Ngài bị thoá mạ, những lời phỉ báng của chư dân, con đây vẫn chất chứa trong lòng. Vâng, lạy CHÚA, kẻ thù Ngài thoá mạ, theo sát gót mà buông lời thoá mạ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong. » (c51-52). Thêm lý do để lặp lại lời hứa của Chúa.
Bài thánh vịnh này cho chúng ta một bài học, Trong đêm tối mới tin vào ánh sáng. Thánh Phao-lô diễn đạt bài học này trong thư thứ hai gửi Ti-mô-thê: « Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. » (2Tm 2, 13)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương